Kinh nghiệm pháp lý trong hoạt động nhượng quyền thương mại: Góc nhìn từ bên nhượng quyền

(Pháp lý). Với nhiều ưu điểm nổi bật, nhượng quyền thương mại là loại hình hoạt động thương mại được ưa chuộng và ngày càng trở nên phổ biến. Thông qua thực tiễn hoạt động tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp tham gia vào các giao dịch nhượng quyền, tác giả đưa ra một số lưu ý về mặt pháp lý đối với bên nhượng quyền khi tham gia vào quan hệ nhượng quyền thương mại.

1-1720761604.png

Ảnh minh hoạ

Khi tham gia quan hệ nhượng quyền, nếu bên nhượng quyền có khả năng mở rộng kinh doanh, tăng độ nổi tiếng của thương hiệu thì bên nhận quyền có cơ hội kinh doanh mặt hàng đã có danh tiếng trên thị trường, từ đó dễ dàng hơn trong thu hút khách hàng và tìm kiếm lợi nhuận. Bên nhượng quyền với mong muốn mở rộng kinh doanh sẽ mong chờ ở bên nhận quyền sự đồng bộ, nhất quán trong hoạt động đối với thương hiệu của mình, song song đó là bảo vệ các đối tượng quyền thương mại được chuyển giao hoặc chuyển quyền sử dụng như nhãn hiệu hay bí mật kinh doanh.

1. Điều kiện về chủ thể, về hình thức hợp đồng nhượng quyền

1.1. Các chủ thể trong quan hệ nhượng quyền

Ở giai đoạn chuẩn bị xác lập quan hệ nhượng quyền, bên nhượng quyền cần kiểm tra các điều kiện của mình cũng như bên nhận quyền để bảo đảm việc nhượng quyền đáp ứng đầy đủ các điều kiện về chủ thể.

Đối với bên nhượng quyền, theo quy định của Nghị định 35/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP, hệ thống kinh doanh mà bên nhượng quyền dự định dùng để nhượng quyền đã phải hoạt động ít nhất 01 năm. Bên nhượng quyền cần lưu ý rằng, điều kiện này áp dụng đối với hệ thống kinh doanh, không phải đối với thương nhân. Đơn cử trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ đã được thành lập hơn 01 năm, nhưng thời điểm doanh nghiệp này được cấp Giấy chứng nhận kinh doanh và Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho cơ sở bán lẻ đầu tiên tính đến khi doanh nghiệp dự kiến nhượng quyền chưa đủ 01 năm, hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn chưa đủ điều kiện để nhượng quyền. Hoặc đối với các doanh nghiệp đã có sẵn hệ thống kinh doanh (từ 02 cửa hàng, địa điểm kinh doanh, chi nhánh trở lên) thì thời điểm bắt đầu tính thời gian hoạt động của hệ thống kinh doanh sẽ căn cứ vào thời điểm cấp giấy phép hoạt động kinh doanh của cửa hàng, địa điểm kinh doanh, chi nhánh đầu tiên.

Ngược lại, đối với bên nhận quyền, Nghị định 08/2018/NĐ-CP ra đời đã bãi bỏ điều kiện yêu cầu bên nhận quyền phải là thương nhân có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại, theo đó chủ thể này được tự do tham gia vào quan hệ nhượng quyền thương mại mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều kiện nào. Như vậy, dưới góc độ quy định của pháp luật, bên nhượng quyền không cần quan tâm điều kiện của bên nhận quyền. Tuy nhiên, tác giả nhận thấy trong bản án 03/2022/KDTM-PT ngày 21/02/2022[1] của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Đà Nẵng, Tòa án vẫn viện dẫn yêu cầu về điều kiện đối với cả bên nhận quyền, về việc bên nhận quyền phải đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại để tuyên hợp đồng vô hiệu, dù vào thời điểm xảy ra tranh chấp thì Nghị định 08/2018/NĐ-CP đã có hiệu lực. Như đã đề cập, trong bản án này, Tòa án đã viện dẫn một quy định pháp luật đã hết hiệu lực. Tác giả cho rằng, phán quyết này của Tòa án chỉ có giá trị tham khảo, mà không là cơ sở để các bên áp dụng vào thực tế khi thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại, nếu các bên không đạt được thỏa thuận.

Mặc dù các quy định pháp luật hiện nay không đặt ra các yêu cầu đối với bên nhận quyền trong hoạt động nhượng quyền. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, bên nhượng quyền hoàn toàn có thể thỏa thuận các điều kiện chặt chẽ đối với bên nhận quyền. Theo quan điểm của tác giả, bên nhượng quyền vẫn nên đặt ra điều kiện đối với bên nhận quyền về việc phải đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với hệ thống nhượng quyền, nhằm bảo đảm tốt hơn mục đích của bên nhượng quyền khi tham gia vào quan hệ nhượng quyền cũng như để hoạt động này diễn ra thuận lợi. Hơn nữa, việc hợp tác với một bên nhận quyền có ngành nghề kinh doanh phù hợp và có ít nhiều hiểu biết về lĩnh vực nhượng quyền, bên nhượng quyền có thể yên tâm hơn với khả năng tiếp nhận của bên nhận quyền đối với những hướng dẫn, các yêu cầu phải thực hiện trong việc sắp xếp, vận hành cơ sở kinh doanh đồng bộ với hệ thống kinh doanh nhượng quyền. Hơn nữa, hiện nay, điều kiện về đăng ký kinh doanh khá dễ dàng để bên nhận quyền có thể đáp ứng được trên thực tế.

1.2. Hình thức hợp đồng nhượng quyền

Bên cạnh điều kiện về chủ thể, bên nhượng quyền cũng cần lưu ý hợp đồng nhượng quyền phải được xác lập bằng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương[2]. Trong bản án tác giả đề cập trên đây, cho dù các bên tranh chấp bảo đảm điều kiện về chủ thể để tham gia vào quan hệ nhượng quyền thì một số nội dung của hợp đồng vẫn có thể bị tuyên vô hiệu vì những nội dung đó chỉ được thỏa thuận bằng lời nói, không bảo đảm điều kiện hình thức theo quy định pháp luật.

Ở góc độ của mình, bên nhượng quyền cần đặc biệt lưu tâm đến điều kiện về hình thức của hợp đồng nhượng quyền, bởi lẽ dù cho hệ quả pháp lý của hợp đồng nhượng quyền vô hiệu là việc các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, tuy nhiên, với những tài sản như bí mật kinh doanh, bí quyết thương mại đã cung cấp cho bên nhận quyền, bên nhượng quyền gần như không thể thu hồi hoặc khó thu hồi trọn vẹn các tài sản này sau khi đã chuyển giao.

Vấn đề đặt ra là thông thường, bên nhượng quyền sẽ không mong muốn các bí mật kinh doanh, bí quyết thương mại được thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, bởi một điều dễ hiểu là các hình thức này sẽ dễ bị tiết lộ ra bên ngoài. Tuy nhiên, vì bí mật kinh doanh, bí quyết thương mại sau cùng cũng là các nội dung của hợp đồng nhượng quyền, do đó, những nội dung này nhất thiết vẫn phải được thể hiện dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Lúc này, bên nhượng quyền có thể bảo vệ các dữ liệu mật của mình thông qua các điều khoản về bảo mật thông tin và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bí mật kinh doanh bị bên nhận quyền làm lộ cho bên thứ ba.

2. Bảo vệ nhãn hiệu trước khi thực hiện hoạt động nhượng quyền

Trong nhượng quyền thương mại, yếu tố cốt lõi nhất chính là việc bên nhượng quyền chuyển giao cho bên nhận quyền các đối tượng quyền thương mại, chẳng hạn như nhãn hiệu, bí mật kinh doanh, tên thương mại hay khẩu hiệu kinh doanh. Câu chuyện của Phở Thìn[3] xảy ra vào đầu năm 2023 đã để lại bài học quan trọng đối với doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu của mình. Liên hệ với nội dung bài viết này, tác giả cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trước khi tiến hành hoạt động nhượng quyền. Quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chỉ được xác lập khi bên nhượng quyền tiến hành đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ. Chỉ khi đó, bên nhượng quyền mới có thể trở thành chủ sở hữu duy nhất nắm giữ, khai thác, chuyển nhượng hoặc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu đó cho các bên nhận quyền. Tuy nhiên, một khi thực hiện việc nộp hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, bên nhượng quyền có thể được hưởng quyền ưu tiên theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên. Do đó, bên nhượng quyền có thể yên tâm đối với nhãn hiệu của mình dù cho quá trình thẩm định và được cấp văn bằng bảo hộ có thể sẽ kéo dài. Bên cạnh việc tránh phát sinh các tranh chấp trong tương lai, doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng doanh nghiệp không thể chuyển nhượng hay chuyển quyền sử dụng một đối tượng chưa thuộc quyền sở hữu của mình, do đó cần lưu ý hoàn tất thủ tục pháp lý để bảo hộ nhãn hiệu trước khi tiến hành nhượng quyền. Ngoài ra, bên nhượng quyền cũng cần lưu ý thời hạn có hiệu lực của văn bằng bảo hộ để tiến hành thủ tục gia hạn kịp thời.

3. Lưu ý khi phát sinh hoạt động nhượng quyền thứ cấp

Trong trường hợp bên nhận quyền mong muốn chuyển giao quyền thương mại cho bên nhận quyền thứ cấp, bên nhận quyền cần phải nhận được sự chấp thuận của bên nhượng quyền bằng văn bản. Việc nhượng quyền thứ cấp có ảnh hưởng lớn đối với bên nhượng quyền ban đầu. Bởi lẽ, tính đồng bộ và nhất quán trong chuỗi các cửa hàng được nhượng quyền và uy tín của thương hiệu là mục tiêu quan trọng mà bên nhượng quyền mong muốn bảo đảm khi tham gia vào quan hệ nhượng quyền. Nếu bên nhận quyền thứ cấp không đảm bảo vận hành, bài trí, sắp xếp cơ sở kinh doanh theo yêu cầu của bên nhượng quyền thì sẽ có nguy cơ gây ấn tượng không tốt đối với khách hàng, làm ảnh hưởng trực tiếp tới thương hiệu nhượng quyền. Hơn nữa, bên nhượng quyền thứ cấp cũng gần như không còn bị ràng buộc trách nhiệm gì sau khi hoàn tất việc chuyển giao. Do đó, ở giai đoạn bên nhận quyền hỏi ý kiến, bên nhượng quyền cần thẩm định k càng chủ thể tiếp theo sẽ nhận quyền thương mại của mình, bên cạnh đó cũng cần phản hồi trong thời hạn luật định. Cụ thể theo quy định hiện hành, nếu sau 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của bên nhận quyền mà bên nhượng quyền không phản hồi thì mặc nhiên coi rằng bên nhượng quyền đã chấp thuận việc nhượng quyền thứ cấp.

Tóm lại, nhượng quyền có thể mang lại nhiều lợi ích cho các bên, tuy nhiên, hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ phát sinh tranh chấp, đặc biệt đối với bên nhượng quyền. Do đó, bên nhượng quyền cần nghiên cứ kỹ các quy định pháp luật, đồng thời, có thể tham vấn ý kiến của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp trước khi tham gia vào các giao dịch nhượng quyền.

---------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO


[2] Điều 285 Luật Thương mại 2005.

Luật sư Nguyễn Nhật Dương

Link nội dung: https://phaply.net.vn/kinh-nghiem-phap-ly-trong-hoat-dong-nhuong-quy-thuong-mai-goc-nhin-tu-ben-nhuong-quyen-a258386.html