Tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm với người mua bảo hiểm về việc đóng phí bảo hiểm phi nhân thọ là tranh chấp dân sự hay kinh doanh, thương mại?

03/10/2019 06:42

Ngày 13/9, TANDTC có văn bản số 212/TANDTC-PC, thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử do Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã tổ chức phiên họp trực tuyến ngày 29/7/2019. Tapchitoaan.vn xin giới thiệu nội dung giải đáp, dưới đây là giải đáp về kinh doanh - thương mại.

8

1. Tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm với người mua bảo hiểm về việc đóng phí bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ đã ký kết là tranh chấp dân sự hay tranh chấp kinh doanh, thương mại?

Pháp luật quy định chủ thể ký Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ gồm: Doanh nghiệp bảo hiểm và người mua bảo hiểm. Chủ thể ký là cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Trong trường hợp các bên ký Hợp đồng đều là thương nhân (tổ chức kinh tế, cá nhân hoạt động thương mại) có đăng ký kinh doanh, hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, nếu phát sinh tranh chấp, đó là tranh chấp kinh doanh, thương mại; Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Trong trường hợp một bên ký Hợp đồng không phải là thương nhân, Hợp đồng này là Hợp đồng dân sự và nếu phát sinh tranh chấp thì đó là tranh chấp Hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Điều 6 của Luật Thương mại năm 2005 quy định thương nhân như sau: “1. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. 2. Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm…”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Thương mại năm 2005 thì khái niệm hoạt động thương mại được quy định:“Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.”
Căn cứ vào khoản 1 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận”, trong trường hợp tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm với người mua bảo hiểm về việc đóng phí bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ thì: doanh nghiệp bảo hiểm đã có đăng ký kinh doanh, hai bên ký kết hợp đồng đều vì mục đích lợi nhuận. Vì vậy, nếu người mua bảo hiểm có đăng ký kinh doanh thì tranh chấp đó là tranh chấp kinh doanh, thương mại. Nếu người mua bảo hiểm không có đăng ký kinh doanh thì tranh chấp được xác định là tranh chấp về dân sự.

2.Trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin không trung thực để giao kết hợp đồng bảo hiểm và hưởng chế độ bảo hiểm thì bị coi là trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu do có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm theo điểm d khoản 1 Điều 22 của Luật Kinh doanh bảo hiểm hay là trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo điểm a khoản 2 Điều 19 của Luật Kinh doanh bảo hiểm?

Khoản 2 Điều 19 của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định “2. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm có một trong những hành vi sau đây:

a) Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường”.

Như vậy, trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin không trung thực để giao kết hợp đồng bảo hiểm và hưởng chế độ bảo hiểm thì doanh nghiệm bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng. Việc giải quyết hậu quả của việc đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm được thực hiện theo các thỏa thuận của hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, theo điểm d khoản 1 Điều 22 của Luật Kinh doanh bảo hiểm thì một trong các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu là “Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Đồng thời, Điều 127 của Bộ luật Dân sự quy định: “Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”. Như vậy, hành vi cố ý cung cấp thông tin không trung thực của bên mua bảo hiểm có thể bị coi là hành vi lừa dối dẫn đến hợp đồng bảo hiểm vô hiệu.

Do đó, khi thụ lý, giải quyết vụ án tranh chấp kinh doanh bảo hiểm do có hành vi lừa dối Tòa án cần lưu ý: Trường hợp, doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm do bên mua bảo hiểm có hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường thì Tòa án cần căn cứ tài liệu, chứng cứ, quá trình tranh tụng (trong đó chú ý thỏa thuận của các bên tại hợp đồng bảo hiểm) để xác định nếu doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng đúng pháp luật thì không tuyên hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 của Luật Kinh doanh bảo hiểm mà tuyên đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 19 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Điều 422 (Chấm dứt hợp đồng) và Điều 428 của Bộ luật Dân sự (Đơn phương chấm dứt hợp đồng).

3. Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án mà nội dung hòa giải liên quan đến tranh chấp về kinh doanh, thương mại là yêu cầu về dân sự hay yêu cầu về kinh doanh, thương mại? Nếu là yêu cầu về kinh doanh, thương mại thì Tòa án áp dụng Điều luật nào để thụ lý giải quyết vì hiện nay theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là yêu cầu dân sự (khoản 7 Điều 27 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

Nội dung hòa giải liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại thì phải xác định yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là yêu cầu về kinh doanh, thương mại.
Theo quy định tại Điều 31 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì:

“Điều 31. Những yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

2. Yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.

3. Yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam, về hàng hải Việt Nam, trừ trường hợp bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.

4. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

5. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài.

6. Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, trong trường hợp này, Tòa án áp dụng khoản 6 Điều 31 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để thụ lý giải quyết yêu cầu về kinh doanh, thương mại.

8. Từ ngày 01-01-2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành), thời điểm tính thời hiệu khởi kiện đối với các vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010 (có hiệu lực từ ngày 01-7-2011) được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự hay Luật Kinh doanh bảo hiểm?

Theo quy định tại Điều 184 và Điều 185 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01-01-2017) quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

Theo quy định tại Điều 30 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010 thì “Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 03 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp”.

Điều 336 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam thì “Thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải là 02 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp”.

Như vậy, Luật Kinh doanh bảo hiểm và Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định khác nhau về thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện. Vì trên thực tế hai thời điểm này không đồng nhất: khi người yêu cầu biết sự kiện pháp lý xảy ra xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ nhưng họ chưa thực hiện quyền khởi kiện ngay mà sẽ thực hiện thỏa thuận, hòa giải, thống nhất cách giải quyết trong một thời gian nhất định. Khi không thống nhất được cách giải quyết thì mới phát sinh tranh chấp.

Trong trường hợp này, Tòa án phải ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành, tức là Luật Kinh doanh bảo hiểm để xác định thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 03 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp, thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải là 02 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp. Quy định này không trái với các nguyên tắc cơ bản quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (nguyên tắc bình đẳng; tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; thiện chí, trung thực; không xâm phạm đến lợi ích chung và của người thứ ba; tự chịu trách nhiệm).

Ngoài ra, còn có các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiện yêu cầu trong các luật chuyên ngành khác thì cũng áp dụng quy định của các luật chuyên ngành này mà không áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự khi xác định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu. Ví dụ: Bộ luật Hàng hải Việt Nam (có hiệu lực kể từ ngày 01.7.2017) có quy định về thời hiệu khởi kiện (Thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hoá; thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến; thời hiệu khởi kiện về vận chuyển hành khách và hành lý; thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng thuê tàu; thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng đại lý tàu biển, thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải…) thì áp dụng quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam khi xác định thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp liên quan.

4. Hợp đồng tín dụng mà bên vay là Công ty TNHH hai thành viên trở lên, do người đại diện theo pháp luật ký hợp đồng nhưng hồ sơ vay không có biên bản họp thành viên của Hội đồng thành viên. Trường hợp có tranh chấp xảy ra thì bên vay được xác định là Công ty hay cá nhân người đại diện? Công ty sẽ tham gia tố tụng với tư cách gì?

Điểm d khoản 2 Điều 56 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định Hội đồng thành viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền và nghĩa vụ: “Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ; thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty”.

Điều 143 của Bộ luật Dân sự năm 2015 về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện quy định:

“1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:

a) Người được đại diện đồng ý;

b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.

2. Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch…”

Căn cứ các quy định nêu trên, về nguyên tắc hợp đồng tín dụng có giá trị lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty giữa tổ chức tín dụng với Công ty TNHH hai thành viên trở lên phải được Hội đồng thành viên Công ty thông qua. Người đại diện theo pháp luật của Công ty giao kết hợp đồng tín dụng có giá trị lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty mà không được Hội đồng thành viên thông qua thì được xác định là giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện. Theo đó:

(1) Trường hợp hợp đồng tín dụng do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 143 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của Công ty (người được đại diện); khi đó bên vay được xác định là Công ty. Trường hợp hồ sơ vay không có biên bản họp thành viên của Hội đồng thành viên về nội dung thông qua hợp đồng vay, nhưng có tài liệu, chứng cứ thể hiện khoản tiền vay được chuyển vào tài khoản của Công ty, được Công ty sử dụng, được hạch toán trên sổ sách, giấy tờ của Công ty thì được coi là Công ty đồng ý với hợp đồng tín dụng do người đại diện của Công ty xác lập, thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 143 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

(2) Trường hợp hợp đồng tín dụng do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 143 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và có tài liệu, chứng cứ cho thấy người đại diện theo pháp luật sử dụng số tiền vay được cho mục đích cá nhân thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của Công ty. Căn cứ khoản 2 Điều 143 của Bộ luật này, bên vay được xác định là cá nhân người đại diện đã ký hợp đồng tín dụng.

Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự căn cứ vào Điều 68 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tổ chức tín dụng khởi kiện Công ty thì Công ty là bị đơn. Tổ chức tín dụng khởi kiện cá nhân người đại diện ký hợp đồng tín dụng thì cá nhân đó là bị đơn; Công ty tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

5. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể đã đăng ký và được cấp nhãn hiệu tập thể theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Khi hộ gia đình, tổ hợp tác khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu tập thể đó hoặc bị khởi kiện thì việc xác định tư cách tham gia tố tụng như thế nào?

Theo quy định tại Điều 101 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hộ gia đình, tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân sẽ không thể tham gia vào việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án với tư cách độc lập là nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trường hợp này các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác đó sẽ trực tiếp tham gia vào việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của các thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác được thực hiện như sau:

– Trường hợp tất cả thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác tự mình khởi kiện vụ án thì phải xác định tất cả các thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác là đồng nguyên đơn trong vụ án đó.

– Trường hợp tất cả thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác đều đồng ý khởi kiện vụ án và thống nhất uỷ quyền bằng văn bản cho một thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác hoặc người khác làm người đại diện khởi kiện vụ án tại Tòa án thì phải xác định các thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác là đồng nguyên đơn trong vụ án và xác định người đại diện hợp pháp của các đồng nguyên đơn là người được các thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác ủy quyền.

– Trường hợp một hoặc một số thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác khởi kiện mà không được các thành viên còn lại uỷ quyền bằng văn bản làm người đại diện khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án cần hỏi những thành viên còn lại trong hộ gia đình, tổ hợp tác xem họ có đồng ý khởi kiện vụ án hay không. Nếu các thành viên còn lại trong hộ gia đình, tổ hợp tác đồng ý khởi kiện vụ án thì xác định họ là nguyên đơn như trường hợp 1 và 2 nêu trên. Nếu các thành viên còn lại trong hộ gia đình, tổ hợp tác không đồng ý khởi kiện vụ án thì phải xác định nguyên đơn là các thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác khởi kiện; những thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác không khởi kiện được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đó.

Trường hợp hộ gia đình, Tổ hợp tác là người bị khởi kiện thì việc xác định tư cách tham gia tố tụng của các thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác được thực hiện như sau:

– Trường hợp tất cả các thành viên trong Hộ gia đình, Tổ hợp tác đều bị kiện thì phải xác định tất cả các thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác là đồng bị đơn trong vụ án đó.

– Trường hợp chỉ có một hoặc một số thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác bị kiện thì phải xác định các thành viên bị kiện là bị đơn; các thành viên còn lại trong hộ gia đình, Tổ hợp tác không bị kiện được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án đó.

Trên đây là kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao thông báo để các Tòa án nghiên cứu, tham khảo trong quá trình giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/tranh-chap-giua-doanh-nghiep-bao-hiem-voi-nguoi-mua-bao-hiem-ve-viec-dong-phi-bao-hiem-phi-nhan-tho-la-tranh-chap-dan-su-hay-kinh-doanh-thuong-mai

Bạn đang đọc bài viết "Tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm với người mua bảo hiểm về việc đóng phí bảo hiểm phi nhân thọ là tranh chấp dân sự hay kinh doanh, thương mại?" tại chuyên mục Sự kiện nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin