(Pháp lý) - Căn bệnh nhờn luật, coi thường pháp luật hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân khá cơ bản đó là có một số trường hợp mức xử phạt quá nhẹ. Xử phạt nhẹ lại có nhiều nguyên nhân, đó là quy định của pháp luật không còn phù hợp với đời sống và do người có thẩm quyền cố tình xử nhẹ.
Pháp luật nhiều lỗ hổng và bất cập
Một nữ sinh bị sàm sỡ trong thang máy tại Hà Nội, được camera ghi hình và nạn nhân trình báo Công an. Vụ việc được làm rõ, sau đó theo lịch hẹn đương sự Đỗ Mạnh Hùng phải đến xin lỗi cô gái nhưng không đến, mức phạt cho hành vi sàm sỡ, xúc phạm danh dự nhân phẩm đó bị phạt hành chính 200 ngàn đồng. Xong.
Trong lúc nạn xâm hại tình dục đang trở thành vấn nạn nhức nhối, thì việc xử phạt như không phạt trên đây gây tổn thương một lần nữa cho nạn nhân và bất bình đối với dư luận xã hội.
Trái ngược với mức xử phạt đó, dư luận đã từng bức xúc vì những mức phạt quá nặng được đưa ra cho những vi phạm nhỏ như hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định bị phạt tới 3 triệu đồng (Nghị định 155/2017/ NĐ-CP) hay trớ trêu hơn là vụ anh thợ điện Nguyễn Cà Rê (ở Ninh Kiều, Cần Thơ) bị xử phạt 90 triệu đồng và tịch thu gần 2,3 triệu đồng vì đã mang đổi 100 USD tại tiệm vàng…
Những biểu hiện bất thường đó phản ánh chất lượng kém trong các văn bản dưới luật. Hiện nay, nhiều văn bản pháp luật còn hiệu lực pháp lý nhưng đã lạc hậu, bất hợp lý khi áp dụng trong thực tế. Nếu so sánh hành vi vi phạm của anh Nguyễn Cà Rê đối với hành vi của Đỗ Mạnh Hùng, một bên là vô ý, một bên là cố ý, một bên chỉ là giao dịch thông thường với một bên là xâm phạm thân thể người khác, với mức phạt gấp 450 lần thì mới thấy sự vô lý đến mức nào.
Tất cả các quy định pháp luật đều nhằm mục đích điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong cuộc sống. Trật tự xã hội sẽ được bảo đảm và công lý sẽ được thực thi khi các quy định pháp luật phù hợp với thực tế. Từ những vụ việc cụ thể như trên, có thể thấy rằng chất lượng xây dựng không ít các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn nhiều bấp cập. Việc xây dựng các quy định pháp luật một cách xa rời thực tế, chính là yếu tố khiến pháp luật có thể bị coi thường.
Hay một vấn nạn khác là tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn đang hoành hành khiến các doanh nghiệp chân chính bị thiệt hại, người tiêu dùng trở thành nạn nhân, nhưng dù đã được cảnh báo, nhiều biện pháp được triển khai nhưng hàng giả, hàng nhái chưa thuyên giảm. Kết quả khảo sát của trường Đại học Thương mại với 100 doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ đã cho thấy, 90% doanh nghiệp sợ sản phẩm bị làm nhái nếu đưa ra thị trường, nhưng lại có tới 70% doanh nghiệp lại sẵn sàng nhái mẫu mã của doanh nghiệp khác.
Một khảo sát khác với 350 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực tại địa bàn Hà Nội, Thái Nguyên và Thanh Hóa cho thấy, chỉ có 208 doanh nghiệp quan tâm đến bảo vệ thương hiệu. Tuy nhiên, trong số này lại mới có 18/208 doanh nghiệp đã và đang xác lập quyền. 1/18 doanh nghiệp có đăng ký kiểu dáng công nghiệp và 17/18 doanh nghiệp chỉ đăng ký nhãn hiệu.
Theo nhận định của chuyên gia, sở dĩ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn ngang nhiên có mặt trên thị trường là do có tới 98,37% vụ việc được giải quyết bằng xử lý hành chính (mức phạt từ 20 - 30 triệu đồng, không đáng kể so với khoản lợi nhuận quá lớn từ việc sản xuất lưu thông hàng giả), còn lại số rất nhỏ 1,63% xử lý bằng tư pháp qua Tòa án. Điều này cho thấy, khuôn khổ pháp luật trong xử lý vi phạm hàng giả còn quá nhẹ, chế tài chưa mạnh.
Hay trong sự kiện chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đang được báo chí phản ánh rằng, nhà chùa mở dịch vụ “trục vong”, người có nhu cầu sẽ nộp số tiền theo; người của chùa đưa ra, từ dăm bảy triệu đến hàng trăm triệu, báo chí cho biết mỗi năm chùa này thu hàng trăm tỉ đồng, câu hỏi đặt ra là hành vi đó có phải là hành nghề mê tín dị đoan hay không?
Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau: “1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”… Khoản 2 mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu làm chết người; Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên…
Như vậy là chùa Ba Vàng hay bất cứ cơ sở thờ tự nào nếu có người hành nghề mê tín, dị đoan thu lời hàng trăm tỉ đồng, thậm chí gây chết người cũng sẽ khó có thể bị xử lý hình sự ngay, nếu trước đó đối tượng chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích.
Chế tài xử lý người cố tình xử nhẹ?
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã thẳng thắn chia sẻ, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Tình hình an ninh mạng; an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh các vùng chiến lược còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội tuy giảm 2,72% về số vụ, nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng. Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công.
Nguyên nhân của tình hình, theo Bộ trưởng Tô Lâm chủ yếu là do: Tình hình kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn; sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận trong xã hội diễn ra đáng lo ngại; hệ thống pháp luật còn nhiều vướng mắc, bất cập; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn sơ hở; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ; Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và trang bị phương tiện của một số đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, cá biệt có trường hợp vi phạm bao che cho tội phạm gây dư luận xấu...
Trong các nguyên nhân trên đây, có nguyên nhân quan trọng đó là do năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm, nhưng lại vi phạm pháp luật, cá biệt có trường hợp vi phạm bao che cho tội phạm. Tuy nhiên, trong đó năng lực, trình độ thì có thể bồi dưỡng, tập huấn, còn ý thức trách nhiệm và bao che cho tội phạm thì phức tạp và nghiêm trọng hơn nhiều, nhưng chưa có “biệt dược” trị loại bệnh này.
Ví dụ trong lĩnh vực xét xử án hình sự, bản án có mức xử phạt quá nhẹ, dưới quy định của điều luật, áp dụng sai các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì chỉ có thể có kháng nghị để xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm. Thẩm phán xử sai đó chỉ bị áp dụng chỉ tiêu thi đua, đặc biệt là chỉ tiêu về số lượng và chất lượng của công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án ( tỷ lệ án hủy 1,16%, tỷ lệ sửa 4,20% do lỗi chủ quan của Thẩm phán) để đánh giá khi tái bổ nhiệm hoặc thi đua hàng năm, không có chế tài xử lý khác.
Đối với ngành Kiểm sát, giải pháp đề ra cũng chỉ là tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất; quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, mà chưa tìm ra biện pháp xử lý những sai phạm như bỏ lọt tội phạm, không truy tố hành vi vi phạm pháp luật hình sự hoặc không kiến nghị kháng nghị bản án có mức án quá thấp trái quy định của pháp luật…
Dù cố gắng đến đâu, pháp luật cũng vẫn có độ trễ so với sự thay đổi của xã hội, do đó rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phải là một công tác thường xuyên, liên tục, chú trọng thực chất, với kỹ năng tốt. Nếu hệ thống pháp luật còn nhiều lỗ hổng thì khó có thể có sự nghiêm minh, đó là điều ai cũng thấy.
Đồng thời với nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật thì vấn đề cũng quan trọng không kém, thậm chí quan trọng hơn nhiều, chính những người thực thi pháp luật quyết định hiệu lực, hiệu quả của pháp luật. Dù pháp luật đã có chất lượng tốt, chuẩn mực, dễ thực hiện nhưng người có thẩm quyền vẫn có thể cố tình áp dụng sai, bóp méo quy định.
Cảnh sát giao thông có nhiệm vụ hướng dẫn người dân tuân thủ đúng luật giao thông, đảm bảo trật tự và an toàn giao thông. Nếu họ đứng ở vị trí điều khiển giao thông, thì có mấy phương tiện dám vượt đèn đỏ? Hành vi “núp” của họ đã và đang bị xã hội lên án có bao nhiêu trường hợp bị lộ? Và có pháp luật nào quy định họ được “núp” để bắt những người dân thiếu ý thức giao thông không? Và không khó để thấy cảnh sát nhận tiền để bỏ qua lỗi của người vi phạm, đó có phải là hối lộ và nhận hối lộ không?
Lực lượng dân phòng có vai trò tham gia cùng lực lượng công an phường trong việc giữ gìn trật tự trị an khu phố. Có pháp luật nào quy định họ được giữ xe, thu tài sản của dân và đánh dân không?
Tham nhũng là quốc nạn, nhiều bản án nghiêm khắc dành cho các đối tượng tham nhũng đã được tuyên nhưng trong thực tế người dân vẫn chứng kiến tham nhũng hàng ngày, từ tệ nạn phong bì khi làm việc ở các cơ quan công quyền, trong ngành giáo dục, y tế, cảnh sát giao thông,… đến sự chia chác hoa hồng trong việc thực hiện các dự án, sự tham ô bòn rút tài sản công, sao vẫn ngang nhiên tồn tại?
Cuộc sống đặt ra vô số câu hỏi như thế xung quanh vai trò của người có thẩm quyền thực thi pháp luật, có thẩm quyền xử lý, giải quyết sai phạm, vi phạm của người dân, nhưng chưa có biện pháp nào hữu hiệu để thanh lọc bộ máy (cán bộ có sai phạm) một cách triệt để.
Do đó, chế tài nào để xử lý các công chức có thẩm quyền nhưng cố tình áp dụng sai pháp luật, khi chưa đủ dấu hiệu truy tố họ về tội nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi… là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay.
Thái Đăng