Các đạo luật lĩnh vực tài chính, kinh tế với hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ 1.7

Kể từ 1.7.2024, 10 đạo luật sẽ có hiệu lực thi hành với hàng loạt chính sách mới. Đáng chú ý trong đó các đạo luật liên quan lĩnh vực kinh tế như: luật Các tổ chức tín dụng, luật Tài nguyên nước, luật Viễn thông, luật Giao dịch điện tử, luật Hợp tác xã và luật Giá.

Giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong tổ chức tín dụng và bổ sung loạt hành vi bị nghiêm cấm

Kể từ 1.7, Luật  Các tổ chức tín dụng quy định giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong tổ chức tín dụng. Trong đó, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% (trước đây là 15%), cổ đông và người liên quan không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% (trước đây là 20%) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Riêng với nhà đầu tư nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần tối đa sẽ do Chính phủ quy định cụ thể.

Luật cũng nghiêm cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

anh-1a-1719733189.jpg
Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, tại Điều 15 luật nghiêm cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ngoài hoạt động ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.

Tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Bốn nhóm chính sách mới trong Luật Tài nguyên nước

Bốn nhóm chính sách mới của luật đã được cụ thể hóa qua 10 điểm mới sau đây: Một là, nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra. Hai là, điều tra cơ bản tài nguyên nước, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước. Ba là, quy định về bảo vệ, phục hồi nguồn nước. Bốn là, điều hoà, phân phối tài nguyên nước. Năm là, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Sáu là, phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra. Bảy là, công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Tám là, hợp tác quốc tế về tài nguyên nước. Chín là, thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước. Mưới là, quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

anh-2a-1719733189.jpg
 

Đáng chú ý trong các điểm mới đó, Luật đã quy định về nguyên tắc quản lý và trong số các nguyên tắc quản lý có nguyên tắc “bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý”; “ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Luật tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác”.

Luật Viễn thông mở rộng điều chỉnh quản lý 3 dịch vụ mới, bảo đảm an toàn, an ninh

Cụ thể, Luật Viễn thông năm 2023 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới: dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet (dịch vụ OTT viễn thông) để phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, tạo môi trường pháp lý rõ ràng, bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.

Việc quản lý 3 dịch vụ mới được thực hiện theo cách tiếp cận “quản lý nhẹ” ở mức độ phù hợp, có độ mở, hướng đến bảo vệ quyền lợi người sử dụng, bảo đảm an toàn, an ninh và tạo thuận lợi cho các dịch vụ phát triển. 

anh-3a-1719733189.jpg
Hình ảnh trạm BTS lắp đặt trên dãy phân cách kết hợp chiếu sáng và ngụy trang.

Nhà nước không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài đầu tư kinh doanh, dịch vụ tại Việt Nam, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mới được giảm bớt một số nghĩa vụ so với doanh nghiệp viễn thông truyền thống. Cụ thể, không phải đóng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, không phải đóng phí quyền hoạt động viễn thông… Việc cung cấp các dịch vụ mới được thực hiện theo hình thức đăng ký hoặc thông báo, không phải cấp phép để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, để doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi, đáp ứng việc tuân thủ quy định mới, luật quy định thời điểm hiệu lực của các quy định quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông từ ngày 1.1.2025.

Đáng chú ý, Luật Viễn thông năm 2023 đã quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông được phân bổ qua hình thức đấu giá. Việc lựa chọn mã, số viễn thông phân bổ qua đấu giá sẽ do thị trường quyết định; sau khi mang ra đấu giá mà đấu giá không thành sẽ quay về phân bổ trực tiếp, tuần tự. Luật cũng quy định rõ việc xác định giá khởi điểm để đấu giá cho từng loại mã, số viễn thông, tên miền Internet”.

Luật cũng bổ sung nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông phải xác thực, lưu trữ, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các sim có thông tin không đầy đủ không chính xác (sim rác), ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi vi phạm pháp luật, bổ sung quy định nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao mà mình đã đăng ký sử dụng.

Bổ sung nhiều hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử

Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực từ 1/7. Luật này quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử và không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch...

anh-4a-1719733189.jpg
Ảnh minh họa.

Tại Điều 6 quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử như lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu; Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu; Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử; Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử; Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

8 nhóm chính sách mới tạo động lực thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển

Một trong những điểm mới, nổi bật của Luật Hợp tác xã (sửa đổi năm 2023) có hiệu lực từ ngày 1.7.2024  là luật đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển, gồm: Phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; đất đai; thuế, phí và lệ phí; tiếp cận vốn, bảo hiểm; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp cận và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro.

anh-5a-1719733189.png
Ảnh minh họa.

Luật lần này đã hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên với quy định về mở rộng đối tượng tham gia HTX, gồm cả thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và liên kết không góp vốn; đồng thời bổ sung yêu cầu trích lập Quỹ chung không chia là nguồn hình thành tài sản chung không chia phù hợp với đặc thù của mô hình HTX nhằm bảo đảm sự phát triển của quỹ chung không chia và tài sản chung không chia.

Luật đã mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực phát triển của HTX khi quy định về trao quyền cho HTX, liên hiệp HTX tự quyết định mức cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên cũng như đa dạng hóa hình thức huy động vốn góp của thành viên.

Luật đã hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX với việc bổ sung quy định về kiểm toán HTX, liên hiệp HTX; đa dạng hóa hình thức tổ chức quản trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành để phù hợp với quy mô, trình độ HTX.

Phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tập thể từ thấp đến cao; củng cố, nâng cao vai trò của tổ chức đại diện: đã bổ sung quy định về tổ hợp tác và các chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX; quy định rõ hệ thống Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức đại diện nòng cốt, bảo vệ lợi ích cho tất cả tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX trên phạm vi cả nước.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể: đơn giản hóa, số hóa các thủ tục về đăng ký, tổ chức lại, giải thể HTX theo hướng bổ sung quy định về xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về HTX; 

Quy định cụ thể về kê khai giá và bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực Giá, thẩm định giá

- Luật Giá 2023 đã bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá theo từng nhóm đối tượng cụ thể, như đối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, Luật bổ sung hành vi mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.

image007-1719732741.jpg
Ảnh minh họa.

Đối với cá nhân, tổ chức, Luật bổ sung các hành vi: Cản trở hoạt động quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá giả hoặc sử dụng chứng thư thẩm định giá giả cho mục đích quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này; Làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá khi không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hoặc sử dụng chứng thư đó cho mục đích quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không là thẩm định viên về giá. 

Đối với doanh nghiệp thẩm định giá, Luật bổ sung các hành vi: cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho người có liên quan với doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; Phát hành khống chứng thư thẩm định giá; Mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá…

Đặc biệt, ngoài hành vi bị nghiêm cấm của 05 nhóm đối tượng như Luật Giá 2012, Luật Giá 2023 đã bổ sung thêm 02 nhóm hành vi bị nghiêm cấm của đối tượng là hội đồng thẩm định giá và thành viên hội đồng thẩm định giá. 

- Quy định cụ thể về kê khai giá: Nếu như Luật Giá 2012 mới chỉ đề cập vấn đề kê khai giá tại điều về giải thích từ ngữ và điều về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thì đến Luật Giá 2023 đã quy định thành điều riêng về kê khai giá (Điều 28), bao gồm các vấn đề về giá kê khai, hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai, nội dung kê khai giá, đối tượng thực hiện kê khai giá và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong kê khai giá. Theo đó, giá kê khai là mức giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tự quyết định và được thông báo đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận kê khai. Hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai bao gồm 04 nhóm sau: Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; Hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu để các tổ chức định mức giá cụ thể bán cho người tiêu dùng; Hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp quyết định theo giá tham chiếu; Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác do Chính phủ ban hành.

Lê Phúc – Minh Anh ( T/h) 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cac-dao-luat-linh-vuc-tai-chinh-kinh-te-voi-hang-loat-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-17-a258321.html