Khá nhiều nội dung được tiếp thu, sửa đổi tại dự thảo mới nhất Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra lấy ý kiến DN sáng qua, 13/4.
Điều khiến cho chính Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), thành viên Ban soạn thảo, ông Đậu Anh Tuấn và đại diện các hiệp hội DN bất ngờ bởi yếu tố “mới” và “lạ” chính là Điều 29 của Dự thảo Luật khi quy định trách nhiệm của Hiệp hội DNNVV. Đã có ý kiến gọi đây là điều khoản “lobby”…
Muốn được hỗ trợ phải có chứng chỉ (!?)
Dự luật có 4 chương 38 điều và theo ông Đậu Anh Tuấn, thực ra nội dung chỉ tập trung trong khoảng hơn 30 điều, trong đó riêng quy định về trách nhiệm hỗ trợ đã là 16 điều. Tại điều khoản này, ngoài quy định rất ngắn gọn trách nhiệm của VCCI thì nội dung chủ yếu quy định trách nhiệm của Hiệp hội DNNVV và được quy định rất cụ thể, chi tiết, trong đó quy định việc cung cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành của Hiệp hội cho các DNNVV.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa gọi Điều 29 là “kỳ tích” khi đã can thiệp quá sâu vào điều lệ của Hiệp hội. Từ thực tế địa phương, ông Đệ cho biết, sau 6 năm hoạt động thấy nhiều bất cập do quá nhiều hiệp hội sinh ra cãi nhau, sau đó Thanh Hóa thành lập Hiệp hội DN tỉnh, trong đó có nhóm DNNVV, thì hoạt động ổn định.
Theo ông Đệ, với 98 - 99% DN là DNNVV nằm rài rác trong các hiệp hội chủ yếu gắn với ngành hàng hoặc hiệp hội DN địa phương. “Giờ Dự thảo quy định như thế này các DN phải vào Hiêp hội DNNVV thì mới được hỗ trợ? Hình như điều khoản này có lobby? ”- Ông Đệ tỏ ra nghi ngờ.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang cũng băn khoăn: Nếu theo quy định này, các DN đang chủ yếu trong các hiệp hội ngành hàng sẽ phải chuyển sang Hiệp hội DNNVV để được hỗ trợ? Trong khi xu thế chung là bỏ chứng chỉ, chứng nhận thì Dự thảo lại quy định. “Chưa thấy hỗ trợ gì nhưng rõ ràng Dự thảo lại thêm thủ tục hành chính cho DNNVV!”- ông Giang bức xúc.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM thẳng thắn: “Ngoài VCCI ra, DN chỉ chịu tác động của 2 hiệp hội là hiệp hội ngành nghề và Hiệp hội DN địa phương. Không biết địa phương khác như thế nào chứ Hiệp hội DNNVV TP HCM rất mờ nhạt…”.
Cũng thấy lạ với Điều 29, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Thời khẳng định: “Cơ quan soạn thảo rất hay, đến phút cuối mới có Điều 29. Đây là điều lobby!”. “Lạ:” nữa là theo điều khoản này, để được hỗ trợ, DN phải xin/mua chứng chỉ, chứng nhận của Hiệp hội DNNVV (!?).
Nói về Điều 29 của Dự thảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cũng chỉ ra điều bất thường là trong khi các quy định khác rất chung chung, thì điều khoản này quy định lại quá cụ thể, chi tiết, không cần thiết, vừa ít tính pháp lý và “chưa từng có”…
Hỗ trợ hay bảo vệ?
Qua rất nhiều dự thảo, song đến dự thảo này vẫn có ý kiến băn khoăn về cụm từ “hỗ trợ” trong Dự thảo Luật.
“Đọc dự thảo này tôi thấy buồn! Đây là luật văn mẫu, làm cho có. Rất hoành tráng nhưng không hiệu quả!”- ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí chia sẻ. Ông Tuất lấy ví dụ Luật của Hàn Quốc chỉ có 8 chữ : “Cấm DN lớn làm chi tiết nhỏ” kèm theo Danh mục 300 chi tiết, sau 3 năm Hàn Quốc xuất hiện hàng vạn DNNVV. Hay như Nhật Bản, Luật chỉ có 3 trang 7 điều nhưng cứu cả một ngành sản xuất.
Bình luận 7 nội dung hỗ trợ (tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin và tư vấn, nguồn nhân lực), Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí gọi đây là 7 “món” trong một nồi lẩu không dùng được bởi “nói gì thì nói 7 nội dung này cũng không thể “đè” lên 7 luật chuyên ngành được…” . Ông cũng đề nghị bỏ ngay từ “hỗ trợ” trong tên luật bởi điều này vi phạm cam kết WTO và các FTA đa phương, song phương mà Việt Nam tham gia. “Nếu muốn cũng phải giấu chứ không ai trưng ra như thế”- ông Tuất đề nghị.
Theo ông, DN không cần hỗ trợ, họ cần được bảo vệ. “DN Việt Nam rất đàng hoàng và rất đáng thương. Họ muốn được cạnh tranh bình đẳng. Với DN chân chính, hỗ trợ có khi là sự xúc phạm. Nhưng thực tế, họ đang bị thương lái ép giá, bị cạnh tranh không lành mạnh, bị thuế, công an, chính quyền… hành. Vì thế họ cần được bảo vệ hơn là hỗ trợ!”- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí lên tiếng.
Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, nhiều lần VCCI cũng đã có ý kiến về tên gọi của Luật. Thay vì Luật Hỗ trợ DNNVV nên gọi là Luật Phát triển DNNVV, hay chỉ là Luật DNNVV.
Hôm nay (14/4), Dự luật này sẽ được đưa ra lấy ý kiến DN tại TP HCM. Dự kiến, Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tới đây.
Theo Bao Phapluat