Đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024
Đề xuất Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai ngay từ ngày 1/7/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành văn bản số 202 về việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024. Theo đó, để có cơ sở đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về giá đất; Nghị định quy định về lấn biển; Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được yêu cầu chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành theo thẩm quyền: Thông tư quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai; kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; Thông tư quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Thông tư quy định về hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Thông tư quy định về nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ: Nghị định quy định về quỹ phát triển đất; Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Cùng với đó chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành theo thẩm quyền: Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành sớm trình các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, đề xuất Quốc hội cho phép triển khai từ 1/7/2024 (ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024)
Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa.
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ: Quyết định về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành theo thẩm quyền: Thông tư quy định về việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính và hướng dẫn việc giải quyết trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đất đai 2024.
Ngoài ra, Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động- Thương binh và Xã hội, Nội vụ và Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tập trung và khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trên, đảm bảo đúng thời gian trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 5/3/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai 2024.
Thủ tướng yêu cầu trước ngày 31/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, trình Chính phủ về dự thảo tờ trình của Chính phủ (kèm theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội) trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Luật Đất đai có hiệu lực sớm sẽ góp phần phát triển kinh tế
Theo Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực sớm sẽ có lợi rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, bày tỏ ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng về đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo ông Thành cho rằng xuất phát từ tầm quan trọng rất lớn của Luật Đất đai và đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, khắc phục các tồn tại, bất cập trong quản lý đất đai thì Chính phủ đã rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật.
Ông Thành cũng chỉ rõ xác định đây là luật khó, quan trọng, cần nhiều văn bản hướng dẫn nên khi thông qua luật, các cơ quan và Quốc hội đã cố gắng bố trí thời gian có hiệu lực dài hơn, cụ thể khoảng một năm. Thời gian này theo tính toán đủ để Chính phủ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết.
"Việc này rất đáng ghi nhận và khi các văn bản hướng dẫn được ban hành đầy đủ, đảm bảo chất lượng thì Chính phủ hoàn toàn có thể trình Quốc hội xem xét quyết định cho phép luật có hiệu lực sớm hơn từ 1-7. Quốc hội sẽ xem xét quyết định cụ thể khi Chính phủ trình chính thức", ông Thành nói.
Ảnh minh hoạ
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đánh giá nếu luật Đất đai 2024 được áp dụng sớm từ ngày 1/7/2024 sẽ tháo gỡ được các điểm nghẽn của thị trường BĐS. Bởi có một nghị quyết rất quan trọng mà Chính phủ đã giao các bộ, ngành thực hiện để trình Quốc hội là cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) hoặc đang có QSDĐ khác.
Điều này sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận được đất đai thuận lợi hơn, phát triển dự án nhanh hơn; góp phần giải được bài toán thiếu nguồn cung nhà ở trên thị trường. Đáng chú ý, cả hàng ngàn dự án BĐS, nhà ở thương mại đang bị vướng sẽ được gỡ rối. Khi nguồn cung không quá thiếu hụt so với nhu cầu thì cũng góp phần kéo giá nhà ở đi xuống.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội bày tỏ việc Luật Đất đai sớm được thi hành sẽ tạo điều kiện rất tốt cho chính quyền các địa phương giải quyết các công việc đang tồn đọng do vướng mắc về cơ chế chính sách, đồng thời cũng tháo gỡ những vướng mắc cho các dự án dở dang, vướng mắc cơ chế chính sách được tiếp tục triển khai. Đây là hành động rất quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục…
Các văn bản hướng dẫn thi hành phải đảm bảo chất lượng
Theo các chuyên gia để Luật Đất đai có thể có hiệu lực từ 1/7/2024 và thực sự có hiệu quả đòi hỏi các văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng phải khẩn trương, chi tiết và đồng bộ với luật.
Theo Đại biểu Vũ Tiến Lộc, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện nay một trong những điểm nghẽn lớn nhất có liên quan đến Luật Đất đai. Do đó, với những sửa đổi luật rất tích cực vừa qua, nếu sớm được nửa năm đưa vào thi hành sẽ có lợi rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, ổn định về xã hội, lợi ích cho người dân.
Theo ông Lộc, nửa năm là thời gian rất quý giá và sẽ tạo ra động lực để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Việc chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ với người dân, doanh nghiệp, đất nước. Qua đó thấy rõ tinh thần kiến tạo, phát triển của Chính phủ và ông Lộc cho rằng chắc chắn Quốc hội sẽ hoan nghênh điều này.
Ông Lộc cũng cho hay thông thường với các luật sau khi được thông qua thường có thêm sáu tháng mới có hiệu lực thi hành. Nhưng với Luật Đất đai là một năm. Việc này để có khoảng thời gian đủ dài giúp Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết. Đồng thời, nhằm đồng bộ với các luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Với bối cảnh hiện nay rõ ràng cần có sự đột phá, khẩn trương của những người làm công tác xây dựng thể chế thay cho sự quá cẩn trọng, sợ sai, không dám làm... Việc quyết liệt của Chính phủ sẽ tạo đà rất tốt cho phát triển...
Tuy nhiên, để có thể trình Quốc hội xem xét thay đổi hiệu lực thi hành sớm hơn với luật, ông Lộc cho rằng bên cạnh tinh thần, trách nhiệm thì điều quan trọng hơn cả là sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết đảm bảo chất lượng.
Trong đó, các nghị định, thông tư, văn bản phải đảm bảo phản ánh trung thành được tinh thần của Luật Đất đai, giúp triển khai một cách đồng bộ, không có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa chỗ này, chỗ kia. Đồng thời, qua đó phải tháo gỡ được những khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong tiếp cận đất đai, vướng mắc về pháp lý cho các dự án có liên quan đến sử dụng đất đai cũng như liên quan đời sống người dân. Rõ ràng việc rút ngắn thời gian rất đáng hoan nghênh nhưng chất lượng không thể nhân nhượng và đây sẽ là điều để Quốc hội đưa ra quyết định.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng doanh nghiệp rất mong Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm. Bởi những vướng mắc pháp lý về thủ tục các doanh nghiệp bất động sản (trong đó có G6) đang gặp chủ yếu là do các quy định từ bộ luật cũ vừa chồng chéo, vừa mâu thuẫn. Các hướng dẫn từ thông tư cũng chưa được chi tiết, cụ thể dẫn đến việc nhiều tỉnh, thành phố lúng túng, khó khăn trong việc phê duyệt thủ tục đầu tư…
Việc Luật Đất đai áp dụng sớm thì các thủ tục đầu tư cũng sẽ được phê duyệt sớm hơn, giúp cho doanh nghiệp bán hàng sớm, thu được dòng tiền, đồng thời giúp thị trường bất động sản gia tăng nguồn cung nhà ở, đặc biệt, tại các thành phố lớn...
Theo ông Nguyễn Anh Quê, còn khoảng 3 tháng để chuẩn bị cho việc Luật Đất đai có thể được triển khai sớm, do đó ông Quê kiến nghị ban soạn thảo văn bản cần nhanh chóng kịp thời ra các văn bản hướng dẫn để khi Luật có hiệu lực, các văn bản hướng dẫn này cũng có hiệu lực luôn. Đặc biệt cần thận trọng trong việc soạn thảo văn bản hướng dẫn, tránh trường hợp, nghị định, thông tư trái luật, không rõ ràng, hướng dẫn không đầy đủ, gây vướng mắc đến các hoạt động thủ tục đầu tư của doanh nghiệp, người dân và rộng hơn là thị trường bất động sản.
Thành Chung – Xuân Trường (t/h)