Cải cách thể chế: chìa khóa chủ đạo cho tăng trưởng kinh tế

Cải cách thể chế đóng vai trò như một chiếc chìa khóa vạn năng, có thể cùng lúc mở tất cả những cánh cửa vẫn đang bị kẹt với mọi ngành và lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam.

[caption id="attachment_134649" align="aligncenter" width="410"]Ảnh minh họa từ Internet Ảnh minh họa từ Internet[/caption]

Lúc này, hầu như bất cứ ai quan tâm đến lĩnh vực kinh tế Việt Nam đều có chung một nhận thức rằng năm 2016 sẽ là thời điểm bản lề quan trọng đối với vận mệnh nền kinh tế và đất nước. Nói một cách ví von, năm 2016 là một làn sóng lớn, có thể đưa người lướt sóng lên cao hay nhấn chìm xuống đáy, tùy thuộc vào cách thức ứng phó và giải quyết của Việt Nam để tận dụng được làn sóng ấy hay để nó nhấn chìm.

Nếu có một thời điểm Việt Nam cần bung hết mọi khả năng và tiềm lực của nền kinh tế để nắm bắt lấy cơ hội thì đó chính là thời điểm hiện tại. Và chìa khóa để giải phóng mọi tiềm lực của Việt Nam để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện nay chính là cải cách thể chế.

Chìa khóa giải phóng tất cả tiềm lực

Đối với một nền kinh tế trong thế giới hiện đại, không khó để nhận ra vai trò và tầm quan trọng của thể chế đối với nền kinh tế của đất nước đó. Cho dù đó là một quốc gia ưa chuộng các lý thuyết kinh tế cổ điển, đề cao vai trò tự điều tiết của thị trường thông qua nguyên tắc “bàn tay vô hình” như Mỹ hay Anh, thì xu thế tất yếu đang ngày càng gia tăng theo thời gian là việc chính phủ ngày càng có xu hướng can thiệp vào cách thức vận hành của nền kinh tế khi cần thiết.

Mô hình kinh tế được sử dụng nhiều nhất và rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay là mô hình kinh tế hỗn hợp, bao gồm hai yếu tố chủ đạo là thị trường tự do và sự điều tiết, can thiệp của nhà nước khi cần thiết. Bất cứ một nền kinh tế của một quốc gia nào trên thế giới đều mang trong nó những biểu hiện và dấu hiệu đặc trưng của thể chế mà quốc gia đó đang lựa chọn.

Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Mọi yếu tố của nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại, từ các bộ phận chủ đạo cấu thành nền kinh tế, hoạt động của các bộ phận đó, cho đến cách thức vận hành nền kinh tế, đều mang những ảnh hưởng của thể chế Việt Nam và chính sách kinh tế mà thể chế đang thiết lập.

Cho dù về một số điểm, nền kinh tế Việt Nam có những nét tương đồng với một số quốc gia khác trên thế giới, như Việt Nam cũng xuất khẩu dầu mỏ giống các nước Trung Đông trong khi nền nông nghiệp của Việt Nam lại có những nét tương đồng với Nhật Bản, còn chính sách xuất khẩu dựa trên nhân công giá rẻ thì lại gần giống Trung Quốc, nhưng về cơ bản nền kinh tế Việt Nam vẫn là một chủ thể độc nhất. Về cơ bản, nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại là sản phẩm của chính sách kinh tế mà chúng ta đang theo đuổi kết hợp với tình hình cụ thể trong nước, trong đó thể chế đóng vai trò chủ đạo.

Dễ dàng nhận ra điều đó trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế đất nước. Nếu truy căn đến tận cùng yếu tố chủ đạo tác động đến mọi ngành kinh tế của Việt Nam, sẽ thấy yếu tố thể chế đóng vai trò cốt lõi.

Chẳng hạn trong nông nghiệp, vấn đề lớn nhất ngăn cản sự phát triển của ngành này là việc chưa cho phép mua bán và tích tụ đất đai quy mô lớn. Đây không phải là một vấn đề kinh tế đơn thuần mà là thuộc về thể chế. Một ví dụ khác là việc tiếp tục dồn nhiều nguồn lực phát triển cho khối các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong khi hiệu suất của khối DNNN này kém xa khối các doanh nghiệp tư nhân, nguyên do cuối cùng cũng là ở thể chế.

