Trong nhiều điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, có những quy định đề cao tinh thần bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp 2013.
Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu với bạn đọc lựa chọn của một số chuyên gia về quy định mới có ý nghĩa nhất.
TS PHAN ANH TUẤN, Trường ĐH Luật TP.HCM: Quyền im lặng là quyền con người
BLTTHS 2105 quy định người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Theo tôi, đây là quy định thể hiện cao nhất quyền con người, cụ thể hóa quyền được tự bảo vệ của công dân.
Một nghi can bị bắt trong lúc mất bình tĩnh, hoảng loạn, sợ hãi hoàn toàn có thể khai báo bất lợi cho họ theo “gợi ý” của cán bộ tố tụng. Họ cần có thời gian để bình tĩnh lại hoặc nhờ luật sư (LS) bảo vệ mình. Khi người bị buộc tội im lặng thì cơ quan tố tụng phải đi chứng minh họ phạm tội bằng chứng cứ hợp pháp chứ không thể bằng lời khai do mớm cung, bức cung, dùng nhục hình. Như vậy, mục đích muốn điều tra, phá án nhanh bằng biện pháp có chủ đích đã không được thỏa mãn, đây là tiền đề để thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội.
Nhưng im lặng không có nghĩa là không nói gì nên người bị buộc tội phải biết sử dụng quyền này sao cho hợp lý. Chẳng hạn một nghi can thực hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội này nhưng cơ quan tố tụng lại quy kết tội khác nặng hơn, lúc này nếu nghi can im lặng là hại chính mình.
Lời khai của nghi can cũng chỉ là một trong các chứng cứ chứ không phải là chứng cứ duy nhất để buộc tội.
LS PHAN TRUNG HOÀI, Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam: Bỏ giấy chứng nhận bào chữa - Bước đột phá lớn!
BLTTHS 2015 quy định về chế độ đăng ký bào chữa là một bước chuyển mang tính đột phá trong quá trình xác lập địa vị pháp lý, vai trò của người bào chữa (chủ yếu là LS). Về bản chất, quy định này đã xóa bỏ một rào cản lớn - điểm nghẽn bấy lâu gây khó khăn cho LS hành nghề, xóa bỏ cơ chế hành chính “xin-cho” giữa LS và người tiến hành tố tụng.
Sau khi LS đăng ký, cơ quan tố tụng phải ban hành văn bản thông báo cho LS và cơ sở giam giữ trong vòng 24 giờ để LS thực hiện quyền của mình. Về bản chất, văn bản thông báo này không phải là thủ tục hành chính. Đó là nghĩa vụ mà cơ quan và người tiến hành tố tụng phải thực hiện nhằm bảo đảm cho LS tham gia tố tụng.
Trước đây, nhiều trường hợp CQĐT từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS với lý do... người bị buộc tội từ chối. Có một thực tế rất tréo ngoe là sau khi kết thúc điều tra, rất nhiều người bị buộc tội lại nhờ chính LS mà họ từng từ chối ấy. Nay BLTTHS sửa đổi đã có phương án giải quyết tình trạng bất hợp lý này. Theo đó, nếu người bị buộc tội từ chối LS do người thân của mình nhờ thì cơ quan tố tụng phải cho LS vào gặp trực tiếp để hỏi rõ vì sao. Đây cũng là một bước tiến lớn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình tham gia tố tụng của LS.
[caption id="attachment_135092" align="aligncenter" width="410"]
Bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa là điểm mới được giới luật sư rất hoan nghênh. Ảnh minh họa: T.TÙNG[/caption]
LS BÙI QUANG NGHIÊM, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM: Ghi âm, ghi hình hỏi cung để chống oan, sai
Quy định này rất tiến bộ, là bước đột phá để tuyên chiến với tình trạng bức cung, dùng nhục hình. Việc dùng kỹ thuật công nghệ giám sát quá trình hỏi cung sẽ khắc phục được bệnh thành tích của điều tra viên (ĐTV) trong khi thi hành công vụ. Thực hiện tốt quy định này sẽ tránh được những án oan. Về bản chất, nó là nghĩa vụ mà CQĐT phải làm. Vậy nên buổi hỏi cung không được ghi âm, ghi hình thì bị coi là vi phạm tố tụng và tòa được quyền không công nhận kết quả điều tra để yêu cầu khắc phục.
