Từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ: Việt Nam cần đối sách chủ động, linh hoạt và hiệu quả

(Pháp lý). Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế, với mức áp thuế cao chưa từng có. Trong đó, Việt Nam chịu mức 46%, nằm trong nhóm các nước bị áp thuế cao nhất cùng với Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Myanmar. Chính sách áp thuế đối ứng 46% của Mỹ có khả năng gây ra những ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cần đối sách chủ động, linh hoạt và hiệu quả.

a1-1743667394.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan có đi có lại - hay thuế đối ứng vào ngày 2/4 tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters

Những điểm quan trọng nhất trong chính sách thuế đối ứng của ông Trump

Thuế 10% với tất cả các nước: Theo đó, với mức thuế mới mà ông Trump vừa công bố, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ chịu thêm 10% thuế - đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách thương mại của Washington.

Trước việc thâm hụt thương mại của Mỹ ở mức cao - khi nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu 1.200 tỉ USD trong năm 2024 - ông Trump đã ban bố đây là "tình trạng khẩn cấp quốc gia", từ đó sử dụng Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế năm 1977 để ban hành thuế.

Thuế đối ứng nhắm vào khoảng 60 quốc gia: Tổng thống Trump áp đặt thêm các mức thuế đối ứng lên khoảng 60 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ và đặt nhiều rào cản nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này.

Các quốc gia Đông Nam Á là những nước bị đánh thuế cao nhất, với mức thuế lần lượt là 49% với Campuchia, 48% với Lào và 46% với Việt Nam. Ngoài ra, các đối tác thương mại lớn của Mỹ cũng không nằm ngoài "danh sách tử thần" này, bao gồm: Trung Quốc 34% (cộng với thuế 20% trước đó, nâng tổng mức thuế lên 54%); Liên minh châu Âu 20%; Ấn Độ 26%...

Mức thuế cơ bản 10% sẽ có hiệu lực từ ngày 5-4, trong khi thuế đối ứng sẽ bắt đầu từ ngày 9-4.

a2-1743667402.jpg

Tổng thống Donald Trump giơ sắc lệnh mà ông đã ký khi thông báo chính sách thuế mới tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, ngày 2/4. (Ảnh: AP)

Mexico, Canada được miễn thuế mới: Theo Nhà Trắng, hàng hóa tuân thủ USMCA vẫn sẽ được hưởng mức thuế 0%, trong khi hàng hóa không tuân thủ sẽ bị áp thuế 25%. Các sản phẩm năng lượng không tuân thủ và kali (thành phần quan trọng trong sản xuất phân bón) sẽ chịu mức thuế thấp hơn là 10%.

Giới kinh tế lo ngại suy thoái: Nhiều nhà kinh tế bày tỏ lo ngại về quy mô của các mức thuế mới này, cho rằng chúng lớn hơn nhiều so với dự đoán và có thể gây suy thoái kinh tế.

Các đối tác thương mại của Mỹ có thể đáp trả: Vòng thuế mới của ông Trump dự kiến sẽ kích hoạt các biện pháp đáp trả từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ, đẩy căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.

Trước động thái này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo các nước khác không nên trả đũa, nếu không Mỹ sẽ đáp trả mạnh hơn. "Lời khuyên của tôi cho mọi quốc gia ngay lúc này là: Đừng trả đũa. Hãy chờ xem tình hình ra sao. Vì nếu các nước trả đũa, căng thẳng sẽ leo thang. Nếu không trả đũa, đây có thể là mức thuế cao nhất mà Mỹ áp dụng" - ông Bessent nói trên Đài Fox News sau tuyên bố thuế quan của Tổng thống Trump.

Việt Nam cần đối sách chủ động, linh hoạt và hiệu quả

Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.   Sau khi nghe ý kiến các bộ, ngành và lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình hiện nay cho thấy cạnh tranh thương mại diễn ra gay gắt hơn, phức tạp hơn, khó đoán định hơn. Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, tổng thể về chính trị, ngoại giao, kinh tế, giao lưu nhân dân để ứng phó với tình hình.

a3-1743667402.jpg

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam mong muốn phía Hoa Kỳ có chính sách phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, mong muốn của người dân hai bên và những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam là nước đang phát triển, vẫn đang phải tiếp tục khắc phục hậu quả nặng nề, kéo dài sau nhiều năm chiến tranh.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…Cùng với việc chỉ đạo một số biện pháp tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, vừa trước mắt, vừa lâu dài, Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây cũng là cơ hội khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước. Thủ tướng cũng nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là không thay đổi.

Trao đổi trên tờ Tuổi Trẻ, GS.TS Vũ Minh Khương, trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, cho biết mức thuế 46% áp với Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 9-4. Tức là Chính phủ Việt Nam sẽ có thời gian giải quyết tình hình trong vòng một tuần để ngăn chặn những tác động của thuế quan.