Hay như cơ chế xin - cho vốn là nguồn gốc của việc sử dụng vốn vay tràn lan, thiếu hiệu quả và gây ra thất thoát, lãng phí, tạo nên hậu quả là gánh nặng nợ công giờ đây đã gần kịch trần sớm hơn thời điểm dự kiến trước 5 năm, cũng xuất phát từ thể chế.

Một hệ quả khác của cơ chế xin - cho cũng đang trở thành rào cản ngăn cản nền kinh tế phát triển là nạn tham nhũng, hối lộ, tiền lót tay và bôi trơn. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB), các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam một năm thất thoát khoảng 20-40 tỷ USD do các vấn nạn liên quan đến tham nhũng và hối lộ này. Ở Việt Nam thể chế cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do chúng ta vẫn chưa có được một cơ chế giám sát và ngăn ngừa tham nhũng một cách có hiệu quả.

Điều không thể trì hoãn nếu muốn phát triển

Cải cách thể chế, vì thế đang đóng vai trò như một chiếc chìa khóa vạn năng, có thể cùng lúc mở tất cả những cánh cửa vẫn đang bị kẹt với mọi ngành và lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Những vấn đề và thách thức căn bản nhất với nền kinh tế Việt Nam hiện nay như phát triển nông nghiệp, phân bổ ngân sách và nguồn vốn phát triển hợp lý, nâng cao mức sống người dân hay phát triển một cách bền vững... đều sẽ được dễ dàng giải quyết nếu như cải cách thể chế được diễn ra.

Nói cách khác, những dòng chảy trong nền kinh tế Việt Nam sẽ được khơi thông và vận hành trơn tru hơn nếu các tảng đá chặn dòng chảy vốn là những nút thắt về thể chế được gỡ bỏ.

Nhưng, như bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhận xét: trong 70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị gần như không thay đổi. Trong khi đó nền kinh tế lại thay đổi liên tục không ngừng ở rất nhiều khía cạnh và hầu hết các nút thắt đang cản trở nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế phát triển hiện nay đều được xem là dấu hiệu của việc thể chế đã không có những thay đổi để theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Các vấn đề cốt lõi hiện nay của nền kinh tế Việt Nam đều không thể giải quyết chỉ với những thay đổi vụn vặt như các mệnh lệnh hành chính, mà nó đã chạm đến những nút thắt của thể chế, và chỉ có thể được cải thiện thông qua cải cách thể chế.

Năm 1986, với Khoán 10 nền kinh tế Việt Nam đã được cởi bỏ một nút thắt; đến năm 2000 khi luật Doanh nghiệp được đưa vào hoạt động nền kinh tế đã được cởi bỏ nút thắt thứ hai. Nhưng giờ đây khi Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhất từ trước đến nay để nền kinh tế có thể cất cánh, thì chúng ta cần phải gỡ bỏ những nút thắt một cách toàn diện và sâu rộng nhất. Nếu tiếp tục ngần ngại, Việt Nam có thể sẽ bỏ lỡ mất cơ hội lớn cuối cùng này để trở thành một nền kinh tế phát triển và hùng mạnh.

Đây là cơ hội lớn nhất để Việt Nam có thể đón đầu dòng chảy mới của kinh tế thế giới vốn vừa được tạo ra với Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu bỏ lỡ, đến khi trật tự kinh tế mới của thế giới đã được định hình, chúng ta sẽ không còn cơ hội, và vẫn mãi chỉ là một nước kém phát triển thuộc thế giới thứ ba.

Thời gian không chờ đợi bất kỳ ai và có những cơ hội buộc phải nắm lấy bằng mọi giá. Trên tất cả là một nguyên tắc rất đơn giản: Nếu muốn bay, phải gỡ bỏ tất cả những sợi dây đang ràng buộc đôi cánh.

Theo Motthegioi

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin