Nghiên cứu từ thực tế cho thấy các hình thức đầu tư ngoại hối và chứng khoán phái sinh đã thu hút được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư, đặc biệt là những người tìm kiếm cơ hội sinh lời nhanh chóng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này là sự xuất hiện của các thủ đoạn lừa đảo tinh vi, nhằm chiếm đoạt tài sản của những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm hoặc không có kiến thức đầy đủ về các thị trường này.
Vừa qua, cơ quan chức năng đã triệt phá băng nhóm lừa đảo thông qua sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trái phép do Phó Đức Nam (hay còn được biết đến với biệt danh Mr. Pips trên mạng xã hội) cầm đầu. Điều tra ban đầu đã xác định được các đối tượng trong đường dây lừa đảo này đã lừa 2.661 bị hại trên toàn quốc. Cơ quan điều tra đã thu giữ, phong toả nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỷ đồng.
Mặc dù vụ việc trên không còn mới, nhưng nó đã để lại hậu quả nghiêm trọng với kỷ lục về số lượng nạn nhân và giá trị thiệt hại thực tế rất lớn. Bài viết dưới đây nghiên cứu về những thủ đoạn chính của các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo trong hoạt động đầu tư ngoại hối, chứng khoán phái sinh, từ đó chỉ ra các vấn đề, lỗ hổng của cơ chế chính sách pháp luật liên quan và kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật.
1. Những thủ đoạn chính của tội phạm lừa đảo thông qua đầu tư ngoại hối, chứng khoán phái sinh
Thứ nhất, ngụy tạo “vỏ bọc” hoàn hảo, hào nhoáng
Các đối tượng lừa đảo thường xây dựng hình ảnh hào nhoáng, khoe khoang sự giàu có xa hoa từ nhà cửa, xe cộ, tiền bạc, du lịch… qua đó lợi dụng lòng tham ham làm giàu để thu hút dư luận khiến các nạn nhân bị cuốn hút vào các hình ảnh này từ đo dễ dàng lôi kéo người tham gia. Bên cạnh đó, lợi dụng sức mạnh của truyền thông, marketing, các đối tượng này đưa ra nhiều chiến lược quảng cáo hình ảnh trên nhiều nền tảng mạng xã hội nhằm mục đích tiếp cận nhanh chóng và truyền tải thông tin đến được nhiều người nhất. Ngoài ra, để lôi kéo được các nạn nhân, đối tượng lừa đảo thường lợi dụng tâm lý của nhà đầu tư thông qua việc gửi tặng các món quà hay sách hoặc tài liệu hướng dẫn đầu tư chứng khoán miễn phí để gây ra sự tò mò, kết nạp thành viên với. Qua đó nhằm thu thập thông tin, địa chỉ, số điện thoại của nạn nhân để tiếp tục thực hiện các thủ đoạn tiếp theo.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ “quy mô, chuyên nghiệp”
Các đối tượng điều hành đường dây lừa đảo một cách quy mô chặt chẽ, với đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Tuy nhiên nhiều công ty tư vấn đầu tư chứng khoán, tài chính đã được thành lập mà không đăng ký hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính. Các đối tượng tuyển dụng hàng nghìn nhân viên để phục vụ cho hoạt động của các công ty tư vấn và có sự phân chia chức năng, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng cá nhân và bộ phận, có thể kể đến như bộ phận marketing nhằm hỗ trợ quảng cáo, đẩy mạnh truyền thông, phổ biến hoạt động đầu tư tiếp cận nhà đầu tư; bộ phận hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ giải đáp các khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư về việc đặt lệnh, nạp rút tiền… liên quan đến công nghệ; bộ phận chăm sóc khách hàng (telesale) có vai trò quan trọng trong việc lôi kéo, mời chào nhà đầu tư tham gia với nhiều kịch bản được xây dựng, đạo diễn một cách chuyên nghiệp để kích thích, thuyết phục nhà đầu tư, từ đó khiến các nhà đầu tư khó lòng từ chối hay thoát khỏi chiếc “bẫy” được giăng sẵn. Bên cạnh đó, các nhân viên trong hệ thống còn được “treo thưởng” tức là sẽ có được thu nhập dựa trên số tiền chiếm đoạt được từ nhà đầu tư và sẽ có phần thưởng đối với những cá nhân, bộ phận đạt được KPI (các mức hoàn thành công việc theo yêu cầu), vì vậy thu nhập của nhân viên tỷ lệ thuận với việc lừa đảo, do đó nhân viên sẽ cố gắng, nỗ lực hơn nhằm “săn” và “bắt” các nạn nhân.