GS.TS Vũ Minh Khương đề xuất ba giải pháp quan trọng, trong đó có hai vấn đề ưu tiên làm ngay.

Thứ nhất, Việt Nam nên có tiến hành thảo luận ngay với phía Mỹ, đảm bảo sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ được thụ hưởng chính sách ưu đãi cao nhất có thể. Việt Nam có thể đơn phương coi Mỹ như một đối tác của Hiệp định thương mại tự do và sớm tiến tới ký kết hiệp định này.

Trong nỗ lực này, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm và mô hình từ Singapore. Hiệp định thương mại tự do Singapore và Mỹ (USSFTA) có hiệu lực từ năm 2004 được phía Mỹ đánh giá rất cao vì hiệp định đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Singapore.

"Lâu nay Việt Nam áp thuế 0% với các đối tác trong các hiệp định thương mại tự do, nhưng với Mỹ chúng ta vẫn áp thuế như một quốc gia thông thường. Trong tình thế cấp bách vừa rồi, chúng ta có giảm mức thuế này xuống đáng kể nhưng vẫn còn cao và phía Mỹ coi là chưa thực sự công bằng", ông Khương nói. Nếu chúng ta dốc sức đàm phán trên tinh thần hợp tác toàn diện và triệt để ở mức cao nhất có thể, mức thuế quan của Mỹ vào hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm xuống mức 10% như đối với Singapore.

a4-1743667402.jpg

Nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu thuế đối ứng 46%

Thứ hai, ông Khương cho rằng các bộ ngành, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương Việt Nam cần có những cuộc thảo luận kịp thời với các doanh nghiệp xuất khẩu, thúc đẩy một cuộc cải cách sâu rộng nhằm tăng giá trị giá tăng, thay vì thiên lệch về tăng giá trị xuất khẩu nhưng thu về không được tương xứng.

Việc cải cách khu vực này cần làm đồng bộ không chỉ ở cải thiện môi trường kinh doanh mà cả ở mảng công nghiệp hỗ trợ, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

"Cần nhận thức cao hơn về sự quan trọng của việc chuyển đổi động lực này thành một cuộc cải cách toàn diện nhằm đẩy nhanh sự phát triển của Việt Nam hướng tới thịnh vượng. Việc áp thuế này có thể trở thành cú hích để Việt Nam có động lực cao hơn trong việc tiến tới cải cách lâu dài", ông Khương đề xuất.

Thứ ba, giải pháp mang tính lâu dài hơn, Việt Nam cần chú trọng hợp tác toàn diện với các nước, giảm thiểu rủi ro tập trung vào một vài thị trường lớn, theo ông Khương.

Ông Khương cũng phân tích thêm, với mức thuế 46% vào Mỹ, không chỉ các ngành xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới chiến lược thu hút và duy trì đầu tư FDI.

Ấn Độ chịu thuế vào Mỹ 26%, thấp hơn đáng kể so với mức 46% của Việt Nam. Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan bị áp thuế 36% vì áp mức thuế 72% với hàng hóa Mỹ, tiếp theo là Indonesia (32%, 64%), Malaysia (24%, 47%), Philippines (17%, 34%), Singapore (10%).

Trong khi đó, mức thuế "cơ bản" 10% áp dụng cho Anh, Brazil, Singapore, Úc, Chile, Argentina, Saudi Arabia... Còn Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc chịu mức thuế từ 20 - 26%.

Vì vậy, cú sốc thuế quan Mỹ là một thử thách vô cùng lớn. GS Vũ Minh Khương nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của nỗ lực cải cách đột phá, biến nguy cơ chiến tranh thương mại thành cơ hội thấu hiểu chân thành cho hòa bình, hợp tác và cùng phát triển. Việt Nam cần hết sức tránh cách ứng xử "đáp trả qua lại" của một số nước, mà coi đây là một cơ hội thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn và tính thông tuệ của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam.

Chuyên gia chính sách công Nguyễn Minh Đức cũng có bài viết đáng quan tâm trên tờ Vnexpress. Ông Đức phân tích và nêu đề xuất một số phương án:

Phương án đầu tiên, dễ nhìn thấy nhất theo nguyên tắc "có đi có lại", là giảm thuế cho hàng Mỹ. Việc này chúng ta đã làm. Ngày 31/3 vừa rồi Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với nhiều mặt hàng mà Mỹ có lợi thế. Nhưng với mức giảm từ 2% đến 25%, cộng với kim ngạch hàng Mỹ vào Việt Nam chỉ hơn chục tỷ USD, thì số tiền Việt Nam giảm cho hàng Mỹ chắc chỉ tính đến đơn vị triệu USD. Trong khi đó, Mỹ định áp thuế khoảng hơn 50 tỷ USD với hàng hóa Việt Nam.

