Từ các vụ lạm dụng quyền lực, vi phạm pháp luật của quan chức một số tỉnh, thành: Khẩn trương hoàn thiện cơ chế và đổi mới phương thức kiểm soát quyền lực

(Pháp lý) - Cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam vừa bị C03 - Bộ Công an khởi tố bắt giam. Ông Nam là bị can thứ 15 trong số các bị can đã bị khởi tố và bắt giam trước đó. Cùng với sự “ngã ngựa” trước đó của hàng loạt quan chức TP.HCM và một số tỉnh thành khác, vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”  xảy ra tại Bình Dương đã gióng lên hồi chuông về công tác kiểm soát quyền lực. Hoàn thiện cơ chế và đổi mới phương thức kiểm soát quyền lực là một yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay.

Lạm dụng  quyền lực và “ mượn danh”  tổ chức để can thiệp sâu, “ giúp sức” cho doanh nghiệp.

Việc CQĐT khởi tố và bắt giam cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam không khiến dư luận bất ngờ. Trước đó tại Hội nghị Trung ương 3 diễn ra đầu tháng 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật ông Trần Văn Nam bằng hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ: 2010-2015, 2015-2020 và 2020-2025; đặc biệt là câu chuyện ông bất ngờ làm đơn xin rút khỏi danh sách đại biểu Quốc hội khóa XV.

Trước đó, từ tháng 4/2020, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố bắt giam 07 bị can đều là các cán bộ chủ chốt (gồm nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT Công ty 3-2 và Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương), do có sai phạm liên quan đến việc hoàn tất thủ tục chuyển nhượng khu đất “vàng” 43ha cho Công ty TNHH xây dựng Tân Phú; và góp vốn bằng quyền sử dụng đất 145ha vào Công ty CP Đầu tư và phát triển Tân Thành trái pháp luật. 

Đến thời điểm hiện tại, liên quan vụ án, Bộ Công an cũng đã khởi tố tổng cộng 15 người là cựu quan chức tỉnh Bình Dương (ngoài cựu Bí thư Trần Văn Nam còn có cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Cành, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thanh Trúc cùng nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ ở tỉnh Bình Dương… ). Với việc để Tổng Công ty 3-2 chuyển nhượng trái quy định pháp luật về tay tư nhân đối với hai khu đất “vàng” nói trên, làm thất thoát tài sản nhà nước lên tới ngàn tỷ đồng, hành vi sai phạm của các bị can nguyên là lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã cấu thành tội danh: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.

image001-1627700359.jpg
Cận cảnh khu đất vàng 43ha tại phường Hoà Phú, TP.Thủ Dầu Một từng được giao cho Tổng Công ty 3-2 sở hữu đã biến thành tài sản Công ty Kim Oanh TP.HCM…

Từ kết quả điều tra cho thấy, các chiêu thức, thủ đoạn được các bị can sử dụng na ná các chiêu thức thủ đoạn mà các bị can nguyên là lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đã thực hiện trong các vụ án: “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco), Q1, TP. Hồ Chí Minh; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; đặc biệt là vụ án “Tất Thành Cang và đồng bọn”… Có nghĩa hành vi cố ý làm trái của lãnh đạo Công ty 3-2 không “đơn độc”, bên cạnh họ có sự tiếp sức tích cực của các bị can nguyên là cựu lãnh đạo đứng đầu ở Bình Dương. Những cá nhân lãnh đạo này đã lạm dụng và nhân danh “Thường trực Thành ủy”, “Thường trực Tỉnh ủy” để can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp với mục đích không hề trong sáng. 

Nếu như quá trình “thâu tóm” 32ha đất công ở Phước Kiển, huyện Nhà Bè của Công ty Quốc Cường (Gia Lai) từ tay Công ty Tân Thuận (có 100% vốn Thành ủy TP.HCM), gây thất thoát tài sản của nhà nước 2.400 tỷ đồng, nhờ vào ý kiến chỉ đạo của nguyên PBT Thường trực Tất Thành Cang tại Thông báo số 485 và Tờ trình số 1206 của Văn phòng Thành ủy TP.HCM; thì ở vụ án xảy ra ở Cty 3 – 2 ở Bình Dương, quá trình để Công ty Kim Oanh sở hữu 43ha đất tại vị trí đắc địa ở TP. Thủ Dầu Một, nhờ vào sự can thiệp của các cựu lãnh đạo các cấp của tỉnh Bình Dương đứng đầu là nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam. Nếu có khác, đó là Tất Thành Cang đã “lén lút” không thông qua Thường trực Thành ủy trước khi ban hành các văn bản chỉ đạo. 

Còn vụ ở Cty 3 – 2 thì sao?  Trước khi Công ty Tân Phú ra đời, khu đất 43ha được giao cho Tổng Công ty 3-2 trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương (còn 60% vốn nhà nước), quản lý để sử dụng vào mục đích xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương. Tuy nhiên đến ngày 17/8/2010, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương bất ngờ có Văn bản số 1830 – CV/TU đồng ý chủ trương cho phép Tổng Công ty 3-2 liên doanh góp vốn 30% với Công ty BĐS Âu Lạc để “đầu tư và kinh doanh dự án tại Khu B có diện tích 43ha”.
     
Đến ngày 29/8/2016, trong lúc Công ty Âu Lạc chỉ mới chuyển được 140 tỷ đồng, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã phát đi Công văn số 477- CV/TU có nội dung không đồng ý không chuyển giao khu đất 43 ha cho Công ty Đầu tư và QLDA Bình Dương, nhằm mở đường cho Tổng Công ty 3-2 hợp thức hóa “mục tiêu” nói trên. Dựa vào văn bản này, Tổng Công ty 3-2 hoàn thành việc chuyển nhượng 43ha đất cho liên doanh Tân Phú vào cuối năm 2016. Ngay sau khi được cấp quyền sử dụng khu đất, Công ty Tân Phú (trực thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM) đã làm thủ tục thế chấp và  bảo lãnh cho Công ty CP Đầu tư xây dựng công nghiệp Nam Kim vay 350 tỷ đồng. Mặc dù việc đăng ký thế chấp này chưa được đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai năm 2013. 

Tương tự như vậy, liên quan đến khu đất 145ha, kết luận điều tra xác định, ông Phạm Văn Cành, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020; chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc ký văn bản nhằm hợp thức việc chuyển nhượng trái phép dự án Tân Phú cho tư nhân và để xảy ra các vi phạm tại Tổng Công ty 3/2.

image002-1627700538.jpg
Và khu đất 145 ha hiện là sân Golf Harmonia Gofl Park do Công ty Tân Thành làm chủ đầu tư…  khiến cho cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam và hàng loạt các quan chức tỉnh Bình Dương phải “ngã ngựa”.

Bất chấp pháp luật,  cho bán và đầu tư tài sản công ra ngoài DN không cần thẩm định, đấu giá…

Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định của nhà nước tại DNNN (Điều 27), quy định phương thức thanh lý, nhượng bán tài sản cố định: “DNNN thực hiện việc nhượng bán tài sản cố định bằng hình thức đấu giá thông qua một tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản hoặc do doanh nghiệp tự tổ chức thực hiện công khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản”. Có nghĩa bắt buộc phải thông qua hình thức đấu giá, trước khi tổ chức bán đấu giá phải thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị tài sản cố định cần nhượng, bán.

Quy định trên của pháp luật nhằm để ngăn chặn sự “bốc hơi” tài sản công tại các DNNN. Tuy nhiên, từ kết quả điều tra của cơ quan có chức năng cho thấy, dưới sự can thiệp của những người lãnh đạo cao nhất ở địa phương, những sai phạm của các DNNN “con cưng” (thuộc 2 địa phương là TP.HCM và tỉnh Bình Dương), đều có chung một hành vi làm trái rất liều lĩnh, bất chấp pháp luật, đó là cho nhượng, bán và kể cả đầu tư vốn ra bên ngoài doanh nghiệp trái mục đích mà không cần định giá và tổ chức bán đấu giá… 
        
Tại thời điểm Công ty Quốc Cường (Gia Lai) nhận chuyển nhượng 32ha đất công ở Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ Công ty Tân Thuận (6/2017), có giá thị trường đã là 2.400 tỷ đồng (bình quân 7,5 triệu đồng/m2), nhưng nguyên PBT Thường trực Tất Thành Cang đã “bật đèn xanh” để hai bên tự thỏa thuận với giá chỉ 1,29 triệu đồng/m2, khiến cho ngân sách bị “gọt” còn 419 tỷ đồng. Trong vụ án: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, nguyên PCT UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã lạm dụng quyền lực “dẫn dắt” Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM “thôn tính” khu đất vàng rộng 5.000m2, tọa lạc tại 8-12 Lê Duẩn, Q1, TP Hồ Chí Minh về tay 2 công ty tư nhân (Lavenue và Hoa Tháng Năm), bỏ qua các công đoạn,  không thẩm định giá tài sản, không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất,  hậu quả làm thiệt hại tài sản nhà nước tới 2.554 tỷ đồng.

image003-1627700591.jpg
Toàn cảnh khu đất 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM, khiến nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín rơi vào vòng lao lý

Cũng như vậy, đối với khu 43 ha tọa lạc tại vị trí đắc địa ở TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương), Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho phép Tổng Công ty 3-2 tự thỏa thuận việc mua bán (không qua đấu giá) với Công ty Tân Phú để triển khai Dự án khu đô thị Tân Phú. Kết quả, đã làm thất thiệt hại tài sản nhà nước lên tới 302 tỉ đồng, do giá chuyển nhượng thấp hơn bảng giá đất quy định của UBND tỉnh Bình Dương tại thời điểm hơn 250 tỉ đồng. 

Pháp luật quy định: “DNNN không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản” (khoản 7 Điều 1 Nghị định 32/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp). Tuy nhiên, tháng 6/2017, được sự tiếp sức của Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, bộ máy quản trị Tổng Công ty 3-2 đã đem quyền sử dụng khu đất “vàng” 145 ha đi góp vốn với công ty nước ngoài kinh doanh sân golf, bất chấp quy định của pháp luât.

Điều đáng nói là, trước khi đem quyền sử dụng đất đi góp vốn, khu đất 145ha  chưa được thẩm định định giá để xác định giá trị (theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư, sản xuất tại doanh nghiệp), cũng vẫn do các bên tự thỏa thuận. Kết quả, sau một thời gian lòng vòng chuyển nhượng, khu đất này đã rơi vào Công ty Tân Thành với giá chỉ 139 tỷ đồng, gây thất thoát tới 1.632 tỷ đồng. Với sai phạm này, UBKT TW xác định, ông Trần Thanh Liêm, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh là người giữ vai trò chính.

Cũng thủ đoạn trên, trước đó trong vụ án: “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco), được sự tiếp sức của nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, những người điều hành Công ty này đã dễ dàng “hóa kiếp” khu đất “vàng” tọa lạc tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM về tay các cổ đông tư nhân kinh doanh BĐS. Thủ đoạn của Sabeco: Góp vốn thành lập Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl để làm chủ đầu tư dự án Sài Gòn Mê Linh Tower (2015) cùng với 4 cổ đông sáng lập là 4 công ty cổ phần.  

Sau 03 lần “thay áo” (từ  DA Sài Gòn Mê Linh Tower, đến DA “Khu phức hợp khách sạn 6 sao, Trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê”; và cuối cùng là: DA “Đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm hội nghị, thương mại - dịch vụ, văn phòng, officetel và căn hộ bán”), Sabeco Pearl bất ngờ được ông Tín ký văn bản cho hưởng ưu đãi thuê đất tới 50 năm trả tiền 1 lần để thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Đến giữa năm 2016 (chủ trương thoái vốn của Nhà nước ra đời), Sabeco lập tức thoái vốn bán toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ cho các cổ đông sáng lập khác... Kết quả, sau 1 năm theo đuổi DA, bỏ ra 92 tỷ đồng tiền mặt và quyền sử dụng đất khu đất có giá trị ghi sổ tới 1.237 tỷ đồng (để đảm bảo tỷ lệ góp vốn 26% vào Sabeco Pearl), Sabeco chỉ thu về được số tiền 195 tỷ đồng…

121-1627700726.jpg
Các bị can Trần Văn Nam, Trần Thanh Liêm, Nguyễn Thanh Trúc… nguyên là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
122-1627700748.jpg
Từ trái qua phải: Các bị can, bị cáo nguyên là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch và PCT UBND TP.HCM gồm: Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Trần Hữu Tín… 

Kiến nghị 

Có thể thấy, qua các vụ án xảy ra ở TP HCM, một số tỉnh thành khác và mới đây nhất là Bình Dương,  số quan chức ngã ngựa liên quan đến đất không hề ít. Có những vụ việc, cơ quan điều tra không chứng minh được cán bộ “giúp sức” doanh nghiệp hưởng lợi từ đất đai công sản là xuất phát từ động cơ vụ lợi, là tham nhũng, nhận hối lộ. Nhưng trên thực tế, khó ai có thể tin được họ giúp DN vô tư và trong sáng….

Chúng tôi đã có nhiều bài viết chỉ ra các lỗ hổng trong các qui định của pháp luật đất đai, đấu thầu, đấu giá….đã vô tình “ giúp “ các quan tham và các Cty, doanh nghiệp sân sau, thân hữu của họ thực hiện trót lọt nhiều phi vụ rút ruột công quĩ đất đai công sản. Tới đây khi sửa đổi Luật Đất đai và một số Luật liên quan, chắc những khuyết thiếu bất cập của Luật sẽ được các cơ quan chức năng nhắm đến.

Tuy nhiên một vấn đề chúng tôi mong các cấp ngành cần đặc biệt lưu tâm hiện nay đó là công tác kiểm soát quyền lực. Trong đó đáng lo ngại là “ quyền lực mềm” được tạo ra bởi những cá nhân có chức quyền, nhưng lại tha hóa, xuống cấp về phẩm chất đạo đức. Sức công phá của “quyền lực mềm” dạng này đối với tài sản nhà nước được nhân lên gấp nhiều lần, khi nó được cộng hưởng từ sự lạm dụng uy tín của một tập thể.

Từ sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công xảy ra tại tỉnh Bình Dương và trước đó là tại TP.HCM và một số tỉnh thành khác, dẫn tới hàng loạt các quan bị “xộ khám” đã làm phát lộ khoảng trống pháp lý về kiểm soát “quyền lực mềm” trong quản lý sử dụng tài sản công tại DNNN. Cần phải có giải pháp căn cơ trong dài hạn để không chế.
      
Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều quy định nhằm để khống chế và kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên như Quy định số 47 – QĐ/TW về 19 điều cấm đảng viên không được làm; Quy định số 30-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; Quy định số 102 - QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; đặc biệt là Quy định số 08 - QĐi/TW về nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TW; Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền… 

Tuy nhiên theo chúng tôi, tới đây vẫn cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung các thiết chế đặc biệt khác để đưa những đảng viên có chức có quyền đi đúng “đường ray”. Qua đây, chúng tôi mạnh dạn kiến nghị một số điểm sau: 

1.Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị bảo đảm sự vận hành một cách đồng bộ và thống nhất hệ thống các thể chế, các thiết chế liên quan trong kiểm soát quyền lực của Đảng, của Nhà nước và các thành viên của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của nhân dân.  

2. Đổi mới phương thức kiểm soát quyền lực chính trị của Đảng, Nhà nước gồm Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước… (các tổ chức nhà nước và cá nhân ngoài Đảng, Nhà nước…), của Đảng đối với Nhà nước… được coi là cơ chế kiểm soát từ bên ngoài.

3. Phải duy trì sự kiểm soát, chế ước, phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện không đúng, không hiệu quả trong việc thực thi quyền lực nhà nước của mỗi cơ quan, nhân viên nhà nước hoặc của các thiết chế khác khi tham gia thực hiện quyền lực nhà nước, trong tính chỉnh thể thống nhất. Chủ động thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm trong sạch hóa, tinh nhuệ hóa  đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức nhà nước, song hành với kiểm soát quyền lực cán bộ, đảng viên trong bộ máy đảng và các thành viên của hệ thống chính trị.

4. Pháp luật dù có hoàn thiện và nghiêm minh đến đâu cũng không ngăn chặn được lòng tham trổi dậy của con người. Lòng tham khiến người ta rất dễ dùng quyền lực để thu vén cho cá nhân và sẵn sàng móc ngoặc, thỏa hiệp với những kẻ xấu để vụ lợi. Vì vậy, mấu chốt sâu xa của vấn đề vẫn nằm ở chỗ cần phải có cơ chế phù hợp để chọn lựa được một đội ngũ công quyền thực sự có tâm, tầm và có trách nhiệm . Theo chúng tôi, đây là điều then chốt nhất, không thể giao quyền lực vào tay những người đạo đức kém hoặc vô đạo đức. 

5. Quyền làm chủ của Nhân dân không chỉ được đảm bảo bằng Hiến pháp, pháp luật, mà bằng hệ thống các phương tiện khác: báo chí và truyền thông, các thiết chế Quy chế Dân chủ ở cơ sở, bảo đảm Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân thụ hưởng, thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Cần để công dân thực hiện đúng, đầy đủ và hiệu quả quyền lực của mình bằng và thông qua pháp luật trong việc kiểm soát quyền lực. 

VŨ LÊ MINH

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-cac-vu-lam-dung-quyen-luc-vi-pham-phap-luat-cua-quan-chuc-mot-so-tinh-thanh-khan-truong-hoan-thien-co-che-va-doi-moi-phuong-thuc-kiem-soat-quyen-luc-a252805.html