Cổ phiếu bị bán giải chấp: Qui định của pháp luật và những khuyến cáo với nhà đầu tư

11/11/2022 10:20

Thời gian qua đã có hàng triệu cổ phiếu của lãnh đạo một số doanh nghiệp bị bán giải chấp. Vậy pháp luật qui định về vấn đề này thế nào. Và nhà đầu tư cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?

anh-minh-hoa-1667984986.jpg
 

Nhà đầu tư cần nâng cao năng lực phân tích, cả về năng lực phân tích cơ bản doanh nghiệp tới phân tích đồ thị kỹ thuật và diễn biến giá giao dịch trên sàn.

Cổ phiếu bị bán giải chấp là tình huống không một nhà đầu tư nào mong muốn, khi tổng tài sản sụt giảm quá mức quản lý rủi ro của mình dẫn đến sự can thiệp của công ty chứng khoán. Mỗi lần cổ phiếu bị bán giải chấp, nhà đầu tư bị thiệt hại rất nhiều. Để cổ phiếu không bị bán giải chấp và sử dụng margin có hiệu quả, nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ tỷ lệ ký quỹ tài khoản trước những biến động của cổ phiếu đang nắm giữ.

Cổ phiếu của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị bán giải chấp

Mới đây nhất, các lãnh đạo và cổ đông lớn của bất động sản Phát Đạt và DIC Corp liên tục bị các công ty chứng khoán "call margin" khi thị giá cổ phiếu PDR, DIG chạm đáy.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) mới đây đã công bố thông tin về việc bán giải chấp chứng khoán của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR). Số lượng cổ phiếu PDR dự kiến bán giải chấp là 1,8 triệu cổ phiếu, thời gian bán giải chấp dự kiến từ ngày 8/11 đến khi đủ tỉ lệ ký quỹ theo quy định.

Tương tự, ngày 8/11, TVSI cũng thực hiện bán giải chấp 1,9 triệu cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings. Được biết, Phát Đạt Holdings là cổ đông lớn hiện sở hữu 10,96% vốn điều lệ tại PDR.

Theo thông báo, việc bán giải chấp có thể không được thực hiện theo quyết định của TVSI mà không có thông báo ra công chúng nếu giá thị trường của tài sản đảm bảo thay đổi hoặc chủ tài khoản bổ sung tài sản đảm bảo đủ tỉ lệ theo quy định về giao dịch ký quỹ. Số lượng chứng khoán dự kiến bán giải chấp là ước tính tại thời điểm công bố thông tin, số lượng chứng khoán bán thực tế có thể ít hơn hoặc nhiều hơn do thay đổi giá thị trường làm thay đổi giá trị tài sản đảm bảo.

Trước đó, TVSI cũng đã thông báo dự kiến bán giải chấp 750.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của ông Nguyễn Phát Đạt kể từ 7/11. Cùng thời điểm, Tân Việt cũng đã thông báo về việc bán giải chấp chứng khoán PDR của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings với số lượng 720.000 cổ phiếu kể từ ngày 7/11.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/11, cổ phiếu PDR đóng cửa tại mức giảm kịch sàn 32.500 đồng/cổ phiếu, so với mức đỉnh hồi tháng 12/2021, cổ phiếu PDR đã giảm 55% thị giá. Cùng ngày 8/11, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng cho biết sẽ bán giải chấp 398.600 cổ phiếu DIG thuộc sở hữu ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch HĐQT của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp). Được biết, ông Nguyễn Hùng Cường là con trai của ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp. Em dâu của Chủ tịch là bà Hà Thị Thanh Châu cũng bị KBSV thông báo bán giải chấp 58.900 cổ phiếu DIG. Công ty CP Đầu tư Thiên Tân cũng bị thông báo bán 1,1 triệu cổ phiếu DIG để giải chấp. ….

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cũng có thông báo về việc bán giải chấp 3,9 triệu cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT của DIC Corp. Đồng thời, MAS dự kiến bán giải chấp 2,1 triệu cổ phiếu DIG của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch HĐQT DIC Corp. Thời gian dự kiến bán vào ngày 8/11. Trước đó, ngày 4/11 Mirae Asset cũng đã bán giải chấp 2,8 triệu cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Thiện Tuấn.

Ngoài ra, CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng mới thông báo bán giải chấp 2,13 triệu cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp. Tương tự, ông Nguyễn Hùng Cường và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng buộc phải bán lần lượt 1,47 triệu cổ phiếu và 1,44 triệu cổ phiếu DIG. Thời gian thực hiện của ba giao dịch trên từ ngày 7/11.

