Ân Nhân

(Pháp lý) - Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa tỉnh lại thấy quanh mình rất đông người, bác sĩ, y tá nhìn ông mỉm cười: Ôi, bác tỉnh rồi… Thiệt vui quá!

- Đây là đâu nhỉ? Ông thều thào hỏi.

- Đây là Bệnh viện đa khoa Quy Nhơn, Bình Định bác ạ. Hôm qua bác đã phẫu thuật, kết quả tốt lắm bác ạ.

- Tôi đang ở tận Bình Định à… Ông nói rồi lại thiêm thiếp. Bác sĩ ra hiệu và cùng mọi người ra ngoài cho ông nghỉ. Trong phòng chỉ còn con trai ông ngồi bên cạnh bóp tay chân cho bệnh nhân. Những giọt nước trong chai truyền dịch nhỏ từng giọt, từng giọt như đếm thời gian. Ngoài sân, gió từ biển thổi vào lồng lộng, trong ánh nắng vàng rực, những tán cây cổ thụ như xanh hơn.

Đoàn cán bộ hưu trí của Tòa án tối cao có chuyến du lịch dọc miền duyên hải của đất nước. Đến Bình Định đoàn đã giao lưu, gặp gỡ với Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, Tòa án địa phương rồi tắm biển ở Quy Nhơn, đi thăm Tháp Chàm, thăm mộ Hàn Mặc Tử. Bất chợt, sáng hôm qua, khi đang chuẩn bị đi thăm  di tích nhà Tây Sơn thì ông Nghĩa đau bụng dữ dội, anh em trong đoàn và khách sạn vội đưa ông vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa thành phố Quy Nhơn và gọi điện báo tin cho gia đình ông biết. Khi con trai ông có mặt, cũng đúng lúc bác sĩ hội chẩn quyết định phải mổ. Ông Nghĩa bị u xơ tiền liệt tuyến, nhưng lâu nay chỉ uống thuốc đông y, không ngờ chuyến đi này khiến bệnh đột ngột trở nặng như vậy. Cả đoàn quyết định lùi lại lịch trình, chờ ông mổ xong mới quyết định đi tiếp hay không…

image001

Bác sĩ dự đoán ca mổ không quá phức tạp nhưng cần có máu dự trữ, trong  khi khoa Huyết học của bệnh viện đã hết máu nhóm O, như nhóm máu của bệnh nhân. Người con trai của ông không thuộc nhóm máu O. Đa số các thành viên trong đoàn đều sẵn sàng cho máu nhưng hỏi ra cả đoàn chỉ có một người là ông Trung có nhóm O. Bác sĩ nói ông Trung không nên hiến máu vì thể trạng ông không khỏe, ông lại có bệnh đái tháo đường. Cả đoàn nhìn nhau, bối rối, không biết tính sao.

Bác sĩ Trưởng khoa Ngoại nói với cô y tá có má lúm đồng tiền: Vậy thì lại phải phiền đến bác sĩ Nghĩa vậy. Em sang Khoa Khám bệnh mời bác sĩ Nghĩa sang đây dùm anh.

Cô y tá khẽ cúi đầu, khép cửa phòng và mất hút vào hành lang của bệnh viện. Bác sĩ Trưởng khoa giải thích: Bệnh viện có bác sĩ Nghĩa có nhóm máu O, khi cần thiết chúng tôi đều phải đề nghị anh ấy giúp. Gia đình và các bác yên tâm, dường như anh Nghĩa chưa từ chối trường hợp nào mà chúng tôi đề nghị. Nghe bác sĩ nói, nỗi âu lo trên gương mặt mọi người nhẹ đi đôi chút.

Mọi người ra ngoài hành lang đợi chờ. Lát sau, cô y tá ra báo tin, bác sĩ Nghĩa đang cho lấy máu ở Khoa Huyết học, ca mổ sẽ tiến hành ngay.

Ca mổ diễn ra lâu hơn dự kiến vì khối u khá lớn, mất gần 3 giờ bệnh nhân mới được đưa sang Khoa Hồi sức cấp cứu.

**
Sau ca mổ ba ngày, ông Nghĩa đã có thể đi lại nhẹ nhàng. Bác sĩ khuyên ông nên ở lại bệnh viện cho đến khi vết mổ khô hẵng về Hà Nội. Bệnh viện ở đây không chen chúc như bệnh viện Hà Nội, mỗi người một giường, nhiều hôm vắng bệnh nhân, phòng của ông có đến cả chục giường trống. Con trai ông cũng đã xin nghỉ phép nên cũng khuyên ông ở lại nghỉ ngơi. Một phần, ông Nghĩa cũng muốn gặp để cám ơn bác sĩ Nghĩa đã vì ông mà hiến máu, giúp ông qua cơn hiểm nghèo. Sau khi ông phẫu thuật, bác sĩ Nghĩa cũng đến thăm ông nhưng lúc đó ông chưa tỉnh. Mấy hôm nay thì bác sĩ Nghĩa lại xuống huyện công tác, cuối tuần mới về.

Sáng thứ Bảy, ông đang ngồi đọc báo dưới tán cây thì có tiếng chào: “Chào bác Nghĩa. Bác đỡ mệt chưa ạ?” – tiếng chào giọng Bắc, thân thiện và vui vẻ. Ông ngẩng lên chào, định đứng dậy thì  người thanh niên mặc trang phục bác sĩ đã ngồi xuống bên cạnh ông.

-Cháu là Nghĩa đây ạ. Nghe anh em nói bác sang Khoa khám bệnh tìm cháu mấy lần nên hôm nay cháu trực, cũng đã bớt việc nên mới sang chào bác được.

-Trời ơi, quý quá, ân nhân của tôi – ông nắm lấy bàn tay ấm áp của người bác sĩ trẻ mà xúc động. Không ngờ bị bệnh ở nơi xa nhà thế này tôi lại được gặp người tốt, hiến máu cho tôi thoát khỏi hiểm nghèo.

- Hai bác cháu mình lại chỗ căng tin uống nước đi bác. Nắng cũng gắt rồi đấy ạ.

Ông vui vẻ đứng dậy, thong thả cùng bác sĩ Nghĩa đi về phía căng tin. Ngồi bên bàn cạnh cây sấu cao vút, ông nhìn theo dáng bác sĩ Nghĩa đang vào lấy nước mà nhíu mày, dáng đi của Nghĩa sao ông thấy quen thuộc lạ lùng, cao gầy, đi hơi chúi về phía trước. Khi Nghĩa bê hai cốc nước và đĩa bánh ngọt trở lại, ông giật mình nhận thấy, cả gương mặt ấy cũng rất thân quen, sống mũi cao, răng trắng cao, mắt sâu. Lạ lùng vô cùng.

-Bác xơi nước đi ạ. Sao bác nhìn cháu lạ vậy…

-Thật tình, tôi nhìn bác sĩ quen quá. Rõ ràng như đã gặp ở đâu rồi. Thân quen lắm… Ông nhíu mày và chợt vỗ tay vào trán. Ồ, tôi nhớ ra rồi, hai người giống nhau lắm.

-Bác thấy cháu giống ai ạ? Chắc khuôn mặt cháu thuộc dạng phổ biến đó bác, cũng nhiều người nói với cháu như vậy.

-Không, giống cả gương mặt, cả dáng đi nữa cơ. Nhưng thôi, mời bác sĩ uống nước… Tôi đã hơn 80 tuổi rồi, trí nhớ cũng giảm đi nhiều. Nhớ nhớ quên quên ấy mà.

-Bác cứ nói đi ạ. Bác thấy cháu giống ai ạ.

-Tôi nói bác sĩ thông cảm nhé, tôi thấy bác sĩ rất giống một người tôi đã xử cách đây mấy chục năm rồi, ở tận Thanh Hóa cơ. Không có liên quan gì đến bác sĩ đâu.

-Trời… Bác xử người đó tên gì ạ? Bác sĩ Nghĩa nói như hụt hơi, hai tay anh ôm lấy bàn tay nhăn nheo của ông Nghĩa.

-Bị cáo Nguyễn Hữu Đức. Vụ án cũng lâu rồi đấy. Có lẽ đã hơn 30 năm, nhưng đó là vụ án mà tôi không thể nào quên được.

Bác sĩ Nghĩa vụt đứng dậy, quay sang ôm chầm lấy ông Nghĩa mà ràn rụa nước mắt: Bác ơi, bác mới là đại ân nhân của gia đình cháu.

