Theo đó, nhiều chủ trương, cách làm mới, quyết liệt, hiệu quả, tạo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong đấu tranh PCTN, tiêu cực. Nổi bật là: (1) Tổ chức 03 Hội nghị toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay về nội chính, PCTN,TC và xuất bản, quán triệt Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN,TC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư, tạo bước tiến mới về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác PCTN,TC; (2) Bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để Ban Chỉ đạo chỉ đạo cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực( ); (3) Thành lập, triển khai hoạt động có hiệu quả Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác đấu tranh PCTN,TC; (4) Chỉ đạo nhiều cơ chế mới đảm bảo đồng bộ, hiệu quả trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; (5) nhiều văn bản, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được sử đổi, bổ sung, ban hành mới, vừa để ngăn ngừa, răn đe, vừa để xử lý nghiêm minh các sai phạm, đây cũng là bước chuyển biến mới, (như: (1) các quy định về kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; (2) về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; (3) về từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút; (4) về kiểm soát tài sản, thu nhập, thu hồi tài sản tham nhũng,… qua đó, khắc phục những sơ hở, bất cập, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”.
Quang cảnh buổi làm việc của lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan báo chí thông báo kết quả Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo
Điểm nổi bật thứ hai là chỉ đạo đẩy mạnh, đồng bộ công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 270 tổ chức đảng, gần 10.000 đảng viên, trong đó có gần 4.000 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay chúng ta đã kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng và gần 52 nghìn đảng viên (tăng gấp hai lần về số tổ chức đảng và hơn 1,5 lần về số đảng viên bị kỷ luật so với nửa đầu nhiệm kỳ XII); có 91 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó: 06 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 08 Bí thư, nguyên Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 04 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXHVN, Liên minh Hợp tác xã, Hội chữ thập đỏ; 18 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng và tương đương; 25 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; 04 Phó Bí thư, nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 03 Trợ lý, nguyên Trợ lý các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ; 23 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang) bị thi hành kỷ luật; tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ XII. Ở đây các đồng chí lưu ý: số tổ chức đảng, đảng viên bi thi hành kỷ luật tăng cao, nhưng chủ yếu là các sai phạm xẩy ra đã lâu (theo UBKT Trung ương có tới 80% liên quan các vụ việc tồn đọng đã lâu, có vụ việc từ trước năm 2005) thể hiện kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.
Công tác điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trên diện rộng, trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Đặc biệt, đã điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt cả những đối tượng bỏ trốn; mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác; là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được Tòa án kết tội và nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã khởi tố, điều tra gần 2.000 vụ án, 4.500 bị can về tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó án tham nhũng đã khởi tố mới 450 vụ án, 1.400 bị can (tăng 155 vụ, 727 bị can về tội tham nhũng so với cùng kỳ năm 2022). Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã khởi tố, điều tra hơn 9.000 vụ án và 18 nghìn bị can về tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó, án tham nhũng đã khởi tố mới hơn 1.300 vụ án và 3.500 bị can (tăng hơn 2 lần về số vụ án và hơn 3 lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ XII). Trong đó, riêng án thuộc diện Ban Chỉ đạo chúng ta theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố, điều tra 31 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (tăng hơn 1,5 lần so với cả nhiệm kỳ XII).
Kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách; trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, từ chức, xin thôi chức vụ, nghỉ công tác (như Đồng chí Tổng Bí thư nói là “rút lui trong danh dự”); kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp (Vừa qua, Đảng, Nhà nước đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 15 đồng chí cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao; các địa phương đã cho tự chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác gần 150 cán bộ sau khi bị kỷ luật, trong đó có 65 cán bộ diện tỉnh uỷ, thành uỷ quản lý).
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực; công tác giám định, định giá tài sản; công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm tham nhũng, tiêu cực và một số khâu yếu trước đây nay đã được tập trung chỉ đạo, tạo bước chuyển biến tích cực.
Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo trong 06 tháng đầu năm đã thu hồi hơn 2000 tỉ đồng; từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thu hồi hơn 53.000 tỉ đồng (tăng gấp 2,5 lần so với tài sản đã thu hồi của cả nhiệm kì Đại hội XII). Kể cả tài sản bị tẩu tán ra nước ngoài cũng được thu hồi; điển hình như đã thu hồi gần 2,7 triệu đô la Mỹ và 127 nghìn đô la Singapore của Phan Sào Nam ở nước ngoài. Ban Chỉ đạo đã thành lập 08 Đoàn kiểm tra về công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm tham nhũng, tiêu cực và công tác giám định, định gái tài sản để chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục…
Trong 06 tháng đầu năm 2023 cũng như trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII vừa qua là, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan, lực lượng chống tham nhũng được đẩy mạnh, tăng cường; từng bước siết chặt kỷ luật, kỷ cương; chủ động và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các trường hợp cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan này.
Trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đã phát hiện, xử lý 125 trường hợp cán bộ, đảng viên trong các cơ quan này có sai phạm do tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự hơn 64 trường hợp. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, chúng ta đã xử lý kỷ luật hơn 590 cán bộ trong các cơ quan chức năng PCTNTC, trong đó có hơn 200 trường hợp bị xử lý hình sự.
Nhất là, chúng ta đã xử lý kỷ luật đối với 03 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; xử lý hình sự 02 Thiếu tướng đã nghỉ hưu và 04 sĩ quan cấp tá trong lực lượng vũ trang liên quan đến vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự và vụ án tại Quảng Ninh; xử lý hình sự 14 cán bộ thanh tra, giám sát của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia có sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và xử lý kỷ luật nhiều lãnh đạo các cơ quan thanh tra, bảo vệ pháp luật của địa phương…, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa vi phạm, chống tham nhũng trước hết trong lực lượng chống tham nhũng.
Ban Chỉ đạo PCTN,TC cấp tỉnh sau 01 năm thành lập và triển khai hoạt động từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác đấu tranh PCTNTC; từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Các Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm, triển khai hiệu quả các mặt công tác, góp phần tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh PCTNTC ở địa phương, cơ sở.
Điểm nổi bật là, số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, khởi tố mới có chiều hướng tăng; số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn. Các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương đã khởi tố 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, đã khởi tố 419 vụ án/1.324 bị can (tăng 252 vụ án/989 bị can về tội tham nhũng so với cùng kỳ năm 2022); 144 vụ án/774 bị can bị khởi tố do hành vi tiêu cực; trong đó có 938 bị can là đảng viên, 58 bị can là cán bộ diện Ban Thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ quản lý.
Nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp quận, huyện, như: Lào Cai khởi tố, điều tra nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Nam khởi tố, điều tra nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh và nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh; Quảng Ninh khởi tố, điều tra nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh; nguyên Giám đốc Công an TP. Hải Phòng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Hòa Bình khởi tố Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy; Thanh Hóa khởi tố Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND huyện; Đà Nẵng khởi tố 01 Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Quận; Bà Rịa- Vũng Tàu khởi tố nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT; Cao Bằng khởi tố 01 Phó Giám đốc Sở TN&MT; Thái Nguyên khởi tố, điều tra Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ; Lai Châu khởi tố, điều tra Chánh Thanh tra tỉnh; Sơn La khởi tố, điều tra đối với Phó Giám đốc Sở NN&PTNT; Khánh Hòa khởi tố, điều tra nguyên Chủ tịch UNND tỉnh; Gia Lai khởi tố nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo;..
Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền có nhiều đổi mới; vai trò của cơ quan dân cử, MTTQVN, báo chí và nhân dân trong công tác PCTNTC được phát huy tốt hơn.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, số lượng, thời lượng tin bài về PCTNTC được đăng tải nhiều hơn, các cơ quan báo chí, truyền thông đã thông tin, tuyên truyền sâu sắc, đậm nét hơn, mở nhiều chuyên mục mới, diễn đàn nghiên cứu, trao đổi, phân tích chuyên sâu, báo chí đã đăng tải gần 30.000 tin, bài, phóng sự về kết quả nổi bật trong công tác PCTNTC (tăng hơn 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ XII). Qua đó, khẳng định và lan toả quyết tâm của Đảng, Nhà nước; tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác PCTNTC.