(Pháp lý) – Chuyên gia cho rằng, cho đến thời điểm hiện tại thì chưa có đủ cơ sở để khẳng định Heniken có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo cơ quan chức năng cần có sự xem xét thẩm định kỹ lưỡng và cẩn trọng. Ở đây, cần phải làm rõ là những yêu cầu của Heineken có phải là hành vi đơn phương áp đặt lên các đại lý hay là một thỏa thuận được thống nhất giữa các bên được ghi nhận trong hợp đồng mà các bên đã ký.
Cơ quan chuyên môn Bộ Công thương vào cuộc
Mới đây, theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (VCCA) – Bộ Công thương, VCCA đã nhận được thông tin từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia phản ánh về chính sách của Heineken đối với các đại lí có bán bia của hãng khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh.
Trên cơ sở đó, VCCA đã tổ chức buổi làm việc với doanh nghiệp để hướng dẫn qui trình, thủ tục khiếu nại vụ việc cạnh tranh theo qui định của pháp luật về cạnh tranh, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp liên quan thu thập tài liệu, chứng cứ và cung cấp thông tin chính thức để VCCA có cơ sở xem xét theo đúng qui định.
"Cục hiện đang tiếp tục phối hợp tích cực với các bên liên quan để thu thập thông tin về vụ việc. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, Cục sẽ xử lí và công khai kết quả xử lí theo qui định hiện hành" đại diện VCCA cho biết.

Trước đó, một số đại lý phân phối bia tại TP.HCM phản ánh hãng bia Heineken dùng chính sách "cắt tiền hỗ trợ" để "ép" họ không được bán bia của đối thủ là Sabeco.
Theo đó, các nhân viên bán hàng của Heineken có đưa ra yêu cầu các đại lý không được bán, trưng bày mô hình, sản phẩm của đối thủ là bia Sabeco. Heineken sẽ cắt khoản hỗ trợ (hàng tháng từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng), nếu bán bia của hãng khác. Nghĩa là đại lý bia nếu đã đồng ý bán bia cho Heineken, thì chỉ được bán bia của hãng này, mà không được bán bia của hãng khác.
Về phía Heineken Việt Nam, doanh nghiệp này cho biết, hiện đang xác minh để làm rõ thông tin và sẽ sớm đưa ra phản hồi.
Chuyên gia pháp luật bình luận gì ?
Phân tích, bình luận về sự việc , Luật sư Lê Cao (Giám đốc Công ty Luật FDVN) cho rằng, đại lý thương mại là một trong các hoạt động trung gian thương mại, được điều chỉnh trực tiếp bởi Luật Thương mại 2005. Theo quy định tại Điều 166 Luật Thương mại 2005 thì Đại lý thương mại được hiểu là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
Trong quan hệ giữa Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam và các đại lý bia thì Heineken là bên giao đại lý và các đại lý bia là bên đại lý.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 174 Luật Thương mại 2005 thì bên đại lý có quyền được giao kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.
Như vậy, pháp luật hiện hành cho phép các bên được thoả thuận: Bên đại lý chỉ được phân phối một hoặc một số sản phầm của một bên giao đại lý. Do đó, trong câu chuyện giữa Heineken và các đại lý, trước tiên chúng ta phải xem xét, soi chiếu trong hợp đồng đại lý giữa Heineken và các đại lý bia có điều khoản “độc quyền” nói trên hay không.
Trong trường hợp hợp đồng đại lý quy định các đại lý bia không được quyền bán, phân phối các loại bia khác ngoài Heineken thì các đại lý phải tuân thủ. Nhưng trong trường hợp hợp đồng đại lý không có quy định hoặc cho phép các đại lý được giao kết hợp đồng đại lý với bên thứ ba khác thì các đại lý được quyền tự do bán, phân phối các sản phẩm khác mà không phụ thuộc vào ý chí của Heineken.
Do đó, cần phải làm rõ là những yêu cầu của Heineken có phải là hành vi đơn phương, là ý chỉ đơn phương áp đặt lên các đại lý hay là một thỏa thuận được thống nhất giữa các bên được ghi nhận trong hợp đồng mà các bên đã ký.
Nếu hiện nay Heineken đưa ra đề nghị các đại lý chỉ được bán bia Heniken, không được bán, phân phối bia của các hãng khác, đây là một đề nghị giao kết hợp đồng mới của Heineken và theo đó, các đại lý có quyền được từ chối hoặc tiếp nhận lời đề nghị này, tuỳ thuộc theo ý chí và lợi ích của các đại lý.