Các nhân viên trong đường dây lừa đảo của Phó Đức Nam - Ảnh: Công an cung cấp
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn lập các hội nhóm trên các mạng xã hội, tổ chắc và tham gia sự kiện có nhiều người nhằm tiếp cận, kết bạn và sau đó kêu gọi tham gia đầu tư, hướng dẫn đầu tư, đồng thời tạo các tài khoản giả làm người tham gia đầu tư, chuyên gia tư vấn, đăng nhiều giao dịch thắng trên sàn lên các hội, nhóm để kích thích mọi người tham gia đầu tư.
Thứ ba, tạo lập các trang web giao dịch trái phép
Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã tạo lập, quản lý nhiều trang web có giao diện tiếng anh, được đặt máy chủ ở nước ngoài để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư , đây là các sàn giao dịch quốc tế, có uy tín, đồng thời cũng là biện pháp nhằm che mắt cơ quan chức năng. Các trang web này được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng do các đối tượng lừa đảo quản lý và đều có sự kết nối đến các nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới. Ngoài ra, các trang web giao dịch được các đối tượng thiết kế với chức năng can thiệp vào tài khoản của nhà đầu tư, có thể tự ý đặt lệnh đầu tư hoặc thay đổi số dư tài khoản… Đồng thời, các trang web này còn có một bộ phận riêng đứng ra quản lý và vận hành trực tiếp với trình độ chuyên môn cao. Người chơi được yêu cầu truy cập các trang web của sàn và đăng ký các tài khoản rồi tải các ứng dụng về điện thoại để bắt đầu quá trình tham gia đầu tư.
Thứ tư, sử dụng nhiều chiêu trò mánh lới thủ đoạn dụ dỗ, thúc ép, ra đòn “ tâm lý” nhằm lừa và chiếm đoạt tài sảncủa nhà đầu tư
Sau khi nạn nhân nạp tiền, các nhân viên sẽ đưa ra các thông tin về xu hướng thị trường, khuyến khích nhà đầu tư thực hiện các giao dịch với chiến thuật “đòn bẩy” lớn, hạn chế việc chốt lời hoặc cắt lỗ trong một khoảng thời gian ngắn để các nhà đầu tư chịu tâm lý sức ép về thời gian, không có cơ hội để suy nghĩ mà quyết đinh ngay lập tức.
Ban đầu, các đối tượng hướng dẫn nhà đầu tư giao dịch nhiều lần với số tiền ít, “có lãi” và rút tiền được; sau đó, sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để dụ dỗ, thúc đẩy nhà đầu tư nâng vốn giao dịch. Khi nhà đầu tư giao dịch thua lỗ, thậm chí thua hết tiền trong tài khoản (tức “cháy” tài khoản) thì các đối tượng tiếp tục cung cấp thông tin sai sự thật nói chuyện với khách, khích lệ khách nạp thêm tiền đầu tư mong gỡ lại, tìm cách để họ tiếp tục tham gia như đưa ra các gói khuyến mại hấp dẫn, để nhà đầu tư có niềm tin tiếp tục chuyển thêm tiền để “gỡ vốn”, bởi nhà đầu tư càng nạp tiền nhiều, càng thua nhiều, các đối tượng hưởng lợi càng lớn. Cứ như vậy cho đến khi nhà đầu tư không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà nhà đầu tư đã chuyển.
Thêm vào đó, khi nhà đầu tư bắt đầu có ý thức cảnh giác, muốn rút tiền thì các đối tượng lại đưa ra các trở ngại gây khó khăn cho việc rút tiền từ việc khuyên nhủ nhẹ nhàng như sẽ bị rút bớt lãi, giảm giá trị đầu tư… cho đến các biện pháp mạnh tay hơn như đóng băng tài khoản của nạn nhân, thông báo tài khoản bị lỗi hoặc phát hiện nhà đầu tư vi phạm chính sách nhằm mục đích để nhà đầu tư nạp thêm tiền và khiến nhà đầu tư không thể thực hiện rút tiền.
Bị can Phó Đức Nam làm việc với cơ quan công an - Ảnh: Công an cung cấp
Thứ năm, tinh vi che dấu tài sản lừa đảo
Tiền thu được từ các hoạt động lừa đảo được các đối tượng lập kế hoạch và quản lý chặt chẽ thông qua các tài khoản ngân hàng do chúng kiểm soát. Các đối tượng này cũng tìm cách thiết lập các mối quan hệ với những cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để tạo ra các mạng lưới hỗ trợ cho việc rửa tiền, bao gồm việc chuyển tiền qua các quốc gia có hệ thống tài chính lỏng lẻo, hoặc nơi không có sự hợp tác chặt chẽ trong việc điều tra và ngăn chặn tội phạm với Việt Nam. Đồng thời các đối tượng thực hiện chuyển tiền xuyên biên giới, hoặc thông qua các công ty có hoạt động liên quan đến lĩnh vực tài chính để dễ dàng chuyển tiền và hợp pháp hóa nguồn tiền. Cụ thể: Khi dụ dỗ thành công nạn nhân, các đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản đã được chỉ định trước sau đó luân chuyển qua nhiều tài khoản khác hoặc ví điện tử để tránh sự truy vết từ cơ quan công an. Sau đó, tiền được quy đổi thành ngoại tệ như USD hoặc Nhân dân tệ, từ đó rút ra tiền mặt hoặc chuyển ra nước ngoài. Những khoản tiền này được sử dụng để mua tài sản giá trị cao như bất động sản, xe hơi sang trọng... và chi trả cho các hoạt động của tổ chức bao gồm chi phí thuê văn phòng, trả lương cho nhân viên, chi phí vận hành khác.
2. Một số lỗ hổng của cơ chế quản lý và chính sách pháp luật
Thứ nhất, hoạt động tư vấn, môi giới, kêu gọi đầu tư không có giấy phép được thực hiện một cách ngang nhiên
Một trong những lỗ hổng lớn trong quản lý các hoạt động đầu tư tài chính hiện nay là việc các tổ chức và cá nhân tự ý tư vấn, môi giới và kêu gọi đầu tư mà không có sự cấp phép hoặc giám sát của cơ quan có thẩm quyền, bởi:
Sự thiếu hụt hành lang pháp lý chặt chẽ: Trong khi thị trường đầu tư, tiền ảo đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, một số quốc gia đã có quy định cụ thể liên quan đến hoạt động đầu tư trên không gian mạng, tuy nhiên tại Việt Nam vẫn chưa có sự công nhận chính thức về bất kỳ loại tiền kỹ thuật số hay các sàn đầu tư nước ngoài nào hoạt động trong nước. Đồng thời cũng chưa có quy định cấm giao dịch trực tiếp các sàn đầu tư tài chính nước ngoài. Do đó, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng lỗ hổng ở các quốc gia chưa có quy định cụ thể, từ đó lách qua các quy định hiện hành bằng cách không đăng ký hoạt động hợp pháp, hoặc sử dụng công nghệ blockchain để ẩn danh để dễ dàng tiếp cận và lợi dụng sự thiếu rõ ràng về pháp lý đó để thực hiện các hành vi lôi kéo, dụ dỗ người chơi tham gia đường dây lừa đảo.
Cơ chế quản lý giám sát chưa hiệu quả: Hoạt động đầu tư tài chính được thực hiện trên không gian mạng vì vậy các đối tượng lừa đảo có thể hoạt động linh hoạt, dễ dàng qua các nền tảng online mà không bị ràng buộc bởi các quy định trong nước. Hơn nữa, các giao dịch đầu tư đều diễn ra bằng hình thức trực tuyến vì vậy việc quản lý, giám sát và phát hiện hành vi lừa đảo của cơ quan chức năng trở nên vô cùng khó khăn khi chưa xây dựng được cơ chế quản lý, giám sát hiệu quả.
Người dân nên cẩn trọng với thủ đoạn lừa đảo “đầu tư ngoại hối quốc tế”. Ảnh minh họa
Thứ hai, hoạt động quảng cáo đầu tư tài chính được thực hiện công khai
Về hành lang pháp lý: Mặc dù quy định về quảng cáo đã có khung pháp lý riêng theo Luật Quảng cáo 2012 nhưng vẫn chưa có cơ chế thắt chặt kiểm soát các hoạt động tiếp thị trên mạng xã hội và các hoạt động quảng cáo đến từ nước ngoài. Có thể thấy rằng các quy định về hoạt động quảng cáo hiện tại của Việt Nam đang tụt hậu so với môi trường kinh doanh trực tuyến đang phát triển nhanh chóng, và sự ảnh hưởng ngày càng lớn của người nổi tiếng trên mạng xã hội.
