Những quy định mới quan trọng về Định giá đất và Giá đất - Nền tảng chính sách giúp khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả

(Pháp lý). Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, liên quan đến giá đất, Luật Đất đai sửa đổi đã bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ ban hành 5 năm/lần, thay vào đấy là UBND công bố hàng năm vào đầu năm.

Căn cứ Luật Đất đai 2024, tháng 2 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2024/NĐ-CP quy định rõ 4 phương pháp định giá đất gồm: Phương pháp so sánh; phương pháp thu nhập; phương pháp thặng dư; phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Đặc biệt Nghị định còn bổ sung nhiều điểm mới quan trọng về Giá đất mà người dân và doanh nghiệp cần biết. Sau đây Pháp lý trân trọng giới thiệu cụ thể những điểm mới của chính sách đặc biệt quan trọng này.

1-1713235543.png

Nghị định 12/2024/NĐ-CP qui định có 4 phương pháp định giá đất kèm theo điều kiện áp dụng

4 phương pháp định giá đất và điều kiện áp dụng

- 4 phương pháp định giá đất được qui định cụ thể tại Điều 4 Nghị định 12/2024/NĐ-CP ngày 5/2/2024 ( Nghị định 12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về giá đất ). Cụ thể:

Thứ nhất: Phương pháp so sánh được thực hiện bằng cách điều chỉnh mức giá của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng nhất định về các yếu tố có ảnh hưởng đến giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quyết định trúng đấu giá thông qua việc phân tích, so sánh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất sau khi đã loại trừ giá trị tài sản gắn liền với đất (nếu có) để xác định giá của thửa đất cần định giá.

Thứ hai: Phương pháp thu nhập được thực hiện bằng cách lấy thu nhập ròng bình quân năm trên một diện tích đất chia cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân của loại tiền gửi bằng tiền Việt Nam kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trên địa bàn cấp tỉnh của 03 năm liền kề tính đến hết quý gần nhất có số liệu trước thời điểm định giá.

Thứ ba: Phương pháp thặng dư được thực hiện bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa của công trình) theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ tư: Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được thực hiện bằng cách lấy giá đất trong bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành thông qua việc so sánh giá đất trong bảng giá đất với giá đất phổ biến trên thị trường.”

Về phương pháp định giá đất, Nghị định bãi bỏ phương pháp chiết trừ; sửa đổi, bổ sung nội dung, điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục áp dụng các phương pháp so sánh, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất; bổ sung quy định về các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất trong phương pháp so sánh; sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin để áp dụng các phương pháp định giá đất, đồng thời quy định trách nhiệm của đơn vị xác định giá đất khi thu thập thông tin và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp thông tin.

- Về điều kiện áp dụng bốn phương pháp định giá đất được qui định  tại Điều 5 như sau:

Thứ nhất: Phương pháp so sánh được áp dụng để định giá đối với trường hợp có tối thiểu 03 thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng nhất định về các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quyết định trúng đấu giá (sau đây gọi là thửa đất so sánh), trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 4 Điều này.

Thứ hai: Phương pháp thu nhập được áp dụng để định giá đối với trường hợp thửa đất, khu đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở mà thửa đất, khu đất cần định giá không đủ điều kiện áp dụng phương pháp so sánh nhưng xác định được các khoản thu nhập, chi phí từ việc sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 4 Điều này.

Thứ ba: Phương pháp thặng dư được áp dụng để định giá đối với trường hợp thửa đất, khu đất để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện áp dụng phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập nhưng ước tính được tổng doanh thu phát triển và tổng chi phí phát triển của dự án, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 4 Điều này.

Thứ tư: Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng để xác định giá đất đối với thửa đất, khu đất đã được quy định trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Các trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 114 và khoản 3 Điều 189 Luật Đất đai;

b) Tính tiền thuê đất trả tiền hàng năm khi Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất;

c) Tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng;

d) Xác định giá đất của thửa đất, khu đất cần định giá mà tổng giá trị tính theo giá đất trong bảng giá đất đối với diện tích phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dưới 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc trung ương, dưới 10 tỷ đồng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao, dưới 20 tỷ đồng đối với các tỉnh còn lại trong các trường hợp sau:

Các trường hợp quy định tại điểm b và điểm d khoản 4 Điều 114, khoản 2 Điều 172 Luật Đất đai;

Tính tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê khi Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

đ) Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thu hồi nhiều thửa đất liền kề nhau, có cùng mục đích sử dụng mà không đủ điều kiện để áp dụng phương pháp so sánh.

Lưu ý, các thửa đất so sánh để áp dụng phương pháp định giá đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này phải đủ điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của  Luật Đất đai.”

Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống. Trong đó, liên quan đến giá đất, Luật Đất đai sửa đổi đã bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ ban hành 5 năm/lần, thay vào đấy là UBND công bố hàng năm vào đầu năm.

Cụ thể, việc định giá đất phải bảo đảm theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm trung thực, khách quan, công khai, minh bạch; đảm bảo tính độc lập giữa tổ chức tư vấn xác định giá đất, Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư

Loạt điểm mới quan trọng về Giá đất

Theo đó, Nghị định 12/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Nghị định 44/2014/NĐ-CP, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số quy định về xác định giá đất cụ thể như sau:

Thứ nhất,  về quyết định giá đất cụ thể được sửa đổi như sau:

- Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức việc xác định giá đất cụ thể quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 44/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 12/2024/NĐ-CP).

- Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xác định, thẩm định, quyết định giá đất cụ thể chịu trách nhiệm về áp dụng nguyên tắc, phương pháp định giá đất, trình tự, thủ tục xác định giá đất cụ thể, thẩm định, quyết định giá đất cụ thể đã được quy định tại Nghị định 44/2014/NĐ-CP; không chịu trách nhiệm về các nội dung khác đã được cơ quan, người có thẩm quyền thẩm định, chấp thuận, quyết định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó.

- Đơn vị xác định giá đất chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của các thông tin để áp dụng phương pháp định giá đất; tuân thủ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, trình tự, thủ tục định giá đất quy định tại Nghị định 44/2014/NĐ-CP; về tính độc lập, khách quan, trung thực trong hoạt động tư vấn xác định giá đất; đảm bảo việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của các định giá viên thuộc tổ chức của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả tư vấn xác định giá đất.

2-1713235550.jpg

Những đổi mới trong các quy định về giá đất sẽ là nền tảng khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả

Thứ hai, về trình tự, thủ tục thực hiện xác định giá đất cụ thể được sửa đổi như sau:

- Trình tự thực hiện xác định giá đất cụ thể quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 44/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 12/2024/NĐ-CP) thực hiện theo quy định sau đây:

+ Chuẩn bị hồ sơ định giá đất cụ thể;  + Thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin về thửa đất, thông tin để áp dụng phương pháp định giá đất quy định tại Điều 5b Nghị định 44/2014/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 12/2024/NĐ-CP); áp dụng phương pháp định giá đất; + Xây dựng báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất, dự thảo tờ trình về phương án giá đất;

+ Thẩm định phương án giá đất; + Hoàn thiện hồ sơ phương án giá đất trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định; + Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định giá đất.

- Hồ sơ phương án giá đất trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định gồm:

+ Tờ trình về phương án giá đất của cơ quan tài nguyên và môi trường;  + Báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất đã tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện theo Văn bản thẩm định phương án giá đất của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể; + Văn bản thẩm định phương án giá đất của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể; + Biên bản cuộc họp Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể.

Thứ ba, v lựa chọn tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất được sửa đổi như sau:

- Cơ quan tài nguyên và môi trường chuẩn bị hồ sơ định giá đất cụ thể bao gồm các nội dung sau:  + Mục đích định giá đất, thời gian thực hiện và dự toán kinh phí;  + Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng;  + Các văn bản pháp lý khác liên quan đến thửa đất, khu đất cần định giá.

- Căn cứ vào hồ sơ định giá đất cụ thể, cơ quan tài nguyên và môi trường lựa chọn tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất theo quy định pháp luật về đấu thầu. Trường hợp không lựa chọn được tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất thì giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công có chức năng tư vấn xác định giá đất thực hiện xác định giá đất cụ thể hoặc thành lập Tổ công tác liên ngành để xác định giá đất.

Tổ công tác liên ngành do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể quyết định thành lập, gồm: đại diện lãnh đạo cơ quan tài nguyên và môi trường làm Tổ trưởng và đại diện lãnh đạo cơ quan tài chính làm Tổ phó, đại diện các cơ quan xây dựng, kế hoạch và đầu tư cùng cấp, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất và các thành viên khác do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định. Thành viên Tổ công tác liên ngành không được tham gia là thành viên Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể.

Thứ tư, sửa bổ sung Điều 17a vào Nghị định 44/2014/NĐ-CP về thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin về thửa đất, thông tin để áp dụng các phương pháp định giá đất; xây dựng báo cáo thuyết minh phương án giá đất như sau:

- Việc thu thập, tổng hợp thông tin về thửa đất, thông tin để áp dụng các phương pháp định giá đất quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và điểm đ khoản 4 Điều 5 Nghị định 44/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 12/2024/NĐ-CP) được thực hiện theo Mẫu số 01, Mẫu số 02 của Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 12/2024/NĐ-CP.

- Đơn vị xác định giá đất xây dựng báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất theo Mẫu số 03 của Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 12/2024/NĐ-CP.

- Trường hợp thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công có chức năng tư vấn xác định giá đất thì phải xây dựng Chứng thư định giá đất theo Mẫu số 04 của Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 12/2024/NĐ-CP và gửi đến cơ quan tài nguyên và môi trường.

- Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ về nội dung của báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất quy định tại khoản 2 Điều 17a Nghị định 44/2014/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 12/2024/NĐ-CP); xây dựng dự thảo tờ trình về phương án giá đất.

- Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm trình Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể hồ sơ phương án giá đất, bao gồm:  + Văn bản đề nghị thẩm định phương án giá đất;  + Dự thảo tờ trình về phương án giá đất; + Dự thảo báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất; + Hồ sơ định giá đất cụ thể.

3-1713235550.jpg

Ảnh minh hoạ

Thứ năm, bổ sung Điều 17b vào Nghị định 44/2014/NĐ-CP về Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể theo hình thức Hội đồng hoạt động thường xuyên hoặc Hội đồng hoạt động theo vụ việc phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, gồm các thành phần sau: + Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Chủ tịch Hội đồng; + Người đứng đầu cơ quan tài chính cùng cấp làm Phó Chủ tịch Hội đồng; + Đại diện lãnh đạo cơ quan tài chính là thường trực của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể;  + Đại diện lãnh đạo các cơ quan: tài nguyên và môi trường, xây dựng, kế hoạch và đầu tư, thuế cùng cấp, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp nơi có đất và các thành viên khác do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có thể mời đại diện tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất tham gia là thành viên Hội đồng.

Đại diện tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất tham gia Hội đồng là người đủ điều kiện hành nghề tư vấn xác định giá đất theo quy định và không thuộc tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất được thuê để xác định giá đất cụ thể. Chuyên gia về giá đất tham gia Hội đồng là người có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm làm việc một trong các lĩnh vực tài chính đất đai, quản lý giá, quản lý đất đai, thẩm định giá và không thuộc các cơ quan quy định tại điểm d khoản 1 Điều 17b Nghị định 44/2014/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 12/2024/NĐ-CP).

- Cơ quan tài chính làm cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể.

- Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch Hội đồng quyết định thành lập Tổ giúp việc của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể (nếu cần thiết), gồm: đại diện cơ quan tài chính cùng cấp làm Tổ trưởng; đại diện các cơ quan tài nguyên và môi trường, xây dựng, kế hoạch và đầu tư, thuế cùng cấp và các thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng quyết định. Chủ tịch Hội đồng điều hành hoạt động của Tổ giúp việc của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể. Tổ giúp việc của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể chịu trách nhiệm chuẩn bị các nội dung theo phân công để đề xuất, báo cáo Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể xem xét tại phiên họp thẩm định phương án giá đất. 

Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể thực hiện thẩm định phương án giá đất theo các nội dung sau:  + Tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ định giá đất; + Việc tuân thủ nguyên tắc định giá đất; + Quyết định việc áp dụng các phương pháp định giá đất do đơn vị xác định giá đất đề xuất; + Sự phù hợp về tỷ lệ điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất giữa thửa đất so sánh và thửa đất cần định giá đối với trường hợp áp dụng phương pháp so sánh; sự phù hợp về thời gian bán hàng, thời điểm bắt đầu bán hàng, tỷ lệ bán hàng, tỷ lệ lấp đầy, mức biến động của giá chuyển nhượng, giá cho thuê, thời gian xây dựng, tiến độ xây dựng, chi phí quảng cáo, bán hàng, chi phí quản lý vận hành, lợi nhuận của nhà đầu tư, chi phí thực tế phổ biến của các dự án tương tự đối với trường hợp áp dụng phương pháp thặng dư; + Sự phù hợp, tính pháp lý, đầy đủ của các thông tin đã thu thập.

- Trình tự hoạt động của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể

+ Trong thời gian không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận phương án giá đất, cơ quan thường trực Hội đồng gửi văn bản và hồ sơ phương án giá đất kèm theo đến các thành viên Hội đồng để xin ý kiến góp ý vào phương án giá đất;

+ Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án giá đất, thành viên Hội đồng phải có ý kiến bằng văn bản gửi về cơ quan thường trực Hội đồng;

+ Trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày gửi văn bản lấy ý kiến các thành viên Hội đồng về phương án giá đất, cơ quan thường trực Hội đồng tổng hợp ý kiến của các thành viên của Hội đồng và báo cáo Chủ tịch Hội đồng về việc tổ chức họp Hội đồng;

+ Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan thường trực Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng quyết định tổ chức phiên họp thẩm định giá đất;

+ Phiên họp thẩm định giá đất được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên Hội đồng dự họp, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng đối với trường hợp được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền, đại diện cơ quan thường trực Hội đồng; đại diện cơ quan tài nguyên và môi trường và đại diện đơn vị xác định giá đất;

+ Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể làm việc độc lập, khách quan, theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số; thảo luận công khai, biểu quyết thông qua biên bản họp thẩm định giá đất. Hội đồng kết luận theo ý kiến của đa số thành viên Hội đồng có mặt đã biểu quyết và thông qua tại phiên họp. 

Trong trường hợp có ý kiến ngang nhau thì bên có biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng đối với trường hợp được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền là ý kiến quyết định. Thành viên của Hội đồng có quyền bảo lưu ý kiến nếu không đồng ý với kết luận do Hội đồng quyết định.

- Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể thực hiện thẩm định phương án giá đất theo các nội dung sau:  + Tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ định giá đất; + Việc tuân thủ nguyên tắc định giá đất; + Quyết định việc áp dụng các phương pháp định giá đất do đơn vị xác định giá đất đề xuất; + Sự phù hợp về tỷ lệ điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất giữa thửa đất so sánh và thửa đất cần định giá đối với trường hợp áp dụng phương pháp so sánh; sự phù hợp về thời gian bán hàng, thời điểm bắt đầu bán hàng, tỷ lệ bán hàng, tỷ lệ lấp đầy, mức biến động của giá chuyển nhượng, giá cho thuê, thời gian xây dựng, tiến độ xây dựng, chi phí quảng cáo, bán hàng, chi phí quản lý vận hành, lợi nhuận của nhà đầu tư, chi phí thực tế phổ biến của các dự án tương tự đối với trường hợp áp dụng phương pháp thặng dư; + Sự phù hợp, tính pháp lý, đầy đủ của các thông tin đã thu thập.

- Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể gửi văn bản thẩm định phương án giá đất, biên bản cuộc họp Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể đến cơ quan tài nguyên và môi trường để hoàn thiện phương án giá đất trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định.

Nghị định 12/2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/2/2024. Bãi bỏ khoản 4 Điều 3 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai

Thành Chung - Kim Oanh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/quy-dinh-moi-ve-dinh-gia-dat-va-loat-diem-moi-quan-trong-ve-gia-dat-nen-tang-chinh-sach-giup-khai-thac-nguon-luc-dat-dai-hieu-qua-a258053.html