Bài 11: Giám sát công tác cán bộ, phương thức nào sắc bén và hiệu quả?

03/10/2018 15:28

(Pháp lý) - Khi những thiệt hại của các đại án được thống kê, dư luận và cả xã hội bàng hoàng. Thiệt hại lớn đến vậy, một phần là do công tác cán bộ, đặc biệt là việc giám sát cán bộ bị buông lỏng khiến sai phạm kéo dài, tích tụ thành hệ thống. Để giảm thiểu những thiệt hại do sự hư hỏng của cán bộ gây ra, đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu một cơ chế giám sát cán bộ hiệu quả hơn? Phóng viên Pháp lý đã ghi nhận ý kiến của các ĐBQH và chuyên gia pháp luật xung quanh vấn đề này.

Dân bức xúc, nghị trường “nóng” vì tình trạng cán bộ cấu kết để “đục khoét” công quỹ

Khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố sai phạm của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng liên quan đến 9 dự án, 31 nhà công sản ở Đà Nẵng, trong một buổi tiếp xúc cử tri, các cử tri Đà Nẵng đã thẳng thắn "truy" cách quản lý, giám sát của các cơ quan liên quan để xảy ra tình trạng cả Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch TP đều có sai phạm ? Câu hỏi của các cử tri Đà Nẵng cũng là câu hỏi của cử tri cả nước trước hàng chục vụ đại án với sai phạm có hệ thống của cán bộ.

Câu hỏi của cử tri được truyền đến các đại biểu và Quốc hội. Theo dõi hoạt động của Quốc hội, tại phiên họp toàn thể lần thứ 11 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã có nhiều ý kiến lo lắng thực trạng tham nhũng với sự cấu kết của nhóm đối tượng là cán bộ, có quyền có chức, có hiểu biết pháp luật tạo ra lợi ích nhóm mà bấy lâu nay dư luận phản ánh, đã được gọi tên cụ thể.

Trong báo cáo của ngành công an, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Qua các vụ án lớn đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các “nhóm lợi ích”, hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng đã khởi tố 1.247 vụ, 1.818 bị can phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (tăng 68,06% vụ và 42,03 bị can so với cùng kỳ năm 2017); 264 vụ, 530 bị can phạm tội tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (tăng 27,54% vụ, 8,38% bị can).

Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, tội phạm trong các lĩnh vực quản lý nhà nước cũng diễn biến phức tạp, trong đó một số lĩnh vực có nhiều nguy cơ như ngân hàng, chứng khoán, quản lý đất đai, lĩnh vực thuế, hải quan… Lãnh đạo Bộ Công an cũng đề cập, trong lĩnh vực y tế - dược, có tình trạng trạng móc ngoặc nâng khống giá thuốc, thiết bị y tế.

Trong Báo cáo của ngành kiểm sát do Phó Viện trưởng Bùi Mạnh Cường trình bày nêu khái quát: Một số nhóm tội phạm được phát hiện khởi tố, tiếp tục tăng như tội phạm về tham nhũng, chức vụ (22,8%), tội phạm về ma túy (11,2%), tội phạm về trật tự xã hội (0,8%). Đồng thời cho biết, ngành kiểm sát đã khởi tố nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, trong đó, có sự cấu kết giữa chủ doanh nghiệp và cán bộ cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi chiếm đoạt, có vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Đến trăn trở về vai trò giám sát, kiểm soát công tác tổ chức cán bộ

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) ngay trong phiên họp trên có nhiều góp ý về báo cáo của các cơ quan tư pháp về tình hình phòng, chống tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật năm 2018. Đại biểu Nghĩa cho rằng có tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động quản lý Nhà nước về lĩnh vực này có hiện tượng đi chậm, đi sau tội phạm. Những vụ án liên ngân hàng cũng diễn ra liên tục 5-7 năm, những dự án có vấn đề đắp chiếu, trùm mền cũng tồn tại cả chục năm có lẻ", ông Nghĩa nói và cho rằng chức năng của Nhà nước không phải là chờ án giết người xảy ra rồi đi bắt tội phạm, mà mục tiêu cao nhất phải là phòng ngừa để hành vi phạm tội không xảy ra.

