Đã dành được khoảng 680.000 tỉ đồng để cải cách tiền lương (Ảnh: Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội thảo luận tại tổ)
Kiến nghị rà soát để đánh giá lại chất lượng vị trí việc làm trong bộ máy, đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách cải cách tiền lương.
Sắp xếp vị trí việc làm chính xác là tiền đề cho cải cách tiền lương. Nếu xác định sai vị trí, hệ quả tiêu cực sẽ ảnh hưởng lâu dài. Thế nhưng tại phiên họp tổ về tình hình phát triển kinh tế xã hội, mới đây nhiều ĐBQH quan ngại về chất lượng và sự phù hợp của đội ngũ cán bộ hiện tại sau khi hoàn thiện Đề án xây dựng vị trí việc làm. Nguyên tắc xây dựng là hướng đến cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức “đúng người, đúng việc, rõ quy trình”. Tuy nhiên nhìn từ thực tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba cho biết, chất lượng và sự phù hợp vị trí việc làm để tạo động lực, đảm bảo chất lượng hoạt động bộ máy hoạt động sau khi tinh giản còn rất bất cập.
Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba
Cũng theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, nhiều đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm, nhưng tỷ lệ lãnh đạo, quản lý vẫn rất cao. Hay nói cách khác việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng đề án vị trí việc làm có tỷ lệ lãnh đạo chiếm 50% trong bộ máy, thậm chí có nơi còn không có nhân viên…Chúng ta đã đổi mới, cải cách và tinh giản và đổi mới cải cách tiền lương theo hướng tăng lương thực tế. Nhưng tới đây có thể thu nhập của họ sẽ giảm.
Tất nhiên có nhiều nguyên nhân, đại biểu Đồng Ngọc Ba - Thường trực Ủy ban Pháp luật thông tin, nhiều cán bộ, công chức đang lo ngại khi áp dụng chế độ tiền lương mới sẽ bị giảm thu nhập. Kể cả những người đang phụ trách công việc nặng, quan trọng vì sẽ chỉ còn thu nhập duy nhất từ nguồn lương, trong khi hiện nay ngoài thu nhập từ lương họ còn có thu nhập khác. Đây là lo ngại thực tế của người lao động, theo đó Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị Chính phủ, Quốc hội rà soát để đánh giá lại chất lượng vị trí việc làm trong bộ máy, đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách cải cách tiền lương.
Băn khoăn cách thức xây dựng vị trí việc làm khó tạo được sự đổi mới
Được biết có hai cách phân loại vị trí việc làm: (i) Phân loại theo khối lượng công việc, như dựa theo vị trí do một người đảm nhiệm; vị trí nhiều người đảm nhiệm; việc làm kiêm nhiệm; (ii) Phân loại theo tính chất, nội dung công việc như vị trí lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên ngành; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ. ĐBQH Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) băn khoăn cho rằng về cách thức xây dựng khó tạo được sự đổi mới. Về lý thuyết công tác tổ chức cán bộ là công việc hàng đầu nghe thì rất hay nhưng làm được rất khó. Ông Trí khẳng định điều đó vì ông từng làm quản lý nên ông biết.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí
Cái khó về công tác tổ chức cán bộ mà ông Trí chỉ ra, đó là làm cách nào đưa ra khỏi biên chế những người sắp nghỉ hưu, người đau ốm không có khả năng làm việc. Trong khi đó vị trí, người không thực sự cần thiết, không có năng lực, làm việc không hiệu quả vẫn chưa thể loại bỏ. Vậy nên cho dù các cơ quan đang thực hiện cải cách tổ chức bộ máy “rất ráo riết”, nhưng khó tránh khỏi mang tính hình thức nhiều hơn.
Từ phân tích trên, ông Trí đề nghị nên xem lại cách thức xây dựng vị trí việc làm hiện nay “có gây trì trệ và có tạo được sự đổi mới không”. Ông Trí dẫn cách làm của doanh nghiệp tư nhân về xây dựng vị trí việc làm. Đó là chỉ khi thực sự có nhu cầu, doanh nghiệp tư nhân sẽ tìm đúng người có thể đảm đương để bổ nhiệm. Sau khi bổ nhiệm mà thực hiện không hiệu quả thì họ sẽ cho thôi bất cứ lúc nào, nghĩa là không lệ thuộc vào thời hạn bổ nhiệm.
Băn khoăn nguồn kinh phí để thực hiện việc nâng lương cho 2 ngành y tế và giáo dục
Trong khi đó đề cập đến bảng lương của nhà giáo và đội ngũ cán bộ y tế, ĐBQH Dương Minh Ánh (Đoàn TP Hà Nội) dẫn Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện cải cách tiền lương thì hai đối tượng này được xếp cao nhất trong thang bảng lương của các ngành nghề hưởng lương từ ngân sách. Hiện cử tri ngành giáo dục cũng đề xuất việc cải cách tiền lương của nhà giáo bằng với lương của lực lượng vũ trang quân đội, công an, hoặc đứng đầu so với lương của các ngành hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên đến thời điểm đại biểu chưa có thông tin chính thống mà chỉ tham khảo từ nguồn tin trên mạng.
ĐBQH Dương Minh Ánh
Đại biểu Dương Minh Ánh cho biết, cử tri rất mừng là Nhà nước quan tâm đến việc nâng lương cho đội ngũ cán bộ y tế và giáo viên nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng giáo dục. Song lại băn khoăn nguồn kinh phí nào để thực hiện việc nâng lương cho 2 ngành này. Nếu dựa vào nguồn tự chủ thì sẽ dẫn tới “lợi bất cập hại”: (i) Với ngành y tế thì người bệnh phải đóng thêm số tiền lớn, với người không có bảo hiểm y tế càng khó khăn hơn; (ii) Còn với ngành giáo dục là đồng nghĩa học sinh phải đóng học phí theo quy định của các trường công lập, sẽ gây khó khăn cho phụ huynh; và nhiều con em nhà nghèo sẽ phải gác lại giấc mơ đại học. Ngoài ra, việc tăng lương cho 2 ngành giáo dục và y tế các chi phí dành cho việc này sẽ tăng cao. Như vậy, so với quan điểm của Nghị quyết tiền lương là nguồn thu nhập chính đảm bảo đời sống của người lao động và gia đình liệu có thật sự khả thi hay không?
Từ thông tin trên, ĐBQH kiến nghị cơ quan có thẩm quyền trước khi ban hành bảng lương chính thức, cần thông tin cho các đối tượng được hưởng lương biết một cách rõ ràng, chính xác quan điểm, thấy được việc cải cách tiền lương là đúng đắn, tránh việc gây hoang mang và không yên tâm công tác.
Cần tiếp tục nghiên cứu kĩ lưỡng để giải quyết những vấn đề bất cập
Từ các bất cập và băn khoăn của các ĐBQH như đã đề cập ở trên, để thực hiện việc cải cách tiền lương có hiệu quả, kể từ ngày 01/7, đảm bảo phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương, sẽ “bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới”, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu kĩ lưỡng, làm rõ , giải quyết các vấn đề sau đây:
+, Cần rà soát để đánh giá lại chất lượng vị trí việc làm trong bộ máy, đồng thời nghiên cứu kĩ từ thực tế để có cách thức xây dựng vị trí việc làm thực sự tạo được sự đổi mới, đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách cải cách tiền lương.
+ Có phương án để giải quyết những vấn đề phát sinh khi bỏ mức lương cơ sở
Tại báo cáo các đại biểu Quốc hội chuyên trách về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Ủy ban Xã hội phân tích rõ tác động của việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đến quy định trong dự thảo Luật. Cơ quan thẩm tra cho biết khi Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật đã chưa tính đến thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, nên chưa dự liệu hết được tác động của việc thay đổi này đến các quy định có liên quan trong dự thảo Luật.
Thứ nhất, do bãi bỏ “mức lương cơ sở” nên không còn căn cứ thực hiện được việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu; không còn căn cứ để tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội (một số khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương cơ sở) và một số chế độ quy định ở các luật khác trong các lĩnh vực khác. Thứ hai, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của nhóm đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định sẽ tăng lên so với hiện hành dẫn đến tiền đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng lên đáng kể. Thứ ba là phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024.
Ảnh minh họa
Từ thực tế những tác động này, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận định còn nhiều vấn đề Chính phủ cần phải làm rõ. Cụ thể, một là cần làm rõ căn cứ để tính quy đổi thành mức tiền tuyệt đối khi chuyển xếp lương mới, mức sàn an sinh xã hội tối thiểu và căn cứ tính ? Vấn đề cần làm rõ tiếp theo là căn cứ để tính và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương; kinh phí từ ngân sách Nhà nước phát sinh khi điều chỉnh trợ cấp người có công với cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội, chuẩn nghèo theo chính sách cải cách tiền lương.
Trường hợp thực hiện điều chỉnh tăng thêm nhằm xử lý chênh lệch lương hưu cho cả người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã nghỉ hưu trước 1/7/2024 và người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định nghỉ hưu trước năm 1995, người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp sẽ phát sinh chi từ quỹ bảo hiểm xã hội ở mức nào và mức độ ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ hưu trí, tử tuất (cả trong ngắn hạn và dài hạn). Hay những vấn đề phát sinh cụ thể về lương hưu, các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với lượng vũ trang (công an, quân đội) do nhóm đối tượng này có những đặc thù khác với khu vực dân sự (hệ số lương 1,8; tuổi nghỉ hưu thấp hơn...) và biện pháp xử lý;
Ngoài ra việc xử lý phát sinh chênh lệch lớn về lương hưu giữa các đối tượng liên quan trực tiếp đến điều chỉnh, tác động tới các đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này (theo Luật hiện hành thì tính theo bình quân tiền lương của 5, 6, 8, 10, 15 và 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu) cho giai đoạn trước 1/7/2024, cũng là vấn đề cần được quan tâm. Bên cạnh đó, cần rà soát đầy đủ và báo cáo, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, bao gồm cả việc quy định việc thay thế “mức lương cơ sở” hiện hữu trong nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư có liên quan (trong đó có các chế độ trợ cấp được tính theo “mức lương cơ sở”).
+ Cần xác định một mức sàn lương hưu tối thiểu đáp ứng nhu cầu cuộc sống
Mức tăng lương hưu sau cải cách tiền lương cũng là vấn đề nhận được nhiều quan tâm của các chuyên gia, đại biểu quốc hội, người dân. Liên quan đến vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra phương án đề xuất tăng thêm 15%. Tuy nhiên, mới đây khi góp ý về vấn đề tăng lương hưu, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tính toán lại các mức điều chỉnh phù hợp hơn. Bởi nếu thực hiện theo các phương án tăng như đề xuất, thì vượt quá khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước giao đến hơn 7.400 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2024.
Mặc dù vậy, thông tin về vấn đề điều chỉnh lương hưu tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ông Đào Ngọc Dung, vẫn giữ quan điểm là việc điều chỉnh mức lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng cải cách tiền lương của cán bộ công chức, viên chức (lương công chức, viên chức dự kiến tăng hơn 30%). Việc này để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn khi cải cách tiền lương.
Theo TS.Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), phương pháp tính lương hưu của chúng ta hiện nay là phương pháp dòng chảy, tức là chi phí để trả cho người hưởng hiện hành thực chất là dựa trên mức đóng của người đang tham gia bảo hiểm xã hội hôm nay. Khi điều chỉnh tăng lương thì đồng nghĩa với mức đóng bảo hiểm xã hội của những người đang tham gia hiện hành cũng sẽ tăng lên. Đây chính là nguồn đầu vào của quỹ hưu trí.
Bà Hương cho rằng bản chất của lương hưu là tổng tiền đóng của hôm nay sẽ dùng để chi trả cho những người đang hưởng lương hưu ở thời điểm hiện tại. Do đó, khi Chính phủ quyết định tăng lương vào ngày 1/7 cần điều chỉnh mức tăng cho người về hưu phù hợp, đảm bảo một mức hợp lý so với mức tăng của công chức. Đặc biệt, cần chú ý đến nhóm có mức lương hưu thấp. Theo bà Hương, cần xác định một mức sàn lương hưu tối thiểu đáp ứng nhu cầu đời sống. Nếu lương hưu thấp hơn mức này, Nhà nước cần điều chỉnh bằng số tiền tuyệt đối thay vì tăng theo tỉ lệ % để bù đắp cho họ…
VŨ LÊ MINH