Thu hút đầu tư song song khai thác nguồn lực nội tại
Tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới diễn ra sáng 10/2 do Thường trực Chính phủ tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh rằng: Các doanh nghiệp vừa đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái kinh tế, là cầu nối giữa doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ với các tập đoàn lớn. Ông kêu gọi sự quan tâm và hỗ trợ từ các doanh nghiệp lớn, không chỉ để thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp vừa mà còn nhằm nâng cao sức mạnh chung của nền kinh tế quốc gia.
Tại hội nghị được tổ chức trước Tết, các chuyên gia trong và ngoài nước đều chung nhận định rằng nếu Việt Nam có thể tháo gỡ các rào cản về cơ chế, tốc độ tăng trưởng kinh tế hoàn toàn có thể đạt ít nhất 8% vào năm 2025. Xa hơn, trong giai đoạn 2026-2030, Việt Nam có khả năng vươn lên mức tăng trưởng hai con số, điều kiện tiên quyết vẫn là cải cách thể chế và tận dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch Nguyễn Văn Thân cũng đề cập đến tầm quan trọng của ba vùng kinh tế đặc biệt, cho rằng đây là những khu vực cần được xem xét kỹ lưỡng trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. Ông nhấn mạnh rằng sự ổn định về an ninh chính trị của Việt Nam là một lợi thế quan trọng, điều mà các nhà đầu tư quốc tế đặc biệt quan tâm. Do đó, Việt Nam cần tận dụng điểm mạnh này để kêu gọi các tập đoàn lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư vào các vùng kinh tế trọng điểm nhằm tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ. "Tôi đề xuất phương án nên đấu giá phát triển cụ thể dự án, đầu tư những gì ở đó chứ không đấu giá về đất." - Chủ tịch Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.
Bên cạnh việc thu hút đầu tư, Chủ tịch VINASME cũng đặt ra vấn đề về chiến lược khai thác và phát triển nguồn lực trong nước. Ông đặt câu hỏi: "Tại sao vàng, bạc, tài nguyên lại không được khai thác hiệu quả để gia tăng giá trị? Tại sao chúng ta không tận dụng nguồn vốn tư nhân, vốn vay nước ngoài để đẩy mạnh đầu tư?" Ông nhấn mạnh rằng Nhà nước đang tập trung đầu tư cho tương lai thông qua các dự án hạ tầng lớn như đường sắt, đường cao tốc Bắc - Nam, điện hạt nhân, nhưng điều quan trọng là nền kinh tế hiện tại cũng cần có những chiến lược khai thác tài nguyên hợp lý để tạo ra giá trị gia tăng ngay trong giai đoạn này.
Cuối cùng, Chủ tịch Nguyễn Văn Thân khẳng định rằng chưa bao giờ mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ lại tốt như hiện nay. Tuy nhiên, ông mong muốn sự hỗ trợ này không chỉ mang tính chất tình cảm mà cần được xây dựng trên cơ sở lợi ích kinh tế bền vững. Doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ cần sự nâng đỡ, mà quan trọng hơn là cơ hội để phát triển và tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn, từ đó đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng chung của đất nước.
Các doanh nhân, đại diện đơn vị tham gia cuộc gặp gỡ Thường trực Chính phủ
Kỳ vọng lớn vào đội ngũ doanh nhân
Đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định: Khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, một thành phần quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng, ngưỡng mộ, khâm phục, tự hào và tin tưởng về những kết quả đã đạt được và sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong tương lai.
Sau 40 năm đổi mới, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong thành quả chung đó, có đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.
Kinh tế tư nhân hiện đóng góp vào gần 45% GDP cả nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trân trọng cảm ơn những đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đặc biệt trong những lúc khủng hoảng, những thời điểm quan trọng, những lúc đất nước gặp khó khăn như đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ… Theo Thủ tướng, những lúc như vậy, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân luôn sẵn sàng đóng góp và các đại biểu dự Hội nghị ai cũng có đóng góp.
Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước đã ban bành các nghị quyết, luật để phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Sắp tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan sẽ xây dựng đề án về phát triển các doanh nghiệp dân tộc phát huy vai trò đầu đàn, dẫn dắt và đề án về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phấn đấu tăng trưởng ít nhất 2 con số, đóng góp thực hiện các nhiệm vụ lớn nói trên, góp phần vào mục tiêu chung để thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước).
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 8 mong muốn với các doanh nghiệp, doanh nhân: Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; tăng tốc, bứt phá trong tăng trưởng; bao trùm, toàn diện, bền vững trong phát triển đất nước; đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo; tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân; ngày càng có nhiều doanh nghiệp dân tộc lớn tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia.
Link nội dung: https://phaply.net.vn/chu-tich-vinasme-nen-dau-gia-phat-trien-cu-the-du-an-dau-tu-thay-vi-dau-gia-dat-a259228.html