Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thời gian qua các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham những lớn, được dư luận nhân dân đồng tình và đánh giá cao. Tuy nhiên, việc "phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn nhũng hạn chế nhất định, chưa tương xứng với tình hình thực tế...". Ngày 07/12/2015, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 50/CT-TW về tăng cuờng sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Phóng viên đã phỏng vấn ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương về nội dung này nhân dịp năm mới 2016.
PV: Thưa ông! Công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm gần đây đã được Đảng đặc biệt quan tâm chú trọng, nhất là kể từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương IV, V Khóa XI. Tuy đã đạt được kết quả nhất định, song vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng được như mong muốn của Đảng và sự kỳ vọng của nhân dân. Vậy, nguyên nhân và hạn chế là gì?
Ông Phạm Anh Tuấn: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta tập trung cao cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn những hạn chế.
Thứ nhất, việc phát hiện các vụ việc tham nhũng chưa đáp ứng đòi hỏi công tác đấu tranh chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Thứ hai, một số vụ án, vụ việc tham nhũng, quá trình xử lý còn kéo dài, có vụ có biểu hiện chưa nghiêm. Thứ ba, việc thu hồi tài sản tham nhũng, bản chất là khắc phục hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra còn rất thấp; đáng chú ý là việc tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ hiện đang là khâu rất yếu và nguyên nhân chính là do người đứng đầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị, bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, chưa làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình.
Một nguyên nhân nữa cũng rất quan trọng là hệ thống các quy định pháp luật phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng hiện vẫn còn bất cập; vấn đề đặt ra là cần phải hoàn thiện thể chế trên 2 phương diện: Một là, xét phương diện phòng ngừa phải tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế tối đa những sơ hở, bất cập dễ bị lợi dụng để tiêu cực tham nhũng. Hai là phương diện phát hiện, xử lý cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; đồng bộ hóa Luật phòng, chống tham nhũng với các luật có liên quan như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức các Cơ quan điều tra và một số luật khác tạo thành một thể chế phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng có hiệu quả.
PV: Như ông vừa nói, xuất phát từ 2 nguyên nhân dẫn đến kết quả về phát hiện và xử lý tham nhũng có hạn chế nhất định: Nguyên nhân thứ nhất, chúng ta chưa hoàn thiện được hệ thống pháp luật. Nguyên nhân thứ hai, về trách nhiệm người đứng đầu chưa nghiêm. Nhưng có ý kiến cho rằng, ở những vụ án tham nhũng thì đa số người đứng đầu là chủ tài khoản mới dính dáng đến tiền bạc. Nếu như người đứng đầu sai thì cấp nào sẽ xử lý?
Ông Phạm Anh Tuấn: Người đứng đầu ở đây không hẳn là chủ tài khoản, vấn đề muốn nói ở đây chính là vai trò lãnh đạo, trách nhiệm chỉ đạo của người đứng đầu. Lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hay bộ, ngành, địa phương do người đứng đầu chịu trách nhiệm chứ không phải do người ta làm chủ tài khoản mà tham nhũng. Tham nhúng biểu hiện đa dạng với nhiều hình thức khác nhau; việc tự phát hiện, xử lý vẫn chưa tương xứng với thực tế. Có thể kể đến 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất: như tôi đã nói có thể do người đứng đầu chưa ý thức được hết trách nhiệm của mình, hoặc ngại va chạm vì việc phát hiện xử lý hành tham nhũng trong nội bộ không phải dễ. Thứ hai: không loại trừ người đứng đầu cũng dính dáng đến tiêu cực, tham nhũng thì chính bản thân họ cũng không muốn, không dám làm mạnh trong nội bộ. Đấy là chưa kể họ cùng với “nhóm lợi ích”, cùng tiêu cực, cùng tham nhũng thì đương nhiên, người đứng đầu không thể lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nhóm lợi ích đó được.
[caption id="attachment_133360" align="aligncenter" width="410"]
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương[/caption]
PV: Việc kê khai tài sản đối với một số nước trên thế giới là nhằm phát hiện có tham nhũng hay không. Như việc kê khai tài sản ở nước ta đang bị cho là mang tính hình thức. Bằng chứng cho thấy, vừa qua báo chí đưa tin có hơn 1 triệu người kê khai tài sản thì chỉ có 4 trường hợp bị phát hiện là kê khai không đúng. Theo ông thì lý do vì sao?