Mua sắm công là phương án tiếp theo mà Việt Nam có thể cân nhắc trong quá trình đàm phán với Mỹ. Chính phủ Việt Nam, trực tiếp hoặc thông qua các doanh nghiệp Nhà nước, sẽ mua hàng Mỹ nhiều hơn. Các mặt hàng đang được nhắm đến là trực thăng, máy bay, một số loại vũ khí, năng lượng, thiết bị điện...Nhưng giải pháp này cũng có hai mặt, phải đảm bảo cân bằng giữa mở cửa thị trường mua sắm công cho Mỹ, với tối đa hóa lợi ích và bảo vệ được doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, tiến trình đàm phán các hợp đồng này dường như vẫn còn nhiều điểm chưa thuận lợi. Vì vậy, phương án này sẽ cần tới những tính toán quyết đoán, kết hợp với việc triển khai các hành động nhiều hơn và nhanh hơn để giải quyết các nút thắt.

Ông Đức cũng cho rằng vẫn còn nhiều giải pháp khác có thể sử dụng, như mở cửa cho nhà đầu tư Mỹ, gỡ bỏ rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa, hạ thuế tiêu thụ đặc biệt... Nhưng nhược điểm của chúng là nằm trong tương lai xa. Trong một tuần tới, với các phương án này, Việt Nam chỉ có thể đưa ra cam kết chứ chưa có ngay hành động cụ thể.

a5-1743667577.png

Tổng thống Donald Trump áp thuế đối ứng 46%: Việt Nam gặp khó, doanh nghiệp Mỹ điêu đứng

Xung quanh sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế, với mức áp thuế cao chưa từng có, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng những đối sách quan trọng nhất với Việt Nam lúc này là:

Chính phủ cần chủ động tiếp cận các kênh đối thoại song phương với Mỹ để tìm kiếm các biện pháp miễn trừ hoặc giảm nhẹ mức thuế áp dụng, ít nhất là đối với một số mặt hàng chiến lược. Quan hệ Việt - Mỹ đang trong giai đoạn phát triển tích cực, đặc biệt sau khi nâng cấp lên "Đối tác chiến lược toàn diện" vào năm 2023. Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng mối quan hệ này để vận động, đàm phán nhằm thiết lập các cơ chế linh hoạt, như quota đặc biệt, ưu đãi thuế tạm thời, hay cam kết cải thiện tiêu chuẩn chất lượng và lao động. Đây là công cụ ngắn hạn nhưng quan trọng để giảm sốc cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Chính phủ cần triển khai ngay các gói hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ, bao gồm miễn giảm thuế trong nước, giãn nợ, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí hành chính, chi phí không chính thức và đào tạo kỹ năng cho người lao động.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực, với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Công thương, đẩy nhanh tiến trình đa dạng hóa thị trường để giảm lệ thuộc vào thị trường Mỹ. Các thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN, Trung Đông và châu Phi cần được khai thác mạnh mẽ hơn thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang là thành viên như CPTPP, EVFTA, RCEP.

Song song với đó, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp chi phí nghiên cứu và gia nhập thị trường, chuyển đổi mẫu mã, tiêu chuẩn và logistics để tiếp cận hiệu quả hơn. Đây là chiến lược trung và dài hạn nhằm gia tăng sức chống chịu cho nền kinh tế trước các cú sốc thương mại do chính quyền Trump đưa ra.

Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững trên thế giới đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, truy xuất nguồn gốc và lao động. Đây cũng là lý do để Việt Nam đầu tư mạnh và không nên do dự vào công nghiệp hỗ trợ và đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng đây là thời điểm Việt Nam cần đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và từng bước làm chủ chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác bền chặt giữa Nhà nước - doanh nghiệp - các hiệp hội ngành hàng và các tổ chức quốc tế để cùng xây dựng kịch bản ứng phó, tăng cường dự báo và hoạch định chính sách chiến lược. Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Phát huy tinh thần chủ động và đoàn kết là rất quan trọng trong giai đoạn bất định hiện nay.

Tuy nhiên, cũng thấy rằng mục tiêu thực sự của chính sách thuế này, đặc biệt dưới thời Tổng thống Trump, dường như là nhằm gây sức ép để thúc đẩy quá trình đàm phán thương mại hơn là thực sự mong muốn kéo dài căng thẳng. Trong bối cảnh đó, giải pháp đối thoại và thương lượng sẽ là con đường hợp lý hơn so với các hành động trả đũa, giúp hai bên tìm được tiếng nói chung và tránh được những tổn thất không cần thiết về kinh tế và quan hệ đối tác chiến lược.

Phúc Dương – Hồng Quân

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-chinh-sach-thue-doi-ung-cua-my-viet-nam-can-doi-sach-chu-dong-linh-hoat-va-hieu-qua-a259466.html