Nhận diện các thủ đoạn rửa tiền thông qua tiền mã hóa trên thế giới hiện nay và kinh nghiệm đối với Việt Nam trong công tác phòng, chống

(Pháp lý). Bài viết nghiên cứu về thực trạng lợi dụng các đồng tiền mã hóa để phục vụ các hoạt động phạm tội nói chung và tội phạm rửa tiền nói riêng tại Việt Nam và trên thế giới. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất các giải pháp mà các lực lượng chức năng nghiên cứu áp dụng để chủ động phòng, chống tội phạm rửa tiền thông qua các giao dịch tiền mã hóa.

image001-1729504752.png
 

1. Tiền mã hóa - công cụ mới được “ưa chuộng” của tội phạm và rửa tiền 

Trong những năm gần đây, các đồng tiền mã hóa (CryptoCurrency) đã và đang phát triển mạnh mẽ, với hàng loạt các đồng tiền mới được ra đời, dựa trên các công nghệ tiên tiến, và độ phổ biến không ngừng được mở rộng với số lượng người sử dụng và tổng giá trị giao dịch ngày một tăng. 

Về mặt kỹ thuật có thể hiểu tiền mã hóa là những đồng tiền điện tử được tạo ra bằng các thuật toán mã hóa sử dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) để xác thực giao dịch. Đây là các đồng tiền phi tập trung, được giao dịch thông qua công nghệ xác thực ngang hàng (peer-to-peer) và không chịu sự quản lý, can thiệp của bất cứ cơ quan, tổ chức thứ ba nào (ví dụ như ngân hàng, cơ quan nhà nước...). Một số đồng tiền mã hóa điển hình, phổ biến hiện nay như Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), Litecoin (LTC)… 

Tuy nhiên, ngay từ khi đồng tiền mã hóa đầu tiên là Bitcoin ra đời vào năm 2008, các cơ quan thực thi pháp luật tại các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã đưa ra các cảnh báo về khả năng các đồng tiền này bị lợi dụng để thực hiện các loại tội phạm về tài chính, trong đó đặc biệt là hành vi rửa tiền. Nguyên nhân chủ yếu là bởi các đồng tiền này nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ cũng như yếu tố ẩn danh vượt trội mà chúng đem lại cho người sử dụng. 

Cụ thể, các giao dịch bằng tiền mã hóa không cần sự xác thực và phê duyệt của một bên thứ ba như ngân hàng, cơ quan có thẩm quyền nhà nước hay các tổ chức phi chính phủ. Khi sở hữu và thực hiện các giao dịch, người dùng không phải cung cấp các thông tin xác thực cá nhân, không cần cung cấp vị trí người dùng, và có thể sử dụng nhiều tài khoản tiền mã hóa khác nhau để thực hiện các giao dịch cùng một lúc. Từ đó, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện và truy vết các hoạt động phạm tội cũng như xác định đối tượng phạm tội [1]. 

Bên cạnh đó, các công nghệ được sử dụng để phát triển các đồng tiền mã hóa luôn thay đổi nhanh hơn so với tốc độ xây dựng các quy định pháp luật. Điều này có nghĩa, việc soạn thảo, ban hành các quy pháp pháp luật điều chỉnh các đồng tiền mã hóa không chỉ đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, mà còn phải đối mặt với nguy cơ trở nên lỗi thời ngay sau khi có hiệu lực [2].   

Theo báo cáo của công ty phân tích blockchain Chainalysis, tổng số tiền được rửa qua các đồng tiền điện tử trong hai năm 2022 và 2023 lần lượt là 31,5 tỷ và 22,2 tỷ USD, và kể từ năm 2019 đến nay, gần 100 tỷ USD bất hợp pháp đã được “rửa” thông qua tiền điện tử trên toàn cầu [3]. 

Trong số các đồng tiền mã hóa phổ biến, Bitcoin là đồng tiền bị các đối tượng lợi dụng nhiều nhất. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn một phần tư (26%) người sử dụng và gần một nửa (46%) các giao dịch tiền mã hóa Bitcoin có liên quan đến các hoạt động vi phạm pháp luật. Điển hình như, tại thời điểm tháng 4/2017, có khoảng 27 triệu người dùng sử dụng Bitcoin để phục vụ các hành vi vi phạm pháp luật, và trong một năm, ước tính các tài khoản đó đã thực hiện các giao dịch với tổng giá trị lên đến 76 triệu đô-la. Con số này tương đương với quy mô của thị trường ma túy của nước Mỹ và Châu Âu cộng lại [4].

Tại Việt Nam, theo ước tính của Hiệp hội Blockchain thì nước ta đứng thứ 15 thế giới về khối lượng giao dịch thực tế và là một trong những nước đứng đầu thế giới về mức độ chấp nhận tiền mã hóa. Theo số liệu từ Chainalysis, trong giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 7/2023, tổng giá trị tiền mã hoá mà Việt Nam nhận về đạt mức 120 tỷ USD, và gấp 5 lần dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (FDI)[5]. Tuy nhiên, trong số đó, có một lượng tiền nhất định liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp. Ví dụ, 956 triệu USD trong tổng số 90,8 tỷ USD tiền điện tử Việt Nam nhận về trong giai đoạn 2021-2022 có liên quan đến hoạt động rửa tiền [6]. Do vậy, phòng chống rửa tiền lợi dụng tiền mã hóa đã và đang trở thành mối bận tâm lớn, là một vấn đề được ưu tiên của tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam.

image002-1729504752.jpg
Ảnh minh họa

 

2. Nhận diện thủ đoạn rửa tiền thông qua tiền mã hóa

 

Với những đặc tính riêng có của các đồng tiền mã hóa (bao gồm các đặc tính về công nghệ, tính ẩn danh, tính phi tập trung), sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ mà đặc biệt là các công nghệ liên quan đến thuật toán mã hóa, cùng với sự nở rộ của các “dịch vụ tội phạm mạng” (cybercrime-as-a-service) trên các trang mạng ẩn Darkweb và Deepweb, các đối tượng phạm tội đã và đang triệt để sử dụng đa dạng nhiều phương pháp khác nhau để “rửa” những số tiền bất hợp pháp được thu lợi từ các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật khác. Những phương thức, thủ đoạn phổ biến bao gồm:

a. Thông qua các sàn giao dịch tiền mã hóa tập trung (Centralised exchanges). 

Các sàn giao dịch tập trung (điển hình như: Coinbase, Binance, Bithumb, FTX...) là kênh chủ yếu bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để rửa tiền. Theo số liệu thống kê, có tới hơn 60% lượng tiền mã hóa liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp được rửa thông qua các sàn này giai đoạn 2019-2023 [7], và đây là nơi các đối tượng rút từ tiền điện tử thành tiền pháp định. 

Trên thực tế, phần lớn các sàn giao dịch lớn trên thế giới (ví dụ như: Coinbase, Kraken, itBit, Gemini, Bitstamp, OKEx, bitFlyer, OKCoin...) đều khẳng định tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc phòng, chống rửa tiền, trong đó có các cơ chế về việc định danh khách hàng (KYC - Know Your Customer) và cơ chế phát hiện các giao dịch nghi vấn và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi cần thiết. Một số sàn giao dịch (ví dụ như: Binance, BitMax, KuCoin, BiFinex và StormGain) cho phép các giao dịch giữa tiền mã hóa với tiền mã hóa được duy trì ẩn danh, nhưng nếu chuyển tiền mã hóa thành tiền pháp định, tức tiến hành hoạt động rút tiền, thì các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền, trong đó có việc xác thực danh tính người dùng, sẽ được thực hiện. 

Tuy nhiên, vẫn có một số sàn giao dịch cho phép chủ tài khoản ví điện tử ẩn danh ở một mức độ nhất định hoặc thậm chí hoàn toàn khi rút tiền. Ví dụ: sàn Poloniex cho phép chủ tài khoản ví điện tử thực hiện lệnh rút tiền tối đa 10.000 USD trong một ngày mà không cần thực hiện bước xác định danh tính. Thậm chí, sàn KYCNOT.ME hoàn toàn không thực hiện các yêu cầu của pháp luật về phòng, chống rửa tiền khi không thực hiện bất cứ hoạt động nào xác thực danh tính chủ tài khoản ví điện tử khi các tài khoản này thực hiện lệnh rút tiền pháp định. [8]. Thực tế này phản ánh một thực trạng rằng, mặc dù các sàn vẫn tuân thủ hoặc tuân thủ một phần các quy định hiện hành, nhưng hệ thống pháp luật quốc tế và của từng quốc gia vẫn còn thiếu và tồn tại nhiều lỗ hổng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động rửa tiền lợi dụng các sàn giao dịch tập trung vẫn có thể diễn ra trên quy mô lớn. 

Một điểm đáng chú ý là việc rửa tiền trên các sàn này có độ tập trung rất cao, được thực hiện bởi một số ít tài khoản nhất định. Điển hình như: trong năm 2023, các cơ quan, tổ chức xác định được có 109 tài khoản trên các sàn nhận về hơn 10 triệu USD tiền mã hóa trên một tài khoản, và các tài khoản này nhận về tổng cộng 3,4 tỷ USD tiền mã hóa liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp; có 1425 tài khoản nhận về trên 1 triệu USD tiền mã hóa trên một tài khoản, và tổng cộng nhận về 6,7 tỷ USD tiền mã hóa liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp, chiếm tới 46% tổng số tiền mã hóa được rửa trong năm đó. Tuy nhiên, độ tập trung của hoạt động rửa tiền thông qua các tài khoản đang có xu hướng giảm dần khi mà số lượng các tài khoản được lợi dụng đang ngày một tăng, nhằm tránh việc bị các cơ quan chức năng truy vết và thu giữ các khoản tiền bất hợp pháp từ các tài khoản này. 

b. Thông qua hệ thống tài chính phi tập trung (Decentralised Finance - DeFi)

Xu hướng đầu tư tài chính phi tập trung (Defi)  để rửa tiền được bắt đầu từ năm 2020 và phát triển mạnh mẽ trong bốn năm trở lại đây. Tổng số tiền mã hóa được rửa qua các giao thức DeFi tăng mạnh trong giai đoạn năm năm trở lại đây, từ dưới 1% tổng số lượng tiền được rửa trong năm 2019 lên khoảng hơn 16% trong năm 2022 và giảm về khoảng 12% trong năm 2023[3]. Tuy nhiên, những con số này mới chỉ bao gồm số tiền được tạo ra từ tội phạm liên quan trực tiếp đến tiền mã hóa, như tấn công mã độc tống tiền (ransomware), bán sản phẩm trên các trang mạng ẩn (darknet), lừa đảo trực tuyến, truyền bá các tài liệu liên quan đến lạm dụng trẻ em... Con số thực tế, nếu tính cả tiền từ các hoạt động phi pháp ngoài đời như buôn ma túy đã được chuyển thành tiền điện tử, có thể cao hơn nhiều [7].

Một điểm cần lưu ý đó là, mặc dù tỷ lệ tiền được rửa qua các hệ thống tài chính phi tập trung tăng mạnh trong giai đoạn 2019-2023, sự tăng trưởng đó một phần xuất phát từ nguyên nhân khách quan là sự phát triển mạnh mẽ của các hệ thống này trong những năm gần đây. Thực tế, các hệ thống tài chính phi tập trung có tính minh bạch cao, việc rửa tiền qua các hệ thống này có thể dễ dàng bị truy vết dòng tiền, do đó, không phải là sự lựa chọn được ưa chuộng của các đối tượng phạm tội[3]. 

Nghiên cứu cho thấy các hoạt động rửa tiền thông qua tài chính phi tập trung chủ yếu được thực hiện bởi các đối tượng tấn công mạng (hacker), chiếm 57,0% lượng tiền được rửa thông qua hình thức này. Nguyên nhân là bởi, các hoạt động tài chính phi tập trung rất dễ bị tấn công bởi các hacker, và khi cuộc tấn công thành công, loại tiền mã hóa mà các đối tượng chiếm đoạt được thường là các đồng tiền chưa được niêm yết (được gọi là Token), và do đó, chỉ có thể giao dịch trên các sàn giao dịch phi tập trung (Decentrialised exchanges - viết tắt là DEXes) để chuyển thành các đồng tiền điện tử có giá trị (đặc biệt là đồng Etherium) trước khi có thể giao dịch và rửa tiền trên các sàn tập trung [7].

c. Thông qua Máy trộn tiền mã hóa (Mixers hoặc Tumblers) và Cầu nối chuỗi (cross-chain bridge)

Phần lớn các hoạt động rửa tiền thông qua tiền mã hóa diễn ra ở mức độ đơn giản, theo đó, các đối tượng chuyển các đồng tiền mã hóa đến các sàn giao dịch tập trung để rửa tiền. Tuy nhiên, một bộ phận nhất định các đối tượng sử dụng các thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn để rửa tiền, bao gồm việc rửa tiền thông qua các Dịch vụ trộn tiền mã hóa (Mixers) và Cầu nối chuỗi (Cross-chain bridges). 

“Trộn tiền mã hóa” là một trong số những dịch vụ điển hình và phổ biến hiện nay được các đối tượng phạm tội sử dụng để rửa tiền từ tiền mã hóa sang tiền pháp định, trong đó, tập trung chủ yếu vào việc giao dịch các đồng tiền mã hóa lớn như Bitcoin, Litecoin và Etherium. Các máy trộn tiền mã hóa (Mixers hoặc Tumblers) này được cung cấp trên cả các trang web công khai (ví dụ như: Smartmixer, Bitcoin Mixer, JoinMarket, Wasabi Wallet...) và các trang web ẩn thông qua trình duyệt Tor (ví dụ như: Alphabay, Sinbad, ChipMixer ). Về bản chất, các máy trộn tiền này là hợp pháp, dùng để phục vụ các mục đích đảm bảo quyền riêng tư về lịch sử giao dịch, và phần lớn lượng tiền được gửi đến các máy trộn tiền là từ các nguồn hợp pháp. Tuy nhiên, các công cụ hợp pháp này ngày càng được các đối tượng rửa tiền lợi dụng, và lượng tiền bất hợp pháp chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong tổng số tiền được gửi đến máy trộn. Trong giai đoạn 2019-2023, có hơn 3,06 tỷ USD đã được chuyển qua các dịch vụ trộn tiền mã hóa, trong đó, chỉ tính riêng trong năm 2022, con số này là 1,01 tỷ USD [7]. 

Về phương thức hoạt động, các máy trộn này nhận tiền từ các đối tượng muốn rửa tiền, trộn các đồng tiền mã hóa có nguồn gốc bất hợp pháp với các đồng tiền mã hóa có nguồn gốc hợp pháp, sau đó các khoản tiền nhỏ được gửi đi đến nhiều ví điện tử khác nhau vào các khoản thời gian khác nhau. Các khoản tiền này đi qua nhiều ví điện tử trung gian khác và dần dần quay trở lại một ví điện tử do các đối tượng rửa tiền quản lý. Các máy trộn tiền thường tính phí dịch vụ từ 1-3% tổng giá trị giao dịch [2]. Những đồng tiền sau khi đi qua máy trộn tiền đã thay đổi về mặt bản chất và rất khó xác định được nguồn gốc của chúng. Những đồng tiền đã được “rửa” có thể được chuyển thành tiền thật (tiền pháp định) thông qua các cổng trung gian như Paypal hoặc Western Union [8]. Theo một Giám đốc nghiên cứu tại công ty phân tích blockchain Chainalysis, mỗi ngày các máy trộn tiền mã hóa này có thể "trộn" khoảng 30 triệu USD . 

Điển hình trong thời gian gần đây, dịch vụ trộn tiền ảo ChipMixer đã bị Cơ quan Hợp tác thực thi pháp luật - Liên minh châu Âu (Europol) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đánh sập vào tháng 3/2023. Europol mô tả ChipMixer là một trong những máy trộn Tiền mã hóa lớn nhất hiện nay và bị cho là đã giúp tội phạm mạng rửa số tiền số trị giá hơn 3 tỷ USD [9]. Đáng chú ý, theo thông tin từ FBI, dịch vụ trộn tiền ảo này do Nguyễn Minh Quốc, 49 tuổi, quốc tịch Việt Nam, tạo dựng và trực tiếp điều hành . 

Mặc dù đã có một số website trộn Tiền mã hóa phục vụ các hoạt động rửa tiền đã bị lực lượng chức năng các quốc gia trên thế giới triệt phá, song ngay lập tức các dịch vụ trộn tiền khác xuất hiện, thay thế (ví dụ như: sàn Sinbad xuất hiện thay thế cho sàn Tornado Cash và hiện bị thay thế bởi sàn YoMix). Cùng với đó, hệ thống pháp luật quốc tế cũng như của các quốc gia vẫn chưa có những thay đổi kịp thời để kiểm soát, điều chỉnh và quản lý lĩnh vực này [8]. Đây là nguyên nhân khiến cho việc rửa tiền thông quan lợi dụng các dịch vụ trộn tiền mã hóa chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây [3]. 

Bên cạnh các máy trộn tiền, Cầu nối chuỗi (Cross-chain bridges) là các dịch vụ cho phép người dùng chuyển đổi từ loại tiền mã hóa này sang loại tiền mã hóa khác. Các đối tượng thường thực hiện việc chuyển đổi các loại tiền mã hóa nhiều lần, nhằm che giấu nhân thân và đường đi của dòng tiền. Năm 2023 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lượng tiền mã hóa được rửa qua các cầu nối chuỗi, lên tới 743,8 triệu USD, tăng gấp hơn hai lần so với năm 2022 ở mức 312,2 triệu USD, và chủ yếu được thực hiện do các đối tượng hacker tấn công lấy cắp tiền điện tử từ các tài khoản hợp pháp. 

d. Thông qua thị trường mua bán trao tay OTC (Over the counter market)

Thị trường mua bán trao tay (OTC) là nơi các giao dịch mua hoặc bán tiền mã hóa được thực hiện trực tiếp giữa người mua và người bán với số lượng lớn, không cần thông qua các sàn giao dịch và không ảnh hưởng đến giá trị trên thị trường của đồng tiền được giao dịch. Trong các giao dịch OTC, người mua và người bán có thể thực hiện các giao dịch rất lớn, tự thỏa thuận với nhau về giá, không có sổ lệnh trên các sàn ghi lại lịch sử giao dịch, cũng như không cần tuân thủ các bước giao dịch theo quy định về phòng, chống rửa tiền. Đây là thị trường được rất nhiều người quan tâm, trong đó có nhiều đối tượng tham gia với mục đích rửa tiền. 

Một số ước tính cho thấy lượng tiền mã hóa được giao dịch trên thị trường mua bán trao tay (OTC) lớn gấp hai đến ba lần so với lượng tiền được mua bán, chuyển đổi thông qua các sàn giao dịch [10]. Việc giao dịch giữa người mua và người bán trên các thị trường mua bán trao tay này có thể thực hiện thông qua hai cách: giao dịch thông qua một bên trung gian, mối giới (ví dụ như: nền tảng Kraken, Bitstocks, Genesis Trading...) hoặc giao dịch trực tiếp giữa người mua và người bán, trong đó, hình thức giao dịch qua một nền tảng trung gian là phổ biến nhất, do quy mô, tốc độ và khả năng thanh khoản cao của các dịch vụ trung gian này. Theo đó, hoạt động mua bán tiền mã hóa (tức chuyển đổi từ tiền mã hóa sang tiền pháp định) thường được thực hiện thông qua các cuộc gặp mặt trực tiếp giữa các bên dưới sự sắp xếp của bên trung gian, môi giới và nền tảng này thường tính phí từ 3-8% tổng giá trị giao dịch. Các đối tượng có ý định rửa tiền thông qua các đồng tiền mã hóa hoàn toàn có thể lợi dụng thị trường mua bán trao tay (OTC) để rửa một lượng tiền lớn và trong khoảng thời gian ngắn [8]. 

e. Thông qua tiền mã hóa ẩn danh (Privacy coins)

Tiền mã hóa ẩn danh (gọi tắt là tiền ẩn danh) là những đồng tiền mã hóa được tạo ra nhằm mục đích ẩn danh hoàn toàn cho người dùng và nguồn gốc của các giao dịch của họ. Những đồng tiền ẩn danh này sử dụng các sổ cái (ledger) ẩn, các thuật toán mã hóa phức tạp và trộn tiền, khiến cho việc truy vết các giao dịch trở nên khó khăn hơn nhiều so với các loại tiền mã hóa công khai khác như Bitcoin, từ đó cho phép người dùng che giấu nguồn gốc, lượng tiền và tài khoản nhận trong các giao dịch được thực hiện. Từ năm 2014 trở đi, hàng loạt các đồng tiền ẩn danh được ra đời, điển hình như: Monero (XMR), Dash (DASH), Zcash (ZEC), Verge (XVG), Beam (BEAM), Navcoin (NAV)... Các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan quản lý đã bày tỏ lo ngại về các đối tượng phạm tội tích cực lợi dụng các đồng tiền ẩn danh để rửa tiền, trốn thuế và thực hiện các hoạt động bất hợp pháp khác. Ví dụ như: theo một nghiên cứu được thực hiện năm 2018 cho thấy, có khoảng 25% các giao dịch liên quan đến đồng tiền Monero (XMR) là có liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật [11]. 

f. Thông qua các sàn đánh bạc trực tuyến

Các báo cáo năm 2024 của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc về (UNODC) và của công ty Chainalysis đều chỉ ra một xu hướng mới nổi lên trong hoạt động rửa tiền của các tội phạm, đặc biệt là các tội phạm có tổ chức, trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á là sử dụng tiền điện tử để đánh bạc trực tuyến [3, 12]. Theo đó, các đối tượng đang lợi dụng các đồng tiền Tether và USDT trên mạng TRON để rửa các khoản tiền thu được từ các hoạt động phạm tội như lừa đảo trực tuyến - một vấn đề nóng ở khu vực Đông Nam Á hiện nay, và phát tán mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền (Ransomware). Sau khi các khoản tiền điện tử được sử dụng để đánh bạc hoặc được chuyển từ tài khoản đánh bạc ở quốc gia này sang tài khoản đánh bạc ở quốc gia khác, chúng sẽ được rút ra thành tiền pháp định và rất khó xác định nguồn gốc liên quan đến tội phạm của các khoản tiền này. 

g. Sử dụng tiền mã hóa mua bất động sản, tác phẩm nghệ thuật và hàng hóa bán lẻ

Trong những năm gần đây, việc mua bán bất động sản, các tác phẩm nghệ thuật, và các loại hàng hóa có giá trị bằng các đồng tiền mã hóa, đặc biệt là đồng Bitcoin, đang trở nên phổ biến và dần trở thành trào lưu mới. Thực tế cho thấy, hoạt động mua bán bất động sản bằng tiền mã hóa đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ , Bồ Đào Nha, Mexico, Colobia ... bất chấp việc thiếu hành lang pháp lý đối với tiền mã hóa, cũng như những nguy cơ liên quan đến trốn thuế và rửa tiền. Điển hình như tại Dubai, một dự án căn hộ trị giá 325 triệu USD đã được mở bán năm 2017 và chấp nhận thanh toán trực tiếp bằng Bitcoin . Cùng với đó, hàng loạt website trên không gian mạng được ra đời, cho phép người dùng thực hiện các giao dịch mua bán các loại hàng hóa có giá trị cao thông qua việc sử dụng các đồng tiền mã hóa. Điển hình như: website Vaultoro.com cho phép mua bán vàng, bạc bằng Bitcoin, Dash và hàng loạt các đồng tiền mã hóa phổ biến khác với mức phí giao dịch thấp; website Bitcars.eu trở thành nền tảng để thực hiện các thương vụ mua bán siêu xe ô tô bằng Bitcoin... 

Việc mua bán kim cương , các tác phẩm nghệ thuật, NFTs... bằng tiền mã hóa thông qua các website hay qua các nhà đấu giá cũng dần trở nên phổ biến ở một số quốc gia trên thế giới. Như vậy, việc các đồng tiền mã hóa dần được chấp nhận phổ biến trong các giao dịch mua bán bất động sản và hàng hóa có giá trị cao, trong khi các quy định của pháp luật đối với hoạt động này còn thiếu và chưa bắt kịp thực tại, các đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật hoàn toàn có thể lợi dụng để phục vụ cho các mục đích rửa tiền. 

4. Phương hướng phòng, chống rửa tiền mã hóa trong thời gian tới. 

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu tiền mã hóa cao nhất thế giới, với 21,2% dân số  và dự kiến số lượng người dùng tiền mã hóa vào năm 2027 sẽ tăng thêm 12,37 triệu người . Với sự gia tăng nhanh chóng này, trong bối cảnh các khung quy định pháp lý đối với tiền tiền mã hóa còn thiếu và tồn tại nhiều hạn chế, hoạt động rửa tiền mã hóa tại Việt Nam được dự đoán sẽ có xu hướng tăng cao trong thời gian tới. Đặc biệt là gần đây Việt Nam đã bị Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính liên Chính phủ (FATF) đưa vào danh sách xám các nước cần tăng cường phòng chống rửa tiền, trong đó có tiền mã hóa. 

Để chủ động phòng, chống các hành vi rửa tiền lợi dụng tiền mã hóa trong thời gian tới, các lực lượng chức năng cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các hướng dẫn, quy trình về phòng, chống rửa tiền lợi dụng tiền mã hóa. 

Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống pháp luật trên thế giới điều chỉnh phòng, chống rửa tiền lợi dụng tiền điện tử mới đang trong giai đoạn bước đầu được xây dựng. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) đã tiên phong đi đầu khi ban hành đạo luật Thị trường Tài sản mã hóa (MiCA) và sẽ có hiệu lực từ năm 2024. Các quốc gia khác như Mỹ, Hàn Quốc, Hongkong (Trung Quốc), Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng đang triển khai xây dựng và ban hành nhiều quy định để tăng cường tính minh bạch, đảm bảo tuân thủ pháp lý và an toàn cho người dùng, đồng thời thực hiện nghĩa vụ chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố đối với các sàn giao dịch và các dịch vụ liên quan đến tiền mã hóa trên không gian mạng. Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính liên Chính phủ (FATF) cũng đã ban hành bảy văn bản, tài liệu hướng dẫn về “tài sản ảo” để các quốc gia, tổ chức trên thế giới có thể nghiên cứu, tham khảo và áp dụng vào thực tế nước mình  . 

Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ 1/3/2023 nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước vẫn còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến tiền mã hóa. Do đó, trong thời gian tới, các lực lượng chức năng trong nước cần tiếp tục nghiên cứu hệ thống pháp luật và các tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế, các quốc gia đi đầu trên thế giới để kịp thời xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật, hướng dẫn trong nước, đáp ứng kịp thời các yêu cầu thực tế đặt ra trong công tác phòng, chống rửa tiền lợi dụng tiền mã hóa. Cụ thể: Bổ sung quy phạm pháp luật trong Luật Thương mại, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng cấm hoặc hạn chế sử dụng tiền mã hóa trong các giao dịch hàng hóa, dịch vụ; Bổ sung quy phạm pháp luật trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hoặc các văn bản hướng dẫn khi trong các quy phạm pháp luật của hai luật này theo hướng cấm hoặc hạn chế đầu tư, góp vốn, kinh doanh… tiền mã hóa. Bổ sung quy phạm pháp luật trong Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Giao dịch điện tử, Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam... về tiến hành điều tra khi có dấu hiệu chuyển tiền lớn nghi có dấu hiệu liên quan đến chuyển tiền pháp định thành tiền mã hóa hoặc ngược lại.

Thứ hai, chủ động xây dựng chương trình phòng, chống tội phạm rửa tiền lợi dụng tiền mã hóa 

Hiện tại, Việt Nam đã ký cam kết cấp Chính phủ với Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính liên Chính phủ (FATF) về việc thực hiện Kế hoạch hành động gồm 17 hành động do FATF đưa ra cho Việt Nam trong khoảng thời gian nhất định (hoàn thành trước tháng 5/2025). Đây là khung chương trình hành động cơ bản, định hướng các biện pháp, chương trình mà các cơ quan thực thi pháp luật, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cần thực hiện trong thời gian tới để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, trong đó có rửa tiền lợi dụng tiền điện tử. 

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật, cần tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tiền mã hóa, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng... xây dựng các sáng kiến, giải pháp về công nghệ để giám sát chặt chẽ các giao dịch, chủ động phát hiện các giao dịch có dấu hiệu nghi vấn, thu thập thông tin và truy vết khi có dấu hiệu liên quan đến tội phạm và rửa tiền lợi dụng tiền điện tử. Một ví dụ điển hình là việc Hiệp hội Blockchain Việt Nam công bố dự án chống lừa đảo với tên gọi là ChainTracer vào đầu năm 2023, với nhiệm vụ cung cấp giải pháp theo dõi dữ liệu blockchain onchain và offchain, phát hiện những dấu hiệu gian lận trong tài sản kỹ thuật số. Mục đích chính của dự án là góp phần thúc đẩy tính minh bạch và công khai của các dự án tại Việt Nam và quốc tế, góp phần phòng, chống các tội phạm quan đến hoạt động blockchain, trong đó có rửa tiền.

Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt là lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để tiến hành rà soát trên mạng Internet, kịp thời phát hiện và nắm tình hình, kiểm soát hoạt động của các dịch vụ, hội nhóm trên không gian mạng liên quan đến hoạt động rửa tiền bằng tiền mã hóa thông qua các dịch vụ máy trộn tiền, tiền ẩn danh, thị trường tài chính phi tập trung... và kịp thời tiến hành đấu tranh với các hành vi đã cấu thành tội phạm. 

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế với các cơ quan, tổ chức quốc tế trong việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong phòng, chống tội phạm rửa tiền lợi dụng tiền mã hóa; tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho các cán bộ thực thi pháp luật trong nước trên các phương diện kinh tế, công nghệ và pháp luật để có thể áp dụng các quy trình, giải pháp phòng, chống tội phạm rửa tiền lợi dụng tiền mã hóa hiệu quả. 

Ths. Lộc Minh Đạt,
( Học viện Cảnh sát nhân dân ).


Tài liệu tham khảo:

1.    Dyntu, V. and O. Dykyi, Cryptocurrency in the system of money laundering. Baltic Journal of Economic Studies, 2019. 4(75).
2.    Teichmann, F.M.J. and M.-C. Falker, Cryptocurrencies and financial crime: solutions from Liechtenstein. Journal of Money Laundering Control, 2021. 21(4): p. 775-788.
3.    Chainalysis, The 2024 Crypto Crime Report. 2024.
4.    Foley, S., J.R. Karlsen, and T.J. Putniņš, Sex, Drugs, and Bitcoin: How Much Illegal Activity Is Financed through Cryptocurrencies? The Review of Financial Studies, 2019. 32(5): p. 1798-1853.
5.    Đức Thiện, Tiền mã hóa vào Việt Nam đến 120 tỉ USD?, in Tuổi trẻ online. 2024: https://tuoitre.vn/tien-ma-hoa-vao-viet-nam-den-120-ti-usd-20240605170408513.htm.
6.    Minh Phương, Củng cố hành lang pháp lý chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa, in Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 2023: https://dangcongsan.vn/kinh-te/cung-co-hanh-lang-phap-ly-chong-rua-tien-trong-giao-dich-tien-ma-hoa-647293.html.
7.    Chainalysis, The 2023 Crypto Crime Report. 2023.
8.    Dupuis, D. and K. Gleason, Money laundering with cryptocurrency: open doors and the regulatory dialectic. Journal of Financial Crime, 2020. 28(1): p. 60-74.
9.    Khương Nha, Một người Việt bị FBI truy nã vì rửa 3 tỷ USD tiền số, in VnEpress. 2023: https://vnexpress.net/mot-nguoi-viet-bi-fbi-truy-na-vi-rua-3-ty-usd-tien-so-4582009.html.
10.    Han, R. and X. Wang. Research on the relationship between Cryptocurrency and OTC market based on VAR model. in 2022 4th International Conference on Economic Management and Cultural Industry (ICEMCI 2022). 2022. Atlantis Press.
11.    Möser, M., et al. An empirical analysis of traceability in the monero blockchain. in Proceedings on Privacy Enhancing Technologies. 2018.
12.    UNODC, Casinos, Money Laundering, Underground Banking, and Transnational Organized Crime in East and Southeast Asia: A Hidden, Accelerating Threat. 2024. 

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhan-dien-cac-thu-doan-rua-tien-thong-qua-tien-ma-hoa-tren-the-gioi-hien-nay-va-kinh-nghiem-doi-voi-viet-nam-trong-cong-tac-phong-chong-a258800.html