Ông Phạm Anh Tuấn: Hiện nay, chúng ta quy định kê khai tài sản rất chi tiết nhưng tính hiện thực, tính hiệu quả vẫn chưa cao. Các quy định đã đi vào cuộc sống nhưng chưa phát huy được tác dụng như mong muốn, dẫn đến câu chuyện xã hội quan tâm nhiều là kê khai tài sản còn hình thức, không phản ánh đúng thực chất. Đối với một số quốc gia, việc kê khai tài sản của một số đối tuợng là quy định bắt buộc, là việc làm thường xuyên bởi vì, ở đó sự công khai, minh bạch là hàng đầu. Các quốc gia phát triển bao giờ cũng quan tâm đến tính công khai, minh bạch, ví như ở Trung Quốc dùng phương châm “Nhốt quyền lực trong chiếc lồng chế độ”. Bởi vỉ, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực” thường xảy ra ở những nơi mà thực hành quyền lực thiếu công khai minh bạch. Vấn đề hiệu quả phòng, chống tham nhũng thông qua biện pháp kê khai tài sản ở Việt Nam còn hạn chế có nhiều nguyên nhân.Trong đó phải kể đến: Thứ nhất, số lượng người nằm trong diện phải kê khai là tương đối lớn; thứ hai, việc công khai bản kê khai tài sản hiện nay cũng đang gặp những khó khăn nhất định do tâm lý người Việt Nam, thậm chí xử lý sao cho hài hòa, bảo đảm “bí mật đời tư”; thứ ba, việc phát hiện, xử lý việc kê khai không trung thực cũng đang còn nhiều vướng mắc... Từ những lý do trên mới có chuyện có hàng triệu người kê khai tài sản, thì chỉ 3-4 trường hợp bị phát hiện kê khai là không trung thực là rất khó thuyết phục xã hội. Việc công khai, minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn của chúng ta về mặt chủ trương là đúng nhưng hiệu quả thì còn đang rất hạn chế.
PV: Để thể hiện sự quyết tâm của Đảng và nâng cao kết quả, hiệu quả trong việc xử lý những vụ việc, vụ án tham nhũng, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, có thể thấy rõ, điểm nhấn mạnh là việc xử lý khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Đồng thời, có sự phối hợp giữa các cơ quan. Ông có thể nói rõ hơn về 2 điếm mới này?
Ông Phạm Anh Tuấn: Chỉ thị số 50-CT/TW đặt ra yêu cầu: Thứ nhất, thực tiễn cho thấy việc phát hiện sai phạm kinh tế thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán rất nhiều, nhưng việc phát hiện tham nhũng tham nhũng trong những sai phạm kinh tế lại rất ít, không tương xứng. Nguyên nhân chính là do quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra, kiểm toán không phải là Cơ quan điều tra nên việc phát hiên tham nhũng trong các sai pham kinh tế qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không phải là dễ. Ngoài ra, như tôi nói ở trên, tham nhũng là hành vi có độ ẩn rất cao, cần phải có các quy định pháp luật chặt chẽ và các nghiệp vụ điều tra sắc sảo của các Cơ quan điều tra theo tố tụng hình sự thi mới có thể phát hiện được. Chính vì vậy, Chỉ thị lần này, Bộ Chính trị yêu cầu, qua thanh tra, kiểm toán những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, thì yêu cầu phải chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Thứ hai, để làm tốt yêu cầu này đòi hỏi cần phải có sự phối họp rất chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán và các Cơ quan điều tra. Sự phối hợp ở đây là làm sao để không thể lọt được những hành vi có dấu hiệu tội phạm tham nhũng và cũng để tránh trường hợp lạm dụng việc xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, xử lý kinh tế để thay cho xử lý hình sự khi có dấu hiệu tội phạm.
PV: Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có trách nhiệm như thế nào trong việc triển khai Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị, thưa ông?
Ông Phạm Anh Tuấn: Chỉ thị số 50/CT-TW của Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về phát hiện và xử lý tham nhũng; đồng thời tiếp tục củng cố, kiện toàn các cơ quan, các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng.
Hiện nay chúng ta có 3 cơ quan, đơn vị chuyên trách, cụ thể là: Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế (Bộ Công an); Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng (Viện kiểm sát nhân dân tối cao); Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ). Tới đây, làm sao để các cơ quan này hoạt động có hiệu quả. Bộ Chính trị đang giao cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Chính trị có những điều chỉnh cần thiết, cụ thể theo hướng tăng thẩm quyền, tăng trách nhiệm trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng. Theo đó, với trách nhiệm là cơ quan Thường trực, Ban Nội chính Trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng để giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thực hiện tốt nhất yêu cầu này của Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị yêu cầu tất cả các cấp ủy, các tổ chức Đảng phải có trách nhiệm phổ biến, quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức thực hiện cụ thể nghiêm túc chỉ thị này để tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian tới.
Bộ Chính trị yêu cầu cơ quan báo chí phải đẩy mạnh công tác truyền thông; phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng mà xã hội đang quan tâm. Chỉ có thông qua báo chí, thông qua các cơ quan truyền thông thì thông tin đó mới đến được xã hội; kể cả những cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xử lý mà vi phạm thì cũng phải công khai.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, từ trước đến nay, nhiều vụ án tham nhũng được phát hiện chủ yếu thông qua báo chí chứ không phải từ các cơ quan chuyên trách? Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Phạm Anh Tuấn: Hiện nay, việc phát hiện tham nhũng từ những nguồn sau: Thứ nhất, từ nguồn tố cáo tham nhũng do chính trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bởi vì tham nhũng là hành vi có độ ẩn rất cao chứ không giống như nhiều tội phạm thông thường khác mà hậu quả người ta nhìn thấy ngay. Nhưng hậu quả tham nhũng thì rất khó nhìn thấy và không nhìn thấy, vì vậy chỉ những người cùng trong cuộc hoặc trong cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị mới biết và tố cáo. Thứ hai, thông qua nghiệp vụ điều tra của các cơ quan báo chí. Thứ ba, thông qua hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý tham nhũng. Trên thực tế, có rất nhiều vụ án lớn được khởi sự từ kênh báo chí theo nghiệp vụ điều tra độc lập của nhà báo mà pháp luật cho phép để hướng sự chú ý của các cơ quan chức năng vào cuộc. Từ đó phát hiện và mở rộng điều tra theo tố tụng hình sự nhiều vụ án lớn.
Để có được số liệu thống kê có bao nhiêu vụ tham nhũng được phát hiện từ tố cáo trong nội bộ; có bao nhiêu vụ do báo chí phát hiện; có bao nhiêu vụ do hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan chức năng phát hiện thì từ trước đến nay chưa thể có con số thống kê cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc phát hiện những vụ việc có dấu hiệu của tham nhũng, giúp các cơ quan điều tra định hướng để vào cuộc điều tra. Nhiều vụ việc báo chí nêu, khi Cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, điều tra là có thật và kết quả là đã xừ lý được nhiều vụ án tham nhũng lớn và phức tạp.
PV: Hiện nay, một số vụ sai phạm có dấu hiệu tham nhũng và có khiếu kiện kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý. Vậy, với Chỉ thị mới của Bộ Chính trị thì tới đây, với vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Nội chính Trung ương sẽ tham mưu gì cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để xử lý dứt điểm những vụ việc này?
Ông Phạm Anh Tuấn: Đây là vấn đề Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm. Ban Nội chính Trung ương sau khi được tái lập là cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng về công tác nội chính phòng, chống tham nhũng. Trong đó, có nhiệm vụ quan trọng là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Đứng trước một số vụ việc kéo dài nêu trên, với trách nhiệm của mình, Ban Nội chính Trung ương sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương như: Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao. Ở địa phương thì phối hợp với Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy để thúc đẩy việc xử lý, vì mỗi vụ án, vụ việc có tính phức tạp riêng. Ban Nội chính Trung ương là cơ quan Thường trực thì phải tham mưu được xem có khó khăn gì? Cách tháo gỡ như thế nào? để phối hợp chỉ đạo hoặc tham mưu cho Ban Chỉ đạo chỉ đạo các cơ quan chức năng phải làm dứt điểm.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo báo Bảo vệ pháp luật