Luật quy định người tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để chứng minh sự thật của vụ án nhưng không có nghĩa là được làm trái pháp luật. Việc ghi âm, ghi hình sẽ thực hiện chức năng giám sát quyền năng ấy của người tiến hành tố tụng. Nếu ngay từ đầu điều tra đúng luật thì bản chất của vụ án sẽ được sáng tỏ theo hai hướng là có tội hay không có tội.
Ngoài ra, tài liệu từ ghi âm, ghi hình cũng là bằng chứng để tòa làm căn cứ và LS bảo vệ bị cáo dùng để tranh luận với đại diện VKS tại phiên tòa. Quy định này còn bảo vệ được ĐTV tránh bị vướng vào những lời vu cáo sai sự thật. Khi áp dụng quy định này thì mọi thứ rõ ràng, không ai vu oan cho ai được vì tất cả đều có âm thanh, hình ảnh chứng minh.
Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao: Luật sư bình đẳng với kiểm sát viên
Tôi ủng hộ việc BLTTHS quy định cho TAND Tối cao thẩm quyền sắp xếp lại chỗ ngồi bình đẳng giữa các bên buộc tội và gỡ tội. Thay đổi trên rất cần thiết, là điều đáng mừng.
Về mặt nhận thức, người ta thấy việc HĐXX ngồi cao nhất thể hiện đây là thành phần quan trọng nhất tại phiên tòa nhân danh Nhà nước xét xử người bị cáo buộc phạm tội. Nó cũng tạo ra sự uy nghiêm của chốn công đường và tính nghiêm túc trong phòng xử. Kiểm sát viên và LS ngồi phía dưới, ngang hàng nhau để thể hiện sự bình đẳng về mặt hình thức trong tranh tụng. Có ngồi ngang hàng nhau thì mới có bình đẳng, có bình đẳng thì mới có tranh tụng chất lượng.
Từ trước tới nay, những người tham dự phiên tòa thường có tâm lý là kiểm sát viên ngang hàng, ngang quyền với HĐXX do họ cùng ngồi trên một bục cao, còn LS ngồi riêng phía dưới. LS không phải là người tiến hành tố tụng nhưng xét ở đối trọng trong khuôn khổ tranh tụng tại phiên tòa thì LS lại ngang hàng với kiểm sát viên. Việc thay đổi chỗ ngồi này đáp ứng được tinh thần cải cách tư pháp khi mục đích của nó là hướng tới quá trình tranh tụng bình đẳng, dân chủ và có chất lượng, tức là nâng chất tranh tụng tại phiên tòa.
TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương: Nghe lén quan tham - Thuốc trị tham nhũng hiệu quả
BLTTHS sửa đổi cho phép áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt đối với một số tội.
Tôi cho rằng đây là quy định rất cần thiết để tạo điều kiện cho CQĐT chủ động thu thập chứng cứ, đấu tranh hiệu quả với các tội phạm có tổ chức, phức tạp về ma túy, rửa tiền, khủng bố...
Quy định trên cũng sẽ tạo thuận lợi cho quá trình điều tra, tránh kéo dài, củng cố chứng cứ vững chắc. Nếu không thì cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ rất khó phá được những vụ án nghiêm trọng, đặc biệt là án tham nhũng trong tình hình hiện nay.
Bởi lẽ thực tế vi phạm có nhiều nhưng phát hiện, xử lý được rất ít hoặc xử lý theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”. Phải nghe lén, phải ghi âm, ghi hình bí mật thì mới lôi quan tham ra ánh sáng được.
Quy định này còn tạo ra sự minh bạch về những hành vi mà CQĐT được thực hiện, thúc đẩy sự xử lý nghiêm minh các tội phạm về tham nhũng.
Tuy nhiên, quá trình áp dụng cần phải được kiểm soát chặt để tránh bị lạm dụng, bảo đảm được quyền con người, quyền công dân.
Theo Phapluattp