1. Khái quát về thương mại điện tử
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo điều kiện, cơ hội rất lớn cho hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) phát triển đa dạng và linh hoạt hơn[1]. Cơ sở pháp lý của TMĐT đã từng bước được khẳng định với việc ra đời của: (i) Luật Mẫu về TMĐT năm 1996 của Ủy ban luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) và Công ước về hợp đồng điện tử quốc tế năm 2005 của UNCITRAL là cơ sở pháp lý đã khẳng định giá trị pháp lý của giao dịch điện tử, cũng như thông điệp dữ liệu đáp ứng các yêu cầu đối với hình thức của văn bản; (ii) Luật Mẫu về chữ ký điện tử năm 2001 của UNCITRAL đã khẳng định giá trị pháp lý của chữ ký điện tử.
Tại Việt Nam, năm 2003, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) công bố bản Báo cáo TMĐT Việt Nam đầu tiên, trong đó, khẳng định, cho đến năm 2003, “chúng ta đã bắt đầu và đi khá nhanh trên chặng đường đầu tiên của Con Đường Tơ Lụa Mới”, đây được coi là dấu ấn quan trọng cho hoạt động TMĐT phát triển của nước ta. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng cơ bản hành lang pháp lý về TMĐT, cụ thể: (i) Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chính thức thừa nhận giá trị pháp lý của giao dịch điện tử nói chung, trong đó có lĩnh vực kinh doanh, thương mại; (ii) Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2006/NĐ-CP ngày 09/6/2006 về TMĐT; (iii) Để điều chỉnh hoạt động giao kết hợp đồng TMĐT, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 09/2008/TT-BCT ngày 21/7/2008 hướng dẫn Nghị định TMĐT về cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên website TMĐT; (iv) Trước sự phát triển của các sàn TMĐT, các website TMĐT, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 46/2010/TT-BCT ngày 31/12/2010 quy định về quản lý hoạt động của các website TMĐT, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ; (v) Ngày 16/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT[2] (Nghị định số 52/2013/NĐ-CP) để hệ thống hóa và pháp điển lại tất cả các quy định nằm rải rác trong các văn bản trước đây; (vi) Tại kỳ họp thứ 5 (ngày 22/6/2023), Quốc hội khóa XV đã ban hành Luật Giao dịch điện tử năm 2023 sẽ tiếp tục là bước phát triển vượt bậc về công nghệ trong nền kinh tế số hiện nay của Việt Nam.
Dưới góc độ khoa học pháp lý, hoạt động TMĐT được hiểu là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác (khoản 1 Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP). Như vậy, TMĐT được hiểu với phạm vi rộng lớn, đa dạng về hình thức hoạt động và chỉ cần một phần (hoặc toàn bộ) trong quy trình của hoạt động thương mại có sử dụng bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác thì cũng được xác định đây là hoạt động TMĐT. Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng, sự đóng góp, tiềm năng phát triển và sức ảnh hưởng của TMĐT trong nền kinh tế của đất nước. Sau hơn 18 năm tổ chức thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đến nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã được xây dựng và không ngừng hoàn thiện.
2. Nhận diện một số vấn đề pháp lý về thương mại điện tử trong bối cảnh hiện nay
Trước bối cảnh thị trường TMĐT đã trở thành xu hướng với sự bùng nổ, phát triển nhanh như hiện nay đã đặt ra những thách thức trong công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh TMĐT để thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh trên nền tảng số. Việc thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đánh dấu bước tiến về sự đổi mới cơ chế, chính sách trong giao dịch điện tử, làm tiền đề cho sự hoàn thiện pháp luật về TMĐT ngay sau đó, để tạo ra một sân chơi chung với những nguyên tắc chung trong bối cảnh mới, góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, thân thiện, cùng phát triển và phát huy những giá trị to lớn mà lĩnh vực TMĐT mang lại cho từng cá nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước. Theo đó, một số vấn đề đặt ra như sau:
Thứ nhất, về chữ ký điện tử của hợp đồng trong TMĐT: Một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm tính xác thực của hợp đồng trong TMĐT là chữ ký điện tử. Với khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu, xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký và xác định tính toàn vẹn của nội dung thông điệp dữ liệu kể từ khi đăng ký thì chữ ký trong môi trường điện tử là yếu tố công nghệ vừa thuận tiện cho việc sử dụng nhưng cũng có những khó khăn nhất định. Qua khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), trong năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng chữ ký điện tử là 84% (tăng 12% so với năm 2022). Trên thực tế, chữ ký điện tử cũng có thể bị làm giả, do đó, để ngăn chặn sự giả mạo, bảo đảm an toàn cho các giao dịch điện tử, cần phải nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chứng thực và mã hóa để bảo vệ dữ liệu. Việc xác định giá trị pháp lý của chữ ký điện tử hiện nay mới áp dụng cho chữ ký số; trong hệ thống pháp luật hiện nay chỉ có Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; còn các hình thức khác của chữ ký điện tử (như nhận dạng sinh trắc học, nhận dạng giọng nói....) thì chưa được quy định cụ thể về giá trị pháp lý, cũng như cấp độ xác thực.
Thứ hai, về giao kết hợp đồng theo mẫu trên các website TMĐT: Hợp đồng TMĐT được giao kết trên các website TMĐT có thể được thực hiện qua sự tương tác trực tiếp giữa khách hàng khi sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến hoặc gián tiếp thông qua những hợp đồng mẫu truyền thống đã được bên bán soạn sẵn và đăng tải lên (như hợp đồng sử dụng dịch vụ ngân hàng, hợp đồng mua vé máy bay, hợp đồng đặt dịch vụ du lịch...). Theo khoản 1 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”. Tính chất của hợp đồng theo mẫu (còn gọi là hợp đồng gia nhập) thường có lợi cho bên xây dựng hợp đồng (thường là bên bán) và bên mua chỉ có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận mà ít có cơ hội đàm phán, thương lượng. Với đặc trưng là các giao dịch từ xa nên trong mối quan hệ này, bắt nguồn từ sự bất cân xứng về thông tin và vị thế của các bên trong giao dịch, người tiêu dùng luôn ở thế yếu so với bên bán, chỉ có quyền đồng ý hay không đồng ý đề nghị giao kết hợp đồng, mà không có sự thỏa thuận về những nội dung, điều khoản của hợp đồng mẫu đó.
Thứ ba, về thông tin hàng hóa, dịch vụ: Như vừa nêu ở trên, thực trạng về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không giống với mô tả thông tin ban đầu trong TMĐT cũng là một vấn đề đang tồn tại trong thị trường hiện nay. Tại Điều 30 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP cũng đã quy định trách nhiệm của người bán phải bảo đảm thông tin về hàng hóa, dịch vụ[3], theo đó, “đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng”; “thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: Năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy”. Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 37 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP cũng quy định trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch TMĐT, đó là “cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Nghị định này khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT”. Có thể thấy, đối với hàng hóa, pháp luật quy định phải thông tin các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa; tuy nhiên, riêng đối với thông tin về dịch vụ thì chưa có quy định cụ thể, chỉ chung chung là cung cấp các đặc tính nhằm tránh sự hiểu nhầm của khách hàng khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.
Thứ tư, về công chứng, chứng thực hợp đồng trong TMĐT: Khi các giao dịch điện tử có xu hướng ngày càng nhiều như hiện nay, vấn đề đặt ra khi các bên có yêu cầu hay có nhu cầu công chứng, chứng thực hợp đồng trong TMĐT để chứng nhận tính hợp pháp, xác thực chính xác chủ thể, tính tự nguyện trong ý chí của các chủ thể (không có sự giả tạo, gian dối) khi tham gia giao kết hợp đồng TMĐT thì sẽ thực hiện như thế nào? Theo đó, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP cũng có quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử, hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Điều 60, Điều 63. Theo Luật Giao dịch điện tử năm 2023 thì: “Trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng, chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng; chứng thực theo quy định của Luật này và pháp luật về chứng thực” (khoản 2 Điều 9); “tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại phải đáp ứng điều kiện hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử và điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy theo quy định” (khoản 3 Điều 28). Vậy, việc yêu cầu về công chứng, chứng thực hợp đồng trong TMĐT sẽ được thực hiện như thế nào khi các bên tham gia hợp đồng hoàn toàn giao kết từ xa thông qua phương tiện điện tử. Luật Công chứng năm 2014 cũng chưa đề cập đến việc công chứng hợp đồng trong TMĐT, dẫn đến vấn đề công chứng các giao dịch, hợp đồng TMĐT vẫn đang bị bỏ ngỏ, trở thành “lực cản” đối với sự phát triển của loại hợp đồng này trong thời gian tới, bởi nó luôn tiềm ẩn một mức độ rủi ro đáng kể và sự tham gia của công chứng viên được hi vọng có thể trở thành một trong những yếu tố quan trọng góp phần hạn chế rủi ro về mặt pháp lý[4]. Bởi vì, công chứng là dịch vụ công nhằm bảo đảm an toàn pháp lý, có hiệu lực thi hành và có giá trị chứng cứ trong trường hợp xảy ra tranh chấp đối với các giao dịch. Thực tế cho thấy, không phải tất cả các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng TMĐT đều thực hiện đăng ký sử dụng dịch vụ chữ ký số và ứng dụng chữ ký số để giúp bảo đảm an toàn về mặt pháp lý trong quá trình thực hiện. Với sự phát triển của giao dịch điện tử thì nhu cầu chứng nhận tính hợp pháp của giao dịch là vấn đề đặt ra của thực tiễn, bởi lẽ, hợp đồng trong TMĐT vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử trong thời gian tới
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thương mại trong nước, nhất là đối với TMĐT - hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, tác giả kiến nghị một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật về TMĐT: Việc hoàn thiện pháp luật về TMĐT phải đặt trong giải pháp tổng thể của việc hoàn thiện pháp luật về giao dịch điện tử, TMĐT, các quy phạm mang tính nguyên tắc và các vấn đề pháp lý khác có liên quan (thương mại, sở hữu trí tuệ, quảng cáo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, công nghệ thông tin, cơ chế giải quyết tranh chấp; cả hệ thống tài chính, ngân hàng, cơ chế về thuế, hoạt động xuất nhập khẩu...) đòi hỏi phải bảo đảm sự đồng bộ, không mâu thuẫn, chồng chéo lẫn nhau, nhằm tạo môi trường pháp lý có tính thống nhất cao. Khung pháp lý về hợp đồng TMĐT ra đời tại Việt Nam cho đến nay, phần nào đã đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT trong bối cảnh kỷ nguyên mới, hội nhập kinh tế toàn cầu nhưng vẫn chưa đầy đủ, cần rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện trong thời gian tới. Với việc triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2023, cần pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật về TMĐT; khai thác, sử dụng bộ pháp điển điện tử về TMĐT trong quá trình thực hiện pháp luật về TMĐT.
Thứ hai, xây dựng Luật Thương mại điện tử: Quan hệ pháp luật về TMĐT được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc các ngành luật khác nhau. Do vậy, việc xây dựng Luật Thương mại điện tử (quy định đầy đủ hơn về giao kết và thực hiện hợp đồng TMĐT như: Trình tự, thủ tục thương lượng và ký kết, địa điểm ký kết, thời điểm ký kết hợp đồng; các loại hợp đồng, hợp đồng theo mẫu, thỏa thuận về hình thức giao kết hợp đồng, TMĐT có yếu tố nước ngoài; cơ chế giải quyết tranh chấp...) để thay thế Nghị định số 52/2013/NĐ-CP sẽ bảo đảm tính tập trung, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, bảo đảm tính khả thi của pháp luật TMĐT; đồng thời giúp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về TMĐT sẽ được tập trung, có tính hệ thống, dễ hiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trong nghiên cứu và thực hiện pháp luật trong TMĐT.
Thứ ba, về chữ ký điện tử của hợp đồng trong TMĐT: TMĐT được định hướng trở thành hình thức thương mại chủ đạo, cần thiết hoàn thiện hạ tầng pháp lý để khai thác có hiệu quả hơn xu hướng số hóa với sự phát triển của phương thức thanh toán điện tử và các công cụ thanh toán mới, không dùng tiền mặt; tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ, kết nối hạ tầng, đầu tư cho công nghệ thông tin để bảo đảm tính an toàn, thuận tiện cho người tiêu dùng trong quá trình tham gia giao dịch TMĐT.
Thứ tư, về giao kết hợp đồng theo mẫu trên các website: Như đã phân tích ở trên, có thể thấy, các quy định pháp luật mới chỉ dừng lại ở góc độ khái quát, mang tính nguyên tắc; do đó, để đi vào đời sống, cần phải có những quy định cụ thể, chi tiết hơn để điều chỉnh. Ngày 13/01/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (được sửa đổi, bổ sung các năm 2015, 2018), theo đó, 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung phải tiến hành đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, với phạm vi hoạt động TMĐT rộng khắp thì đối với hợp đồng theo mẫu được giao kết từ xa như hợp đồng trong TMĐT thì pháp luật chưa bắt buộc phải đăng ký vì chưa được luật hóa, điều này dẫn đến hệ quả là thương nhân có thể lợi dụng việc không bị thẩm tra nội dung của hợp đồng để từ đó soạn thảo, giao kết, thực hiện các hợp đồng theo mẫu chứa đựng các điều kiện và điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, pháp luật cần mở rộng danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, đặc biệt, đối với hợp đồng theo mẫu được giao kết từ xa như hợp đồng trong TMĐT. Ngoài ra, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP chỉ quy định về giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website TMĐT (Mục 2 Chương II), chưa có quy định về giao kết hợp đồng theo mẫu trên website TMĐT (cũng như chưa quy định về trình tự, thể thức công khai hợp đồng theo mẫu) nên về góc độ pháp lý, đây còn là một sự bỏ ngỏ, chưa được hướng dẫn cụ thể để các chủ thể tham gia trong TMĐT được thấu đáo, tường tận.
Thứ năm, về thông tin hàng hóa, dịch vụ: Bổ sung quy định mô tả thông tin về đặc tính dịch vụ trong TMĐT, hướng đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia giao dịch. Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động TMĐT xuyên biên giới; quy định về quản lý và giải quyết tranh chấp, xử lý các hành vi vi phạm trong TMĐT; tổ chức triển khai ứng dụng hiệu quả mô hình quản lý các sàn giao dịch TMĐT, các website bán hàng điện tử, các hoạt động giao dịch thương mại thông qua các trang diễn đàn, mạng xã hội; đồng thời, triển khai các chương trình, đề án TMĐT hóa nông thôn, đào tạo kỹ năng kinh doanh TMĐT cho người dân nông thôn; hỗ trợ các khoản vay cho người dân nông thôn để thực hiện TMĐT; phối hợp với các nền tảng TMĐT để tạo các gian hàng và hỗ trợ người dân nông thôn đưa các sản phẩn lên sàn TMĐT theo chủ trương được nêu tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Với việc tận dụng những hiệu quả, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khuyến khích phát triển các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa, theo đó, coi TMĐT là công cụ quan trọng để hiện đại hóa lĩnh vực thương mại trong nước trong thời kỳ mới. Tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Thứ sáu, về công chứng, chứng thực hợp đồng trong TMĐT: Vấn đề hiện đại hóa hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp nói chung, cũng như hoạt động công chứng nói riêng đã được đặc biệt quan tâm. Để thiết chế công chứng, chứng thực có thể đáp ứng những yêu cầu chính đáng, hợp pháp của công dân, tổ chức trong thời gian tới thì: (i) Điều kiện cần là phải khẳng định được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động công chứng, chứng thực trong xã hội điện tử (hợp đồng điện tử, giao dịch điện tử, TMĐT…) trong các văn bản quy phạm pháp luật. Khi đã được luật định chính thức về vị trí, vai trò của mình trong các giao dịch điện tử, công chứng, chứng thực điện tử sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện, cũng như tạo ra hành lang pháp lý an toàn cho cá nhân, tổ chức khi tham gia giao kết các hợp đồng, giao dịch bằng phương tiện điện tử; (ii) Điều kiện đủ để công chứng điện tử thực sự đi vào cuộc sống là phải xây dựng cơ sở vật chất cần thiết (mạng, đường truyền, máy chủ và máy trạm…) và đưa ra những giải pháp về mặt công nghệ (chữ ký điện tử, con dấu điện tử, xác định nhận dạng của các chủ thể tham gia bằng các phương tiện điện tử, vấn đề bảo mật những thông tin liên quan đến giao dịch…).
Như vậy, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, việc gắn kết khăng khít với công nghệ thông tin và truyền thông đã tạo nền tảng cho TMĐT trở thành một trong các trụ cột của tiến trình xây dựng xã hội thông tin và kinh tế tri thức ở nước ta. Trước sự tất yếu này đã đặt ra yêu cầu cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về TMĐT để tạo nền tảng cho thị trường TMĐT được phát triển bền vững và phát huy tối đa là công cụ quan trọng để hiện đại hóa lĩnh vực thương mại trong nước trong thời kỳ mới./.
Nguyễn Thị Kim Hoa
Trường Cao đẳng Luật miền Nam
[1]. Trường Đại học Luật Hà Nội, Pháp luật về hợp đồng trong thương mại và đầu tư - Những vấn đề pháp lý cơ bản (Sách chuyên khảo), TS. Nguyễn Thị Dung (Chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 480.
[2]. Nghị định này được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ.
[3]. Được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.
[4]. Nguyễn Minh Thu, Thực trạng pháp luật Việt Nam về thời điểm hợp đồng thương mại điện tử có hiệu lực và giải pháp hoàn thiện, Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022), tr. 104.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 407), tháng 6/2024)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/phap-luat-ve-thuong-mai-dien-tu-mot-so-van-de-dat-ra-a258361.html