6 vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ: Những vấn đề đáng suy ngẫm

09/07/2019 06:37

(Pháp lý) - Tính đến nay, liên quan sai phạm của cựu Trung tá tình báo Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") đã khởi tố 21 cựu cán bộ (17 người ở Đà Nẵng và 4 người ở TP HCM). Ngoài ra còn có một số tướng lĩnh trong ngành công an cũng liên quan. Vũ "nhôm" hiện liên quan 6 vụ án, trong đó 3 vụ đã xét xử gồm cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Vụ án liên quan Phan Anh Văn Vũ được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác lập từ cuối năm 2017 khi khởi tố, truy nã ông này về tội Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước, theo điều 263 Bộ luật Hình sự 1999. Ngày 30/7/2018, trong phiên sơ thẩm tại TAND Hà Nội, Vũ "nhôm" bị phạt 9 năm tù, sau được giảm một năm tù trong phiên phúc thẩm. Hai đồng phạm là Phan Hữu Tuấn (63 tuổi, cựu trung tướng, cựu Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) và Nguyễn Hữu Bách (55 tuổi, cựu Phó Cục trưởng Cục B61, Tổng cục Tình báo) bị phạt lần lượt 7 và 6 năm.

Vũ “nhôm” và hai cựu Tướng công an tại một phiên tòa
Vũ “nhôm” và hai cựu Tướng công an tại một phiên tòa)

Cuối tháng 12/2018, trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đông Á, với cáo buộc đã lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng, Vũ "Nhôm" bị phạt 17 năm tù.

Do thâu tóm trái pháp luật 7 lô đất "vàng" tại Đà Nẵng và TP HCM, tháng 1/2019, Vũ "nhôm" tiếp tục bị đưa ra xét xử và lĩnh án tù 15 năm. Liên quan vụ án này, hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an cùng Phan Hữu Tuấn, Nguyễn Hữu Bách đã phải nhận từ hai năm 6 tháng tù đến 5 năm tù.

Hiện tượng tham nhũng lây lan…

Kể từ khi bắt Vũ "nhôm" vào tháng 1/2018, Cơ quan Công an đã mở rộng điều tra vụ án và đến nay đã xác định nhiều cán bộ lãnh đạo các tỉnh thành, Bộ ngành khi đương chức sai phạm về đất đai liên quan Vũ "nhôm".

Có thể điểm danh cán bộ tại nhiều cơ quan nhà nước dính líu đến Vũ “nhôm”. Ở Đà Nẵng, có ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng), Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng), Nguyễn Ngọc Tuấn (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phụ trách xây dựng), Nguyễn Thanh Sang (cựu Giám đốc Sở Tài chính) và bà Nguyễn Thị Thu Hà (cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính), Phan Xuân Ít (65 tuổi, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng)... Ở TP. HCM có các ông: Nguyễn Hữu Tín (61 tuổi, cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM), Đào Anh Kiệt (61 tuổi, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM), Lê Văn Thanh (56 tuổi, Phó Chánh Văn phòng UBND TP HCM); Nguyễn Thanh Chương (44 tuổi, Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP HCM). Ở Bộ Công an là một số tướng lĩnh của ngành này, trong đó có cả hai cựu Thứ trưởng.

Sự tha hóa của Vũ “nhôm” kéo theo sự tha hóa của nhiều cán bộ. Dư luận đặt câu hỏi Vũ “nhôm” đã dùng “thủ đoạn” gì khiến các cán bộ trên đặt bút ký những quyết định có lợi cho y và các công ty của y? Liệu các cán bộ trên chỉ kí các quyết định bằng sự vô tư nhưng xảy ra sai phạm là do trình độ yếu kém? Tiền bạc hay nguyên do nào khiến các quan chức, tướng lĩnh tha hóa khi sử dụng quyền lực được trao? Với tiến trình xét xử ở tòa án, tội danh và hình phạt cho các cán bộ này đã cho thấy những băn khoăn của dư luận là hoàn toàn có lý.

Không chỉ lây lan trong khối nhà nước, Vũ “nhôm" còn lũng đoạn cả lĩnh vực ngân hàng, cụ thể ở đây là Ngân hàng Đông Á (bởi lẽ các quyết định này đã gián tiếp làm thất thu tính trên tổng ngân sách Nhà nước là hàng trăm tỉ đồng). Vũ “nhôm” – thực hiện hành vi tham nhũng và liên đới tác động đến các hành vi của cá nhân, các cá nhân rải rộng khắp từ cấp trung ương là tướng Tân, tướng Thành xuống cấp địa phương là các quan chức hai thành phố lớn, như Nguyễn Hữu Tín tại TP HCM và Trần Văn Minh tại Đà Nẵng. Sự lây lan đó đã gián tiếp gây thiệt hại cho quyền lợi của nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Hệ lụy của phân quyền, giao quyền nhưng thiếu kiểm soát, giám sát

Từ khi xảy ra các vụ án này, có rất nhiều ý kiến khác nhau cắt nghĩa việc Vũ Nhôm lũng đoạn. Nguyên nhân thì có nhiều. Nhưng theo chúng tôi, nguyên nhân chính khiến Vũ "nhôm" có thể làm mưa làm gió, thao túng quan chức để thâu tóm đất đai đó là sự phân quyền mạnh mẽ ở nhiều tỉnh thành nhưng thiếu sự kiểm soát.

Vũ "nhôm" và nhiều nhà giàu khác phất lên nhanh chóng tựa như Vũ “nhôm”, chỉ hình thành trong bối cảnh sau năm 2006, khi Nhà nước trung ương phân cấp quản lý mạnh mẽ cho 63 tỉnh thành. Các tỉnh được phân quyền tự kêu gọi đầu tư, chỉ định dự án, giới thiệu dự án cho nhà đầu tư, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư. Trao quyền nhanh, mạnh, nhưng nếu thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến những sự lạm quyền, câu kết giữa quan chức địa phương và nhiều ông Vũ "nhôm" xuất hiện.

Công ty của Vũ “nhôm” nhờ “dựa hơi” nhà nước nên được ưu ái
Công ty của Vũ “nhôm” nhờ “dựa hơi” nhà nước nên được ưu ái)

Không thể phủ nhận sự đúng đắn của việc phân quyền. Sự phân quyền tạo điều kiện cho nhiều tỉnh thành có tính tự chủ trong quyết định và sử dụng nguồn lực bởi mỗi tỉnh đều có những điều kiện khác nhau. Tuy nhiên sự phân quyền khiến quan chức nhiều địa phương giống như những ông “vua con” trong quyết định mọi việc. Và khi có sai phạm xảy ra, thì đương nhiên sẽ có một lực lượng che giấu cùng cánh, cùng nhóm.

Sau 30 năm chuyển đổi, Việt Nam thành nền kinh tế khá lớn, tạo động lực phát triển cho tất cả các khu vực. Nhưng từ đấy cũng phát sinh những vấn đề về quản lý. Bối cảnh thay đổi tạo ra những khe hở và cơ hội cho những Vũ "nhôm" lớn mạnh. Từ thực tế đó, thiết nghĩ cần sự kiểm soát quyền lực tốt hơn từ các cơ quan trung ương như Chính phủ, Quốc hội. Đồng thời về mặt pháp luật, cần kịp thời phát hiện những sai phạm, “vá” lại lỗ hổng về chính sách …. Chỉ khi quản lý kinh tế chặt hơn, pháp luật được siết lại thì mới giảm thiểu được những sai phạm.

Nhiều hệ lụy khi khu vực kinh tế nhà nước được nuông chiều

Trước đây, đã có những đại án Vinashin, Vinaline, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… là những đại án xảy ra trong doanh nghiệp nhà nước. Nay là những vụ án liên quan đến Vũ “nhôm” và không thể bỏ qua trách nhiệm là các công ty liên quan có phần vốn hoặc được “dựa hơi” của nhà nước..

Một đặc trưng riêng trong vụ án liên quan đến Vũ “nhôm” là một người được đưa vào lực lượng công an, sau đó được sự hậu thuẫn của công an trong việc kinh doanh. Từ đấy, cá nhân Vũ "nhôm" mới tạo thế lực, có cơ hội tiếp cận quan chức địa phương, tạo lợi thế để chia sẻ lợi ích, cùng nhau thâu gom tài nguyên, nhất là những tài nguyên khan hiếm như nhà đất, quyền kinh doanh phát triển các dự án bất động sản của công ty do y lãnh đạo.

Từ vụ án liên quan đến Vũ "nhôm" cho thấy doanh nghiệp bình phong có rất nhiều ưu thế. Nhờ vào sự “hỗ trợ” của nhiều quan chức Đà Nẵng và những thủ thuật thâu tóm, Vũ “nhôm” đã mua đi bán lại hàng loạt tài sản vốn thuộc sở hữu nhà nước và thu lợi khủng. Việc mua bán tài sản nhà nước không thông qua đấu giá, hoặc tổ chức đấu giá nhưng bằng cách nào đó cuối cùng đều rơi vào tay Vũ “nhôm” và Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam.

Một doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn không bao giờ có được ưu thế như vậy. Trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, điều đó là bất bình bẳng. Các chuyên gia pháp luật cho rằng, cần phải thực hiện các cam kết quốc tế, có cơ chế, chế tài để buộc khu vực công minh bạch, công khai hơn. Việc sử dụng các nguồn tài nguyên cũng cần phải công khai và minh bạch hơn.

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, không cần phải ban hành thêm luật mà chỉ cần thực thi tốt những cam kết quốc tế và quy định pháp luật hiện hành về công khai minh bạch. Như vậy cũng đã kiềm chế được những nhóm lợi ích như Vũ "nhôm" cố tình thao túng, thâu tóm tài sản công.

Cuộc chiến chống tham nhũng cần quyết liệt đến cùng…

Ở mỗi phiên tòa xét xử Vũ “nhôm” có sự tham gia của báo chí, những thông tin đã được điều tra, được công bố lại khiến dư luận rúng động. Từ 06 vụ án Vũ “nhôm” đã bị khởi tố, tiến trình tố tụng với các trình tự tiếp theo là điều tra, truy tố và xét xử cũng như thi hành án cần tiếp tục được thực hiện một cách đúng đắn, khách quan, minh bạch và khoa học.

Cũng cần thêm những cuộc thanh tra, điều tra toàn diện tài sản của cá nhân Vũ “nhôm”. Và cần thanh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Novaland và các Công ty bình phong của Tổng cục Tình Báo - Bộ Công an. Cần đặc biệt quan tâm, điều tra làm rõ các khoản chi không có người thụ hưởng với nội dung như “chi hỗ trợ”, “chi ủng hộ” có giá trị từ vài trăm đến hàng tỷ đồng…

Có như vậy mới xử lý đến cùng tham nhũng, mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa để không còn những Vũ “nhôm” khác.

Phan Phan - Trần Văn Lượng

Bạn đang đọc bài viết "6 vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ: Những vấn đề đáng suy ngẫm" tại chuyên mục Hồ sơ phá án. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin