Các vấn đề doanh nghiệp cần cân nhắc khi lựa chọn tố tụng trọng tài

Trong bối cảnh kinh doanh hiện đại, các doanh nghiệp thường xuyên phải đối mặt với những tranh chấp phát sinh và cần phải lựa chọn thủ tục tố tụng phù hợp để giải quyết các tranh chấp này. Xu thế hiện nay là ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương thức tố tụng trọng tài như một giải pháp thay thế cho việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Tố tụng trọng tài, với tính chất nhanh chóng, bảo mật và hiệu quả, trở thành sự lựa chọn ưu tiên của nhiều doanh nghiệp.

1-1731046897.png

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, không phải vụ việc nào doanh nghiệp cũng nên chọn tố tụng trọng tài để giải quyết và trong một số trường hợp, trọng tài không phải là lựa chọn tốt nhất. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đi sâu vào phân tích các vấn đề mà doanh nghiệp cần cân nhắc khi lựa chọn tố tụng trọng tài[1] để giải quyết tranh chấp thương mại của doanh nghiệp mình.

1. Điều kiện tiên quyết để giải quyết tranh chấp tại trọng tài

Trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, trong đó các bên đồng ý để một hoặc nhiều trọng tài viên giải quyết và ban hành phán quyết mang tính ràng buộc. Đây là một phương thức giải quyết tranh chấp được đánh giá cao về tính bảo mật, linh hoạt và tiết kiệm thời gian, đặc biệt phù hợp với môi trường kinh doanh năng động. Tuy nhiên, để tranh chấp được giải quyết bởi trọng tài, điều kiện tiên quyết là phải có thỏa thuận trọng tài hợp lệ.

Theo Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, thỏa thuận trọng tài phải được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp, bằng văn bản dưới dạng điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc thỏa thuận riêng, trong đó phải xác định rõ phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nếu thỏa thuận không đáp ứng các điều kiện này, có thể dẫn đến việc thỏa thuận bị vô hiệu và tranh chấp không thể được giải quyết tại trọng tài. Đây là nền tảng pháp lý cơ bản và không thể thiếu trong việc lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp trọng tài.

Một thỏa thuận trọng tài hợp lệ không chỉ yêu cầu phải có sự đồng thuận rõ ràng giữa các bên mà còn cần đảm bảo các điều kiện về mặt chủ thể và nội dung. Chủ thể ký kết thỏa thuận trọng tài phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và thẩm quyền đại diện cho doanh nghiệp. Nếu thỏa thuận được ký bởi người không có thẩm quyền, nó có thể bị coi là vô hiệu, dẫn đến việc không thể tiến hành thủ tục tố tụng tại trọng tài. Điều này đã được khẳng định qua nhiều quyết định của Tòa án tại Việt Nam, nơi mà tòa án đã tuyên vô hiệu thỏa thuận trọng tài do vi phạm điều kiện về chủ thể sẽ được đề cập cụ thể ở phần sau.

Để tranh chấp được giải quyết bởi trọng tài, điều kiện tiên quyết là phải có thỏa thuận trọng tài hợp lệ.  Theo Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, thỏa thuận trọng tài phải được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp, bằng văn bản dưới dạng điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc thỏa thuận riêng, trong đó phải xác định rõ phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nếu thỏa thuận không đáp ứng các điều kiện này, có thể dẫn đến việc thỏa thuận bị vô hiệu và tranh chấp không thể được giải quyết tại trọng tài. Đây là nền tảng pháp lý cơ bản và không thể thiếu trong việc lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp trọng tài.

2. Lựa chọn tổ chức trọng tài và trọng tài viên

Một trong những yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là việc lựa chọn tổ chức trọng tài và trọng tài viên nào để giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp mình. Với những nguyên tắc cơ bản của trọng tài, cơ chế giải quyết tranh chấp này không chỉ mang tính công bằng và hiệu quả mà còn đảm bảo quyền tự do và độc lập cho các bên tham gia. Trong quá trình này, việc lựa chọn trọng tài viên phù hợp và trung tâm trọng tài uy tín, trách nhiệm đóng vai trò quan trọng và đôi khi là quyết định trong việc giải quyết các tranh chấp của doanh nghiệp.