Về quản lý của cơ quan chức năng: Việc áp dụng những quy định về quảng cáo trên mạng xã hội và đối với các quảng cáo từ quốc tế vẫn là một trong những trở ngại lớn của các cơ quan chức năng. Bởi Việt Nam chưa có sự phối thật sự mạnh mẽ và có hiệu quả với các nền tảng xã hội toàn cầu hay các quốc gia đối tác để ngăn chặn các quảng cáo lừa đảo. Ngược lại, các đối tượng lừa đảo lại liên tục cập nhật, thay đổi và sử dụng các chiến lược quảng cáo rất hấp dẫn và tinh vi, chúng thường hứa hẹn lợi nhuận khổng lồ trong thời gian ngắn, điều này dễ dàng thu hút các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Đồng thời hình thức quảng cáo cũng rất đa dạng từ đăng các bài viết, đến các video hướng dẫn, các khóa học làm giàu hay lời khuyên từ các chuyên gia tài chính giả mạo... gây khó khăn trong việc quản lý thông tin.
Thứ ba, các thu nhập “bất thường” trốn thuế ít khi bị phát hiện
Về quy định pháp luật: Mặc dù các dòng tiền lừa đảo thường xuyên được luân chuyển qua các ngân hàng để ra nước ngoài sau đó lại quay ngược trở về Việt Nam nhưng các quy định về việc đánh thuế đối với thu nhập từ nước ngoài chuyển về vẫn còn nhiều kẽ hở. Các giao dịch xuyên biên giới làm phức tạp thêm việc xác định nguồn gốc và đối tượng phải chịu thuế. Quy định về ngoại hối được quy định chặt chẽ tại Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên riêng đối với các giao dịch đầu tư ngoại hối, chứng khoán phái sinh từ nước ngoài thì hiện nay vẫn còn khoảng trống của pháp luật bởi đa số các hoạt động ngoại hối chưa có quy định riêng điều chỉnh thì đều dựa trên quy định tại Điều 6 Pháp lệnh Ngoại hối quy định về nguyên tắc tự do hóa đối với giao dịch vãng lai hoặc quy định tại Điều 5 Pháp lệnh này quy định về áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế về ngoại hối. Thậm chí các nguồn tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam nếu không có dấu hiệu bất thường thì thường được lợi dụng núp bóng dưới danh nghĩa là nguồn kiều hối. Vì vậy để xác định và truy thu thuế đối với các nguồn thu nhập này thường rất khó khăn.
Về cơ chế quản lý: Nhóm đối tượng lừa đảo sử dụng các công cụ như ví điện tử, tài khoản ngân hàng quốc tế để che giấu thu nhập từ các giao dịch tiền ảo hoặc ngoại hối. Các đối tượng lừa đảo có thể tạo ra các vòng tròn luân chuyển tiền hoặc "rửa" tiền qua các giao dịch quốc tế, biến tiền bất hợp pháp thành thu nhập hợp pháp mà không phải chịu sự giám sát từ cơ quan thuế hoặc pháp luật trong nước. Vì các giao dịch này liên quan đến các sàn quốc tế, do đó các nguồn tiền thường không dễ dàng được kiểm tra và giám sát bởi cơ quan thuế trong nước.
Thứ tư, lợi dụng tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp để luân chuyển dòng tiền
Các đối tượng lừa đảo lợi dụng hình thức doanh nghiệp – tổ chức hợp pháp bình phong, giả vờ thực hiện các giao dịch kinh doanh quốc tế để “biến” các tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp trở thành công cụ để thực hiện các giao dịch tài chính mà không bị nghi ngờ. Bằng cách này, chúng tạo ra một vỏ bọc hợp pháp để che giấu các giao dịch rửa tiền hoặc luân chuyển dòng tiền bất hợp pháp qua nhiều quốc gia.
Các giao dịch giữa các tài khoản doanh nghiệp có thể rất khó bị phát hiện vì các ngân hàng trong nước không có quyền can thiệp vào các giao dịch quốc tế. Khi tiền được chuyển qua nhiều tài khoản và quốc gia, khi đó không chỉ việc truy vết dòng tiền trở nên rất khó khăn mà việc xác định các dấu hiệu bất thường của dòng tiền cũng là một thách thức vô cùng lớn. Hiện nay Ngân hàng nhà nước đã ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 07-01-2021 về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo, trong đó mục tiêu là ngăn chặn hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố qua các giao dịch ảo, bảo vệ hệ thống tài chính. Chỉ thị yêu cầu các ngân hàng chú trọng công tác nhận diện và xác minh thông tin khách hàng, đồng thời giám sát và rà soát giao dịch thẻ để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật như giao dịch khống, cờ bạc, cá độ, và các hoạt động liên quan đến tiền ảo, tiền điện tử. Tuy nhiên, chỉ thị này không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nên không phải là căn cứ pháp lý chính thống được áp dụng.
Ảnh minh họa
Thứ năm, pháp luật chưa có quy định về giao dịch chứng khoán quốc tế
Tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về giao dịch chứng khoán quốc tế, mặc dù pháp luật chỉ ghi nhận hoạt động đầu tư chứng khoán từ các sàn giao dịch trong nước nhưng pháp luật cũng không cấm các nhà đầu tư tham gia đầu tư chứng khoán quốc tế. Vì lẽ đó các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế hoặc các công ty tư vấn, môi giới quốc tế không chịu sự quản lý trực tiếp từ cơ quan chức năng Việt Nam, dẫn đến việc các nhà đầu tư có thể thực hiện các giao dịch không rõ ràng mà không gặp phải sự giám sát của pháp luật. Từ việc không có quy định rõ ràng về giao dịch chứng khoán quốc tế, dẫn đến việc pháp luật còn thiếu cơ chế bảo vệ nhà đầu tư khiến cho các nhà đầu tư dễ bị tổn thất mà không có cơ chế pháp lý bảo vệ. Các tổ chức tư vấn, môi giới có cơ hội hoạt động lén lút, lừa đảo hoặc thu lợi bất chính mà ít khi phải chịu trách nhiệm.
3. Một số kiến nghị và khuyến cáo
Thứ nhất, muốn cấm hay quản lý chặt chẽ giao dịch tiền ảo, đầu tư ngoại hối, chứng khoán phái sinh với nước ngoài thì cần phải được quy định trong các quy định pháp luật luật một cách cụ thể, rõ ràng, đồng thời phải có giải pháp đồng bộ, chặt chẽ. Theo đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng về các loại hình đầu tư mới của quốc tế từ đó có thể xây dựng một cơ quan riêng biệt để quản lý riêng về thị trường tiền ảo, đầu tư ngoại hối, chứng khoán phái sinh… hoặc có thể giao chức năng nhiệm vụ cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước quản lý. Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể hóa về các hành vi bị cấm, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh hoặc tham gia các loại hình đầu tư này… Chỉ khi các hình thức đầu tư này được công nhận thì mới có các cơ chế đảm bảo hoạt động đầu tư có hiệu quả, kiểm soát được sự an toàn ổn định của thị trường tài chính, có cơ chế ngăn chặn những hành vi gian lận hay vi phạm pháp luật, từ đó tạo tiền đề xây dựng cơ chế bảo vệ thị trường, bảo vệ nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khi đã có khung pháp lý chặt chẽ sẽ mở rộng cơ hội đầu tư, làm giàu cho người dân, dễ dàng kiểm soát truy thu thuế - nghĩa vụ tài chính của cá nhân, tổ chức, đồng thời góp phần thúc đẩy vào sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà.
Thứ hai, hoàn thiện quy định pháp luật còn trống về quảng cáo trên không gian mạng để đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý trong thời đại công nghệ số. Việc nhanh chóng hoàn thiện và ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng Cáo là vấn đề hết sức cấp bách. Trong đó cần đặt ra các tiêu chí, yêu cầu chặt chẽ về nội dung quảng cáo để đảm bảo tính minh bạch, trung thực trong quảng cáo, hạn chế các quảng cáo gây hiểu lầm, lừa đảo. Tăng cường cơ chế giám sát và chế tài xử lý vi phạm như tạo ra các website, đường dây nóng, cổng thông tin… nhằm cập nhật nhanh chóng các phản ánh của người dân về các quảng cáo có dấu hiệu vi phạm. Tăng cường cơ chế giám sát và tăng nặng chế tài xử lý những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để hạn chế ảnh hưởng xấu tới người theo dõi hay gây hoang mang dư luận. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có sự kiểm soát, yêu cầu sự phối hợp với nhà phát hành các nền tảng mạng xã hội để kiểm soát thông tin chính thống, yêu cầu có giấy phép hoạt động tại Việt Nam, ngăn chặn những quảng cáo độc hại, quảng cáo lừa đảo từ nước ngoài…
Thứ ba, tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế với các quốc gia trên thế giới để cùng hợp tác, quản lý việc hoạt động đầu tư tài chính trên không gian mạng. Trong đó xây dựng và công nhận những nguyên tắc chung cho hoạt động đầu tư tài chính như xây dựng các tiêu chuẩn chung về kiểm soát rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư trong thị trường tiền ảo và các hình thức đầu tư phái sinh… Các quy định cần đảm bảo tính minh bạch, công bằng, bảo vệ nhà đầu tư và ngăn chặn các hoạt động gian lận. Bên cạnh đó, cần thiết lập các cơ chế hỗ trợ giải quyết các vấn đề về tội phạm xuyên biên giới, tội phạm kinh tế, phòng chống rửa tiền và hoạt động gian lận… để đạt được hiệu quả trong hợp tác đòi hỏi các quốc gia, các cơ quan đầu mối phải hoạt động trung thực, tin cậy, thường xuyên cập nhật và chia sẻ thông tin, đưa ra các báo cáo và giám sát các hoạt động đầu tư tài chính có nhiều biểu hiện đáng nghi, có sự phối hợp kịp thời trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, cần bảo vệ nhà đầu tư thông qua việc xây dựng các biện pháp bảo đảm chung về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của nhà đầu tư nhằm đảm bảo an toàn cho các giao dịch tài chính trên không gian mạng.
Thứ tư, nâng cao cảnh giác và xử lý đối với các tài khoản ngân hàng, dòng tiền bất thường. Các cơ quan chức năng nên có hệ thống theo dõi, phân tích các giao dịch bất thường dựa trên việc xây dựng các công cụ hỗ trợ, thuật toán phân tích và hệ thống theo dõi cảnh báo sớm, đặc biệt là đối với các tài khoản và dòng tiền có quy mô lớn hoặc các giao dịch xuyên biên giới, trong đó một số dấu hiệu xác định sự bất thường của dòng tiền như: sự thay đổi đột ngột về số lượng giao dịch hoặc số tiền giao dịch trong thời gian ngắn; hoạt động giao dịch với các tài khoản không rõ nguồn gốc; giao dịch liên tục với số lượng tiền lớn và không có lý do rõ ràng hoặc đột ngột rút tiền hoặc chuyển tiền đến các tài khoản không liên quan… Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm cần nhanh chóng đóng băng tạm thời tài khoản ngân hàng để xác minh xử lý và cũng để hạn chế nguồn tiền bị tẩu tán.
Thứ năm, nâng cao công tác tuyên truyền và ý thức phòng ngừa của nhà đầu tư
Các cơ quan quản lý cần tăng cường sử dụng các kênh truyền thông truyền thống cũng như các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, cảnh báo cho nhà đầu tư về những rủi ro liên quan đến những biến tướng của loại hình đầu tư tài chính phái sinh, đồng thời phổ biến các quy định pháp luật mới nhất về đầu tư tài chính. Tổ chức các buổi toạ đàm và hội thảo chuyên đề, thậm chí là các cuộc thi tìm hiểu kiến thức thông qua sự chia sẻ của chuyên gia đầu ngành được tổ chức bởi các cơ quan ban ngành hoặc đơn vị độc lập của Nhà nước như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các trường Đại học, các tổ chức độc lập khác để chia sẻ kiến thức về các loại hình đầu tư tài chính và các hình thức lừa đảo phổ biến.
Tóm lại, việc nhận diện và ngăn ngừa các thủ đoạn lừa đảo thông qua đầu tư ngoại hối và chứng khoán phái sinh là một yếu tố then chốt để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, hoàn thiện khung pháp lý còn kẽ hở và xây dựng thị trường tài chính minh bạch, bền vững.
Khổng Vũ Hà