 ĐBQH Trương Trọng Nghĩa lên án tình trạng tội phạm có chức vụ lộng hành mà cơ quan quản lý nhà nước không biết?!
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa lên án tình trạng tội phạm có chức vụ lộng hành mà cơ quan quản lý nhà nước không biết?!)

Ông Trương Trọng Nghĩa cũng phân tích những nhân vật như Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") hay Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") hoạt động lũng đoạn đã hàng chục năm, dư luận đã đồn đại rất nhiều. Thực tế, nhiều nhà đầu tư thậm chí còn phản ánh đến Đà Nẵng không làm gì được vì có "ông đó" bao thầu, chi phối hết rồi mà các cơ quan kiểm soát của nhà nước không làm gì được… Vũ “nhôm”, Út “trọc” là những Thượng tá, Đại tá, nếu chưa bị phát giác, không chừng ít năm sau tiếp tục lên tướng, thăng tiến khó hãm. Vậy những người lãnh đạo trực tiếp của những người này là ai mà để xảy ra như vậy? Cơ chế để chống những “bình phong” cho các hành vi lợi dụng thế này, cần đánh giá ra sao?, ông Nghĩa phân tích. Từ đó, đại biểu TP.HCM đề cập tới vấn đề kiểm soát những hoạt động khi lực lượng vũ trang tham gia làm kinh tế như trong vụ Vũ "nhôm", Út "trọc"… như thế nào?!

Bên cạnh đó, Đại biểu Nghĩa nêu ra hạn chế của cơ quan tư pháp ở khả năng hội nhập, hợp tác quốc tế. Ông cũng cho rằng có nhiều trường hợp người phạm tội vừa thực hiện hành vi vừa chuẩn bị cho đường lui từ nhiều năm trước như: Mua nhà cửa ở nước ngoài, tích luỹ tài sản, đưa con cái đi thoát ly, lo giấy tờ để thoát ra ngoài, hưởng cuộc sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Cũng “soi” từ các đại án, theo Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, thời gian qua, nhiều vụ trọng án được đưa ra xét xử gây chấn động trong dư luận đã cho thấy sự quyết liệt trong công tác chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, góp phần tăng kỷ luật, kỷ cương, được cử tri tin tưởng. Tuy nhiên, theo ĐB Khánh, cũng đau xót khi có nhiều cán bộ, đảng viên cao cấp được đưa ra ánh sáng, tại sao là ĐBQH họp nhiều kỳ rồi mà không biết? Hoạt động báo cáo, giám sát của QH làm sao cho thực chất, hiệu quả hơn, để ĐBQH góp phần phát hiện từ sớm, không xảy ra tình trạng sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý mới "ngã ngửa" ra vì nhiều việc diễn ra từ lâu rồi. "Đây là điều tôi suy nghĩ mãi, làm sao để hoạt động giám sát của QH thực chất, hiệu quả hơn"- ĐB Trần Thị Quốc Khánh trăn trở.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh trăn trở về trách nhiệm giám sát.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh trăn trở về trách nhiệm giám sát.)

Cần một phương thức mới giám sát cán bộ?

Từ thực tế những đại án gây bức xúc xã hội trong thời gian qua, có thể thấy sai phạm trong công tác cán bộ diễn ra một cách có hệ thống, qua mặt các cơ quan giám sát và khi bị “bóc gỡ” thì không chỉ người dân, dư luận “choáng váng”, mà ngay cả cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan giám sát tối cao cũng giật mình.

Bắt đầu bằng một dẫn chứng cụ thể như sai phạm trong công tác cán bộ từ vụ đại án xảy ra tại PVN – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sai phạm được báo chí gọi tên là “tập đoàn sai phạm”, “có hệ thống”, “liên tiếp nhiều thế hệ”…

Đến nay, đã có gần 30 sếp của ngành dầu khí bị khởi tố vì gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước với các hành vi như cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỉ đồng; buông lỏng quản lý, làm trái các quy định gây thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng; đầu tư dự án xơ sợi Đình Vũ gây thất thoát lãng phí 1.470 tỉ đồng. Những thực tế và con số thiệt hại “đau lòng” đó cho thấy, hậu quả khôn lường của lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ sai, không giám sát được cán bộ.

