8 án lệ hữu ích đối với doanh nghiệp về lĩnh vực kinh doanh - thương mại (Kỳ 1)

(Pháp lý) - Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 37 án lệ, trong đó có 8 án lệ về lĩnh vực kinh doanh – thương mại. Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được Hội đồng thẩm phán TANDTC lựa chọn và được Chánh án TANDTC công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Tạp chí Pháp Lý trân trọng giới thiệu lần lượt 8 án lệ hữu ích đối với doanh nghiệp, doanh nhân.

Hội đồng Thẩm phán TANDTC

1. Án lệ 08/2016/AL về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng

- Tình huống án lệ: Trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, gồm: lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay mà đến thời điểm xét xử sơ thẩm khách hàng vay chưa thanh toán, hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi theo hợp đồng tín dụng.

- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng, tổ chức tín dụng khoản tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay.

- Nội dung án lệ

“Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án còn phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án” cũng là không đúng. Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay”.

Lãi suất ngân hàng là vấn đề các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm khi đặt bút kí các hợp đồng tín dụng (ảnh minh họa)

2. Án lệ số 09/2016/AL về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa

Hợp đồng mua bán hàng hóa bị vi phạm do bên bán không giao hoặc không giao đủ hàng cho bên mua, dẫn đến việc bên bán có nghĩa vụ hoàn trả số tiền ứng trước và tiền lãi do chậm thanh toán.

- Tình huống án lệ 1: Hợp đồng mua bán hàng hóa bị vi phạm do bên bán không giao hoặc không giao đủ hàng cho bên mua, dẫn đến việc bên bán có nghĩa vụ hoàn trả số tiền ứng trước và tiền lãi do chậm thanh toán.

- Giải pháp pháp lý 1: Trường hợp này, tiền lãi do chậm thanh toán được tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường bằng mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm), trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

- Tình huống án lệ 2: Hợp đồng mua bán hàng hóa có phát sinh nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại.

- Giải pháp pháp lý 2: Trường hợp này, người có nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại không phải trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại đó.

- Nội dung án lệ:

“Đối với số tiền ứng trước mà không nhận được hàng của 4 hợp đồng kinh tế, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định chính xác số tiền và buộc Công ty Hưng Yên phải trả lại cho Công ty Việt Ý là đúng. Tuy nhiên, khi tính tiền lãi do chậm thanh toán số tiền nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm mặc dù áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 nhưng không lấy mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm) để tính, mà lại áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xét xử sơ thẩm theo yêu cầu của nguyên đơn để áp dụng mức lãi quá hạn (là 10,5%/năm) là không đúng. Trong trường hợp này, Tòa án cần lấy mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng tại địa phương (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam…) để tính lại tiền lãi do chậm thanh toán cho đúng quy định của pháp luật”.

“Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng của Công ty Việt Ý là có căn cứ tuy nhiên lại tính lãi trên số tiền phạt vi phạm hợp đồng là không đúng”.

“Tòa án cấp sơ thẩm còn tính cả tiền lãi của khoản tiền bồi thường thiệt hại là không đúng với quy định tại Điều 302 Luật Thương mại năm 2005”.

3. Án lệ 11/2017/AL về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng

- Tình huống án lệ 1: Một bên thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng trên đất còn có tài sản thuộc sở hữu của người khác; hình thức và nội dung của hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật.

- Giải pháp pháp lý 1: Trường hợp này, Tòa án phải xác định hợp đồng thế chấp có hiệu lực pháp luật.

- Tình huống án lệ 2: Bên thế chấp và bên nhận thế chấp thỏa thuận bên nhận thế chấp được bán tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất mà trên đất có nhà không thuộc sở hữu của người sử dụng đất.

- Giải pháp pháp lý 2: Trường hợp này, khi giải quyết Tòa án phải dành cho chủ sở hữu nhà trên đất được quyền ưu tiên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó nếu họ có nhu cầu.

Nội dung án lệ

“[4] Trường hợp trên đất có nhiều tài sản gắn liền với đất mà có tài sản thuộc sở hữu của người sử dụng đất, có tài sản thuộc sở hữu của người khác mà người sử dụng đất chỉ thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của mình, hợp đồng thế chấp có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của pháp luật thì hợp đồng thế chấp có hiệu lực pháp luật…

…Trường hợp bên thế chấp và bên nhận thế chấp thỏa thuận bên nhận thế chấp được bán tài sản bảo đảm là quyền sử dụng diện tích đất mà trên đất có nhà thuộc sở hữu của người khác không phải là người sử dụng đất thì cần dành cho chủ sở hữu nhà đó được quyền ưu tiên nếu họ có nhu cầu mua (nhận chuyển nhượng).”

Ảnh minh họa

4. Án lệ 12/2017/AL về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa

- Tình huống án lệ: Tòa án đã quyết định hoãn phiên tòa và lý do hoãn phiên tòa không phải do lỗi của đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Phiên tòa được mở lại nhưng có đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ vắng mặt.

- Giải pháp pháp lý: Tòa án phải xác định đây là trường hợp đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất vắng mặt tại phiên tòa.

- Nội dung án lệ

“[1] Về tố tụng: Theo Biên bản phiên tòa phúc thẩm ngày 26-11-2013 thì tại phiên tòa các đương sự có mặt đầy đủ theo giấy triệu tập của Tòa án. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa để các đương sự cung cấp thêm chứng cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm được mở lại vào ngày 26-02-2014, bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn vắng mặt. Trường hợp Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa và việc hoãn phiên tòa là do Tòa án, tại phiên tòa được mở lại đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì được coi là vắng mặt lần thứ nhất. Lẽ ra, Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định là bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất vắng mặt tại phiên tòa theo quy định tại khoản 1 Điều 199, khoản 2 Điều 266 Bộ luật Tố tụng Dân sự để hoãn phiên tòa. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai vắng mặt tại phiên tòa, từ đó đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bị đơn là không đúng quy định tại Điều 199, 202, 266 Bộ luật Tố tụng Dân sự, làm mất quyền kháng cáo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.”

(Còn nữa… Đọc tiếp nội dung 04 án lệ trên TCPL kì phát hành tháng 5/2020)

Minh Khôi

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin