Xử vụ tranh chấp HĐXD thủy điện Nậm Mô: Bản án còn nhiều điểm thiếu khách quan?

27/09/2016 08:07

(Pháp lý) - Vụ kiện tranh chấp hợp đồng xây dựng thủy điện Nậm Mô giữa Tổng Công ty 36 và Công ty CP phát triển năng lượng Nghệ An (Công ty EDCNA), đã trải qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm với nhiều ý kiến khác nhau về kết quả phiên tòa.

Được biết, sau khi HĐXX Phúc thẩm TAND tỉnh Nghệ An tuyên y án sơ thẩm, bị đơn tiếp tục kháng cáo.

VKS đề nghị hủy án sơ thẩm, Tòa phúc thẩm tuyên vẫn y án

Theo hồ sơ vụ án, năm 2010 - năm 2011, Tổng Công ty 36 và Công ty EDCNA ký hai hợp đồng xây dựng số 1 và số 17, tổng giá trị 187,59 tỷ đồng để xây dựng thủy điện Nậm Mô. Trong quá trình thi công do một số công việc nhà thầu không thực hiện theo đơn giá hợp đồng, chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu 159,3 tỷ đồng, số tiền còn lại chưa thanh toán là số tiền phát sinh đo trượt giá nhân công và vật liệu trong quá trình thi công.

Thủy điện Nậm Mô
Thủy điện Nậm Mô)

Ngày 16/11/2015, Tổng Công ty 36 đã khởi kiện chủ đầu tư ra TAND TP. Vinh tỉnh Nghệ An. Phiên tòa sơ thẩm ra quyết định buộc chủ đầu tư phải thanh toán 51 tỷ đồng trên 57 tỷ đồng mà nhà thầu yêu cầu. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ chấp nhận chi thêm 11 tỷ đồng điều chỉnh giá tiền lương. Chủ đầu tư sau đó đã kháng cáo.

Quyết định kháng nghị số 845/ KN-VKS-P10 ngày 23/05/2016 của VKSND tỉnh Nghệ An (Quyết định kháng nghị số 845) chỉ ra 5 vi phạm nghiệm trọng của bản án sơ thẩm: Vi phạm trong việc xác định điều kiện khởi kiện vụ án; Vi phạm trong việc không đưa quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng; Vi phạm trong việc thu thập chứng cứ; Vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ; Vi phạm về tuyên lãi suất chậm thi hành án.

Cũng theo nội dung Quyết định kháng nghị số 845: “Bản án sơ thẩm của TAND TP. Vinh tỉnh Nghệ An đã vi phạm nghiêm trọng cả về tố tụng và nội dung, làm thiệt đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Những vi phạm này cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do đó cần áp dụng khoản 3, Điều 275, khoản 1, Điều 277 Bộ Luật tố tụng dân sự để hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án”.

Quyết định kháng nghị số 845 nêu rõ: “ Đề nghị TAND tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung”.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 12/9/2016 của TAND tỉnh Nghệ An, HĐXX đã tuyên, không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo của chủ đầu tư và kháng nghị của VKSND cùng cấp. Buộc chủ đầu tư phải thanh toán số tiền còn lại và tiền lãi phạt do chậm thanh toán cho đơn vị thi công là trên 55 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tám, đại diện bị đơn cho PV biết: Đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều điểm không bình thường. Đơn cử như, trong khi công trình chưa được quyết toán, chưa có biên bản thống nhất về khối lượng và giá trị quyết toán giữa nhà thầu, tư vấn QLDA và tư vấn giám sát, chủ đầu tư mà HĐXX hai cấp đã chấp nhận toàn bộ số liệu tự quyết toán hơn 207 tỷ đồng của nhà thầu tự đưa ra trong khi không có tham vấn, xác minh làm rõ của bất cứ cơ quan có chuyên môn nào là điều khó hiểu? Tối thấy có gì đó không bình thường?

Những chứng cứ không được HĐXX xem xét

Cũng theo đại diện của bị đơn: “Chúng tôi phải tự mời Công ty kiểm toán quốc tế PNT - Chi nhánh Hà Nội tiến hành kiểm toán, đưa ra số liệu kiểm toán. Kết quả kiểm toán cho thấy bản tự quyết toán của nhà thầu có nhiều sai phạm, nhiều số liệu không trung thực đồng thời có đơn kiến nghị tòa án mời đơn vị kiểm toán tham gia đối chất tại phiên tòa, nhưng cũng không được HĐXX chấp nhận. Đây là một việc làm có dấu hiệu vi phạm tố tụng…”

Nhận xét về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn (Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Hà Nội) cho biết: Tại phiên tòa, đại diện chủ đầu tư, đại diện đơn vị tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát (Công ty thủy điện Bản Vẽ), đại diện VKSND tỉnh Nghệ An yêu cầu HĐXX cần trưng cầu ý kiến của một đơn vị giám định độc lập hoặc kiểm toán độc lập để kiểm tra số liệu nhà thầu tự đưa ra quyết toán. Như vậy, mới đảm bảo tính khoa học khách quan, công bằng, nhưng HĐXX không chấp nhận?

Theo lãnh đạo Công ty EDCNA: Trên thực tế, đến ngày 30/09/2014, Tổng Công ty 36 yêu cầu xác nhận số liệu công nợ để chuẩn bị cho cổ phần hóa, xác nhận này được thực hiện sau khi công trình thủy điện Nậm Mô đưa vào vận hành 1 năm 6 tháng với số nợ là hơn 24 tỷ đồng. Đến tháng 12/2014 chủ đầu tư trả tiếp 5 tỷ, đến tháng 2/2015 Chủ đầu tư trả tiếp 2 tỷ như thế còn hơn 17 tỷ được giữ lại theo quy định của hợp đồng.

Công nợ hai bên đến thời điểm hiện nay chỉ còn hơn 17 tỷ đồng, nhưng Thẩm phán đã tuyên án buộc Công ty chúng tôi phải trả cho nhà thầu số tiền thêm trên 53 tỷ đồng, mà không có bất cứ một căn cứ khoa học nào là điều không thể chấp nhận được. Việc tính toán quyết toán một công trình thủy điện rất phức tạp, HĐXX hai cấp Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm không có chuyên môn nghiệp vụ trong việc lập, thẩm định dự toán, quyết toán đã vội vàng đưa ra quyết định công nhận giá trị nhà thầu tự đưa ra. Trong khi đó số liệu tự quyết toán nhà thầu tự đưa ra với nhiều điểm không trung thực, có dấu hiệu vi phạm tố tụng, thiếu khách quan trong xét xử.

Qua hồ sơ vụ việc và ý kiến của các chuyên gia pháp luật cho thấy, bản án phúc thẩm mà TAND tỉnh Nghệ An đưa ra còn quá nhiều điểm mâu thuẫn, thiếu khách quan…Vì vậy, đề nghị Viện KSND tối cao cần xem xét, giải quyết vụ án ở cấp Giám đốc thẩm, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và tính nghiêm minh của pháp luật./.

“1. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này.

2. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật này.

3. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định”.

(Trích Điều 24- Bộ Luật tố tụng dân sự 2015)

Nhóm PV Nội chính

Bạn đang đọc bài viết "Xử vụ tranh chấp HĐXD thủy điện Nậm Mô: Bản án còn nhiều điểm thiếu khách quan?" tại chuyên mục Bình luận án. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin