Tòa án nhân dân tối cao đang soạn thảo dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong đó nêu rõ chính sách của Nhà nước là khuyến khích các bên giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Theo dự thảo, phạm vi hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện đối với các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (gọi chung là vụ việc dân sự), khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các bên đồng ý hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc.
Về bảo mật thông tin, dự thảo quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại, trừ khi có sự đồng ý trước của bên đã cung cấp thông tin. Không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại, trừ trường hợp lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 32 của Luật này và ghi chép của Hòa giải viên, Đối thoại viên phục vụ cho việc tiến hành hòa giải, đối thoại.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ chống lại họ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ những trường hợp: Bên trình bày đồng ý sử dụng lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ; theo quy định của luật.
Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án; khuyến khích những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Luật này làm Hòa giải viên, Đối thoại viên. Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có quyền: Đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại; yêu cầu Hòa giải viên, Đối thoại viên giữ bí mật những thông tin do mình cung cấp; bày tỏ ý chí, thỏa thuận về nội dung hòa giải, đối thoại; yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành.
Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có nghĩa vụ: Tham gia hòa giải, đối thoại với tinh thần thiện chí, hợp tác để thúc đẩy quá trình hòa giải, đối thoại đạt kết quả tích cực; trình bày chính xác tình tiết, nội dung của vụ việc và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc theo yêu cầu của Hòa giải viên, Đối thoại viên; chịu trách nhiệm về tính xác thực của các tài liệu, chứng cứ cung cấp trong quá trình hòa giải, đối thoại, khi yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Trường hợp cung cấp tài liệu, chứng cứ không đúng sự thật thì thỏa thuận hòa giải thành, đối thoại thành đương nhiên vô hiệu; nếu gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật…
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/van-ban-moi/du-thao-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-446742.html