Tiến sĩ, Luật sư Vũ Văn Tính, chuyên gia pháp luật về tổ chức nhà nước tại Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng: Hệ thống pháp luật của ta về công tác cán bộ khá đầy đủ, có hệ thống chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Theo quan điểm của tôi, chính sách, pháp luật có tốt đến mấy nhưng đạo đức của cán bộ thực thi công vụ còn hạn chế thì họ vẫn cố tình lách luật, phạm luật để đạt được mục đích. Đạo đức là pháp luật tối đa mà cán bộ không có thì sai phạm vẫn sẽ tiếp tục xảy ra.

 TS. Luật sư Vũ Văn Tính chia sẻ phương thức giám sát trong công tác cán bộ.
TS. Luật sư Vũ Văn Tính chia sẻ phương thức giám sát trong công tác cán bộ.)

Mặt khác, phải thừa nhận thực thi pháp luật về cán bộ còn có nhiều hạn chế, nhất là hạn chế trong khâu kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Đơn giản như từ vụ PVN, là doanh nghiệp nhà nước, có đủ các cơ quan, ban ngành giám sát. Trong giám sát, thì có giám sát từ bên trong và giám sát từ bên ngoài. Giám sát nội bộ có phát hiện được sai phạm thì có dám nói hay không? Hay khi phát hiện sai phạm thì lại tìm cách hợp thức hóa sai phạm? Còn giám sát từ bên ngoài, PVN cũng luôn có báo cáo đầy đủ, thường xuyên về PCTN, về công tác cán bộ gửi tới các cơ quan cấp trên nhưng chắc chắn là báo cáo có vấn đề, hoặc báo cáo không trung thực thì mới dẫn đến hậu quả như vậy. Thế nhưng phải sau một thời gian dài, trải qua nhiều kì bổ nhiệm thì sai phạm mới bị phát hiện.

Công tác cán bộ là một hoạt động khó. Cụ thể như, lúc bổ nhiệm, cán bộ có thể là một cán bộ tốt, nhưng sau một quá trình công tác có những cám dỗ, tác động vào làm thay đổi cán bộ được bổ nhiệm. Bởi vậy, khi cán bộ có sai phạm, truy xét luôn trách nhiệm của người bổ nhiệm là cực kì khó. Trừ trường hợp, biết rõ cán bộ sai phạm (có kết luận, xác minh nói rõ cán bộ sai phạm) mà vẫn bổ nhiệm thì đó là hành vi cố ý gây ra sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Tuy nhiên, khi bổ nhiệm mà chỉ nhận được một đơn tố cáo, dừng hẳn quá trình bổ nhiệm thì sẽ là không công bằng với cán bộ, có thể đánh mất cán bộ giỏi; hoặc khi bổ nhiệm họ chưa có sai phạm, sai phạm nảy sinh sau đó mà truy trách nhiệm người kí quyết định bổ nhiệm thì cũng không hợp lý.

Để giảm thiểu những vi phạm trong công tác cán bộ, Tiến sĩ Vũ Văn Tính cho rằng, cần hoàn thiện các cơ chế giám sát cán bộ. Cần một cơ chế giám sát sắc bén và phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam. Kinh nghiệm ở Pháp cho thấy, ở mỗi vùng có một đại diện trung ương cử về. Mọi quyết định của vùng phải chuyển cho người đại diện của cấp Trung ương xem xét. Nếu quyết định đó có sai sót thì người đại diện sẽ đưa ra ý kiến ngay. Cơ chế trên có ý nghĩa như một hoạt động hậu kiểm nhưng hậu kiểm ngay sau khi quyết định được đưa ra. Theo tôi, trong tình hình Việt Nam hiện nay, mọi quyết định về công tác cán bộ phải chuyển ngay cho một cơ quan giám sát độc lập, từ bên ngoài. Đề ra trách nhiệm đối với cơ quan giám sát đó để giảm thiểu những sai sót và vi phạm về sau… Tiến sĩ Vũ Văn Tính khẳng định: “Chỉ có giám sát cán bộ hiệu quả thì mới ngừa được những sai phạm”.

T. Phan

Bạn đang đọc bài viết "Bài 11: Giám sát công tác cán bộ, phương thức nào sắc bén và hiệu quả?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin