Dự thảo mới nhất Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vừa được Bộ KH&ĐT công bố đã đưa ra 2 phương án hỗ trợ về thuế cho đối tượng DN này: Đó là áp dụng mức thuế suất thuế chung cho tất cả DNNVV và áp dụng các mức thuế theo quy mô DNNVV…
Nếu dự thảo này được thông qua, một loạt các luật về thuế liên quan sẽ phải kịp sửa và có hiệu lực chậm nhất vào thời điểm Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực thi hành, dự kiến từ 1/7/2018.
Tuân thủ nguyên tắc thị trường, hỗ trợ có thời hạn
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), so với Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Dự thảo mới (ngày 19/2/2017) đã tiếp thu theo hướng phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng.
Cụ thể hỗ trợ từ cơ bản đến thiết yếu đối với tất cả các DNNVV; hỗ trợ theo mục tiêu đến có chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế.
Một điểm mới nữa là Dự thảo mới được thiết kế theo hướng tuân thủ nguyên tắc thị trường, hỗ trợ có thời hạn, giúp DNNVV ổn định sản xuất kinh doanh. Thay vì hỗ trợ rộng như dự thảo trước, Dự thảo mới tập trung hỗ trợ về tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ DNNVV theo mục tiêu (trọng tâm, thu hẹp đối tượng nguyên tắc) và để Chính phủ quy định chi tiết phù hợp nguồn lực từ thời kỳ.
Dự thảo cũng đã đưa ra các phương án hỗ trợ có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm, thiết kế các phương án để phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực hỗ trợ và cũng cơ cấu lại về nguồn lực hỗ trợ DNNVV…
Đòn bẩy thuế
Chỉ đứng sau nội dung hỗ trợ về tín dụng, nhưng với nội dung hỗ trợ về thuế, ban soạn thảo đã phải đưa ra 2 phương án:
Với phương án 1- áp dụng mức thuế suất thuế chung cho tất cả DNNVV, dự thảo quy định: DNNVV được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thấp hơn mức thông thường. Đối với DNNVV khi chuyển từ quy mô siêu nhỏ lên nhỏ. Từ quy mô nhỏ lên vừa thì DN đó được áp dụng mức thuế thấp hơn trong thời hạn 3 năm.
Với phương án 2- áp dụng các mức thuế theo quy mô DNNVV, Dự thảo quy định, DN vừa được áp dụng mức thuế TNDN thấp hơn mức thông thương áp dụng cho DN (ví dụ 17%); DN nhỏ/siêu nhỏ được áp dụng mức thuế TNDN thấp hơn mức áp dụng cho DN vừa/DN nhỏ (ví dụ 15%/13%). Đối với DN chuyển quy mô từ siêu nhỏ lên nhỏ, từ nhỏ lên vừa được áp dụng mức thấp hơn tương ứng trong thời hạn 3 năm…
Theo đánh giá của các chuyên gia, phương án 1 đơn giản và dễ triển khai hơn, nhưng phương án 2 cụ thể và mang tính hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm hơn.
Tuy nhiên, với phương án nào, hiệu lực thi hành của Luật cũng phải kèm theo điều kiện Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hỗ trợ cho DNNVV về thuế TNDN, thu nhập cá nhân phù hợp với Luật này…
Theo Bao Phapluat