Sự kiện do Viện Nghiên cứu Sáng tạo (FICR) của Trường Đại học Ngoại thương phối hợp tổ chức cùng Đại học Laval (Canada), Hội Thành viên độc lập Hội đồng quản trị Việt Nam, Đại học Rennes II và Đại học Rennes (Pháp), với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đại diện doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cùng giảng viên, sinh viên nhằm trao đổi ý tưởng sáng tạo, chia sẻ giải pháp đột phá về phát triển thương mại và quản lý rừng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh các thách thức về biến đổi khí hậu và môi trường ngày càng gia tăng.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, nhấn mạnh: “Quản lý và phát triển rừng bền vững gắn với thương mại quốc tế là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay. Đây là cơ hội để các bên liên quan, từ nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, đến doanh nghiệp, cùng tìm kiếm các mô hình sáng tạo nhằm đạt mục tiêu kép: phát triển kinh tế và bảo tồn tài nguyên rừng bền vững.”
Một trong những điểm nhấn của hội thảo là lễ ra mắt Mạng lưới Nghiên cứu viên liên kết về Sáng tạo và Phát triển bền vững, quy tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia và lĩnh vực khác nhau. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy các nghiên cứu mang tính ứng dụng, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn và tạo giá trị thương mại trong tương lai.
Ban Tổ chức cho biết, hội thảo đã nhận được gần 70 bài viết từ các cơ sở nghiên cứu và trường đại học trên toàn thế giới, trong đó có 37 bài được chọn lọc trình bày. Các tham luận không chỉ tập trung vào các giải pháp mang tính lý thuyết mà còn đưa ra các ý tưởng ứng dụng thực tiễn, từ việc cải tiến chính sách, khai thác công nghệ mới đến phát triển mô hình kinh tế rừng bền vững.
Các phiên thảo luận tập trung vào những vấn đề cấp thiết như: Thách thức và cơ hội trong tái cân bằng thương mại và quản lý rừng bền vững; Vai trò của các tổ chức quốc tế, khu vực và chính sách quốc gia: Mô hình kinh tế rừng bền vững và ứng dụng công nghệ vào quản lý rừng; Sáng kiến đổi mới và cách tiếp cận xuyên ngành để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, hội thảo còn chứng kiến lễ ra mắt Mạng lưới nghiên cứu viên liên kết về Sáng tạo và Phát triển bền vững. Đây là bước tiến quan trọng nhằm kết nối các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng có tính thực tiễn và khả năng thương mại hóa.
Với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp, hội thảo được kỳ vọng sẽ tạo nên những bước đột phá mới, góp phần thúc đẩy thương mại bền vững và bảo tồn tài nguyên rừng không chỉ tại Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Bùi Lộc