Làn sóng bán giải chấp cổ phiếu lãnh đạo diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Nguyên nhân do thị giá cổ phiếu bất động sản giảm mạnh trong hai tháng gần đây hệ lụy của áp lực đáo hạn trái phiếu tăng lên và những thông tin về một số vụ án Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát thời gian qua cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Qui định về bán giải chấp cổ phiếu

Bán giải chấp cổ phiếu là việc công ty chứng khoán thực hiện bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định.

Bán giải chấp cổ phiếu (Force sell) thường xảy ra khi nhà đầu tư sử dụng giao dịch ký quỹ (margin) và giá cổ phiếu xuống dưới ngưỡng cho phép của công ty chứng khoán nhưng nhà đầu tư chưa nộp thêm tiền. Trước khi bán giải chấp cổ phiếu, các công ty chứng khoán thường có thông báo tới khách hàng của mình biết trước 1-2 ngày. Nếu không muốn bị bán giải chấp, nhà đầu tư phải nộp thêm tiền vào tài khoản ký quỹ để đạt ngưỡng an toàn tối thiểu do công ty chứng khoán quy định.

Ví dụ: Một nhà đầu tư có một tỷ đồng, muốn mua 40.000 cổ phiếu XYZ trị giá 2 tỷ đồng (giá 50.000 đồng một cổ phiếu) với gói vay 3:7 của công ty chứng khoán. Tức là, công ty chứng khoán cho khách hàng vay: 2 tỷ x 70% = 1,4 tỷ đồng. Nhà đầu tư bỏ vốn: 2 tỷ x 30% = 600 triệu đồng.

Công ty chứng khoán này quy định tỷ lệ ký quỹ duy trì tối thiểu lớn hơn 30%. Khi thị trường xuất hiện tín hiệu xấu, giá cổ phiếu XYZ giảm xuống 35.000 đồng một cổ phiếu, khi đó tổng tài sản còn 35.000 x 40.000 = 1,4 tỷ đồng. Vốn của khách hàng còn: 1 tỷ - (15.000 x 40.000) = 400 triệu đồng.

Tỷ lệ ký quỹ trên tài khoản khi đó: (400 triệu /1,4 tỷ)x100% = 28,6%, nhỏ hơn quy định tỷ lệ ký quỹ duy trì tối thiểu. Như vậy, khách hàng sẽ bị call margin. Nếu giá cổ phiếu giảm tiếp còn 33.000 đồng một cổ phiếu, tổng tài khoản là: 33.000x40.000=1.320 triệu đồng. Vốn của khách hàng còn: 1 tỷ - (17.000x40.000)= 320 triệu.

Tỷ lệ ký quỹ trên tài khoản lúc này là: 320 triệu/1.320 triệu=24%. Lúc này cổ phiếu sẽ bị bán giải chấp.

Cổ phiếu bị bán giải chấp là tình huống không một nhà đầu tư nào mong muốn, khi tổng tài sản sụt giảm quá mức quản lý rủi ro của mình dẫn đến sự can thiệp của công ty chứng khoán. Mỗi lần cổ phiếu bị bán giải chấp, nhà đầu tư bị thiệt hại rất nhiều.

Khuyến cáo với nhà đầu tư

Trong vòng một tháng nay, nhiều lãnh đạo khác của các doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản cũng bị bán giải chấp cổ phiếu, như ông Đinh Văn Thanh - phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) - bị bán giải chấp 24.500 cổ phiếu HBC, hay ông Nguyễn Tuấn Anh - thành viên hội đồng quản trị độc lập của Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (mã HDC) - bị bán giải chấp 73.000 cổ phiếu HDC...

Giám đốc một công ty chứng khoán lớn chia sẻ về nghiệp vụ trước khi bán giải chấp cổ phiếu, các công ty chứng khoán đều thực hiện công việc call margin (lệnh gọi ký quỹ), tức thông báo cho khách hàng biết và nhanh chóng nộp tiền/cổ phiếu vào tài khoản để tránh bị bán giải chấp do cổ phiếu bị giảm giá sâu. Nếu khách hàng không hành động, hoặc bổ sung không đủ, không đỡ được việc giá cổ phiếu bị giảm quá nhanh và sâu, công ty chứng khoán sẽ kích hoạt lệnh bán giải chấp nhằm hạ tỉ lệ nợ về mức an toàn.

