Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia là đơn vị mới thuộc Bộ Công an
Tiếp thu ý kiến, quá trình tiếp thu, chỉnh lý, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát gom nội dung Chương IV dự thảo Luật Chính phủ trình, gồm các điều 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47 thành Mục 1 của Chương III quy định về xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, gồm 03 điều: Điều 30 quy định về cơ sở hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia; Điều 31 quy định về trách nhiệm của Trung tâm dữ liệu quốc gia, trong đó có 7 nhiệm vụ lớn, bao gồm: tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, phân tích, khai thác dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm tạo lập, quản trị Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Điều 32 quy định về bảo đảm nguồn lực xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia cơ sở hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Hiện tại, việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia đang triển khai thực hiện trên cơ sở Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Đảng uỷ Công an Trung ương đã báo cáo cấp có thẩm quyền và được đồng ý với chủ trương xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia trực thuộc Bộ Công an quản lý.
Chính phủ đã ban hành nghị định thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia là một đơn vị mới thuộc Bộ Công an và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy.
Chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ lợi ích quốc gia.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dữ liệu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn để bảo đảm tính khả thi cho việc chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới. Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc Hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam, được Nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Việc chuyển dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng bao gồm: Chuyển dữ liệu đang lưu trữ tại Việt Nam tới hệ thống lưu trữ dữ liệu đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam chuyển dữ liệu cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam sử dụng nền tảng xử lý ở ngoài lãnh thổ Việt Nam để xử lý dữ liệu.
Việc chuyển, xử lý dữ liệu phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Luật khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp dữ liệu thuộc quyền sở hữu cho cơ quan Nhà nước.
Việc chuyển, xử lý dữ liệu phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Luật đã quy định rõ ràng hơn về Sàn dữ liệu
Về sàn giao dịch dữ liệu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát và chỉnh lý Điều 53 dự thảo Luật chính phủ trình (nay là Điều 42 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý) theo hướng đổi tên Điều thành “Sàn dữ liệu”, quy định sàn dữ liệu là nền tảng cung cấp tài nguyên liên quan đến dữ liệu để phục vụ nghiên cứu, phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đáng chú ý, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn dữ liệu là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ và được cấp phép thành lập.
Xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia là kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... Cơ sở dữ liệu này sẽ được tích hợp thông tin từ kết quả thực hiện thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; dữ liệu được chia sẻ, đồng bộ từ các cơ sở dữ liệu khác; dữ liệu được số hóa, cung cấp bởi cá nhân, tổ chức và nguồn khác theo quy định. Mô hình này phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, đưa ra các chỉ tiêu, chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Hoạt động này giúp cắt giảm được rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin trong các cơ sở dữ liệu khác thông qua việc đồng bộ, cập nhật, bổ sung dữ liệu với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung quy định giao “Thủ tướng Chính phủ quyết định lộ trình xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và lộ trình thực hiện việc thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia” tại khoản 4 Điều 34 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm tránh lãng phí.
Việc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số.
Qui định cụ thể về điều kiện những dữ liệu được, không được phép công khai
Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu, Bộ công an đã thiết kế chi tiết những nhóm dữ liệu không được phép công khai. Có 8 nhóm không được phép công khai, bao gồm: Dữ liệu cá nhân không được chủ thể đồng ý; là bí mật nhà nước; ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản người khác; bí mật công tác, thông tin về cuộc họp nội bộ cơ quan nhà nước, dữ liệu khi công khai sẽ ảnh hưởng đến lợi ích trong và ngoài nước; tài liệu nhà nước soạn thảo công việc nội bộ nhưng không được công khai.
Các nhóm dữ liệu liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình sẽ được tiếp cận, công khai trong trường hợp chủ thể đồng ý. Ngoài ra sẽ không cần đến sự đồng ý trong trường hợp dữ liệu trên vì lợi ích công cộng sức khỏe của cộng đồng.
Bộ Ngoại giao đề nghị cơ quan soạn thảo định nghĩa rõ hơn về khái niệm "nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, quan hệ quốc tế", tại điều khoản về dữ liệu không được phép công khai.
Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều này theo hướng quy định có tính nguyên tắc về công khai dữ liệu, hình thức công khai dữ liệu, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc công bố dữ liệu được công khai, thời điểm công khai đối với từng loại dữ liệu phù hợp với quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về từng nội dung cụ thể.
Dữ liệu không được phép giao dịch bao gồm gây nguy hại đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu; không được chủ thể dữ liệu đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Dữ liệu khác bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Ngoài ra, UBTVQH thấy rằng, đây là nội dung mới, phức tạp, cần tiếp tục đánh giá trong quá trình thi hành Luật. Để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm linh hoạt trong quá trình quản lý, UBTVQH đề nghị chỉ quy định những nội dung cơ bản mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết. Qua đó, từng bước thiết lập thị trường dữ liệu, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu để thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế, chuyển đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân và các quan hệ xã hội trên môi trường số.
Vũ Vũ
Link nội dung: https://phaply.net.vn/luat-du-lieu-hanh-lang-phap-ly-chat-che-cho-thi-truong-du-lieu-thuc-day-chuyen-doi-so-a258977.html