Bao nhiêu năm qua cháu mong gặp bác mà không biết làm sao mà tìm được. Cháu là con trai bố Đức đây bác ạ.

Ông Nghĩa bàng hoàng, không biết đây là thực hay mơ.

**
Buổi chiều hôm đó, bác sĩ Nghĩa đón ông Nghĩa và anh con trai về thăm gia đình anh. Một căn nhà nhỏ xinh xắn, có vườn cây trái xung quanh cách bệnh viện hơn 5 cây số là tổ ấm của gia đình bác sĩ Nghĩa. Vợ anh là giáo viên trường Trung học phổ thông gần nhà. Họ đã có một bé trai và một bé gái sinh đôi 4 tuổi.

Vừa vào đến nhà, đã thấy mùi hương hoa ngan ngát. Ông Nghĩa thấy ảnh ông Nguyễn Hữu Đức trên bàn thờ trong khói hương thoảng thoảng. Ông xin thắp một nén nhang và nói: Anh Đức ơi, trái đất tròn, không ngờ hôm nay tôi lại được gặp anh ở đây, con trai anh lại hiến máu cứu sống tôi.  Cám ơn anh, cám ơn bác sĩ Nghĩa nhiều lắm. Mong anh thanh thản, phù hộ cho con cháu và gia đình. Anh nhé.

-Thưa bác đây là Hà, vợ cháu, cháu vào đây công tác, ổn định rồi về quê cưới vợ và đưa Hà vào đây ạ. Hai bé con nhà cháu hôm nay được các cô cho đi chơi công viên, chưa về ạ.

-Ồ, hai cháu trông xinh xắn, khôi ngôi quá. Anh con trai ông Nghĩa chỉ tay lên tấm ảnh hai bé trong trang phục cử nhân treo bên giá sách và nói.

-Vâng, cám ơn anh ạ, được cái các cháu cũng ngoan, hay ăn chóng lớn ạ. Thưa bác và anh, nhiều năm qua cháu vẫn nghe anh Nghĩa kể về vụ án xưa, vẫn ao ước có dịp gặp lại được bác – Hà nói. Không ngờ hôm nay chúng cháu được gặp bác và anh ở ngay tại nhà cháu. Chắc bố cháu linh thiêng, run rủi đấy ạ.

-Thật ra, vụ án xảy ra khi cháu chưa sinh, nhưng cháu nghe bố mẹ và nhất là bà cháu kể hoài, bà cháu nói đặt tên cháu là Nghĩa để nhớ tên ân nhân của gia đình, để không bao giờ quên. Bà cháu dặn lớn lên cháu phải đi tìm bác nhưng rồi bà cháu mất, bố cháu cũng mất sớm. Lớn một chút cháu lại đi học Đại học ở Vinh, học xong được phân công vào đây, nên chưa có dịp tìm bác. Mấy năm trước ra Hà Nội tập huấn cháu có ghé vào Tòa án tối cao, chỗ phố Lý Thường Kiệt nhưng hỏi phòng văn thư thì họ nói thế hệ các bác về hưu lâu rồi, nên không rõ.

-Tôi cũng nghỉ hưu hơn 20 năm rồi, sau đó tôi làm luật sư, nên anh em cán bộ trẻ ở Tòa tối cao cũng không biết đâu… Thời gian nhanh thật.

Mâm cơm được bày lên bàn ăn kê sát cửa sổ, bên ngoài là giàn hoa đăng tiêu có những bông hoa vàng đong đưa trước gió. Vợ chồng bác sĩ Nghĩa đãi khách quí món cua huỳnh đế hấp, đặc sản vùng biển Tam Quan và Đề Gi và miến “song thằn”, loại miến làm từ đậu xanh, ngâm nước sông Kôn.

Bữa cơm thân mật dẫn dắt về câu chuyện hơn 30 năm trước. Năm đó, Thẩm phán Nguyễn Trọng Nghĩa được phân công xét xử phúc thẩm một vụ án hóc hiểm. Bị cáo Nguyễn Hữu Đức là một giáo viên cấp 2, sau mấy năm dạy học ở Tây Nguyên được về địa phương do kém sức khỏe. Cuộc sống của gia đình anh bình yên cho đến khi có vụ án mạng xảy ra bên hàng xóm.  Bà Bình và con trai ăn bánh nướng do một thanh niên tên là Phi đưa cho, đã ngộ độc và thiệt mạng. Công an tra hỏi, Phi khai mua bánh ở ngã ba Trà. Công an đi kiểm tra thì không đúng. Phi lại khai là bánh do anh Đức đưa cho và nhờ mang đến biếu bà Bình.  Vậy là Công an bắt khẩn cấp anh Đức.

Số anh xui xẻo, bị bắt trong khi vợ đang bị cấp cứu vì cũng ăn bánh bên nhà bà Bình, mẹ già thì đang ốm và mấy con còn nhỏ đang nhao nhác ở nhà. Công an nói, khai nhận đi thì cho về. Vậy là Đức khai đã xin hạt mã tiền của một ông lang, trộn vào bánh qui giã nhỏ, sau đó ép lại thành bánh và đưa cho Phi. Sau khi nhận tội, Đức bị giam giữ luôn đến 3 năm.

Công an đến gặp ông lang thì ông lang này cho hay chưa bao giờ anh Đức đến xin hạt mã tiền. Một tình tiết quan trọng khác là sau nhiều lần giám định pháp y, người ta mới phát hiện trong thi thể các nạn nhân có chất Cerus, chất độc cực mạnh có trong thuốc trừ sâu. Khám bếp nhà Đức, người ta thu được một ống bơ thuốc trừ sâu. Với suy luận là miền Bắc không có thuốc trừ sâu này, chỉ có miền Nam mới có, mà Đức mới từ trong Nam ra nên Đức chính là thủ phạm. Hơn nữa, hai gia đình từng va chạm về lối đi chung nên động cơ giết người của Đức là rõ ràng. Tòa án tỉnh đã xét xử Nguyễn Hữu Đức về tội giết người và tuyên phạt tử hình.

-Nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi thấy có nhiều mâu thuẫn trong chứng cứ. Anh Đức khai mua bánh quy, trong khi Phi lại bảo là bánh nướng. Mặt khác, cả hai thứ bánh này nếu ngâm vào nước thì cũng bị bở ra, không thể ép thành bánh được. Hơn nữa, hạt mã tiền có vị rất đắng. Nếu ngâm bánh vào nước có mã tiền đến độ giết được người, thì bánh đắng không thể ăn được. Lời khai duy nhất buộc tội anh Đức là của Phi. Anh Đức chỉ nhận tội một lần đầu khi mới bị bắt, còn nhiều lần sau đều chối tội.

Hà khẽ khàng xếp lại mấy cái bát nhưng không dám dọn mâm cơm đã xong. Cô mang bình trà lại và lặng lẽ rót trà cho mọi người. Hà nắm chặt tay chồng đang run lên: Bình tĩnh đi bố. Mọi chuyện qua lâu rồi mà. Ông Nghĩa cũng chờ bác sĩ Nghĩa qua cơn xúc động rồi nói tiếp:

-Trong hồ sơ có một bản khai của cơ quan điều tra với ông đội trưởng sản xuất trong hợp tác xã xác nhận rằng cách đó vài năm, lúa ở vùng này bị rầy nâu, ông đội trưởng này đã lĩnh thuốc trừ sâu về phát cho các hộ xã viên. Con gái lớn của anh Đức cũng mang ống bơ đến nhận một vài thìa thuốc sâu - nhấp chén trà mà bác sĩ Nghĩa vừa châm thêm, ông Nghĩa nói. Vợ anh Đức cũng nói rằng lúa nhà mình không bị rầy, nên không dùng thuốc trừ sâu được phát và đã cất đi. Điều này phù hợp với bản khám nghiệm hiện trường, phát hiện ống bơ đựng thuốc trừ sâu đậy kín, còn nguyên bồ hóng.

- Vậy là bác thấy bố cháu bị oan ngay từ khi nghiên cứu hồ sơ phải không ạ?

- Đúng là nghiên cứu hồ sơ tôi thấy có nhiều mâu thuẫn và khả năng anh Đức bị oan là rất cao. Đến khi xét xử tại phiên tòa, làm rõ tất cả những mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án thì tôi thấy chắc chắn anh Đức bị oan. Vì vậy  với sự thống nhất của các thành viên Hội đồng xét xử, tôi đã tuyên bị cáo Nguyễn Hữu Đức không phạm tội mà trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa.

- Gia đình cháu nói, nếu bác không cho bố cháu được tự do thì bố cháu khó qua khỏi và chắc chắn cũng không có cháu trên đời để được gặp bác hôm nay - bác sĩ Nghĩa nói. Nghe nói sau phiên tòa bác cũng gặp phiền phức phải không ạ?

- Đúng là khá phiền phức… thạt.

Chứng cứ trong vụ án  có nhiều mâu thuẫn, nhưng theo qui định của pháp luật, Hội đồng xét xử có thể trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Trả hồ sơ như vậy thì Thẩm phán an toàn, giao lại hồ sơ vụ án và bị cáo cho cơ quan điều tra, cơ quan Kiểm sát, nhưng ông Nghĩa không thể tuyên như thế. Bởi vì hồ sơ đủ chứng minh anh Đức bị oan và quan trọng hơn là sau gần 3 năm bị tạm giam, sức khỏe anh Đức đã rất suy kiệt. Ra tòa mà phải có người dìu. Nếu tiếp tục tạm giam thì anh Đức khó qua khỏi. Khi thấy ông Đức dự kiến tuyên không phạm tội và trả tự do cho bị cáo, một thành viên Hội đồng băn khoăn: Anh nghĩ kỹ chưa, anh thả bị cáo ngay tại Tòa như thế chắc chắn địa phương sẽ phản ứng. Sau đó, lỡ bị cáo trốn hay có chuyện gì thì phiền phức to… Tháng sau bỏ phiếu tín nhiệm đề bạt anh đấy. Thấy ông trầm ngâm, vị đồng nghiệp nói thêm, anh nên cân nhắc kỹ, theo tôi mình cứ tuyên trả hồ sơ “cho nó lành”. Ông Nghĩa kể lại và nói:

-Tôi thấy bà mẹ anh Đức đến dự phiên tòa, nhìn bà cụ hom hem, khắc khổ tôi rất thương. Tôi cũng biết anh Đức mới có ba con gái, gia đình lại có mình anh Đức là con trai, nên tôi thầm ước mong là trả tự do cho anh Đức, biết đâu may mắn anh ấy phục hồi được sức khỏe, kịp sinh cho bà mẹ một đứa cháu trai. Rất may là các thành viên Hội đồng đồng ý với tôi, nếu có gì thì mình chịu chứ không để mọt người có thể chết oan và gia đình họ tuyệt vọng…

-Bác đã thấu hiểu hoàn cảnh gia đình cháu. Bà cháu trước khi mất cũng nhắc đến bác, nói rằng ơn của bác bà cháu mang theo đấy ạ - Bác sĩ Nghĩa xúc động nói. Hai năm sau thì cháu ra đời, trong niềm hạnh phúc của đại gia đình, nhất là bà cháu.

- Nghe tin đó qua anh em Tòa án địa phương, tôi cũng rất mừng, mừng cho bà cụ, mừng cho vợ chồng anh Đức. Được mấy năm thì anh Đức mất nhỉ?

-Năm cháu 13 tuổi thì bố cháu mất ạ. Bà cháu mất trước đó vài năm. Sau khi bác xử như vậy, bác có bị phiền phức gì không bác?

-Sau khi tôi tuyên án như vậy thì các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương không đồng tình. Hồi đó cũng ồn ào một chút. Vì thế, Tòa án tối cao bản án nghiên cứu hồ sơ vụ án để bảo đảm không xử sai, không bỏ lọt tội phạm. Trong phiên họp trao đổi nghiệp vụ tôi đã khẳng định cốt lõi của vụ án là chi tiết khám nghiệm hiện trường đã phát hiện ống bơ đựng thuốc trừ sâu đậy kín, còn nguyên bồ hóng. Chi tiết này chứng tỏ anh Đức không hề đụng đến hộp thuốc trừ sâu, và nhà ai trong hợp tác xã cũng có thuốc trừ sâu chứ không phải chỉ riêng nhà anh Đức. Tiếc rằng chi tiết đó đã bị  bỏ qua, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét đến. Cuối cùng sự thật vẫn là sự thật, anh Đức được khẳng định là không phạm tội. Nếu như bây giờ thì anh Đức sẽ được xin lỗi công khai và bồi thường đấy.

-Hồi đó, tôi còn nhớ sau khi xử vụ án đó, bố tôi cũng khá mệt mỏi – anh con trai ông Nghĩa lên tiếng. Họ bảo bố tôi chơi trội, muốn nổi tiếng. Hồ sơ họ làm kỹ như vậy, mình phát hiện thấy mấy điểm mâu thuẫn mà đã tuyên không phạm tội, trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa là coi thường địa phương.

-Kể làm gì những chuyện đó, họ không hiểu thì suy diễn vậy thôi – ông Nghĩa gạt đi. Tôi tâm niệm, làm Thẩm phán thì phải thượng tôn pháp luật, công tâm, khách quan và phải dũng cảm quyết định. Đó là đạo đức nghề nghiệp. Công tâm nhưng không có dũng khí cũng khó làm tròn bổn phận của người Thẩm phán.

-Cám ơn bác đã cho cháu bài học quí giá về lương tâm và đạo đức của người Thẩm phán. Hôm nay thật sự cháu mới hiểu hết vụ án oan ức của bố cháu, từ góc nhìn của người xét xử. Bấy lâu gia đình cháu nói nhiều nhưng không đầy đủ. Hôm nay, gặp bác đây, cháu xin trao tặng bác một kỷ vật mà lâu nay cháu vẫn nâng niu, gìn giữ.

Nghĩa đứng dậy, đi về phía bàn thờ, anh mở một cái hộp lấy ra cuốn sở bìa da màu nâu, những trang giấy bên trong đã ố vàng.

-Đây là cuốn sổ bố cháu ghi chép lại vụ án, những gì đã xảy ra, về những ngày bị tạm giam, về hai phiên toà,  trong đó viết rất kỹ về phiên tòa phúc thẩm, về Hội đồng xét xử và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Cháu đã scan lại và lưu trong máy tính. Cuốn sổ này không chỉ liên quan đến bố cháu mà ở khía cạnh nào đó còn liên quan đến bác, cháu xin kính tặng bác làm kỷ niệm ạ.

Ông Nghĩa đưa hai tay đón nhận cuốn sổ. Lật giở từng trang, ông thấy sau mấy tờ ghi chép về danh ngôn là dòng chữ lớn viết bằng mực xanh Cửu Long: “Ba năm oan trái và hồi sinh”. Với nét chữ đều, sáng sủa, hành trình từ khi bị bắt giam, những cảnh nhục hình, những lần định tự tử cho đến khi được trả tự do và sinh con trai được ông Đức kể lại cặn kẽ. Đặc biệt có một chương riêng có tiêu đề “Ai là thủ phạm đích thực của vụ án?” khiến ông Nghĩa giật mình. Nhất định ông phải đọc, để tìm câu hỏi lâu nay ông vẫn có ý tìm kiếm câu trả lời.

-Quí lắm, tôi rất vui khi được bác sĩ Nghĩa cho đọc cuốn sổ ghi chép này của ông nhà. Tôi đọc xong thì xin phô tô một bản, còn bản gốc xin gửi lại gia đình. Nếu được, xin phép gia đình cho tôi viết bài công bố một số trang viết của ông nhà để thêm một bài học cho công tác cải cách tư pháp, phòng ngừa oan sai trong tố tụng hình sự hiện nay.

-Tùy ý bác sử dụng ạ. Cháu chỉ mong sao không còn ai bị oan như bố cháu đã từng gặp phải thôi ạ.

Gọi taxi tiễn ông Nghĩa trở lại Bệnh viện, vợ chồng bác sĩ Nghĩa tha thiết nói, sau khi xuất viện mời ông Nghĩa ở lại nghỉ ngơi tại Quy Nhơn một thời gian, khi nào thật khỏe thì ông mới về. Ông Nghĩa nắm tay vợ chồng Nghĩa và nói: Cám ơn anh chị lắm. Được như thế này là tôi mãn nguyện rồi.

Nhìn theo xe taxi chạy về phía thành phố đến khi xe khuất sau chỗ rẽ, bác sĩ Nghĩa và vợ mới trở vào, anh thắp thêm nén hương lên bàn thờ bố và thầm nói: Bố ơi, bố gặp lại ân nhân rồi đấy. Chúng con sẽ sống sao cho không phụ lòng bố mẹ, phụ lòng bác Nghĩa bố ạ.

Đông chí 2015
LTB

 Truyện ngắn của Lưu Thái Bảo

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin