“Đổi ngôi” nhờ du lịch
20 năm trước, trong ký ức của Kim Oanh, cô gái trẻ chuyên điều hành tour và dẫn khách quốc tế tại Đà Nẵng, TP nơi cô sinh ra là biển Mỹ Khê đẹp nhưng nghèo dịch vụ. Ngay cả Bà Nà thời đó cũng chỉ là những biệt thự Pháp cổ hoang tàn, những móng nhà giữa um tùm cây cỏ. Mảnh đất nắm giữ nhiều tiềm năng nhưng lại chỉ đóng vai “điểm trung chuyển” đưa khách đến Hội An, Huế… Cuộc sống bởi thế cũng chật vật, nghèo nàn, khiến không ít người trẻ lựa chọn di cư đến các TP lớn hay nước ngoài để lập nghiệp.
Bà Nà từng là điểm đến nghèo nàn trải nghiệm
Nhưng, 20 năm sau, “chiếc áo mới” của Đà Nẵng đã hoàn toàn thuyết phục Kim Oanh trở lại quê hương sinh sống, kinh doanh. Trong ấn tượng của Kim Oanh, TP sông Hàn nay đã “thay đổi đến mức, mỗi năm bạn sẽ thấy Đà Nẵng mang một “chiếc áo” khác. Những tòa nhà khang trang và hiện đại xuất hiện, những nhà hàng, khách sạn và dịch vụ đủ loại để chọn lựa. Mọi thứ bạn cần đều có ở đây.”
Năm 2008, tổng lượng khách đến Đà Nẵng chỉ 1,26 triệu lượt, chưa bằng 1/3 lượng khách đến TP.HCM. Thế nhưng, đến 2019, Đà Nẵng đã đón gần 9 triệu lượt khách. Có được sự “đổi ngôi” ngoạn mục này là nhờ sự “đổ bộ” của loạt công trình, sản phẩm du lịch được đầu tư bài bản. Dấu mốc đánh dấu giai đoạn lột xác kỳ diệu của Đà Nẵng chính là năm 2009 - khi khu du lịch Sun World Ba Na Hills đi vào hoạt động.
Tiếp đến là sự ra đời của các công trình đẳng cấp tạo nên diện mạo mới cho hạ tầng du lịch như khu nghỉ dưỡng “sang trọng nhất thế giới” InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, khách sạn 5 sao bên sông Hàn Novotel Danang Premier Han River, khu nghỉ dưỡng Premier Village Danang Resort, Công viên Châu Á – nay là tổ hợp Da Nang Downtown… Cùng với đó là loạt sự kiện, lễ hội quy mô liên tục được tổ chức tại Bà Nà Hills, thương hiệu Lễ hội pháo hoa quốc tế, Liên hoan phim châu Á… giúp Đà Nẵng xóa bỏ hình bóng điểm trung chuyển ngày nào, đầy “kiêu hãnh” trở thành “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á”.
Giai đoạn 2009-2017, tốc độ tăng trưởng du khách bình quân của Đà Nẵng đạt trên 21,57%. 10 năm từ 2008 đến 2018, cơ sở lưu trú tại đây tăng 5,4 lần. Doanh thu du lịch năm 2008 toàn TP chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng thì đến năm 2023, con số này đã lên tới 28 ngàn tỷ đồng, gấp 14 lần. 6 tháng đầu năm 2024, du lịch Đà Nẵng thu về 16.000 tỷ đồng, tăng hơn 28,4% so với cùng kỳ.
“Đổi đời” cũng nhờ … du lịch
Du lịch đã khẳng định vị thế “át chủ bài” cho sức bật kinh tế TP, đồng thời là lĩnh vực chủ chốt giúp người dân Đà Nẵng “đổi đời”. Năm 2023, TP có khoảng 50.700 lao động đang làm việc trong lĩnh vực này. Sự ra đời của những khu du lịch, tổ hợp giải trí hay các khu nghỉ dưỡng đã góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cũng như chất lượng nhân lực. Nếu như năm 2008, trung bình thu nhập người/tháng ở địa phương chỉ khoảng 1,4 triệu đồng thì đến 2023, con số này đã tăng hơn 25,4% so với cả nước và dẫn đầu khu vực miền Trung.
Pháo hoa Đà Nẵng thu hút du khách
Gắn bó với Bà Nà Hills gần 10 năm, anh Nguyễn Anh Sang - Quản lý bộ phận Ẩm thực chia sẻ: “Tổng số nhân sự của Bà Nà đến nay đã tăng gần 10 lần so với khi tôi mới làm việc. Phần lớn đều đã gắn bó cả chục năm và là người bản địa. Chúng tôi rất biết ơn vì ở đây, chúng tôi không chỉ được làm việc mà còn được chăm lo đời sống, có thu nhập ở mức khá so với mặt bằng chung, và được đóng góp cho sự phát triển du lịch của Đà Nẵng”.
Trong khi tất bật tư vấn cho đoàn khách Hàn Quốc, chị Trần Hạnh - Giám đốc Công ty Minh Tuấn Travel vẫn không quên cười tươi khi được hỏi về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp: “Cứ 10 khách thì có 9 khách có câu cửa miệng là “Tôi muốn lên Cầu Vàng”. Người làm lữ hành chúng tôi chỉ mong những điểm đến như Bà Nà ngày càng chất lượng hơn. Bà Nà phát triển mình cũng phát triển theo.”
Các khu du lịch như Bà Nà Hills tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương
Theo đánh giá của huyện Hòa Vang, Bà Nà Hills đã tạo ra việc làm tại chỗ ổn định cho hàng trăm lao động, gián tiếp tạo hàng ngàn việc làm thông qua các hoạt động dịch vụ hỗ trợ như ăn uống, giải khát, vận chuyển, lữ hành… giúp một lượng lớn người địa phương có thu nhập ổn định hơn so với làm nông, lâm nghiệp. “Sự hiện diện của Bà Nà Hills đã giúp mảnh đất Hòa Vang được đông đảo khách trong và ngoài nước biết đến; người dân miền Trung được trải nghiệm những dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí đẳng cấp hàng đầu Việt Nam và thế giới.”, đại diện lãnh đạo huyện Hòa Vang đánh giá.
Tiếp tục “làm mới”, nâng tầm ngành kinh tế mũi nhọn
Mục tiêu đến năm 2030, du lịch Đà Nẵng đạt 13-14 triệu lượt khách, tỷ trọng đóng góp của du lịch trong GRDP đạt 32-34%, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 200-220 triệu đồng. Đây là con số không ít thử thách trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch ngày càng lớn.
Thực tế, ngay từ khi mở cửa trở lại sau dịch Covid-19, Đã Nẵng đã xác định mục tiêu “làm mới” sản phẩm, dịch vụ và tạo cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch. Từ đó, Bà Nà Hills liên tiếp đem đến luồng gió mới về sản phẩm du lịch với những công trình ấn tượng như cổng Thời Gian, lâu đài Mặt Trăng, quảng trường Nhật Thực, mới đây nhất là sự ra đời của xưởng bia thủ công cùng thương hiệu Sun KraftBeer, chuỗi show diễn đầu tư công phu như Fairy Blossom, loạt trải nghiệm đêm Bà Nà By Night…
Đà Nẵng cần phát triển sản phẩm mới để đón khách quanh năm, thay vì phụ thuộc du lịch biển
Với tổng mức đầu tư lên tới 39 nghìn tỷ đồng, Bà Nà Hills sẽ tiếp tục được nâng cấp về cả trải nghiệm lẫn diện mạo để xứng tầm khu du lịch đẳng cấp quốc tế. Song song, tại trung tâm TP, Công viên Châu Á cũng đã khoác lên mình diện mạo mới với tên gọi Da Nang Downtown - vũ trụ giải trí với loạt show diễn quy mô, đặc biệt là màn trình diễn pháo hoa mãn nhãn hàng đêm từ “Bản giao hưởng bên sông – Symphony of Rivers”… Tất cả góp phần tạo nên những sản phẩm chủ lực cho du lịch Đà Nẵng.
Có thể nói, đầu tư cho “sản phẩm” là hướng đi kinh điển nhưng luôn bất biến về hiệu quả đối với sự phát triển của ngành du lịch. Muốn có những sản phẩm du lịch tầm cỡ quốc tế, chạm tới ngôi vị “Singapore mới của châu Á”, Đà Nẵng cần tiếp tục huy động nguồn lực, thu hút và giữ chân các nhà đầu tư lớn. Như lý giải của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành:“Trước khi trở thành nơi đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư của mọi người khắp nơi trong và ngoài nước, Đà Nẵng hãy là nơi đáng đến, đáng đầu tư của các "đại bàng". Vì sự hiện diện của những tập đoàn lớn sẽ dẫn dắt thị trường theo xu hướng phát triển đẳng cấp, văn minh, hiện đại. Đây là yếu tố tiên quyết để tạo ra những bước phát triển đột phá, nhảy vọt cho Đà Nẵng.”
PV
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tuong-lai-da-nang-nhin-tu-mui-nhon-du-lich-a258527.html