Khu vực DNNVV luôn có vị trí đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia
Trong bối cảnh kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn phát triển như vũ bão, GS Hoàng Văn Cường gợi mở, “nếu nước nào đặt chân nhanh vào nền kinh tế này sẽ nắm bắt được những cơ hội phát triển lĩnh vực mới. Các ngành nghề này đều yêu cầu nhân lực trình độ cao, đây cũng là cách để nâng cao tay nghề của lao động”…Vấn đề đặt ra là để đặt chân nhanh vào nền kinh tế này không thể “tay không bắt giặc” mà phải chuẩn bị những “cánh rừng”, những “cánh đồng” cho các “đàn ong” lấy hoa làm mật”. Đó không chỉ là “thiên thời”, “địa lợi” mà còn là “nhân hòa”. “Nhân hòa” ở đây là lực lượng doanh nghiệp phải hội đủ điều kiện cần và đủ để nắm bắt được những cơ hội phát triển lĩnh vực mới.
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Nghiên cứu kinh nghiệm các nước để xây dựng khung pháp lý chính sách chuyên ngành để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra nhiều việc làm cho xã hội trong kỉ nguyên mới, thúc đẩy thị trường việc làm trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Những “cánh rừng” cho “đàn ong” lấy hoa làm mật…
Khu vực DNNVV luôn có vị trí đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Tại các nền kinh tế APEC, DNNVV được coi là xương sống của nền kinh tế, chiếm tới 98-99% tổng số doanh nghiệp, đóng góp từ 40-60% GDP của đất nước. Ở Việt Nam, các DNNVV chiếm khoảng 98% trong tổng số gần 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 40% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng 36% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, thu hút khoảng 32% tổng nguồn vốn, tạo ra doanh thu thuần chiếm khoảng 26% tổng doanh thu thuần của khối doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, các DNNVV cũng chính là nơi khởi nguồn đổi mới sáng tạo trong kinh doanh và là cầu nối đưa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống.
Như vậy, khu vực DNNVV đã có những đóng góp tích cực trong nền kinh tế quốc dân, giúp giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, DNNVV vẫn còn những tồn tại và hạn chế như phát triển còn nhỏ lẻ, trình độ công nghệ còn lạc hậu, khả năng quản trị doanh nghiệp yếu, thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao, đại bộ phận doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề pháp lý, đặc biệt là việc tiếp cận với nguồn vốn còn hạn chế... rất khó để tạo ra những “cánh đồng”, “cánh rừng” nhiều hoa để “đàn ong” làm mật trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão…
Bên cạnh luật khung, nhiều quốc gia ban hành luật chuyên ngành hỗ trợ
Nghiên cứu chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV của một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Trung Quốc, Singapore... cho thấy, Chính phủ các nước đều có những chính sách và bước đi phù hợp nhằm trợ giúp những khó khăn, bất lợi của hệ thống doanh nghiệp này, trong đó chủ yếu là hỗ trợ và tạo điều kiện để các DNNVV tiếp cận với nguồn vốn và hỗ trợ về mặt pháp lý được coi là then chốt. Đáng chú ý là một số quốc gia đã luật hóa quy định, chính sách hỗ trợ nhằm tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh để thúc đẩy DNNVV phát triển… Theo đó các nước có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong xây dựng kết cấu Luật hỗ trợ cho DNNVV, kết cấu này có những điểm khác nhau nhất định phụ thuộc vào cách thức xây dựng, triển khai chính sách của từng nước. Cụ thể:
Một số quốc gia đã luật hóa quy định, chính sách hỗ trợ nhằm tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh để thúc đẩy DNNVV phát triển
+ Tại Hàn Quốc xây dựng nhiều luật điển hình: Hàn Quốc hiện là quốc gia có tốc độ tăng trưởng khối DNNVV đáng kể và ổn định. Tại Hàn Quốc số lượng DNNVV chiếm khoảng 99,9% tổng số doanh nghiệp, đóng góp trên 102,9 triệu USD từ việc xuất khẩu và giải quyết được việc làm cho hơn 87,7% trên tổng dân số đang ở độ tuổi lao động.
