Chạy chức và cấu trúc ‘tiền - quyền - tiền’

Tại phiên xét xử vụ án nhận hối lộ của các thanh tra giao thông (TTGT) Cần Thơ, một số bị cáo đã khai trước tòa rằng trong số hàng tỉ đồng nhận hối lộ, họ đã dùng hàng trăm triệu đồng để “chi” cho các khoản liên quan đến chạy chức.

Cụ thể, bị cáo Dương Minh Tâm, nguyên phó chánh TTGT Cần Thơ, cho hay đã chi đến 370 triệu đồng cho ông Trương Minh Phúc, khi ông này là chánh TTGT TP Cần Thơ, để được lên chức này. Cũng thế, bị cáo Võ Hoàng Anh (nguyên đội trưởng Đội TTGT quận Ninh Kiều) cũng khai đã đưa 350 triệu đồng cho ông Phúc khi ông này còn đang là phó chánh thanh tra để được lên chức đội trưởng. Đáng chú ý hơn khi Tâm được xem là cán bộ thanh tra trẻ tuổi (37 tuổi) nhưng có bước đường thăng tiến nhanh nhất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa)

Chuyện chạy chức, chạy quyền vốn là câu chuyện không mới. Cái mới là nó được phơi bày chần dần ra trước công luận với việc “chỉ mặt đặt tên cụ thể”. Dù trả lời Pháp Luật TP.HCM ông Phúc đã phủ nhận việc này nhưng rõ ràng đây là một thông tin rất đáng lưu ý. Công luận đang đợi xem các cơ quan có thẩm quyền có vào cuộc làm rõ và xử lý vấn đề này không, bởi lời tố giác này được đưa ra tại một phiên tòa xét xử công khai.

Vấn đề ở đây là cấu trúc “tiền - quyền - tiền” đã được biểu hiện một cách sinh động nhất qua vụ án này. Nếu lời khai của các bị cáo trên là sự thật thì rõ ràng họ đã sử dụng tiền để có chức và khi đã có được chức vụ cao hơn (tức là có quyền lực), họ lại quay ra “làm tiền” người dân và doanh nghiệp. Hiểu một cách dân dã thì đây là phương thức “thu hồi vốn” cho những gì họ đã bỏ ra. Nhưng nghiêm trọng hơn, họ đã dùng tiền lũng đoạn quyền lực và ngược lại, quyền lực công đã bị đem ra mua bán một cách ngon lành.

Cấu trúc này khi được vận hành, rõ ràng nó sẽ tạo ra một hành trình thăng tiến nhanh nhất cho cán bộ. Nhưng hành trình ấy tỉ lệ nghịch một cách nghiêm trọng với chất lượng cán bộ. Quyền năng của đồng tiền đã biến câu chuyện bổ nhiệm cán bộ đúng tiêu chí, năng lực trở thành đấu trường bất khả kháng cho những cán bộ liêm trung trước cán bộ lắm tiền.

Tham gia cấu trúc ấy, cán bộ tự nguyện trở thành một “con sâu” hai đầu với đầu “hút” luôn hoạt động hết công suất để bù vào nguồn xả vốn đòi hỏi liên tục, bởi quyền lực là thứ ma lực mà con người ta khi có rồi luôn muốn tăng thêm. Theo đó, cán bộ khi để mình rơi vào cấu trúc ấy thì đó chính là khởi nguồn cho sự tha hóa đầy lôi kéo, đến mức rất khó để dừng lại và có thể “sa lầy” bất kỳ lúc nào như những cán bộ thanh tra trên.

Ông Đỗ Văn Đương, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã từng nói: “Việc chạy chức, chạy quyền không chỉ là chỗ tham nhũng lớn mà còn là nơi “đẻ” ra tham nhũng”. Điều này có vẻ như rất tương thích trong trường hợp cụ thể này và tất nhiên là nhiều trường hợp khác “chưa bị lộ”.

Theo PLO

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin