Chúng ta cùng nghiên cứu, tìm hiểu hệ thống pháp luật đầu tư kinh doanh của một số nước thuộc Khối này.
Trở thành thành viên của BRICS sẽ cho phép gia tăng khối lượng thương mại với các nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới
15 năm và sự ảnh hưởng của BRICS với nền kinh tế thế giới
BRICS - khối hợp tác rộng lớn tập hợp bởi các sáng lập viên là các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu thế giới, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chiếm khoảng 41% dân số thế giới, 26% GDP và 18% thương mại toàn cầu…
Sau 15 năm ra đời, từ một tổ chức về đầu tư ban đầu do Nga khởi xướng năm 2009, cùng với 4 quốc gia sáng lập (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), đến nay Nhóm các nước thành viên mới nổi (BRICS) có tổng số thành viên lên 10 quốc gia với quy mô hợp tác và ảnh hưởng ngày càng lớn; trở thành một trong những tổ chức kinh tế - chính trị có tiềm lực và ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, hướng tới mục tiêu tái cân bằng quyền lực kinh tế và chính trị thế giới, ưu tiên hợp tác kinh tế, thương mại và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương toàn cầu. Sự mở rộng của khối này được so sánh với Mỹ và G7, mặc dù các nhà lãnh đạo BRICS cho biết họ không nhằm mục đích trở thành đối trọng với các nền kinh tế giàu có.
Các quốc gia thành viên BRICS đại diện cho các nền kinh tế đang phát triển với tiềm năng tăng trưởng to lớn hơn nữa. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Trong khi tăng trưởng kinh tế ở Châu Âu đang chậm lại, thì sự phát triển các nước thành viên khối BRICS mang đến những cơ hội hợp tác và phát triển mới; mở ra những thị trường và cơ hội đầu tư mới, giúp đa dạng hóa nền kinh tế và giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc vào một hoặc một số đối tác thương mại. Đặc biệt kể từ tháng 5/2024, sau khi có 05 quốc gia (gồm: Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và UAE) thông báo chính thức gia nhập BRICS, vai trò, vị thế trong cục diện địa kinh tế quốc tế của BRICS ngày càng được nâng cao. Sau khi mở rộng nâng tổng số lên thành 10 nước thành viên, BRICS vẫn duy trì hoạt động theo cơ chế đồng thuận, có Ban Thư ký điều phối thông tin giữa các nước thành viên và chương trình hoạt động của nhóm dựa trên chương trình nghị sự hằng năm của nước Chủ tịch luân phiên.
Với số lượng dân số chiếm gần 46% dân số thế giới, hơn 40% cung ứng dầu mỏ, 32% cung ứng khí ga và hơn 50% trữ lượng khí ga của thế giới, BRICS trở thành nhà cung cấp lĩnh vực năng lượng và nguyên liệu thô, đặc biệt là về dầu khí, ma giê và than chì lớn nhất. Theo số liệu đến đầu năm 2024, BRICS chiếm gần 37,3% GDP toàn cầu, 25% kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên trong năm 2024 cũng ở mức tích cực, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của thế giới. IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước BRICS trong năm 2024 lần lượt là: Ấn Độ đạt 6,8%, Ethiopia đạt 6,2%, Trung Quốc đạt 4,6%, UAE là 3,5%, Iran là 3,3%, Nga: 3,2%, Ai Cập: 3%, Brazil: 2,2% và Nam Phi đạt 0,9%.
Sau gần 15 năm phát triển, hợp tác trong khuôn khổ BRICS ngày càng được mở rộng, toàn diện hơn, tập trung trên ba trụ cột chính là: (i) Chính trị và an ninh; (ii) Kinh tế và tài chính; (iii) Văn hóa và giao lưu nhân dân. Các lĩnh vực hợp tác ngày càng được làm sâu sắc hơn, cả trong hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư tới y tế, giáo dục, du lịch, lao động, lương thực, phòng, chống tham nhũng, công nghệ số... Hiện nay, BRICS hướng đến ba mục tiêu chính: 1) Nâng cao vai trò của các nước BRICS tại các thể chế quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và quá trình cải cách trật tự quốc tế với vị thế lớn hơn dành cho BRICS và các nước đang phát triển; 2) Thúc đẩy hợp tác kinh tế, lưu thông hàng hóa, đầu tư và thanh toán thuận lợi, nâng cao tiếng nói của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển tại các cơ chế đa phương toàn cầu, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước phát triển; 3) Tăng cường đoàn kết, hợp tác chặt chẽ giữa các nước thành viên, vì hòa bình, phát triển của nhân loại.
Với ưu thế trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trở thành thành viên của BRICS sẽ cho phép gia tăng khối lượng thương mại với các nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư. Phát triển quan hệ thương mại với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sẽ mở ra những chân trời mới cho các nhà sản xuất và xuất khẩu các quốc gia thành viên. Tiếp cận công nghệ mới là một khía cạnh quan trọng khác. Hợp tác với các nước có trình độ công nghệ tiên tiến như Trung Quốc, Ấn Độ có thể giúp tiếp cận được các công nghệ và đổi mới tiên tiến, tác động tích cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế trọng điểm. Theo đó các quốc gia sẽ có nhiều hơn cơ hội để giảm phụ thuộc về kinh tế và chính trị vào các nước phương Tây, nhất là một số quốc gia đang theo đuổi mục tiêu giảm phụ thuộc về kinh tế và chính trị vào các nước phương Tây.
Hội nghị thượng đỉnh truyền thông BRICS tại Mátxcơva (Nga) ngày 14/9/2024.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024, ngoài 23 quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập khối, 24 quốc gia đã bày tỏ mong muốn tham gia BRICS một cách không chính thức. Nếu điều đó trở thành hiện thực, tổng số quốc gia muốn gia nhập BRICS đã tăng lên 47 - có thể đưa BRICS trở thành nhóm có số lượng quốc gia thành viên lớn nhất hành tinh (Liên minh Châu Âu (EU) hiện có 27 nước thành viên; Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có 32 thành viên; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có 10 thành viên...)
Nghiên cứu cho thấy, khối BRICS chưa có cơ chế pháp lý đầu tư chung, tuy nhiên hệ thống pháp luật đầu tư kinh doanh của mỗi nước lại có nhiều điểm đặc sắc. Chúng ta cùng nghiên cứu, tìm hiểu hệ thống chính sách pháp luật đầu tư kinh doanh của một số nước thuộc Khối này.
1. Những điểm đặc sắc của Luật Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc
Những năm gần đây, Trung Quốc luôn nằm trong danh sách 5 nền kinh tế hàng đầu trong thu hút FDI. Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, nhưng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vẫn tăng trưởng ổn định, lập kỷ lục mới khi lần đầu vượt mức 1.200 tỷ nhân dân tệ, tăng 6,3% so năm 2021, tiếp tục là một trong những quốc gia thu hút FDI nhiều nhất thế giới.
Sức hút của thị trường Trung Quốc đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài là bên cạnh các nhân tố như quy mô thị trường lớn với dân số 1,4 tỷ người, là thị trường tiêu dùng lớn thứ hai thế giới; hệ thống ngành nghề công nghiệp đầy đủ, nguồn nhân lực dồi dào; là hành lang pháp lý về môi trường kinh doanh thông thoáng.
Quốc gia đông dân thứ hai hành tinh rất quan tâm về thu hút đầu tư nước ngoài nên từ rất sớm đã tập trung xây dựng hệ thống pháp lý thu hút đầu tư FDI. Trong giai đoạn 1979 - 1986, Trung Quốc đã ban hành ba luật cơ bản liên quan đến FDI gồm: Luật Liên doanh cổ phần giữa nhà đầu tư nước ngoài với Trung Quốc; Luật Liên doanh hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và Trung Quốc; Luật Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Đến tháng 4/1986, Trung Quốc đã thống nhất ba luật trên thành luật đầu tư chung được gọi là Luật Các doanh nghiệp sử dụng vốn FDI. Sau nhiều lần sửa đổi và bổ sung, ngày 15/3/2019, Hội nghị Chính trị hiệp thương Nhân dân Trung Quốc khóa XIII đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài thay thế ba luật nêu trên, và có hiệu lực vào ngày 01/01/2020.
Luật ĐTNN năm 2020 ra đời trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung . Thông thường, tiến trình xây dựng luật của Trung Quốc diễn ra vài ba năm mới kết thúc, nhưng Luật ĐTNN chỉ mất 3 tháng. Với việc xây dựng và ban hành Luật ĐTNN với thời gian ngắn kỷ lục, những nhà lãnh đạo Trung Quốc truyền đi thông điệp: Luật ĐTNN góp phần tạo ra một sân chơi bình đẳng cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, qua đó đánh dấu một bước đi quan trọng hướng tới xoa dịu căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Từ đó đến nay, Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là hành lang pháp lý cao nhất trong chính sách đối ngoại mở cửa, bảo vệ lợi ích hợp pháp, thu hút, thúc đẩy và bảo vệ đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.
+ Nghiêm cấm hành vi cưỡng ép chuyển giao công nghệ
Luật ĐTNN năm 2020 của Trung Quốc gồm 6 chương đề cập tới những vấn đề như xúc tiến đầu tư, bảo hộ đầu tư, quản lý đầu tư nước ngoài của Chính phủ và trách nhiệm pháp lý; điều chỉnh hoạt động đầu tư của các cá nhân, công ty và tổ chức nước ngoài, bao gồm cả liên doanh giữa nước ngoài với công ty Trung Quốc. Trong đó nổi bật là quy định cấm các hành vi cưỡng ép công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc. Cụ thể tại Điều 22 quy định: “Chính phủ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nhà đầu tư và các công ty nước ngoài. Các tổ chức Trung Quốc không được sử dụng các biện pháp hành chính để bắt buộc chuyển giao công nghệ”. Đây là câu trả lời của Trung Quốc trước các áp lực và cáo buộc về việc hành xử không theo thông lệ quốc tế và hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ mà theo đánh giá của Mỹ, mỗi năm thiệt hại đến trăm tỷ USD.
Với việc thực hiện quy định trên, bộ luật được kỳ vọng sẽ giải quyết được những mối quan tâm lớn nhất của các công ty nước ngoài, bao gồm trộm cắp tài sản trí tuệ, yêu cầu các công ty nước ngoài hợp tác với một công ty địa phương và tình trạng trợ cấp thiên vị cho các công ty Trung Quốc. Nó cũng sẽ giải quyết tình trạng ưu ái các công ty Trung Quốc trong việc trao hợp đồng và tình trạng buộc các công ty nước ngoài phải trao các bí mật công nghệ như một vé vào cổng thị trường lớn của Trung Quốc.
+ Áp dụng không phân biệt chính sách khuyến khích đầu tư
Cũng theo Luật ĐTNN năm 2020 và các vản bản dưới luật, các biện pháp khuyến khích đầu tư được Trung Quốc áp dụng bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Nhà nước bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp có vốn FDI, của các nhà đầu tư FDI khi đầu tư vốn để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Trung Quốc. Các nhà đầu tư FDI được miễn thuế khi chuyển lợi nhuận, các khoản thu nhập hợp pháp từ hoạt động đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài. Trong quá trình đầu tư tại Trung Quốc, doanh nghiêp có vốn đầu tư FDI không bị quốc hữu hoá. Trong trường hợp đặc biệt để phục vụ lợi ích công cộng, doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI có thể bị quốc hữu hoá theo trình tự luật định nhưng được bồi thường thoả đáng.
Nếu nhà đầu tư nói chung đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn mà Nhà nước Trung Quốc khuyến khích còn được hưởng những ưu đãi sau: (i) Được ưu tiên sử dụng các dịch vụ điện, nước, giao thông và các phương tiện liên lạc cần thiết cho hoạt động liên lạc cho hoạt động sản xuất với mức phí áp dụng đối với các doanh nghiệp tại địa phương đó; (ii) Chỉ phải chịu mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 24% hoặc 15%, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI và nhà đầu tư nước ngoài tham gia liên doanh theo hợp đổng hoạt động tại Trung Quốc đều chịu chung mức thuế thu nhập là 33% thu nhập chịu thuế. Ngoài ra, các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI trong diện được khuyến khích còn được miễn thuế thu nhập trong 2 năm sau khi có lãi và giảm 50% trong 6 năm tiếp theo đối với những dự án đầu tư vào miền Tây và miền Trung của Trung Quốc.
Luật Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tạo sân chơi bình đẳng cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, là hành lang pháp lý cao nhất trong chính sách đối ngoại mở cửa, bảo vệ lợi ích hợp pháp, thu hút, thúc đẩy và bảo vệ đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.
Luật ĐTNN năm 2020 của Trung Quốc gồm 6 chương đề cập tới những vấn đề như xúc tiến đầu tư, bảo hộ đầu tư, quản lý đầu tư nước ngoài của Chính phủ và trách nhiệm pháp lý; điều chỉnh hoạt động đầu tư của các cá nhân, công ty và tổ chức nước ngoài, bao gồm cả liên doanh giữa nước ngoài với công ty Trung Quốc. Trong đó nổi bật là quy định cấm các hành vi cưỡng ép công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc.
+ Ưu tiên thu hút vốn FDI sạch, đảm bảo cho sự phát triển bền vững
Trung Quốc không có tiêu chuẩn môi trường riêng cho đầu tư nước ngoài, nhưng các nhà đầu tư FDI phải tuân theo luật và quy định về môi trường của Trung Quốc. Cùng với các luật có liên quan, Luật ĐTNN năm 2020 của Trung Quốc đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chặt chẽ về tiêu chuẩn môi trường, thủ tục pháp lý đối với hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm thu hút nguồn vốn FDI sạch, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Một số chính sách và thủ tục hành chính giúp quản lý và giám sát FDI liên quan đến bảo vệ môi trường như các quy định về Hướng dẫn đầu tư nước ngoài đã đặt ra các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư FDI được miễn thuế khi chuyển lợi nhuận, các khoản thu nhập hợp pháp từ hoạt động đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài
Các quy định khuyến khích đầu tư vào công nghệ thân thiện với môi trường, hạn chế đầu tư nước ngoài vào khai thác tài nguyên khoáng sản quý hiếm hay các dự án gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe con người, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, một số văn bản khác như: Thông tư về quản lý dự án xây dựng có vốn đầu tư nước ngoài ban hành năm 1992; quy định về việc thăm dò tài nguyên dầu khí ngoài khơi với sự hợp tác của các doanh nghiệp nước ngoài; thực hiện Quy chế liên doanh; xây dựng và vận hành dự án trong Phần III của Mẫu đơn đăng ký thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc.
+ Cho phép nhà đầu tư FDI chuyển lợi nhuận về nước
Từ năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành thí điểm các khu mậu dịch tự do, thực hiện quy tắc quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo môi trường đầu tư tương đối bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, bao gồm cả trong lĩnh vực mua sắm chính phủ. Về thủ tục, Trung Quốc hiện minh bạch hóa các giấy phép, thủ tục hành chính yêu cầu trong các lĩnh vực đầu tư khác nhau nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng quyền lực, tham ô, tham nhũng của một bộ phận cơ quan công quyền của nước này. Một cải cách lớn khác là cho phép các nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận ra khỏi Trung Quốc. Đây là nỗ lực lớn của Chính phủ nhằm cải thiện hình ảnh môi trường đầu tư, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Trung Quốc. Với quy định này, Ngân hàng Thế giới (WB), xếp hạng môi trường kinh doanh của Trung Quốc đã tăng 15 bậc, từ vị trí thứ 46 (năm 2018) lên 31 (năm 2019).
+ Tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới
Căng thẳng địa chính trị là một trong những nguyên nhân khiến cho thu hút FDI của Trung Quốc nửa đầu năm 2023 giảm sút. Trước hình đó, 8/2023, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành kế hoạch hành động mới, gồm 24 điểm (hay còn gọi là biện pháp) nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho luồng dữ liệu và đi lại kinh doanh. Theo Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), kế hoạch trên tập trung vào mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới và thúc đẩy hoạt động kinh doanh quốc tế.
Sau 6 tháng thực hiện kế hoạch, những kết quả ban đầu đã được công bố, nổi bật là các cuộc thảo luận bàn tròn hiệu quả với doanh nghiệp FDI; gia hạn miễn giảm thuế cho nhân viên nước ngoài, mua thiết bị nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nước; cải thiện thủ tục đi lại theo hướng thuận tiện cho các nhà quản lý doanh nghiệp nước ngoài. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Wentao đã cung cấp thông tin chính thức về tiến độ ban đầu thực hiện 24 biện pháp thu hút FDI. Theo đó, 60% biện pháp chính sách đã được thực hiện thành công hoặc đạt được tiến triển ổn định. Cụ thể, 10 trong số 59 chính sách được hoàn thiện, 28 chính sách đạt được tiến bộ theo từng giai đoạn và 21 chính sách đang tiếp tục hoàn thiện.
Cùng với đó, phía Bộ Tài chính và Cơ quan Quản lý thuế nhà nước của Trung Quốc đã gia hạn thời gian thực hiện 2 chính sách quan trọng, gồm chính sách miễn thuế đối với trợ cấp cá nhân người nước ngoài và chính sách hoàn thuế đối với việc mua sắm thiết bị nội địa của các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D) có vốn nước ngoài. Hiện chính sách này có hiệu lực đến cuối tháng 12/2027. Động thái của hai cơ quan trên có lợi cho người nước ngoài làm việc tại Trung Quốc, cũng như các công ty đang cố gắng giữ chân nhân tài nước ngoài, bởi nó áp dụng các khoản được miễn thuế như thuê nhà, chi phí giáo dục cho trẻ em và chi phí đào tạo ngôn ngữ, đảm bảo liên tục tiết kiệm thuế cho lao động nước ngoài.
Những nỗ lực trên đang đem lại tín hiệu tích cực về thu hút đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Bằng chứng là trong tháng 1/2024, có 4.588 doanh nghiệp FDI thành lập mới tại Trung Quốc, tăng 74,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc không có tiêu chuẩn môi trường riêng cho đầu tư nước ngoài, nhưng các nhà đầu tư FDI phải tuân theo luật và quy định về môi trường của Trung Quốc. Cùng với các luật có liên quan, Luật ĐTNN năm 2020 của Trung Quốc đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chặt chẽ về tiêu chuẩn môi trường, thủ tục pháp lý đối với hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm thu hút nguồn vốn FDI sạch, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Một số chính sách và thủ tục hành chính giúp quản lý và giám sát FDI liên quan đến bảo vệ môi trường như các quy định về Hướng dẫn đầu tư nước ngoài đã đặt ra các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư nước ngoài.
Có thể nói Trung Quốc sẽ là hình mẫu để cho những quốc gia trở thành thành viên của BRICS có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, để gia tăng khối lượng thương mại với các nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư.
(Đón đọc tiếp bài 2……)
VŨ LÊ MINH
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nghien-cuu-tim-hieu-he-thong-phap-luat-dau-tu-kinh-doanh-cua-mot-so-nuoc-thuoc-khoi-brics-bai-1-a258780.html