Giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ ngành nghiên cứu, đề xuất chính sách giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ

Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 4.2 đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính chủ trì, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng này. Đồng thời hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, trình Chính phủ trong quý 1/2025 để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

1-1738807090.png

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp... ẢNH: GIA HÂN

Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo chính sách giảm tiền thuê đất năm 2025. Góp ý cho dự thảo này, Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) đề xuất giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2025. Mức này, theo đại diện VCCI, là bằng mức giảm của các năm trước và được đánh giá là hợp lý, giúp doanh nghiệp (DN) có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng vẫn được kiểm soát trong giới hạn cho phép, đảm bảo không ảnh hưởng đáng kể đến tổng thu ngân sách nhà nước. Chính sách này phù hợp với quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 của Chính phủ, hướng tới tạo đà cho giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số. 

Cụ thể, kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp gần một nửa GDP quốc gia và sẽ là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, theo VCCI, cần có những chính sách hỗ trợ DN bứt phá trong sản xuất, đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh dự báo kinh tế năm 2025 đặt ra nhiều thách thức đối với xuất khẩu, áp lực lạm phát và chi phí nguyên liệu sản xuất tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính sách giảm tiền thuê đất sẽ giúp DN giảm bớt gánh nặng tài chính, tăng cường khả năng ứng phó các rủi ro kinh tế toàn cầu, qua đó góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.

Trước đó, từ đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định tiếp tục giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% xuống 8% (giảm 2%), trừ một số hàng hóa, dịch vụ theo quy định; thời gian giảm được áp dụng từ 1.1 - 30.6.2025. Trong thực tế, chính sách giảm thuế GTGT trong năm 2024 được đánh giá đạt kết quả cao, góp phần giúp giảm giá thành thông qua DN có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động… để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế. Trong năm nay, thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu cũng tiếp tục được giảm 50% như năm 2023 - 2024. Chính sách này được đánh giá là đã góp phần giảm bớt khó khăn, hỗ trợ người dân và DN để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển KT-XH…

DN "sợ" thủ tục

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều DN bày tỏ vui mừng trước các chính sách giảm thuế, phí và lệ phí mà Chính phủ đã áp dụng và đang nghiên cứu xem xét. Mặt khác, đa số DN vẫn tỏ ra lo lắng về thủ tục hành chính. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, nói công ty ông và nhiều đơn vị trong ngành kỳ vọng sang năm mới, kinh tế cả nước phát triển mạnh hơn. Ngoài các chính sách giảm thuế, phí mà Chính phủ đưa ra, DN mong chờ được hoàn thuế GTGT nhanh hơn. Vì khi DN bị chậm hoàn thuế từ 6 - 8 tháng với số tiền vài tỉ đồng thì sẽ gặp nhiều khó khăn khi dòng vốn thiếu hụt. Từ đó có thể dẫn đến DN phải đi vay ngân hàng, phát sinh rất nhiều chi phí liên quan. Đối với DN, thiếu vốn hay dòng tiền luân chuyển chậm gây ra nhiều rủi ro, hệ lụy. Ông Thông kiến nghị cơ quan quản lý thuế đừng vì một hóa đơn nhỏ mà dừng toàn bộ hồ sơ hoàn thuế GTGT của DN, cần bóc tách ra để hoàn thuế nhanh hơn. Đó là chưa kể việc có đối tác ngưng hoạt động khi cơ quan thuế kiểm tra lúc thực hiện hoàn thuế GTGT (liên quan đến hóa đơn, chứng từ) không phải là lỗi của DN.

"Các cơ quan quản lý chỉ cần kiểm tra trên hệ thống là phát hiện được ngay có gian lận hay không, nhất là hóa đơn chứng từ. Vì vậy thủ tục hành chính cần được giảm thiểu, thực hiện nhanh gọn hơn, giúp hàng hóa, hoạt động của DN được nhanh hơn, thông suốt hơn là DN sẽ giảm được chi phí rất lớn. Điều này cũng hỗ trợ DN tự tin, mạnh dạn đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sản xuất trong thời gian tới", ông Phan Minh Thông chia sẻ thêm.