Riêng ngành bất động sản, cuối năm là lúc các "ông chủ" rất cần tiền để đáo hạn các khoản vay ngân hàng, đáo hạn trái phiếu... Tuy nhiên các kênh huy động vốn như vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu đều đang gặp khó, tiến độ bán dự án lại chậm, dẫn đến việc "bị cạn tiền, cạn lực để trợ giá cổ phiếu".

Ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC - nhận định có không ít cổ đông lớn, chủ doanh nghiệp quá cần tiền nên đã xoay xở bằng cách vay ký quỹ ở các công ty chứng khoán. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho biết, do “tắc” nguồn vốn tín dụng, “tắc” nguồn vốn “trái phiếu”, “tắc” cả nguồn “vốn huy động từ khách hàng”, nên một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” nên phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy “rủi ro”, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng) tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ.

Một số chuyên gia cho rằng, thị trường đã phản ứng thái quá với việc bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo tại một số doanh nghiệp. Nhiều cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh tốt, dòng tiền ổn định nhưng vẫn bị bán bất chấp. Hệ lụy của nhóm bất động sản kích hoạt tâm lý tiêu cực cho cả thị trường dẫn đến nhiều phiên không có quá tin xấu nhưng Vn-Index lao dốc, mua bán cạn kiệt, thanh khoản chỉ chưa đạt 10.000 tỷ đồng. Do đó, theo giới chuyên môn, nhà đầu tư chỉ nên nhận diện rủi ro này ở những doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao, có liên quan tới phát hành trái phiếu chất lượng thấp, chứ không nên đánh đồng tất cả các doanh nghiệp trên thị trường.

"Hiện việc giải chấp quy mô lớn bởi cầm cố cổ phiếu có liên quan tới lãnh đạo là những doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao hoặc có dư nợ trái phiếu lớn. Nhà đầu tư cần nâng cao năng lực phân tích của mình, cả về năng lực phân tích cơ bản doanh nghiệp tới phân tích đồ thị kỹ thuật và diễn biến giá giao dịch trên sàn. Đặc biệt là phân tích được năng lực tài chính của doanh nghiệp mà mình dự định đầu tư", Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng khuyến cáo.

Nhiều chuyên gia tài chính chỉ rõ, tâm lý của nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam là không chấp nhận bán lỗ, luôn kỳ vọng hồi phục dẫn đến càng "ôm" càng lỗ, bị ép bán giải chấp.

Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng margin lúc thị trường giảm sâu. Nhà đầu tư chỉ nên sử dụng margin khi đã có kinh nghiệm lâu năm, am hiểu thị trường và doanh nghiệp, không nên margin vào những cổ phiếu có tính đầu cơ, chỉ sử dụng margin khi thị trường có xu hướng tăng rõ ràng, nhưng ở mức độ vừa phải, tạo một biên độ an toàn cho tài khoản.

Bên cạnh đó, để cổ phiếu không bị bán giải chấp và sử dụng margin có hiệu quả, nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ tỷ lệ ký quỹ tài khoản trước những biến động của cổ phiếu đang nắm giữ.

Mặc dù các chuyên gia không khuyến cáo nhà đầu tư nên xem xét danh mục đầu tư quá thường xuyên, nhưng nếu nhà đầu tư có số dư ký quỹ đáng kể, họ cần theo dõi hằng ngày. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư biết được danh mục đầu tư của mình đang ở đâu và liệu có gần đến mức ký quỹ duy trì hay không.

Nhà đầu tư chỉ nên sử dụng margin khi đã có kinh nghiệm lâu năm, am hiểu thị trường và doanh nghiệp, không nên margin vào những cổ phiếu có tính đầu cơ, chỉ sử dụng margin khi thị trường có xu hướng tăng rõ ràng, nhưng ở mức độ vừa phải, tạo một biên độ an toàn cho tài khoản.

Phân tích cổ phiếu kỹ lưỡng và tìm hiểu tỷ lệ ký quỹ của các công ty chứng khoán giúp nhà đầu tư có được kế hoạch đầu tư chắc chắn hơn. Nhà đầu tư có thể sử dụng các ứng dụng chứng khoán để hỗ trợ tìm điểm mua/bán.

Đầu tư chứng khoán vốn đòi hỏi tính kỷ luật cao, khi nhà đầu tư ký quỹ càng phải xây dựng tính kỷ luật chặt chẽ hơn khi ra quyết định đầu tư.

Hà Trang ( T/h)
Bạn đang đọc bài viết "Cổ phiếu bị bán giải chấp: Qui định của pháp luật và những khuyến cáo với nhà đầu tư" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin