Tọa đàm khoa học “ Qui định của pháp luật liên quan đến cổ vật”

(Pháp lý) - Các luật gia, chuyên gia dự Tọa đàm đã phân tích một số vấn đề pháp lý liên quan đến cổ vật . Đồng thời phân tích những bất cập của các quy định pháp luật về cổ vật, đề xuất ý kiến hoàn thiện pháp luật có liên quan cổ vật ở Việt Nam hiện nay.

image001-1714061645.png
Toàn cảnh Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Các quy định của pháp luật liên quan đến cổ vật” do Chi hội Luật gia Trường ĐH Ngoại thương tổ chức ngày 25.4.

Tọa đàm đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, các luật gia thuộc Chi hội Luật gia các Bộ, ngành và cơ quan TW tham dự.

Tại buổi Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thanh Nam – Chi hội trưởng CHLG Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Tài chính đã giới thiệu một số hiện vật được trưng bày minh hoạ tại Tọa đàm. Đồng chí đã khái quát các loại cổ vật, tính văn hóa, tính lịch sử của cổ vật, giải thích khái niệm cổ vật, phân biệt cổ vật, hiện vật, bảo vật. Đồng chí cũng trình bày một số đặc điểm pháp luật trong hoạt động sưu tầm, kinh doanh cổ vật ở Việt Nam. 

Các luật gia dự Tọa đàm cũng đã phân tích một số vấn đề pháp lý liên quan đến cổ vật như: giám định cổ vật, cơ quan giám định chuyên môn, hội đồng giám định, điều kiện của giám định viên, điều kiện kinh doanh cổ vật, thuế đối với các giao dịch về cổ vật như thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu cổ vật từ nước ngoài về Việt Nam và hoạt động kinh doanh cổ vật tại Việt Nam. …

Tọa đàm cũng phân tích những bất cập của của các quy định pháp luật về cổ vật ở nước ta, đồng thời, trao đổi, đề xuất ý kiến hoàn thiện pháp luật có liên quan cổ vật ở Việt Nam hiện nay. 

Theo bà Tống Thị Hạnh – Chi hội Luật gia Bộ Xây dựng, cổ vật là một góc văn hóa Việt Nam cần lưu giữ, việc xác định tính thật giả của cổ vật là vấn đề rất khó, cần được quan tâm. Với cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa bảo tồn thì cần phải có hành lang pháp lý hoàn thiện để xác định giá trị của cổ vật có tính lịch sử, văn hóa; có biểu tượng, kiến trúc, đặc trưng văn hóa của từng thời kỳ nhằm đảm bảo gìn giữ truyền thống, văn hóa dân tộc. 

Chia sẻ về tính pháp lý của cổ vật ông Bùi Đức Hiển – Chi hội Luật gia Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng: việc xác định giá trị cổ vật, các giao dịch liên quan đến cổ vật, chuyên gia giám định cổ vật, việc tìm thấy các cổ vật bị chôn giấu, bị chìm đắm thì xử lý như thế nào, có phải bàn giao cho nhà nước không. Hiện nay, thực trạng làm giả, bắt chước cổ vật xuất hiện tràn lan. Với các hàng giả cổ, phục chế bản gốc phải có sự cho phép của chủ sở hữu hoặc đăng ký với Sở Văn hóa Thông tin. 

Luật gia Vương Trí Dũng – Chi hội Luật gia Công ty Luật số 5 Quốc gia cũng chia sẻ thông tin: hiện nay, nhiều cửa hàng giới thiệu hàng cổ vật, tính bản quyền rất ít, việc sao chép cần phải đăng ký và trích rõ nguồn gốc sao chép. Việc giao dịch cổ vật trên thị trường phải công khai, minh bạch. Các phương pháp giám định, đơn vị giám định có đủ điều kiện giám định không, thuế đối với cổ vật nhập khẩu… Do đó rất cần có hướng dẫn cụ thể về các giao dịch liên quan đến cổ vật, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám định cổ vật.

Đồng tình với những ý kiến, các quan điểm tại Tọa đàm,  đại diện của các chi hội Luật gia: Bộ Công An, Cục Bản quyền Tác giả, Công ty Invenco – Invenmark cho rằng các cổ vật giá trị phải được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, với các loại hàng hóa được sao chép từ cổ vật cần phải có sự đồng ý của chủ sở hữu cổ vật trước khi đưa ra giao dịch. 

Kết thúc buổi Tọa đàm, Tiến sĩ Hà Công Anh Bảo, Chủ nhiệm khoa Luật, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Trường Đại học Ngoại thương nhận định còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến cổ vật cần được tiếp tục trao đổi chuyên sâu như vấn đề xác định quyền sở hữu cổ vật, đấu giá cổ vật, điều kiện mua bán cổ vật, giám định cổ vật, đăng ký cổ vật, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về cổ vật…  Đồng thời khuyến nghị các chi hội luật gia thuộc Cụm thi đua số 6 tiếp tục có ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Di sản Văn hóa đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

image002-1714061645.png
Các nhà khoa học, Luật gia Cụm thi đua số 6 chụp ảnh lưu niệm tại Tòa đàm
image003-1714061644.png
Đ/c Hà Công Anh Bảo, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Trường ĐH Ngoại thương, Cụm trưởng Cụm thi đua số 6 tặng hoa PGS.TS. Nguyễn Thanh Nam - Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Tài chính .
image004-1714061645.png
PGS.TS. Nguyễn Thanh Nam - Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Tài chính phát biểu tại Tọa đàm
image005-1714061645.png
PGS.TS. Nguyễn Thanh Nam - Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Tài chính chia sẻ thông tin về cổ vật trương bày tại Tọa đàm

Nguyễn Thị Huyền
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/toa-dam-khoa-hoc-qui-dinh-cua-phap-luat-lien-quan-den-co-vat-a258096.html