Từ trái qua: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Lương Cường
1. Kì tích kinh tế thật đáng tự hào
Năm 2024 đi qua với những khó khăn, thuận lợi đan xen, tuy nhiên đất nước ta đạt được những thành tựu, kì tích kinh tế thật đáng tự hào. Thần kỳ là nhận xét ngắn gọn mà nhiều nhà kinh tế trong và ngoài nước nói về những thành tựu mà kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2024, tạo nền tảng quan trọng để Việt Nam vững bước vào kỉ nguyên mới, kỉ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm 2024 kinh tế Việt Nam đã khôi phục đà tăng trưởng mạnh mẽ, GDP ước đạt trên 7%, thuộc top 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới và gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2024 đạt 31,4 tỉ USD, đưa VN vào nhóm 15 quốc gia đang phát triển thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới. Theo đó, giá trị thương hiệu quốc gia tăng, đạt 507 tỉ USD, xếp thứ 32/193 quốc gia.
Với việc tái khởi động hai siêu dự án lớn, 2024 là năm có bước ngoặt quan trọng đối với hạ tầng và năng lượng của Việt Nam. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, với tổng vốn đầu tư 1,7 triệu tỷ đồng (67 tỷ USD), đã được Quốc hội phê duyệt sau 17 năm gián đoạn. Cùng thời điểm, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng được Quốc hội cho phép tái khởi động.
Việt Nam cũng có bước tiến nổi bật trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo khi xếp hạng 44/133 trên bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của WIPO, tăng hai bậc so với năm 2023. Đặc biệt, Việt Nam dẫn đầu thế giới ở ba chỉ số: nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Thành tích này tiếp tục khẳng định hiệu quả chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam, cùng với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ.
Hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2024 đánh dấu bước tiến quan trọng với việc thiết lập nhiều Đối tác Chiến lược Toàn diện và nâng cấp quan hệ với các quốc gia, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác đa lĩnh vực từ thương mại, đầu tư đến an ninh quốc phòng, nông nghiệp, năng lượng…
Các chuyến công du cấp cao của lãnh đạo Việt Nam, bao gồm Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thể hiện sự chủ động và tích cực trong quan hệ đối ngoại. Tổng Bí thư Tô Lâm có loạt chuyến thăm quan trọng tới Trung Quốc, Mỹ, Cuba và các nước châu Âu, thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn về thương mại, cơ sở hạ tầng, và chính trị.
Chủ tịch nước Lương Cường công du Nam Mỹ và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, tập trung vào kinh tế số và năng lượng. Các chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Arab Saudi, UAE và Qatar, thúc đẩy đầu tư và chuyển đổi xanh…
Năm 2024 ghi dấu ấn lớn của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư công nghệ cao, chuyển mình từ một quốc gia gia công sang trung tâm thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D) của các tập đoàn lớn như Apple, Nvidia và Samsung. Trong năm 2024, Việt Nam là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới ở nhiều lĩnh vực từ công nghệ, bán dẫn, bán lẻ… đến năng lượng tái tạo. Nhiều tên tuổi lớn trong mảng công nghệ như NVIDIA, Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor… cho biết đã có kế hoạch mở rộng đầu tư tại VN. Với những chuyến đi đến VN của các tỉ phú công nghệ, VN trở thành điểm sáng trong thu hút vốn FDI, không chỉ dòng vốn đăng ký mới tăng mạnh mẽ, đạt gần 31,4 tỉ USD trong 11 tháng; vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng cao năm thứ 3 liên tiếp, đạt gần 21,68 tỉ USD…
Tối 5/12/2024, sau khi dự lễ ký kết hợp tác thành lập hai trung tâm về AI tại Việt Nam, CEO Nvidia Jensen cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đã uống bia, ăn nem chua rán khi đi dạo phố Tạ Hiện, Hà Nội
Sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn không chỉ tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm chất lượng cao mà còn mở ra triển vọng trong nhiều lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và công nghệ cao.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đang có kế hoạch dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu tự chủ công nghệ và phát triển các nhà máy chế tạo chip với doanh thu kỳ vọng đạt 100 tỷ USD vào năm 2050.
2. Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí
“ Xác định phòng, chống lãng phí tương đương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” - Đây là một trong những yêu cầu được Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhấn mạnh tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo diễn ra sáng ngày 30.10.2024.
Tại cuộc họp, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải bám sát và phục vụ hai nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII đã xác định. Đó là tăng tốc bứt phá để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và chuẩn bị thật tốt để tổ chức thành công Đại hội XIV của Đảng. Đặc biệt, “vừa phải chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa phải quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Năm 2024, Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, đưa ra ánh sáng hàng loạt đại án tham nhũng, chức vụ khiến nhiều quan chức, chủ DN “xộ khám”. Đó là đại án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn mà chủ Tập đoàn này là Hậu “Pháo” bị cáo buộc chi phối, lũng đoạn loạt cán bộ nhà nước; Hay đại án xảy ra tại tập đoàn Thuận An khiến cựu trợ lý chủ tịch Quốc hội vướng lao lý ; Hay như đại án xảy ra tại Khu đô thị thương mại du lịch sinh thái Đại Ninh cũng khiến một số quan chức ở Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ…bị bắt vì tội nhận hối lộ; Và loạt các vụ án khác như vụ án xảy ra tại Cty cây xanh Công Minh; Vụ vi phạm qui định về quản lý tài sản nhà nước ( định giá đất sai gây thiệt hại ngân sách hàng trăm tỉ đồng) khiến loạt lãnh đạo tỉnh Bình thuận vướng lao lý; Vụ án xảy ra tại Bộ Công thương khiến một số cựu lãnh đạo Bộ này bị bắt do tạo cơ chế cho dự án nhiệt điện mặt trời Trung Nam được hưởng giá ưu đãi vượt phạm vi cho phép…
3. Tháo gỡ “điểm nghẽn” thể chế, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật
Năm 2024 đánh dấu mốc quan trọng việc Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai và nhiều đạo luật kinh tế khác nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh. Luật Đất đai sửa đổi và các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024, sớm hơn kế hoạch 5 tháng với mục tiêu trọng tâm là tháo gỡ nút thắt pháp lý đã và đang kìm hãm sự phát triển của thị trường địa ốc.
Điểm nhấn của Luật Đất đai là việc bỏ khung giá đất 5 năm, thay bằng bảng giá đất hàng năm sát với thị trường. Bước đi đột phá này nhằm giảm thiểu tình trạng bất công trong đền bù giải phóng mặt bằng và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân khi đất bị thu hồi. Ngoài ra, quyền sử dụng đất của công dân Việt Nam định cư nước ngoài được mở rộng, giúp thu hút kiều hối và thúc đẩy đầu tư từ người Việt ở nước ngoài.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Đất đai sửa đổi
Gần đây, tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp ngày 7/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả mà ngành tư pháp đạt được trong những năm qua. Đặc biệt, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện tư duy, nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đóng góp trong việc ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: yêu cầu đối với Chương trình xây dựng Luật, pháp luật do Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp chỉ đạo đề xuất hằng năm, phải trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam, cần tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật; bổ sung những vấn đề mới, thực tiễn phát triển nóng bỏng chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh; bổ sung những chủ trương mới của Đảng chưa được thể chế hóa để xây dựng, đề xuất Chương trình.
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tham dự buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp ngày 7/11/2024 - Ảnh: VGP
Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới; xu hướng mới (cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…); thực hiện cơ chế “Sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật” để khắc phục ngay tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các luật; hình thành cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước.
Tổng Bí thư nêu rõ: Công tác xây dựng pháp luật có vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt cơ hội, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, chăm lo cho nhân dân.
Để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị trong thời gian tới, Bộ, ngành Tư pháp cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, trong đó đổi mới tư duy xây dựng pháp luật cần phải trên tinh thần là dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Vấn đề đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - là vấn đề hệ trọng liên quan đến thể chế, mà Tổng Bí thư đánh giá đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Do đó, Tổng Bí thư đề nghị lần sửa đổi này cần: (i) Tách bạch hai quy trình lập pháp và lập quy; (ii) Coi trọng phát huy dân chủ, bảo đảm cao nhất trọng lượng tiếng nói của người dân, nhất là của đối tượng bị điều chỉnh trong xây dựng pháp luật; (iii) Đề cao trách nhiệm trước dân của những chủ thể xây dựng, ban hành pháp luật; (iv) Đặt ra yêu cầu cao, cụ thể về đánh giá tác động của chính sách; (v) Quy định thẩm quyền của chủ thể trình dự án pháp luật được bảo vệ đến cùng dự án của mình, có quyền rút dự luật do mình trình; (vi) Có cơ chế chống tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ bộ, ngành trong xây dựng pháp luật; (vii) Có cơ chế phát huy vai trò chủ đạo của Quốc hội trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền; …
Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những năm qua, Hội Luật gia Việt Nam (HLGVN) đã tham gia đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Đáng chú ý, Hội Luật gia đã hoàn thành đảm bảo có chất lượng đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại để trình Quốc hội; Việc Hội Luật gia VN tiếp tục được Quốc hội khóa XV lựa chọn để giao nhiệm vụ đề xuất và chủ trì xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật TTTM, chứng tỏ năng lực của Hội Luật gia VN và khả năng huy động các nguồn lực vào việc trình sáng kiến xây dựng pháp luật và chủ trì soạn thảo các văn bản pháp luật.
Lãnh đạo Bộ Công an và Lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam tại Lễ kí kết Chương trình phối hợp tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật (ngày 26/1/2024)
Đặc biệt Hội LGVN đã hoàn thành nhiệm vụ của Ban Bí thư giao về xây dựng Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp”. Bộ chỉ số ra đời sẽ góp phần đánh giá mức độ hiệu quả, hiệu lực của hoạt động tư pháp, để có cơ sở đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp, thực hiện cải cách tư pháp đến 2030, định hướng đến 2045, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đến nay Đề án đã được Ban Bí thư giao tổ chức thí điểm trong năm 2024.
Đồng thời, Đảng đoàn Hội LGVN còn đặt ra nhiệm vụ tích cực tham gia xây dựng các Đề án có liên quan đến hoàn thiện Nhà nước nước PQXHCN Việt Nam do các cơ quan chức năng chủ trì chuẩn bị, như: “Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế Nhân dân tham gia xét xử tại tòa án” do Ban cán sự TANDTC chủ trì; Đề án hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến các tầng lớp Nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” do Đảng đoàn MTTQ Việt Nam chủ trì…
4. Khát vọng mùa Xuân! Khát vọng kỷ nguyên mới!
Theo Tổng Bí thư: “Những thành tựu vĩ đại đạt được sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, giúp Việt Nam tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo”. Những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, là cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chuyển đổi số; chống lãng phí...
Năm 2024 kinh tế Việt Nam đã khôi phục đà tăng trưởng mạnh mẽ, GDP ước đạt trên 7%, thuộc top 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Thuận lợi sau 40 năm đổi mới là rất lớn. Có thể nói sau ngần ấy năm, chúng ta đều ít nhiều có của ăn của để. Chế độ chính trị của chúng ta đã được cả thế giới thừa nhận và tôn trọng. Bối cảnh quốc tế không còn đặt nặng sự khác biệt về thể chế. Chúng ta đã có vị thế quốc tế nhất định.
Vậy nên điều quan trọng lúc này là chuyển hóa được khát vọng về một “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình” không chỉ trong những nhà lãnh đạo cao nhất, mà phải biến được khát vọng ấy thành khát vọng chung trong toàn hệ thống chính trị thì sẽ tạo ra nguồn động lực, sức mạnh vật chất to lớn để vừa giải quyết các bài toán, thách thức, vừa để đạt được các mục tiêu cụ thể đặt ra cho những năm tới và cả giai đoạn tiếp theo, theo tầm nhìn 2030-2045.
Và quan trọng hơn, khát vọng ấy phải được minh chứng bằng các hành động chính sách để tạo chuyển biến tích cực trên thực tế.
Trong cuộc làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết sẽ xem xét đưa vào chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 nội dung nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Cùng lúc, Bộ Tư pháp cũng đang đề xuất tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cuối tháng 11 năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 khởi động cuộc "cách mạng" sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị, tiếp nối Nghị quyết số 18 của Trung ương năm 2017. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh mục tiêu của lần sắp xếp này không chỉ là giảm biên chế mà còn tái cấu trúc toàn bộ hệ thống nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, hướng tới bộ máy hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
“Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” là kỷ nguyên tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đưa khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển đất nước nhanh và bền vững, bảo đảm phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, mở ra triển vọng phát triển mới.
Mới đây, ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết 57 như một mũi nhọn tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn từ nhận thức chung đến thể chế, từ đó, giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, giải phóng nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...
Tổng Bí thư Tô Lâm quan sát thực địa vị trí quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, ngày 5/12. Ảnh: TTXVN
Để đạt được các mục tiêu mà nghị quyết 57 đề ra, như Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần xác định rõ thể chế đang là điểm nghẽn của sự phát triển. Do đó việc tháo gỡ điểm nghẽn này, đặc biệt biến thể chế thành một lợi thế cạnh tranh, thì phải xây dựng khung pháp lý linh hoạt và tiên tiến. Điều này bao gồm việc phải liên tục sửa đổi, cập nhật các quy định pháp luật để hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới và công nghệ mới phát triển. Bên cạnh đó cần đưa ra các chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài…
Đại hội XIV của Đảng tới đây cần phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào “Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam” với những giải pháp, biện pháp, “đúng”, “trúng” và có tính đột phá.
Kỷ nguyên mới, gắn với những mục tiêu mới, cụ thể nhất là tầm nhìn lãnh đạo 2045, phản ánh khát vọng của cả dân tộc, sẽ là một thách thức rất lớn, nhưng nếu thực hiện thành công thì sẽ nâng tầm vị thế của đất nước. Đột phá về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản phải là giải pháp đột phá của đột phá. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, không vì đẩy mạnh công tác này mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế-xã hội.
Một mùa Xuân nữa lại về, trăm hoa lại đua nở, muôn cây lại đâm chồi nảy lộc, như một quy luật của tự nhiên. Dường như mùa Xuân luôn thôi thúc con người khát vọng hướng tới những điều mới mẻ, kỳ vọng về những thay đổi và thành công mới...
Tiếp theo đà thắng lợi của năm 2024, cùng với những khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, chúng ta có quyền tin tưởng về tương lai tươi sáng; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng của cả dân tộc, đất nước ta nhất định sẽ tiếp tục gặt hái được những thành tựu to lớn hơn nữa, Nhân dân ta thực sự được thụ hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Mùa Xuân mới đang đến và khát vọng mùa Xuân sẽ thực sự là động lực hối thúc đất nước tiến lên. Chúng ta chào đón năm mới 2025 với khát vọng về một mùa Xuân mới đầy tươi sáng, khát vọng về một Việt Nam vươn mình mạnh mẽ để trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, như Đại hội XIII của Đảng đã vạch ra.
Lê Phúc Anh
Link nội dung: https://phaply.net.vn/khat-vong-mua-xuan-khat-vong-ky-nguyen-moi-a259126.html