Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”(OCOP) huyện Tuyên Hóa năm 2024
Thời gian qua, huyện Tuyên Hóa đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xúc tiến quảng bá, tư vấn, định hướng sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; giá trị sản lượng hàng hóa từ các sản phẩm OCOP tăng từ 10% - 15% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP, một số chủ thể có doanh thu tăng cao như: HTX dược liệu Thủy Mai Sơn Hóa; Mật ong Tuyên Hóa Công ty TNHH Sinh Thái Miền Tây Thị trấn Đồng Lê; Cam, Bưởi HTX nông sản sạch Trường Sơn xã Kim Hóa đã góp phần giải quyết việc làm ổn định tăng thu nhập cho người dân.
Thực hiện Kế hoạch số 1266/KH-UBND ngày 1/9/2021 về triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện Tuyên Hóa giai đoạn 2021-2025, Huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm đặc trưng trên địa bàn huyện từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, bao bì, nhãn mác, logo, tem truy xuất nguồn gốc… đồng thời tư vấn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP.
Sản phẩm cam Kim Lũ của HTX Nông sản sạch Trường Sơn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Một trong những HTX đi đầu trong việc xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Tuyên Hóa là HTX dược liệu Thủy Mai từ năm 2021 - 2024, HTX đã có 04 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP 3 sao trong đó có 02 sản phẩm đủ điều kiện dự thi 4 sao cấp tỉnh.
Sau 3 năm được công nhận, sản phẩm của HTX đã phát triển về quy mô sản xuất, tăng doanh thu và đầu tư cải tiến về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất… khách hàng cũng có sự yên tâm, tin tưởng hơn về chất lượng sản phẩm, việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn trước. Với thị trường tiêu thụ khá ổn định HTX đã giúp nhiều hộ thành viên nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể đã đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ để làm ra sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, quảng bá hình ảnh, nâng cao thương hiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đây là cơ sở để hình thành vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất, góp phần xây dựng thành công chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chương trình vẫn còn nhiều khó khăn do: Số lượng hàng hóa đặc trưng của huyện ít; Quy mô sản xuất chưa tạo thành hàng hóa tập trung; quy trình chăm sóc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh chưa đồng bộ; chất lượng, mẫu mã một số sản phẩm chưa đồng đều; kỹ năng liên kết sản xuất của các chủ thể còn hạn chế; các dịch vụ hỗ trợ như: thiết kế nhãn mác, bao bì, logo, tem truy xuất nguồn gốc… trên địa bàn huyện còn khó khăn.
Để hỗ trợ các chủ thể có thêm điều kiện hoàn thiện bao bì, nhãn mác, mã số mã vạch, tem truy suất nguồn gốc, quảng cáo, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, UBND huyện Tuyên Hóa đã ban hành Quyết định 21/QĐ- UBND ngày 08/1/2024 của UBND huyện Tuyên Hóa về việc hỗ trợ nông dân, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất năm 2024, theo đó huyện có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các chủ thể khi tham gia đánh giá sản phẩm OCOP với mức hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/sản phẩm được chứng nhận 3 sao và 30 triệu đồng/sản phẩm được chứng nhận 4 sao.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức kinh tế, hộ gia đình tham gia Chương trình OCOP; khuyến khích nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP, phát triển sản phẩm mới và đa dạng hóa sản phẩm... từng bước phát triển các sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu uy tín, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường gắn với nâng cao đời sống cho người dân.
Thái Dương
Link nội dung: https://phaply.net.vn/huyen-tuyen-hoa-quang-binh-day-manh-phat-trien-san-pham-ocop-a259150.html