Danh sách 15 nền kinh tế lớn nhất Châu Á 2025, trong đó có Việt Nam (Đồ hoạ. Seasia Stats)
Việt Nam trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin, tính đến cuối tháng 11 vừa qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 715 tỷ USD, tăng 15,3%, xuất siêu trên 23 tỷ USD; ước cả năm đạt 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước ta là điểm sáng và nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới...
Mới đây, trang thông tin chuyên đồ hoạ hoá thống kê Seasia Stats đã cung cấp đồ hoạ “15 nền kinh tế lớn nhất Châu Á năm 2025”, dựa trên các số liệu được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố. Đáng chú ý, Philippines và Việt Nam so kè hai vị trí liền kề, thứ 11 và 12, lần lượt được dự báo đạt 508 tỷ USD và 506 tỷ USD. Nói về Việt Nam, trang này bình luận, nền kinh tế Việt Nam đang nhanh chóng mở rộng, nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực nhằm hiện thực hóa mục tiêu quan trọng đến năm 2050 đạt được phát thải ròng bằng 0 và nâng đóng góp của nền kinh tế xanh vào GDP quốc gia từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên 300 tỷ USD mỗi năm. Từ năm 2017 đến 2021, Việt Nam đã huy động khoảng 9 tỷ USD FDI vào các lĩnh vực xanh, chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo và sản xuất thiết bị cho các lĩnh vực phát triển xanh (MPI Việt Nam và BCG, 2023).
Thu hút FDI xanh tại Việt Nam
FDI xanh được coi là các khoản đầu tư vốn có ảnh hưởng tích cực đến môi trường, chẳng hạn như qua chuyển giao công nghệ sạch và các thực hành quản lý môi trường hiệu quả. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang cần dòng vốn FDI xanh cho phát triển bền vững và chuyển đổi xanh. Mặc dù, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam được đánh giá là dồi dào, song để dẫn dòng vốn FDI xanh cần có chiến lược dịch chuyển dòng vốn.
Là điểm đến thu hút FDI trong khu vực ASEAN, cùng với xu hướng chuyển đổi xanh, một số nhà đầu tư lớn đến từ châu Âu đã chọn Việt Nam để rót vốn xanh. Nhiều tập đoàn lớn của Đức đã đi theo chiến lược giảm phát thải, đồng nghĩa doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng, gia công cũng phải đồng hành để đạt được mục tiêu này. FDI xanh từ các quốc gia khác cũng theo dòng chảy vào Việt Nam với một số dự án LNG Bạc Liêu, LNG Long An I và II... Vốn FDI xanh từ các nước châu Âu, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 của Việt Nam, dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Mặc dù việc thu hút FDI xanh tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức do sự phát triển chậm của cơ sở hạ tầng xanh và khuôn khổ pháp lý chưa rõ ràng. Tuy nhiên Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm thúc đẩy FDI xanh như một trụ cột trong chiến lược phát triển bền vững của mình. Nỗ lực này được thể hiện qua việc liên tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về pháp lý và năng lực hạ tầng, nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho các khoản đầu tư thân thiện với môi trường.
Công nghệ thân thiện với môi trường
Với các nước phát triển, bắt đầu từ việc dựa trên phát triển khung chính sách ứng phó biến đổi khí hậu, có chiến lược thu hút FDI xanh bằng cách xây dựng hạ tầng xanh, xuất khẩu công nghệ xanh. Do vậy, Việt Nam cần ưu tiên hoàn thiện cơ chế, triển khai chính sách ưu đãi xanh, phân loại đầu tư xanh, nghiên cứu ban hành các gói thu hút đầu tư xanh, xây dựng hệ sinh thái xanh, nâng cao năng lực nguồn nhân lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho các dự án xanh, công nghệ xanh.
Đồng thời, Việt Nam nên học kinh nghiệm thu hút FDI xanh của một số nước, điển hình trong đó là Singapore. Và đặc biệt cần quan tâm một số khuyến nghị của EU trong thu hút FDI xanh.
Kinh nghiệm thu hút FDI xanh ở Singapore và gợi mở cho Việt Nam
Theo Investment Monitor (2022), Singapore là một trong những quốc gia hàng đầu về thu hút FDI toàn cầu, vượt qua các nền kinh tế lớn như Ấn Độ và Trung Quốc. Dù có quy mô tương đối nhỏ, Singapore vẫn là điểm thu hút FDI hàng đầu ở châu Á, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao và bền vững. Số lượng dự án đầu tư dạng lĩnh vực xanh (greenfield) ở Singapore cũng tăng đáng kể, từ 307 dự án năm 2020 lên 410 dự án vào năm 2022, với giá trị đầu tư tăng từ 6,869 tỷ USD lên 16,228 tỷ USD trong cùng kỳ (UNCTAD, 2023).
Singapore đã phát triển một khung chính sách toàn diện để thu hút FDI xanh, tập trung vào hỗ trợ chính sách mạnh mẽ, các khuyến khích chiến lược và đầu tư cơ sở hạ tầng đáng kể. Cách tiếp cận của quốc đảo này bao gồm một chiến lược đa dạng không chỉ nhằm vào lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn phù hợp với các mục tiêu bền vững lâu dài.
Singapore là một trong những quốc gia dẫn đầu trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh
Môi trường pháp lý của Singapore rất thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việc không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải tham gia liên doanh hoặc từ bỏ quyền kiểm soát quản lý làm tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Hơn nữa, chính phủ Singapore đã thực hiện một loạt khung pháp lý và quy định nhằm khuyến khích các thực hành bền vững trong doanh nghiệp. Ví dụ, Kế hoạch Xanh 2030 đề ra các mục tiêu tham vọng nhằm giảm phát thải carbon, tăng sử dụng xe điện và cải thiện không gian xanh trên toàn thành phố. Kế hoạch này cung cấp hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư về cam kết của chính phủ Singapore với sự bền vững.
Để thu hút cụ thể FDI xanh, Singapore cung cấp một loạt các khuyến khích bao gồm hoàn thuế, trợ cấp cho đổi mới công nghệ, và hỗ trợ tài chính cho các dự án bền vững. EDB quản lý các chương trình khác nhau như Khoản trợ cấp đầu tư cho hiệu quả năng lượng, cung cấp các khoản khấu trừ thuế đối với chi phí vốn cho các dự án đạt được cải thiện hiệu quả năng lượng đáng kể (EDB, 2023).
Cơ sở hạ tầng xanh của Singapore cũng là yếu tố quan trọng trong việc thu hút FDI xanh. Singapore đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng hiện đại để hỗ trợ các công nghệ xanh, bao gồm phát triển các khu công nghiệp sinh thái và cải thiện hệ thống giao thông công cộng để giảm dấu chân carbon.
Từ kinh nghiệm của Singapore, Việt Nam có thể cải thiện khả năng thu hút FDI xanh thông qua: Tăng cường khuôn khổ chính sách. Cụ thể Việt Nam có thể thiết lập các định nghĩa pháp lý và tiêu chuẩn rõ ràng hơn cho FDI xanh phù hợp với thực tiễn quốc tế. Điều này bao gồm không chỉ soạn thảo các luật diện rộng mà còn đảm bảo thực thi nghiêm ngặt để bảo vệ lợi ích môi trường, đồng thời thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
Tiếp đến là tăng cường khuyến khích kinh tế: Ngoài việc giảm thuế chung, Việt Nam có thể cung cấp các ưu đãi cụ thể cho các khoản đầu tư vào công nghệ xanh tiên phong, những công nghệ rất quan trọng cho mục tiêu bền vững của mình như lưu trữ carbon hoặc công nghệ tái tạo tiên tiến.
Đồng thời phát triển các khu công nghiệp xanh hiện đại được trang bị cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ các ngành công nghiệp xanh công nghệ cao. Các khu vực này có thể cung cấp các tiện ích cho việc tái chế chất thải, giảm tiêu thụ năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Và sáng kiến thành phố thông minh, theo đó tích hợp các dự án FDI xanh vào các sáng kiến quy hoạch đô thị rộng lớn hơn, chẳng hạn như phát triển các thành phố thông minh sử dụng vật liệu và công nghệ bền vững để giảm phát thải carbon.
Rất nhiều quốc gia cần dòng vốn FDI xanh cho phát triển bền vững và chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, dòng vốn FDI xanh đang nhắm đến các nước phát triển chiếm khoảng 60% vốn FDI xanh trên toàn cầu; hơn 30% đi vào các nước đang phát triển. Trong đó, ghi nhận một số quốc gia có bước nhảy vọt về thu hút vốn FDI xanh như Malaysia chẳng hạn, hiện đã thu hút được 43 tỷ USD vốn FDI xanh nhờ khung chính sách về biến đổi khí hậu, xây dựng hạ tầng xanh, xuất khẩu công nghệ xanh…Hay như Singapore là một trong những quốc gia hàng đầu về thu hút FDI toàn cầu, vượt qua các nền kinh tế lớn như Ấn Độ và Trung Quốc. Dù có quy mô tương đối nhỏ, Singapore vẫn là điểm thu hút FDI hàng đầu ở châu Á, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao và bền vững.
Giải pháp đẩy mạnh thu hút FDI “XANH” cho Việt Nam trong thời gian tới
Sắp tới dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ chuyển dịch mạnh mẽ vào các ngành công nghệ, sản xuất chip và năng lượng tái tạo trong tương lai. Điều này phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư đến từ Tây Âu và Hoa Kỳ. Do đó, Chính phủ cần xây dựng những chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế, phí, cho vay tài chính phù hợp cho khu vực doanh nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, việc làm xanh để tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Một số chuyên gia nước ngoài khuyến nghị Việt Nam cần ưu tiên hoàn thiện cơ chế, triển khai chính sách ưu đãi xanh, phân loại đầu tư xanh; nghiên cứu ban hành các gói thu hút đầu tư xanh, xây dựng hệ sinh thái xanh, nâng cao năng lực nguồn nhân lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho các dự án xanh, công nghệ xanh, tri thức xanh được chuyển giao. Cùng với đó, có chiến lược thu hút FDI xanh bằng cách xây dựng hạ tầng xanh, xuất khẩu công nghệ xanh...thúc đẩy hợp tác đầu tư quốc tế, đẩy nhanh xanh hoá các ngành, xây dựng cụm ngành xanh trong khu vực như chế tạo linh kiện xanh, hydro xanh…
Bên cạnh đó, cần xây dựng và ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong thu hút và sử dụng FDI. Rà soát, sửa đổi pháp luật về đăng ký chuyển giao công nghệ; nhập khẩu máy móc, thiết bị của doanh nghiệp FDI nhằm kiểm soát, thúc đẩy công nghệ và chuyển giao công nghệ; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng gian lận và tiếp nhận công nghệ không thân thiện với môi trường.
Cùng với việc xây dựng môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục ban hành các gói hỗ trợ hấp dẫn. Hiện nay, Luật Đầu tư sửa đổi và các luật khác có liên quan đã bổ sung những ưu đãi mang tính cạnh tranh tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI như cơ chế hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để thu hút FDI xanh từ các quốc gia phát triển, đặc biệt từ EU, trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần chú trọng một số vấn đề sau:
Thứ nhất, về mặt pháp lý, cần xây dựng các quy định, tiêu chí cụ thể, rõ ràng về bảo vệ môi trường và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong thu hút và sử dụng FDI. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các tiêu chí đánh giá FDI xanh, hoàn thiện danh mục các sản phẩm dịch vụ môi trường, qua đó cho phép phân loại các dự án FDI dựa trên tác động tiềm tàng của dự án đó tới môi trường. Trên cơ sở phân loại các dự án FDI, cần đưa ra các cơ chế chính sách, ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án FDI xanh, các dự án có tác động tích cực tới môi trường. Mặt khác, không gia hạn hoặc mở rộng hoạt động đối với các dự án không đáp ứng được tiêu chuẩn công nghệ, môi trường và không thu hút các dự án nhập khẩu máy móc, thiết bị lạc hậu, có khả năng gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại tài nguyên thiên nhiên.
Thứ hai, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư FDI vào các ngành công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, cần phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng số và các công nghệ mới trong kỷ nguyên 4.0.
Thứ ba, thành lập các bộ phận chuyên trách nghiên cứu về FDI xanh, các tiêu chí đánh giá FDI xanh, thường xuyên cập nhật các xu hướng FDI xanh trên thế giới, kinh nghiệm thu hút và quản lý dự án FDI xanh, kinh nghiệm xử lý các rủi ro môi trường từ các dự án FDI..., từ đó đề xuất các chính sách, giải pháp phù hợp.
Thái Công