Trong trường hợp bên đại lý từ chối giao kết hợp đồng thì Heineken và các đại lý chấm dứt quan hệ đại lý theo thoả thuận tại hợp đồng đại lý. Cơ bản là nội dung hợp đồng quy định như thế nào, hợp đồng đại lý còn thời hạn hay không, nếu hợp đồng đại lý vẫn còn thời hạn, không thuộc vào các trường hợp bị chấm dứt, hủy bỏ thì các bên vẫn tuân thủ hợp đồng và tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ các bên theo hợp đồng, một đề nghị mới không nằm trong các quy định của hợp đồng không buộc các bên phải tuân thủ.

Theo nhận định của Luật sư Lê Cao, cho đến thời điểm hiện tại thì chưa có đủ cơ sở để khẳng định Heniken có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh nếu như vấn đề yêu cầu đại lý thực hiện một chính sách bán hàng của họ. Các khoản hỗ trợ của Heineken giành cho các đại lý hoàn toàn là sự thoả thuận tự nguyện của các bên và đôi khi các khoản hỗ trợ này phải kèm theo các điều kiện cho các đại lý, và khi mà các đại lý không còn đáp ứng được các điều kiện để được hỗ trợ, Heineken có quyền được cắt các khoản hỗ trợ theo đúng thoả thuận tại hợp đồng đại lý.
Chúng ta cần xem các vấn đề liên quan đến quyền lợi của các đại lý khi ký kết hợp đồng với các hãng sản phẩm hàng hóa lớn cũng tùy theo từng chiến lược, mục đích kinh doanh của các bên, nếu các hành vi đó không vi phạm pháp luật cạnh tranh thì vẫn được phép.
Luật sư Lê Cao cũng khuyến cáo rằng, ở đây cần xem có hay không sự “ép buộc” các đại lý. Hiện nay, các chính sách mang tính ưu đãi với đại lý này là phổ biến. Nhưng kèm theo đó là các điều kiện đi kèm, các nhãn hàng khác cũng có thể áp dụng. Tuy nhiên, các thỏa thuận đó phải đảm bảo không phải là hành vi vi phạm pháp luật được Luật cạnh tranh quy định. Do vậy, đánh giá đúng hay sai, cơ quan chức năng cần có sự xem xét thẩm định kỹ lưỡng và cẩn trọng.
Theo luật sư Lê Cao, trường hợp Sabeco cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh của Heineken thì Sabeco có quyền thực hiện khiếu nại vụ việc cạnh tranh đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Trên cơ sở đơn khiếu nại vụ việc cạnh tranh và tài liệu chứng cứ kèm theo, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh sẽ tổ chức điều tra vụ việc cạnh tranh. Trên cơ sở hồ sơ vụ việc, báo cáo điều tra và kết luận điều tra, Hội đồng điều tra sẽ ra Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Như vậy, toàn bộ quá trình tố tụng cạnh tranh phải được thực hiện chặt chẽ theo Luật Cạnh tranh năm 2018, trên cơ cở đơn khiếu nại vụ việc cạnh tranh của Sabeco hoặc tổ chức, cá nhân khác cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Chế tài của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh
Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh được quy định chủ yếu tại Nghị định 75/2019/NĐ-CP ngày 26/9/2019 của Chính Phủ. Theo đó, có 02 hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền.
Tổ chức cá nhân còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng; Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương…
Đồng thời, bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính công khai; Buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh; Buộc loại bỏ các điều kiện bất lợi đã áp đặt cho khách hàng;….
Ngoài ra, đối với các hành vi như thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận … mà gây thiệt hại cho người khác từ 1tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 3 tỷ đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 217 “Tội vi phạm quy định về cạnh tranh” Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Hình phạt cao nhất đối với tội danh này, có thể phạt tù lên đến 05 năm tù đối với cá nhân. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể bị phạt tiền lên đến 500.000.000 đồng, bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Có thể thấy chế tài của pháp luật đã đủ mạnh để trừng trị các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, để kết luận một hành vi của cá nhân, tổ chức có vi phạm pháp luật về cạnh tranh hay không thì cần phải được chứng minh qua một quy trình tố tụng cạnh tranh chặt chẽ và ở đó Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh sẽ đưa ra kết luận tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật về cạnh tranh hay không. Trên cơ sở kết luận của Hội đồng xử lý cạnh tranh có hiệu lực, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ phải chịu chế tài xử lý theo quy định của pháp luật, Luật sư Lê Cao nhận định.
Đinh Chiến