Theo các quy định hiện hành, các bên có quyền tự do lựa chọn trọng tài viên dựa trên các tiêu chí được cho là phù hợp với tình tiết vụ tranh chấp như kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, quốc tịch, tính độc lập, khách quan…Cần lưu ý rằng, hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ ràng buộc các tiêu chuẩn cơ bản để trở thành trọng tài viên và trao quyền cho các tổ chức trọng tài yêu cầu về điều kiện để trở thành trọng tài viên[2] nhưng không thiết lập các tiêu chí để lựa chọn trọng tài viên phù hợp hay trọng tài viên không phải trọng tài thuộc trung tâm đang giải quyết tranh chấp. Do đó, tiêu chí do các bên đặt ra trong việc trọng tài viên sẽ giúp đảm bảo rằng quá trình giải quyết sẽ diễn ra công bằng, phù hợp với luật áp dụng và ngôn ngữ trọng tài. Mỗi tổ chức trọng tài có quy tắc tố tụng riêng biệt, yếu tố này càng làm cho việc lựa chọn tổ chức trọng tài phù hợp trở nên quan trọng. Nếu lựa chọn đúng, các bên có thể đạt được một giải pháp giải quyết tranh chấp hiệu quả và nhanh chóng. Chẳng hạn, trong một vụ việc cụ thể, việc lựa chọn trọng tài viên có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực tranh chấp, cùng với một tổ chức trọng tài uy tín, có thể góp phần đảm bảo rằng phán quyết sẽ khách quan và công bằng. Ngược lại, nếu lựa chọn sai, các bên có thể phải đối mặt với những rủi ro pháp lý và tài chính không mong muốn. Trên cơ sở đó, trọng tài viên giữ vị trí tương đối quan trọng như việc lựa chọn tổ chức trọng tài. Tham khảo hướng dẫn của ICC về các yếu tố cần quan tâm khi chỉ định trọng tài viên trong vụ tranh chấp, các bên hoàn toàn có thể cân nhắc đến các yếu tố như tình tiết và hoàn cảnh của vụ tranh chấp, kinh nghiệm của trọng tài viên, địa điểm tố tụng trọng tài, luật áp dụng, khối lượng tranh chấp, ngôn ngữ trọng tài.

Bên cạnh đó, các yếu tố đa dạng khác như quốc tịch, dân tộc, văn hóa, giới tính của trọng tài viên cũng có thể được cân nhắc trong quá trình lựa chọn trọng tài viên[3].

3. Các yếu tố khác

Thông thường khi tranh chấp đáp ứng điều kiện để được giải quyết bằng phương thức trọng tài, các bên có thể lựa chọn tổ chức trọng tài trước tiên và chỉ định trọng tài viên thuộc/không thuộc tổ chức trọng tài đó hoặc ngược lại, trên cơ sở chỉ định trọng tài viên mà thoả thuận chọn ra tổ chức trọng tài tương ứng. Tuy nhiên, mỗi tổ chức trọng tài khác nhau sẽ có quy tắc tố tụng trọng tài riêng biệt mà các bên cần tôn trọng và tuân thủ khi giải quyết tranh chấp tại tổ chức trọng tài đó, quy tắc này không chỉ được xây dựng trên cơ sở Luật Trọng tài thương mại 2010 hoặc đạo luật áp dụng cho trọng tài của quốc gia mà còn tuỳ thuộc vào đặc trưng riêng của tổ chức trọng tài đó hoặc thông lệ giải quyết tranh chấp ở quốc gia sở tại. Do đó, quy tắc tố tụng trọng tài cũng có thể trở thành là khía cạnh nên được xem xét khi lựa chọn tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp. Việc lựa chọn tổ chức trọng tài và trọng tài viên sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp của các bên, nếu sự lựa chọn này là phù hợp có thể giúp các bên đạt được giải pháp hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp.

Một khía cạnh khác cần xét đến là việc lựa chọn luật áp dụng và địa điểm trọng tài. Nếu không có thỏa thuận rõ ràng về luật áp dụng, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng các nguyên tắc xung đột pháp luật, dẫn đến những bất lợi cho doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các yếu tố trên trước khi đưa ra quyết định.

4. Thực trạng hủy phán quyết trọng tài tại Việt Nam

Dù tố tụng trọng tài được coi là một phương thức hiệu quả trong giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam, thực tế cho thấy tỷ lệ phán quyết trọng tài bị hủy bởi Tòa án không hề nhỏ. Điều này xuất phát từ quyền của Tòa án theo Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại 2010 và Điều 14 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP TANDTC. Theo đó, các căn cứ để hủy phán quyết trọng tài, bao gồm: (i) không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu, (ii) thành phần hội đồng trọng tài hoặc thủ tục tố tụng không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định Luật Trọng tài thương mại …và phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Đây là những căn cứ quan trọng mà doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý khi lựa chọn giải quyết tranh chấp tại trọng tài.

Với tỷ lệ không nhỏ phán quyết trọng tài bị hủy bởi Tòa án tại Việt Nam đã gây ra sự lo ngại cho doanh nghiệp khi lựa chọn phương thức giải quyết này, bởi một khi phán quyết trọng tài bị hủy, doanh nghiệp không chỉ mất thời gian và chi phí trong quá trình tố tụng trọng tài, mà còn có nguy cơ phải đối mặt với một quá trình tố tụng mới tại Tòa án, kết quả giải quyết tranh chấp có thể thay đổi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Các vụ việc tiêu biểu về hủy phán quyết trọng tài tại Việt Nam thường liên quan đến việc Tòa án xác định thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thủ tục tố tụng không tuân thủ đúng quy định hoặc căn cứ chưa thực sự rõ ràng như phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Một số vụ việc đã bị hủy phán quyết do trọng tài viên không tuân thủ quy định về sự công bằng, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong quá trình giải quyết tranh chấp, điển hình như nội dung nhận định của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại Quyết định số 868/2023/QĐ-PQTT ngày 05/6/2023 với lý do trọng tài viên đã không tuân thủ nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử, dẫn đến việc phán quyết không khách quan và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bên bị đơn. Trong quyết định này, hội đồng trọng tài xác định rằng cả nguyên đơn và bị đơn đều có lỗi, nhưng lại không đủ căn cứ để đánh giá mức độ lỗi của từng bên. Tuy nhiên, hội đồng trọng tài vẫn buộc bên bị đơn phải chịu toàn bộ rủi ro và chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Điều này được xem là không khách quan và không phù hợp với mức độ lỗi của cả hai bên, dẫn đến việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn. Tòa án nhận định rằng phán quyết của trọng tài đã không tuân thủ nguyên tắc “bình đẳng, không phân biệt đối xử”, là nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam được quy định tại Điều 16 Hiến pháp năm 2013 và khoản 1 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015, do đó, phán quyết này bị hủy theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 68 của Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Đây không chỉ là vấn đề trọng tài viên hay Hội đồng trọng tài cần lưu ý mà còn là minh chứng rõ ràng về rủi ro doanh nghiệp có thể gặp phải khi căn cứ hủy phán quyết trọng tài theo nguyên tắc trên chưa thực sự rõ ràng. Hậu quả sau khi phán quyết trọng tài bị hủy là một quá trịnh tố tụng mới lại bắt đầu mà nếu các bên không thể thỏa thuận tiếp tục giải quyết tại trọng tài thì lúc này tranh chấp nếu muốn được giải quyết buộc phải giải quyết tại tòa án có thẩm quyền. Khi đó, một vòng tố tụng mới của vụ việc lại bắt đầu như chưa từng được giải quyết.

Có thể thấy việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp có thể tác động nhiều mặt về quyền và lợi ích của các bên trong tranh chấp. Việc lựa chọn trọng  tài có thể được cân nhắc như một chiến lược của doanh nghiệp trong những tình huống cần giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, bảo mật thông tin và tiết kiệm chi phí được ưu tiên. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố pháp lý, thời gian và tài chính để đảm bảo rằng trọng tài sẽ thực sự là công cụ hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi kinh doanh. Từ kinh nghiệm của chúng tôi, để tối ưu hóa lợi ích khi lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, doanh nghiệp nên sớm có chuẩn bị từ bước soạn thảo thỏa thuận, bảo đảm tính rõ ràng, tuân thủ pháp luật và cân nhắc trọng tài viên có chuyên môn cao, uy tín và công bằng cũng như tổ chức trọng tài uy tín nhằm đảm bảo phán quyết có ít khả năng bị tòa án có thẩm quyền tuyên hủy.

-----------------------------------------------

Tài liệu tham khảo


[1] Tố tụng trọng tài được đề cập trong bài viết này là các thủ tục tố tụng trọng tài thương mại theo Luật Trọng tài thương mại 2010.

[2] Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010.

Cao Nguyễn Bảo Liên

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cac-van-de-doanh-nghiep-can-can-nhac-khi-lua-chon-to-tung-trong-tai-a258872.html