Trong khi đó, đại diện Hội DN cơ khí điện TP.HCM (HAMEE) mong sớm được tháo gỡ khó khăn, giải ngân tiền hỗ trợ lãi suất theo chương trình kích cầu đầu tư đã được phê duyệt để tiếp tục triển khai các gói đầu tư mở rộng. Cụ thể, cách đây gần 5 năm, nhiều DN vừa và nhỏ trong ngành cơ khí điện được UBND TP.HCM phê duyệt các dự án đầu tư theo chương trình kích cầu của TP.HCM năm 2020 - 2021, đã mạnh dạn vay ngân hàng xây dựng nhà máy khang trang, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, để phát triển sản xuất, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, tiền vay ngân hàng không được giải ngân theo lãi suất hỗ trợ mà nhiều thời điểm tính 12%, khiến nhiều DN đã đầu tư vô cùng khó khăn để chạy tiền trả lãi ngân hàng hằng năm. Thậm chí có DN phải bán cổ phần cho nước ngoài, vay bên ngoài để trả lãi. 

"Chúng tôi đã trình bày hồ sơ đầy đủ nhưng việc giải ngân vẫn đứng yên tại chỗ từ mấy năm qua, làm mất rất nhiều cơ hội kinh doanh, cạnh tranh vô cùng khó khăn với DN đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… trong việc thâm nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Quan trọng hơn, việc này còn tạo tâm lý bất an rất lớn trong các DN ngành cơ khí có mong muốn đầu tư để phát triển, trong khi TP đang kêu gọi DN mạnh dạn đầu tư theo chiến lược phát triển ngành cơ khí tự động hóa đã được phê duyệt. Chúng tôi chỉ cầu cứu các cấp tháo gỡ điểm nghẽn để giúp DN không phá sản hoặc nguy cơ bị thâu tóm bởi DN nước ngoài", đại diện HAMEE nêu.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dệt may Thành Công, lại bày tỏ hằng năm đơn vị ông nộp tiền thuê đất đang sử dụng tại Khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM). Tuy nhiên với việc TP ban hành bảng giá đất mới tăng cao thì DN rất hồi hộp vì không biết tiền thuê đất sẽ như thế nào. Ông kiến nghị TP và Chính phủ xem xét nên tăng giá đất theo lộ trình để đỡ gánh nặng cho DN. Nếu áp dụng ngay bảng giá đất mới này thì chi phí của DN sẽ tăng đột biến. Thậm chí nếu Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% phí thuê đất thì DN cũng phải nộp tiền thuê cao hơn rất nhiều. Trong khi đó, hằng năm các loại chi phí trong hoạt động hầu như gia tăng như lương cơ bản, nguyên vật liệu… nhưng sản phẩm bán ra lại không tăng do sự cạnh tranh gay gắt. Đồng thời, các DN dệt may cũng phải tăng cường đầu tư để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất xanh, thân thiện môi trường mà nhiều quốc gia đã quy định để xuất khẩu được hàng may mặc. Biên lợi nhuận của DN sẽ càng thu hẹp và không đủ để tái đầu tư, mở rộng sản xuất...

Tiền thuê đất tăng theo bảng giá đất cũng là vấn đề khiến rất nhiều DN đang đứng ngồi không yên hiện nay. Từ cuối năm ngoái, đã có một số ý kiến đề xuất nghiên cứu vấn đề này để không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của các địa phương trong bối cảnh giá đất tăng cao. Thế nên, việc Chính phủ yêu cầu đề xuất các giải pháp thuế, phí là cơ hội để DN được xem xét vấn đề này.

Cắt giảm thủ tục càng nhiều càng tốt

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), nhận xét: Chỉ thị 03 của Thủ tướng nêu nhiều vấn đề cần tháo gỡ, khắc phục, từ ngắn hạn đến dài hạn. Mục đích chung là làm thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%. "Từ sau đại dịch Covid-19, năm nào chúng ta cũng có chính sách giảm thuế, phí để hỗ trợ DN phục hồi, nên có thể nói, chính sách giảm thuế phí không phải là giải pháp mới nhưng vẫn rất cần thiết để giúp đẩy DN tăng tốc, góp phần quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng 8% của cả nước. Hiện tại, Quốc hội đã thông qua cho duy trì giảm thuế GTGT ở mức 8% để kích cầu, riêng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong năm này là quyết sách quan trọng, cần thiết để giúp các ngành sản xuất chủ lực tăng tốc. Riêng tiền thuê đất, vừa rồi VCCI kiến nghị cho giảm 30%, theo tôi nên tính toán lại. Vì mấy năm trước, để hỗ trợ DN chúng ta cũng đã cho miễn 30%. 

Giờ là năm bản lề giúp tăng tốc tăng trưởng, tiền thuê đất có thể giảm mạnh hơn được không? Vì bảng giá đất mới rất cao, tiền thuế đất vẫn giảm như năm trước thì chưa có yếu tố đột phá nhằm giúp DN bớt gánh nặng tài chính trong triển khai dự án được. Ngành bất động sản mấy năm qua bị đóng băng, nay một số dự án bắt đầu khởi động, nếu có chính sách mạnh mẽ hơn, hỗ trợ DN lúc này, gián tiếp hỗ trợ người dân, tăng kích cầu, là điều rất cần thiết", TS Nguyễn Minh Thảo phân tích.

PGS-TS Phạm Thế Anh (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cũng cho rằng VN đang đứng trước rất nhiều câu chuyện lớn. Những năm trước đây chúng ta chỉ nói đến chuyện cải cách kinh tế, bó hẹp trong phạm vi lĩnh vực kinh tế từ chính sách thuế, trợ cấp hay hạ lãi suất... để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang làm rộng hơn về thể chế, môi trường kinh doanh thể hiện qua việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước. 

"Chính phủ đang quyết tâm thực hiện các chương trình lớn, chính sách lớn, dự án lớn như sân bay Long Thành, điện hạt nhân, thu hút đại bàng trong lĩnh vực công nghệ, đường sắt cao tốc Bắc-Nam... Các chương trình này đều có ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế. Nếu thành công VN sẽ thoát khỏi tình trạng bẫy thu nhập trung bình. Vì thế có thể nói, đây là thời khắc quyết định". Đặt trong bối cảnh đó, ông Phạm Thế Anh đồng tình việc Bộ Tài chính dự thảo giảm tiền thuê đất nhưng cũng cần xem xét việc áp dụng bảng giá đất mới ở nhiều địa phương theo lộ trình để giúp DN không bị nâng chi phí hoạt động quá lớn so với trước đây.

Quan trọng hơn, PGS-TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh cần phải rà soát tổng thể, cắt giảm càng nhiều càng tốt các thủ tục, điều kiện kinh doanh, giấy phép con. Từ đó sẽ giúp DN giảm được chi phí về thời gian lẫn các chi phí không chính thức, thúc đẩy hoạt động sản xuất phát triển mạnh hơn.

Đây cũng là vấn đề mà TS Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh trong những chính sách cần thực hiện quyết liệt để tạo động lực tăng trưởng. "Phải tháo được các nút thắt mà như Tổng Bí thư chỉ ra là điểm nghẽn của điểm nghẽn, trong đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về địa phương, địa phương quyết, làm và chịu trách nhiệm", TS Thảo nói và phân tích: "Cốt lõi của vấn đề cải cách hành chính là không thêm quy định, song song với cắt bớt các quy định không cần thiết. Phải rà soát gấp để làm công tác này. Thứ 2, khi đẩy mạnh phân cấp, quyền về địa phương, cần nâng cao năng lực và trách nhiệm công vụ. Ai làm khó DN, cản trở sự phát triển, kéo dài thời gian thủ tục của DN, cần chịu trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan quản lý. Khi môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và an toàn, VN sẽ thu hút được thêm nhiều nguồn lực đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, từ đó góp phần tạo đột phá về tăng trưởng, đưa đất nước phát triển".

Năm 2025 được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá, trong đó cộng đồng DN là trung tâm của sự phát triển. Trong bối cảnh đó, cải cách môi trường kinh doanh là yêu cầu cấp thiết để củng cố niềm tin, tạo thêm động lực cho DN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ là đôn đốc tăng tốc các việc làm ngay, trước đó, Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2025 cũng đã lồng ghép quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp bổ sung nhiều giải pháp cụ thể để hiện thực hóa những chỉ đạo chiến lược.

TS Nguyễn Minh Thảo

 

Kiến nghị giảm lãi suất, điều chỉnh khoản thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước

Theo kết quả khảo sát 30.576 DN trong quý 4/2024 của Tổng cục Thống kê, có 43,7% số DN kiến nghị giảm lãi suất cho vay để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào; 27,4% kiến nghị cần tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn. Về chính sách thuế, phí, lệ phí, có 31,2% kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước phù hợp; 19,5% kiến nghị giảm tiền thuê đất phục vụ sản xuất kinh doanh. Về thủ tục hành chính, 25,4% kiến nghị cần rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính. Ngoài ra còn có 32,6% số DN kiến nghị cần có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho sản xuất kinh doanh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/giam-thue-phi-de-ho-tro-doanh-nghiep-a259208.html