Hơn 1.184 thùng nước C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép đã được tiêu huỷ ngay ngày 31.5. Tuy nhiên, đây chỉ là 1 phần rất, rất nhỏ so với sản phẩm không thu hồi được.
Ông Nguyễn Văn Nhiên – Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế đã cho biết, theo báo cáo của Công ty TNHH URC Hà Nội, công ty chỉ thu hồi được 1.184 thùng hàng tương đương 28.416 chai (24 chai/thùng). Còn lại số nước thuộc 2 lô trà xanh hương chanh C2 và 3 lô nước tăng lực Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng trị giá 3,875 tỷ không thể thu hồi do đã bán hết.
[caption id="attachment_141605" align="aligncenter" width="410"] Sản phẩm nước C2 và Rồng đỏ do Công ty TNHH URC Hà Nội sản xuất có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.[/caption]
Hiện giá bán lẻ của C2 và Rồng đỏ ngoài thị trường là 5.000 đồng/chai. Chưa kể giá bán buôn cho đại lý còn thấp hơn nhiều. Như vậy, ước tính đã có cả triệu chai nước ngọt có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép đã “vào bụng” người tiêu dùng, trong đó có rất nhiều trẻ nhỏ.
Theo TS Phạm Duệ- nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, quy định hàm lượng chì cho phép trong nước là 0,05mg/lít có nghĩa uống nước này vào người sử dụng sẽ không bị ngộ độc chì, lượng chì có thể được thải ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu, mồ hôi. Nhưng đã vượt ngưỡng cho phép thậm chí từ 4 đến 9 lần thì đương nhiên gây hại cho sức khoẻ, nhất là đối với trẻ em. Việc để “lọt” các sản phẩm có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép là vô cùng độc ác đối với thế hệ trẻ.
“Mức độ ngộ độc đến đâu thì còn tuỳ thuộc vào số lượng nước có chì vượt ngưỡng uống vào cơ thể và tuỳ thuộc vào chức năng thận của mỗi người. Nếu thận tốt thì việc đào thải chì tốt, còn nếu đào thải không tốt, chì sẽ đọng trong cơ thể, ngấm vào máu, vào xương và gây ngộ độc” – TS Duệ nhận định.
PGS-TS Trần Hồng Côn - chuyên gia về hóa học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng cho biết, chì rất độc hại với cơ thể. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn là chì dần dần tích tụ trong cơ thể người, rất khó nhận biết, đến khi có các dấu hiệu thì đã ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, đặc biệt với trẻ em. Do đó, rất nguy hại nếu uống phải nước ngọt có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép. Vượt ngưỡng có nghĩa sẽ gây độc hại với cơ thể người, tuy nhiên, độc hại đến đâu phải qua thăm khám, kiểm tra mới biết rõ.
Trước đó, Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH URC Hà Nội hơn 5,8 tỷ đồng vì các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, trong đó có việc để “lọt” ra thị trường 5 lô nước có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, việc thu hồi chỉ được một phần rất nhỏ so với số lượng đã bán ra.
Theo Danviet