Có được thành công đó, bên cạnh luật khung (còn gọi là Luật cơ bản) về DNNVV quy định các định hướng và mục tiêu lớn về chính sách phát triển DNNVV, nước này ban hành một số luật điển hình liên quan đến hỗ trợ và phát triển DNNVV tạo thành một hệ thống nhiều luật bên cạnh luật khung nhằm đa dạng hóa chính sách hỗ trợ DNNVV. Luật cơ bản về DNNVV mang tính chất định hướng và tạo hành lang pháp lý để xây dựng các đạo luật điển hình hỗ trợ DNNVV về sau này và được Chính phủ Hàn Quốc chỉ đưa ra được áp dụng trong giai đoạn đầu tiên hỗ trợ DNNVV. Các luật điển hình riêng biệt được ban hành sau đó nhằm để giải quyết các vấn đề cụ thể mà DNNVV gặp phải trong quá trình phát triển.
+ Tại Nhật Bản xây dựng nhiều luật hỗ trợ chuyên ngành: Nhật Bản được mệnh danh là “Vương quốc của các doanh nghiệp”, các DNNVV ở Nhật Bản chiếm đến 99,7% trên tổng số các doanh nghiệp hiện có (tương đương với khoảng 4,21 triệu doanh nghiệp), các DNNVV ở Nhật Bản đã góp phần sử dụng 70% lực lượng lao động của cả nước, tạo ra khoảng 50% giá trị trong các ngành sản xuất.
Tương tự như Hàn Quốc, chính sách cho DNNVV của Nhật Bản cũng được xây dựng theo hai cấp độ gồm luật cơ bản và nhiều luật chuyên ngành. Cả hai cấp độ luật được xây dựng rõ ràng đồng thời ngay từ đầu. Nếu như luật cơ bản mang tính chất là một luật khung định hướng thể hiện sự quan tâm, cam kết của Chính phủ đối với việc hỗ trợ DNNVV phát triển; thì luật hỗ trợ chuyên ngành, đặc thù từng lĩnh vực được ban hành nhằm xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ cụ thể cho DNNVV để giải quyết các nhu cầu hỗ trợ của DNNVV trong từng thời kỳ phù hợp với thực trạng phát triển.
+ Tại Hoa Kỳ ban hành nhiều luật chuyên ngành: Với mục đích bảo hộ quyền lợi cho các DNNVV, ngày từ năm 1953, cường quốc số 1 thế giới đã ban hành luật khung về DNNVV. Tuy nhiên luật khung chỉ là cơ sở để để xây dựng các chính sách cụ thể để hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính, phát triển thị trường. Đến nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, nhiều đạo luật chuyên ngành được thông qua như: Luật Phục hồi và đầu tư lại của Hoa Kỳ năm 2009 (The American Recovery and Reinvestment Act of 2009), Luật Việc làm của doanh nghiệp nhỏ năm 2010 (The Small Business Jobs Act of 2010)… Nhờ đó đã góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ trong phát triển cộng đồng DNNVV ở Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm các nước cũng chỉ ra rằng hỗ trợ tài chính, tín dụng cho DNNVV là mục tiêu và hoạt động hỗ trợ cơ bản cho DNNVV ở nhiều nước, do đó cần tăng cường chính sách hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện để các DNNVV tiếp cận được các hình hỗ trợ tài chính của Chính phủ, đồng thời cần tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp cho các DNNVV, đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan đến mức thuế suất thấp hơn cho các công ty siêu nhỏ và nhỏ.
Việc hỗ trợ không đồng nghĩa với việc làm thay toàn bộ mà chỉ góp phần tạo ra những cú hích, đòn bẩy nhằm thay đổi về nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, đặc biệt là việc vận dụng hiệu quả pháp luật liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cũng theo hệ thống quan điểm này, việc hỗ trợ pháp lý chỉ tập trung vào nhóm đối tượng DNNVV, đối tượng thể hiện sự yếu kém về năng lực cạnh tranh, thiếu hụt về vốn, kỹ thuật (dưới mức chuẩn để tham gia và có vị thế, cạnh tranh trên trường quốc tế), việc hỗ trợ chủ yếu giúp nhóm doanh nghiệp này tìm lại sự cân bằng và nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của pháp luật mà không ảnh hưởng tới các cam kết quốc tế về chống trợ cấp, cạnh tranh không lành mạnh.
Để DNNVV Việt Nam “bơi” ra đại dương.., rất cần bổ sung nhiều luật chuyên ngành hỗ trợ
Thời gian qua, nhiều hệ thống văn bản được ban hành để hỗ trợ và phát triển DNNVV, trong đó hành lang pháp lý cao nhất là Luật Hỗ trợ DNNVV ban hành năm 2017. Tuy nhiên hành lang pháp lý vẫn chưa mạch lạc, còn nhiều bất cập. Mới đây trong cuộc thảo luận với báo Vietnamnet, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên cao cấp, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, Luật Hỗ trợ DNNVV không thể ghép các doanh nghiệp quy mô khác nhau vào chung một “rọ”. Ông Anh phân tích: Các doanh nghiệp siêu nhỏ giúp đảm bảo công ăn việc làm và an sinh xã hội. Họ gắn với kinh tế địa phương, những gì địa phương cần là họ có thể đáp ứng được ngay nhưng họ không thể bám vào thuyền lớn để đi ra đại dương được. Nhưng với doanh nghiệp vừa, bài toán của họ hoàn toàn khác với doanh nghiệp siêu nhỏ. Họ có nhiều nhân viên, họ ở vị thế kết nối được với các tập đoàn toàn cầu…
Rất cần có luật chuyên ngành để triển khai các chính sách cụ thể , thiết thực
Từ kinh nghiệm các nước trong việc xây dựng khung pháp lý cho DNNVV và từ phân tích của TS. Vũ Thành Tự Anh cho thấy, rất cần có thêm các luật chuyên ngành để triển khai các chính sách cụ thể đối với DNNVV. Điều đó có nghĩa bên cạnh Luật Hỗ trợ DNNVV, để DNNVV trong nước lớn mạnh bơi ra đại dương, góp phần tạo ra nhiều việc làm và đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước, không thể không nghiên cứu xem xét xây dựng và ban hành một số luật chuyên ngành cụ thể. Đó là:
+ Luật về hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp nhỏ: Thực tế cho thấy các DNNVV thường gặp khó khăn, đa số mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới, vốn sở hữu nhỏ (chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn); vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp (do có số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, công trình trên đất không có giấy phép xây dựng hoặc chưa hoàn công… dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn); hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nên các phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường thiếu tính khả thi.
Trong khi đó, các ngân hàng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng, không thể “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng. Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng dành phần lớn quy định cho loại hỗ trợ này. Hiện tại DNNVV là một trong năm đối tượng ưu tiên trong chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng như các gói tín dụng ưu đãi của một số ngân hàng thương mại. Tuy nhiên việc cấp bảo lãnh tín dụng của các NH thương mại cũng dựa trên điều kiện về tài sản đảm bảo nên khó vẫn hoàn khó…
Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, nhờ có luật chuyên ngành, Chính phủ nước này luôn duy trì các chính sách hỗ trợ vốn tích cực cho các DNNVV để trợ lực cho các doanh nghiệp (như cho vay trực tiếp các gói vay ưu đãi dài hạn không có lãi suất hoặc lãi suất rất thấp). Đồng thời, Chính phủ cho phép các khoản vay không cần thế chấp. Theo đó, các tổ chức tài chính, ngân hàng tiến hành cho các DNNVV vay theo hình thức tín chấp hoặc thông qua đánh giá phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tại Hàn Quốc còn ban hành Luật Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp công nghệ mới, chuyên cung cấp các dịch vụ bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp, đặc biệt ưu tiên cho các DNNVV có triển vọng tốt, ứng dụng công nghệ sạch, nhưng không đủ tài sản đảm bảo.
Như vậy nếu được luật hóa về hỗ trợ tín dụng đối với DNNVV, trong đó có chính sách ưu đãi về lãi suất; được đơn giản hóa về thủ tục thế chấp (ví dụ điều kiện vay vốn không bắt buộc phải nằm ngoài quy hoạch treo, công trình trên đất có giấy phép xây dựng hoặc phải hoàn công…); được Nhà nước có thẩm quyền bảo lãnh hoặc ủy nhiệm qua một tổ chức (như Chính phủ Nhật Bản ủy nhiệm Ngân hàng Hợp tác xã Công Thương) vay tín chấp lớn; thì chắc chắn sẽ giúp các DNNVV gặp khó khăn về vốn, hay mới thành lập có cơ hội nâng cao khả năng đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ sản xuất, cải tiến các hoạt động kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm.
+ Luật về Hỗ trợ thương mại cho DNNVV: Đa số các doanh nghiệp là siêu nhỏ do phần lớn là mới thành lập, thậm chí có doanh nghiệp chỉ có 10-15 lao động thì làm sao họ đổi mới, sáng tạo, làm sao họ kết nối với Samsung và Intel? Hay nói cách khác, quy mô hoạt động nhỏ và nên khả năng tiếp cận các đơn hàng lớn là chuyện không thể. Theo đó nếu như để các DNNVV tự “bơi” ra biển lớn, chấp nhận sự cạnh tranh sòng phẳng trong giai đoạn đầu là rất khó tồn tại.
Để hỗ trợ cho các hoạt động thương mại, giao dịch hàng hóa của các DNNVV, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Đạo luật về Hỗ trợ mua bán cho DNNVV. Với đạo luật này, các DNNVV sẽ được ưu tiên ký kết các hợp đồng mua bán nguyên liệu, vật tư liên quan đến các dự án xây dựng của quốc gia (nếu đáp ứng đủ các điều kiện về chất lượng hàng hóa, sản phẩm). Chính phủ Hàn Quốc còn chỉ định một số tổ chức, cơ quan ưu tiên mua hàng hóa trong lĩnh vực công nghệ do các DNNVV sản xuất; thực hiện các chính sách khuyến khích cho các DNNVV nâng cao vị thế kinh doanh với kỳ vọng các doanh nghiệp này trở thành các vệ tinh cho các tập đoàn kinh doanh đa quốc gia tại Hàn Quốc…
Như vậy ở Việt Nam nếu có luật hỗ trợ mua bán, trong đó có những quy định điều chỉnh ưu đãi đối với các DNNVV chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho loại hình doanh nghiệp này phát triển. Các DNNVV có thể được “tiếp sức” các hợp đồng mua bán kiểu như Chính phủ Hàn Quốc và hướng đến các DNNVV cần kết nối với các doanh nghiệp lớn và từ đó trưởng thành, đi lên các cái nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, đây là con đường của đa số các tập đoàn ở Đài Loan và cho rằng nên học Đài Loan về phương diện này, chứ không phải học Hàn Quốc, nơi phát triển các chaebol.
Tất nhiên việc “tiếp sức” đó phải phù hợp với thực tế và điều kiện của Việt Nam. Tinh thần “tiếp sức” là cho “cần câu” chứ không phải cho “con cá” và dựa trên tiêu chí cụ thể. Tiêu chí đó phải xây dựng theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp có nhiều sáng tạo, đổi mới; có ngành nghề kinh doanh phù hợp với chủ trương mà Nhà nước đang khuyến khích hoặc có sử dụng nhiều lao động phổ thông, và lao động kỹ thuật, chuyên môn cao…
VŨ LÊ MINH