Phòng, chống tham nhũng - một trong những yếu tố bảo đảm tiên quyết để đạt mục tiêu phát triển bền vững

(Pháp lý). Sáng ngày 6/12/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ phối hợp với UNDP tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”.

1-1733474436.png

Quang cảnh Hội thảo “Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) cho biết, tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu, hướng tới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, khí hậu trái đất và đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030.       

Tại Việt Nam, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, trong đó đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 4/6/2019 về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số136/NQ-CP ngày 25/9/2020 về phát triển bền vững. Theo đó, phòng, chống tham nhũng (PCTN) là một trong những yếu tố bảo đảm tiên quyết để có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”.

2-1733474455.png

TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT phát biểu khai mạc hội thảo

Nhìn lại những kết quả đạt được, đến nay, công tác PCTN, tiêu cực của Việt Nam đã có được những bước chuyển biến, đột phá mạnh mẽ. Năm 2024, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, lãng phí, tiêu cực theo dõi được tích cực đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra.

Công tác PCTN, tiêu cực tại Việt Nam không chỉ đạt được những kết quả tích cực về phương diện phát hiện và xử lý tham nhũng, mà trong năm 2024 còn có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTN, tiêu cực; về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; về đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan chuyên trách PCTN, tiêu cực.

Theo Báo cáo số 653/BC-CP ngày 17 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ về công tác PCTN năm 2024, các Cơ quan điều tra trong lực lượng Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 1.538 vụ án/3.897 bị can phạm tội tham nhũng. Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 4.759 tỷ đồng, 47.704,2 m2 đất và 138,4 ha đất; đã thu hồi trên 684 tỷ đồng, 16.695 m2 đất và 967,4 ha đất; tạm giữ, kê biên, phong toả, ngăn chặn giao dịch trên 1.184,8 tỷ đồng và nhiều bất động sản, tài sản có giá trị khác. Đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 856 vụ án/2.686 bị can. Tòa án nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 1.154 vụ /3.201 bị cáo về các tội phạm tham nhũng; đã giải quyết 1.096 vụ/2.953 bị cáo; trong đó xét xử 917 vụ/2.418 bị cáo về các tội tham nhũng…

TS Nguyễn Quốc Văn khẳng định: Những kết quả đạt được trong thời gian qua là minh chứng khẳng định quyết tâm thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” trong PCTN, tiêu cực. Điều này đã để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận và góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.

Bà Nicole Rague, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng nhấn mạnh: Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao nhận thức của công chúng và tăng cường quản lý Nhà nước liêm chính, giảm thiểu tham nhũng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tồn tại, Liên hợp quốc nhận thấy, tham nhũng có thể ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc tăng cường quản trị, thúc đẩy các nước có thu nhập tốt sẽ giúp chúng ta đạt được hiệu lực, hiệu quả cao nhất của công tác PCTN. Thông qua hội thảo này, Bà hy vọng Việt Nam có được xã hội minh bạch, công bằng để phát triển đất nước bền vững.

3-1733474455.png

Bà Nicole Rague, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, bà Sabina A.Stein, trợ lý đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho biết, chủ đề ngày quốc tế chống tham nhũng 9/12 năm nay là “Đoàn kết với giới trẻ trong PCTN: Định hình tương lai liêm chính”. Đặc biệt bà tin tưởng thế hệ trẻ có vai trò và trách nhiệm trong việc thúc đẩy minh bạch, trong sử dụng công nghệ có thể tăng cường công khai, minh bạch để phát hiện sai trái, tiêu cực, tham nhũng.

4-1733474455.png

Bà Sabina A.Stein, Trợ lý đại diện UNDP Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Hội thảo khoa học: “Đánh giá công tác Phòng chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc” có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để các nhà khoa học và các đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu quốc tế trao đổi và chia sẻ ý kiến về các thành tựu, khó khăn, thách thức và các giải pháp PCTN, tiêu cực trong thời gian tới.

5-1733474487.png

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Với mục tiêu PCTN được xác định là yếu tố tiên quyết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm sự minh bạch, liêm chính trong quản trị và phát triển xã hội. Tại Hội thảo các đại biểu, nhà khoa học đã tập trung đánh giá thực trạng công tác PCTN của Việt Nam hiện nay và những thuận lợi, khó khăn, thách thức, cơ hội, dự báo trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, 23 bài tham luận giá trị của các đại biểu, nhà khoa học  đã tập trung đánh giá thực trạng công tác PCTN trong các lĩnh vực và đề xuất các quan điểm, giải pháp, sáng kiến PCTN. Trong đó đáng chú ý là các bài nghiên cứu về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng CSVN trong công cuộc PCTN;  hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực quản lý nhà nước nhằm PCTN; nâng cao hiệu quả quản lý điều hành và tổ chức thực thi chính sách – pháp luật về PCTN;  nâng cao hiệu quả của các thiết chế chuyên trách PCTN; phát huy vai trò của xã hội và hợp tác công tư trong PCTN; nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước và quản trị xã hội nhằm PCTN; giáo dục liêm chính PCTN trong hoạt động công vụ và trong nhân dân;  hợp tác quốc tế và vận dụng kinh nghiệm quốc tế về PCTN phù hợp với thực tiễn Việt Nam; tiêu chí, phương pháp đo lường, đánh giá tham nhũng và công tác PCTN; phát huy vai trò của giới trẻ, “Đoàn kết với giới trẻ trong PCTN: Định hình tương lai liêm chính” ...

Bằng các nghiên cứu khoa học, thực tiễn và toàn diện về công tác PCTN, các nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý kiên quyết các vụ án tham nhũng và hoàn thiện thể chế pháp luật. Thông điệp từ Hội thảo “Đánh giá công tác Phòng chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc” khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam hướng tới một nền kinh tế minh bạch, phát triển bền vững.

Thành Chung

Link nội dung: https://phaply.net.vn/phong-chong-tham-nhung-mot-trong-nhung-yeu-to-bao-dam-tien-quyet-de-dat-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-a258992.html