(Pháp lý) - Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm khuyến khích, hỗ trợ DNVVN phát triển. Thế nhưng, thực tế khối DN này vẫn gặp nhiều khó khăn từ việc vay vốn ngân hàng, đến những cản trở từ những bất cập của chính sách pháp luật..
Hai bài tổng hợp phân tích sau đây, Pháp lý sẽ cùng một số chuyên gia chỉ ra những bất cập của những quy định hiện hành về cơ chế cho vay vốn và một số quy định khác liên quan đến hoạt động của DNVVN. Từ đó có những góp ý xây dựng Dự án Luật hỗ trợ DNVVN sát với thực tế hơn, tháo gỡ khó khăn cho DNVVN.
Bài 1: DNVVN vẫn chật vật tiếp cận vốn
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong 11 tháng của năm 2016, chỉ có 30% DNVVN tiếp cận được vốn ngân hàng và số vốn họ được vay chỉ chiếm 3% tổng vốn của các ngân hàng cho vay trong nền kinh tế. Con số này thực sự là một thực tế buồn về câu chuyện tiếp cận vốn vay của DNVVN, nếu so với số lượng khoảng 400.000 DNVVN ở nước ta.
Một số chuyên gia cho rằng, dù đã có những “cải thiện” nhất định, nhưng các quy định chính sách điều chỉnh hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) dành cho các đối tượng DNVVN còn khắt khe và chưa thật sự tạo thuận lợi khiến loại hình DN này khó có thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng để thực hiện các khoản đầu tư cần thiết nhằm tăng năng suất và khả năng cạnh tranh, phát triển các thị trường mới…
Điều kiện cho vay khắt khe, thời hạn quyết định cho vay kéo dài
Hiện nay, hoạt động cho vay của TCTD thực hiện theo các quy định tại Luật các TCTD 2010, Thông tư 39/2016 của NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và một số quy định của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên Thông tư mới này cũng chưa đưa ra các giải pháp giúp DNVVN tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn.
Theo đó, các văn bản này chỉ quy định về các điều kiện chung của khách hàng để TCTD xem xét, quyết định cho vay; quy định chung về quy trình thẩm định, phê duyệt và quyết định cho vay; việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay và thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay. Còn những quy định cụ thể lại do mỗi TCTD tự quyết định thông qua quy định nội bộ. Chuyên gia kinh tế, LS. Trần Kiên (Công ty Luật Leto, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: với cách quy định “mở” như vậy xem ra có lợi nhiều hơn cho phía ngân hàng, còn các doanh nghiệp đi vay, nhất là DNVVN sẽ ở thế “bị động”.
Thứ nhất, về điều kiện vay vốn, Điều 7 Thông tư 39/2016 đã “thông thoáng” hơn, không quy định cụ thể khách hàng phải có tài sản bảo đảm tiền vay mà nhấn mạnh vào 2 điều kiện sau: “có phương án sử dụng vốn khả thi” và “có khả năng tài chính để trả nợ”. Thế nhưng cho dù là theo Thông tư mới hay cũ, từ trước đến nay hầu hết các ngân hàng luôn xác định “có khả năng tài chính để trả nợ” bằng tài sản thế chấp là điều kiện tiên quyết để xem xét cho vay đối với DNVVN. Từ đó, rất nhiều DNVVN bị từ chối cho vay vì thiếu tài sản bảo đảm hoặc các loại tài sản bảo đảm đủ điều kiện cho vay nhưng lại bị ngân hàng định giá thấp. LS. Trần Kiên nhận định, về lâu dài để giảm bớt khó khăn trong tiếp cận vốn của DNVVN thì các ngân hàng nên thay đổi tư duy, việc bảo đảm bằng tài sản không quan trọng mà chính là hiệu quả của các phương án kinh doanh của DNNVV.
Liên quan đến điều kiện cho vay, có sự “chênh” giữa quy định nội bộ của các TCTD với một số quy định của các văn bản pháp luật liên quan mà quan trọng nhất là quy định về thế chấp quyền sử dụng đất. Điều 179 Luật Đất đai 2013 cho phép hộ gia đình, cá nhân được quyền thế chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức tại TCTD được phép hoạt động tại Việt Nam. Thế nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp người đi vay bị TCTD từ chối nhận thế chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp. Lý do là vì: loại đất này được nhà nước liệt vào nhóm đất hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, phí chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang nhóm đất phi nông nghiệp (đặc biệt là đất sản xuất kinh doanh) là rất cao nhưng nếu không chuyển thì giá bán sẽ thấp. Chính vì vậy, các ngân hàng rất e ngại nhận thế chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp vì khi xử lý tài sản đảm bảo sẽ gặp rắc rối với các vấn đề trên.
DNVVN đáp ứng được các điều kiện cho vay đã khó nhưng khi đáp ứng được thì lại gặp phải một trở ngại tiếp theo: quy trình, thủ tục cho vay còn chưa thật sự nhanh chóng và thống nhất. Luật các TCTD cũng như các Thông tư của NHNN không đưa ra một giới hạn chung về thời hạn quyết định cho vay dành riêng cho khối DNVVN mà cho phép các TCTD tự quy định, điều này đã khiến cho nhiều DN bị mất đi thời cơ kinh doanh do các thời hạn về thẩm định phương án kinh doanh, thời hạn thẩm định tài sản bảo đảm, thời hạn quyết định cho vay…bị kéo dài.
Bỏ trần lãi suất cho vay: chỉ hợp lý cho các DN lớn ?
Một thay đổi đáng chú ý nhất trong Thông tư 39/2016 của NHNN được dư luận hết sức quan tâm đó là việc bỏ trần lãi suất cho vay. Theo đó, TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng (trừ trường hợp áp dụng mức lãi suất tối đa đối với cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 5 lĩnh vực ưu tiên do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ).
Có thể thấy rằng, quy định này tạo nên môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng và song phẳng, tạo ra sự thanh khoản đều đặn, “trơn tru” cho các ngân hàng. DN khi vay ngân hàng nếu có phương án trả nợ tốt, có tài sản bảo đảm cao thì có thể “mặc cả” với ngân hàng để có lãi suất tốt nhất sao cho hai bên cùng có lợi. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại dành cho khối DNVVN: Theo TS. kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thì việc thả nổi lãi suất càng có thể đẩy lãi suất lên rất cao, khiến nhiều DNVVN không thể vay được vì chi phí vay quá lớn.
Còn theo LS. Trần Kiên, trước đây khi còn có trần lãi suất, các DNVVN vốn đã là đối tượng khách hàng bị áp dụng mức lãi suất cao nhất (hầu như là kịch trần). Với quy định mới, việc thỏa thuận lãi suất sẽ chỉ có lợi đối với DN lớn, DN có lịch sử tín dụng tốt, uy tín cao hoặc có phương án kinh doanh tốt và tài sản đảm bảo cao khi tiếp cận vốn NH. Những DNVVN, không có hậu thuẫn, không có mối quan hệ thân thiết với NH sẽ buộc phải chấp nhận lãi suất NH đưa ra mà không được bảo vệ bởi trần lãi suất. Từ đó, DN chỉ còn cách áp chi phí vào giá thành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của DN mình. Tuy nhiên, giá thành cao thì khách hàng lại không mua sản phẩm, không sử dụng dịch vụ của DN mà sẽ tìm tới các DN khác với giá thấp hơn. Và như vậy DNVVN lại vướng vào vòng luẩn quẩn lãi suất không trả nổi vì quá cao, hàng hóa thì tồn kho không bán được, và hiển nhiên DN sẽ có tên trong nhóm khách hàng bị hạn chế cho vay do có nợ quá hạn, nợ xấu.
“Các ngân hàng thường coi DNVVN là đối tượng khách hàng rủi ro và có chi phí phục vụ cao khi hoạt động với quy mô nhỏ, khả năng tài chính thấp, tài sản bảo đảm ít…thì nay ngân hàng sẽ có cơ hội tìm cách hạn chế rủi ro cho mình bằng cách đẩy lãi suất cho vay lên thật cao” – LS. Trần Kiên nhận định.
Cấm cho vay đảo nợ: DN dễ phá sản ?
Một trong những nội dung quan trọng khác của Thông tư 39/2016 là bỏ quy định về đảo nợ (lấy nợ mới trả nợ cũ) tại Quy chế cho vay 1627 trước đây. Tức các ngân hàng không được cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại chính ngân hàng đó hoặc tại ngân hàng khác (trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình trong trường hợp đặc biệt do NHNN quy định). Đồng thời việc cho vay tuần hoàn chỉ áp dụng với DN không có nợ xấu.
Theo LS. Trần Kiên: Trước đây, NHNN khó kiểm soát được nợ xấu tại các TCTD thì nay với quy định mới này, bức tranh nợ xấu sẽ được hiện rõ hơn. Tuy nhiên, với việc cấm hoàn toàn việc vay vốn để đảo nợ và điều kiện cho vay tuần hoàn, vay quay vòng, vay lưu vụ quá chặt chẽ sẽ gây khó cho khối DNVVN.
Trên thực tế, trong hoạt động kinh doanh, ngay cả DN tốt, DN lớn cũng có khi dính nợ xấu trong khoảng thời gian ngắn, vì khó cân đối dòng tiền chính xác về mặt thời điểm. Trong khi đó, các DNVVN vốn dĩ cần rất nhiều thời gian mới có thể hoạt động kinh doanh thuận lợi, vận hành đều đặn, có năng suất và lợi nhuận tốt. Cho nên thực trạng DNVVN có nhiều hàng tồn kho, dính nợ xấu trong thời gian dài là khó tránh khỏi, đòi hỏi các nhà chức trách phải có cái nhìn kiên nhẫn, tin tưởng và hỗ trợ nhiều hơn.
Do đó, LS. Trần Kiên cho rằng, NHNN không nên cấm hẳn việc vay đảo nợ và siết quá chặt điều kiện cho vay tuần hoàn như vậy mà có thể “nới lỏng” hơn đối với các DNVVN.
“Nhiều DNVVN chỉ cần có thêm vốn để làm các chiến dịch “xuất” hàng tồn kho là có thể được vực dậy và tiếp tục sản xuất kinh doanh tạo ra lợi nhuận nhưng chỉ vì có 1 lần nợ xấu mà không thể vay thêm vốn nên phải đứng bên bờ vực phá sản. Điều này quả là không đáng” – Ls. Trần Kiên cho biết.
Quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ DNVVN: hoạt động còn “cầm chừng”
Cách đây nhiều năm, Thủ tướng chính phủ đã ký các quyết định (Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013; Quyết định số 58/2013) về việc thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNVVN và Quỹ hộ trợ DNVVN. Song do các quy định về cách thức hoạt động còn chưa hợp lý và việc quy trách nhiệm tổ chức thực hiện còn chưa nghiêm…dẫn đến hiệu quả hoạt động của các Quỹ này rất thấp, thậm chí có địa phương còn chưa có sự hỗ trợ trực tiếp nào đến DN.
Theo đó, DNVVN muốn được tổ chức bảo lãnh đứng ra bảo lãnh vay vốn thì buộc phải có tài sản thế chấp hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của bên vay. Ngoài ra, để bảo lãnh vay, các quỹ bảo lãnh cũng thẩm định hồ sơ bên vay rất kỹ, bao gồm hồ sơ dự án phải đầy đủ các yếu tố pháp lý, báo cáo tài chính không có nợ. Trong việc xây dựng quy trình thẩm định hồ sơ vay vốn từ quỹ bảo lãnh tín dụng, DN còn phải thực hiện thẩm định hai lần làm tốn nhiều thời gian, chi phí. Mặt khác, mỗi địa phương lại tự xây dựng một quy trình cấp bảo lãnh tín dụng riêng nên các DN càng lúng túng.
Do thủ tục “nhiêu khê” và các điều kiện vay vốn không khác nhiều so với vay các ngân hàng đặc biệt là điều kiện về tài sản thế chấp, đã khiến cho rất ít DN tiếp cận được nguồn vốn qua quỹ bảo lãnh tín dụng, mặc dù nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của các DNVVN rất lớn. Đây là một ý kiến được đưa ra bởi ông Phạm Ngọc Hưng, đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM.
Như vậy, mục đích của việc ra đời quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN được xem là “bà đỡ” cho các DN trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, thế nhưng hầu hết các quỹ này trên cả nước lại đang hoạt động cầm chừng, thậm chí đang trong tình trạng “ngồi chơi”.
Cho vay tín chấp: các ngân hàng còn e ngại
Ở các nước trên thế giới, DNVVN đang được hưởng nhiều ưu đãi hơn từ chính sách, trong đó có việc tiếp cận nguồn vốn bằng tín chấp khá dễ dàng. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, ngân hàng không muốn cho các DNVVN vay tín chấp. Theo các quy định của pháp luật về tín dụng ngân hàng mà cụ thể là Nghị định 163/2006 về giao dịch bảo đảm thì hiện nay việc cho vay tín chấp chỉ áp dụng đối với các cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại TCTD để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ. Đồng thời, cá nhân, hộ gia đình nghèo đó phải là thành viên của một trong các tổ chức chính trị - xã hội đã sử dụng uy tín đứng ra bảo đảm để ngân hàng cho vay (như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân…).
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: Cho vay tín chấp DNVVN có thể thực hiện cho đơn hàng của DN với khoản vay từ 1 – 5 tỷ đồng tùy quy mô và lịch sử kinh doanh (đơn hàng) của DN. Với các khoản vay nhỏ này, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các DNVVN trong việc lưu thông các đơn hàng, xuất kho hàng tồn dư, tạo cơ hội tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh cho họ. Nếu so với hoạt động cho các DN, cá nhân vay các khoản vay lớn (trên 5 tỷ đồng) dựa trên thế chấp bất động sản, thì hoạt động vay tín chấp vốn lưu động DNVVN (dưới 5 tỷ đồng) không rủi ro hơn, thậm chí tốt hơn vì sẽ đem lại lợi nhuận nhiều hơn…
Tuy nhiên, ông Đinh Thế Hiển cũng nhận định, để cho vay tín chấp vốn lưu động DNVVN thì các TCTD cần phải tổ chức có hệ thống từ hội sở xuống chi nhánh thì chuyên viên tín dụng mới mạnh dạn thực hiện. Thế nhưng ở Việt Nam hiện nay dường như chỉ tiêu cho vay – sinh lợi – an toàn từ cấp trên “áp” xuống khiến các chi nhánh và các chuyên viên không dám cho DNVVN vay tín chấp vì sợ rủi ro.
Trên đây là những vấn đề lớn của pháp luật hiện hành về cho vay còn gây khó dễ cho DNVVN. Tới đây khi xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất nhiều ý kiến đề nghị cần phải có quy định riêng về hỗ trợ tiếp cận tín dụng dành cho DNVVN. Tuy nhiên việc hỗ trợ như thế nào sao cho hiệu quả và khắc phục được những “trở ngại” đã nêu trong bài viết thì phụ thuộc vào ý chí và quyết tâm của Chính phủ và Quốc hội cho đến khi Dự thảo Luật được thông qua.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ở Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước và đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân khi sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cho đất nước.
Bảo Lâm