Ảnh minh hoạ
Mô hình Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán của một số quốc gia
Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư của Nhật Bản
Ngày 01 tháng 12 năm 1998, Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư Nhật Bản (JIPF) được thành lập theo Đạo luật Trao đổi và Công cụ tài chính, ràng buộc tất cả công ty chứng khoán đều có nghĩa vụ trở thành thành viên của JIPF.
Ảnh minh họa
Cơ cấu tổ chức của JIPF bao gồm Đại Hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban giám đốc và Kiểm toán viên. Số lượng cán bộ cụ thể được bổ nhiệm theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, quy tụ nhiều cá nhân dày dặn chuyên môn, kinh nghiệm cần thiết để quỹ hoạt động hiệu quả. Mặc dù có tư cách pháp nhân, hình thành dựa trên đóng góp của các công ty chứng khoán thành viên nhưng vấn đề trọng yếu liên quan đến tổ chức, hoạt động, chính sách của JIPF được quyết định bởi Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ tài chính, đặt dưới quản lý, giám sát bởi Cơ quan Dịch vụ tài chính và Bộ Tài chính.
JIPF nhận diện đối tượng bồi thường bao gồm khách hàng (ngoại trừ nhà đầu tư chuyên nghiệp) của các công ty chứng khoán thành viên JIPF, các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư tổ chức đủ điều kiện, chính quyền quốc gia và các địa phương. Mặc dù vậy, quy định cũng loại trừ trường hợp giao dịch thực hiện do mượn danh hoặc mạo danh, cán bộ, công ty chủ quản của các công ty chứng khoán.
Giao dịch được bồi thường gồm tiền, chứng khoán và các tài sản khác của khách hàng đủ điều kiện liên quan đến chứng khoán hoặc giao dịch phái sinh do các công ty chứng khoán thực hiện.
Về cơ chế hoạt động, công ty chứng khoán phải bảo toàn tài sản của khách hàng thông qua phương thức quản lý riêng biệt, chặt chẽ tiền, cổ phiếu, trái phiếu và các chứng khoán khác mà khách hàng ủy thác với tài sản riêng của họ [1]. Yếu tố tách bạch đảm bảo quá trình tuân thủ chặt chẽ, về nguyên tắc công ty chứng khoán phá sản hoặc gặp phải khó khăn tài chính không làm ảnh hưởng đến tài sản khách hàng. Số tiền cần thiết cho các hoạt động bảo vệ nhà đầu tư là 50 tỷ Yên theo quy chế kinh doanh. Khi số dư Quỹ nhỏ hơn 50 tỷ Yên, công ty chứng khoán thành viên phải trả các khoản phí vừa cố định vừa thay đổi trên số tiền ước tính 05 tỷ Yên mỗi năm.
Nhằm hai mục đích chính là bồi thường và quản lý quỹ để thực hiện bồi thường, danh mục đầu tư của JIPF cũng bị giới hạn, chỉ có thể đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, tiền gửi ngân hàng cùng các tài sản khác do Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ tài chính chỉ định.
Kể từ khi thành lập, JIPF đã bồi thường cho khách hàng trong 02 vụ việc: Công ty TNHH Chứng khoán Minami với tổng số tiền bồi thường khoảng 3,5 tỷ Yên năm 2000 và Marudai Securities Co, Ltd. phá sản năm 2012 với số tiền khoảng 172 triệu Yên [2]. Ngoài ra, JIPF tiếp quản toàn bộ tài sản và công nợ của Quỹ Bồi thường chứng khoán ủy thác, trả tiền bồi thường cho khách hàng cá nhân. Đây là những vụ việc điển hình, ảnh hưởng lớn, chứng minh vai trò của Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán.
Dù vậy, cần nhìn nhận cơ chế hoạt động và đầu tư của JIPF chỉ trong phạm vi quyết định của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ tài chính.
Quỹ Bảo vệ Nhà đầu tư Chứng khoán của Trung Quốc
Quỹ Bảo vệ Nhà đầu tư Chứng khoán Trung Quốc (SIPF) được thành lập vào ngày 30 tháng 08 năm 2005 với mục đích bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và phòng ngừa, xử lý rủi ro của các công ty chứng khoán do Công ty TNHH Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư Chứng khoán Trung Quốc chịu trách nhiệm huy động, quản lý và sử dụng quỹ [3].
Ảnh minh họa
SIPF là mô hình quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán do Nhà nước thành lập, chịu sự quản lý của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC). Để điều hành hoạt động, SIPF đã thành lập một Hội đồng quản trị. Trong đó Chủ tịch Hội đồng quản trị do CSRC bổ nhiệm.
Qua triển khai, nhiệm vụ của SIPF được mở rộng, không chỉ tập trung vào quá trình huy động, quản lý, xử lý và bồi thường mà hơn hết, quỹ tiếp nhận phản ánh, đóng vai trò giám sát rủi ro các công ty chứng khoán, phát hiện tình huống trong hoạt động của công ty chứng khoán có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà đầu tư và thị trường chứng khoán quốc gia, đưa ra đề xuất xử lý đến CSRC.
Để thực hiện những nhiệm vụ đó, năng lực tài chính của SIPF được tạo lập và củng cố từ nhiều nguồn với đa dạng chủ thể đóng góp. Phí xử lý giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến ấn định mức 20%. Tất cả các công ty chứng khoán đăng ký tại Trung Quốc sẽ trả cho quỹ từ 0.5-05% doanh thu. Đặc biệt, công ty chứng khoán có trình độ quản lý, điều hành kém, rủi ro cao thì nộp quỹ theo tỷ lệ cao hơn. Tỷ lệ cụ thể của từng công ty chứng khoán do SIPF xác định dựa vào tình trạng rủi ro, báo cáo lên Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc để phê duyệt và điều chỉnh hàng năm [4].
Bên cạnh đó, nguồn quỹ còn đến từ phí phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các chứng khoán khác, thu nhập lãi từ quỹ phong toả, thu hồi tài chính từ các bên có trách nhiệm liên quan và thu nhập từ việc thanh lý phá sản công ty chứng khoán theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, SIPF còn tiếp nhận tài trợ của các cơ sở, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Từ số vốn đăng ký ban đầu năm 2005 là 6,3 tỷ Nhân dân tệ, tính đến cuối năm 2019 quy mô vốn của SIPF đạt 92,6 tỷ Nhân dân tệ, chi trả tổng cộng 22,5 tỷ Nhân dân tệ cho các khách hàng thuộc 24 công ty chứng khoán bị xử lý [5].
Hiện nay có hơn 220 triệu cá nhân đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc, chiếm 99% tổng số nhà đầu tư [6]. Mặc dù vậy, trong trường hợp công ty chứng khoán gặp rủi ro về thanh toán, gian lận hoặc lừa đảo thì đây trở thành nhóm đối tượng chịu thiệt hại lớn khi đối mặc với thời gian xử lý vụ việc kéo dài, quy trình tố tụng phức tạp gây tốn kém chi phí. Trước tình huống đó, sự tồn tại, phát triển của SIPF là trụ đỡ bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán Thái Lan
Ngày 01 tháng 10 năm 2004, Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) đã thành lập Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (SIPF) với sự hợp tác của một số công ty chứng khoán thành viên tự nguyện tham gia quỹ.
Ảnh minh họa
SIPF được quản lý và điều hành do Tiểu ban gồm 06 thành viên, trong đó Chủ tịch Tiểu ban do Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan (Sở) bổ nhiệm; 01 Giám đốc Sở do các thành viên của Sở bầu ra; Người đại diện thành viên Quỹ do các thành viên của Quỹ bầu chọn; Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Thái Lan; Giám đốc, người quản lý của Sở hoặc luật sư; Cán bộ điều hành của Sở có cấp bậc không thấp hơn trợ lý giám đốc phụ trách giám sát các thành viên của Quỹ.
Tài sản SIPF hình thành từ 04 nguồn chính: Vốn ban đầu do Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan đóng góp với số tiền là 300 triệu Baht; Phí tham gia và lệ phí hàng tháng thu từ các công ty chứng khoán thành viên; Thành quả hoặc lợi ích thu từ tiền và tài sản của quỹ; Phí bổ sung mà Sở Giao dịch chứng khoán thu từ các thành viên có sai phạm trong kinh doanh. Số dư tối thiểu không ít hơn 500 triệu Baht [7].
Không yêu cầu đăng ký, trả phí hay các ràng buộc về thủ tục, SIPF tự động cung cấp sự bảo vệ cho các nhà đầu tư sau khi nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch với công ty chứng khoán thành viên. Nhà đầu tư có quyền nhận tiền bồi thường bằng tiền mặt hoặc chứng khoán nếu công ty chứng khoán thành viên của SIPF không trả lại tài sản cho nhà đầu tư trong trường hợp: Công ty chứng khoán thành viên của SIPF bị kết luận phá sản hoặc công ty chứng khoán là thành viên SIPF và nhà đầu tư có tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán, phán quyết của Toà án hoặc Trọng tài yêu cầu công ty chứng khoán trả lại tài sản cho nhà đầu tư nhưng công ty chứng khoán không chấp hành.
Tuy nhiên, số tiền bồi thường giới hạn không vượt 20% tài sản quỹ khi thành viên quỹ không trả lại tài sản cho nhà đầu tư theo phán quyết Trọng tài hoặc không vượt quá 80% tài sản quỹ khi có quyết định của Tòa án về tiếp nhận phá sản công ty chứng khoán theo pháp luật [8]. Thực tế, SIPF bồi thường dựa trên thiệt hại của nhà đầu tư nhưng không quá 01 triệu Balt cho mỗi công ty chứng khoán thành viên.
SIPF đã góp phần gia tăng niềm tin của nhà đầu tư đối với giao dịch trên thị trường chứng khoán Thái Lan nhưng hạn chế là chỉ bảo vệ khách hàng của công ty chứng khoán thành viên tự nguyện gia nhập. Ở góc độ tự chủ, Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan cho phép các công ty chứng khoán chủ động quyết định tham gia hoặc không nhưng chính điều này đặt ra thử thách, mặc dù tham gia quỹ có thể củng cố vị thế và uy tín nhưng đánh đổi bằng một phần lợi nhuận cho việc trích lập, phản ứng của các công ty chứng khoán có thể không mấy tích cực, đồng nghĩa lưới an toàn bảo vệ nhà đầu tư còn tồn tại kẽ hở, chưa toàn diện.
Thực trạng và một số đề xuất xây dựng mô hình Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản của chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư [9]. Năm 2014, Bộ Tài chính xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ chế trích lập và sử dụng Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Gần đây nhất, trong Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán năm 2019, Bộ đề xuất lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán, nhưng đến thời điểm hiện tại – sau khi Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực thì vấn đề vẫn đang bỏ ngỏ.
Ảnh minh họa
Bảo vệ đối với nhà đầu tư trong bối cảnh nhà đầu tư phát sinh tranh chấp với công ty chứng khoán hoặc công ty chứng khoán mất khả năng chi trả, phá sản vẫn chưa có điều chỉnh. Và khi hàng loạt hành vi làm sai lệch thông tin, không đảm bảo điều kiện hoạt động, thị trường bị chi phối, thao túng ( nhìn từ một số vụ án) thời gian qua thì yêu cầu hoàn thiện các thiết chế lại trở nên cấp thiết. Qua đó, theo chúng tôi, xây dựng và ứng dụng mô hình Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể dần hoàn thiện theo những hướng sau:
Thứ nhất, luật hoá Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán: Kinh nghiệm các quốc gia đều có chung đặc điểm ở việc đưa Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư trở thành nội dung điều chỉnh trong văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán. Quy định chính xác sẽ thống nhất cách hiểu, tạo lập cơ sở pháp lý cho việc hình thành và áp dụng mô hình, điều kiện để thực thi có hiệu quả cơ chế. Xem xét từ thực tiễn, điều khoản định danh quỹ bảo vệ nhà đầu tư cần sáng rõ cách thức tạo lập, mục đích sử dụng, cơ quan chủ quản, vận hành, điều kiện bồi thường. Dưới phương diện đó mới có thể nhìn nhận toàn diện, chính xác bản chất, chức năng của quỹ và định hướng chính sách.
Thứ hai, chú trọng quản lý và điều hành quỹ: Từ mô hình Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư các quốc gia, mặc dù quỹ được hình thành bởi đóng góp từ các công ty chứng khoán thành viên nhưng có vị trí pháp lý thuộc Sở Giao dịch chứng khoán. Quá trình quản lý, điều hành quỹ được tiến hành thông qua Hội đồng quản trị và điều hành.
Từ mô hình Quĩ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán của Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan, những gợi mở cho Việt Nam trong xây dựng cơ chế, quĩ cần chú trọng:
- Xuyên suốt vai trò của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Can thiệp nhân sự của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là một trong những yếu tố giúp cho quá trình giám sát quỹ, đảm bảo hoạt động đúng pháp luật, phù hợp mục tiêu định hướng, phát triển quỹ theo bản chất, mục đích bảo vệ nhà đầu tư.
- Đa dạng thành phần trong quản trị. Bên cạnh thành viên do Sở Giao dịch chứng khoán bổ nhiệm, Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư nên có các vị trí do thành viên của quỹ bầu ra, người đại diện thành viên, đại diện Hiệp hội nhà đầu tư, người có chuyên môn, kinh nghiệm trong điều hành. Sự xuất hiện đa dạng thành viên sẽ góp phần tạo ra đối trọng quyền lực cùng cơ chế quản lý chéo, thúc đẩy tính minh bạch, công bằng trong các quyết định của Hội đồng.
- Ưu tiên năng lực. Số lượng thành viên và chức danh trong Hội đồng quản trị có thể xuất phát từ nhu cầu thực tế nhưng điều kiện tiêu chuẩn về chuyên môn, kinh nghiệm, tư duy cùng khả năng của các thành viên Hội đồng là vấn đề đặc biệt lưu tâm.
Thứ ba, đa dạng nguồn tạo lập đồng thời bảo đảm tính độc lập của quỹ: Đóng góp của các công ty chứng khoán thành viên là nguồn quan trọng hình thành Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư, từ những hạn chế của Thái Lan khi phụ thuộc vào tính chất tự nguyện tham gia nên ấn định các công ty chứng khoán hoạt động trên thị trường mặc định là thành viên của quỹ. Tuy nhiên, thay vì quy định một tỷ lệ cố định đồng đều, mức đóng dựa trên thực tế đánh giá rủi ro của từng công ty chứng khoán có thể là giải pháp tăng cường tự giác, khuyến khích cải tiến công nghệ kỹ thuật, nâng cao trình độ và hạ giảm động cơ tiêu cực phương hại lợi ích nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cần nhìn nhận đóng góp từ thu phí là cần thiết nhưng không là duy nhất để rồi đặt áp lực quá lớn vào công ty chứng khoán mà nên đa dạng phương thức tạo lập quỹ, đặc biệt chú trọng hoạt động đầu tư. Tài sản quỹ được quản lý tách bạch, độc lập với tài sản của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, thay vì bó hẹp cơ chế, chi phối hoàn toàn quyết định về danh mục đầu tư, Nhà nước nên tạo không gian tự chủ cho hoạt động của Quỹ.
Ảnh minh hoạ
Thứ tư, cơ chế bồi thường phù hợp và tiết giảm thủ tục: Đối chiếu kinh nghiệm Thái Lan, quỹ bảo vệ nên theo cơ chế tự động cung cấp sự bảo vệ cho các nhà đầu tư sau khi nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch. Dựa trên thông tin, hồ sơ của nhà đầu tư từ công ty chứng khoán, không bắt buộc thủ đăng ký hoặc trả phí, đơn giản hoá công tác quản lý, thời gian và thủ tục sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận quyền được bảo vệ.
Bên cạnh đó, ban hành hướng dẫn về trường hợp xác định công ty chứng khoán mất khả năng thanh toán hoặc phá sản, đối tượng chịu thiệt hại, điều kiện và mức bồi thường xác minh đúng thực tế của nhà đầu tư, tránh tình trạng thiếu thiệt. Giới hạn bồi thường cũng dựa trên cân đối tài sản cho mục tiêu dự phòng một số tình huống có thể phát sinh.
Thứ năm, ưu tiên biện pháp tự bảo vệ và tăng cường kiến thức nhà đầu tư: Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư được xem là lưới an toàn nhưng cũng là biện pháp cuối cùng được sử dụng, phạm vi bồi thường của quỹ không bao gồm các quyết định đầu tư, biến động thị trường, càng không thể dự liệu toàn bộ rủi ro. Tự bảo vệ nên là biện pháp nhà đầu tư hướng đến thông qua trang bị kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán, tìm hiểu độ tín nhiệm các công ty chứng khoán trước khi mở tài khoản giao dịch, giả định nguy cơ để có giải pháp tránh bị động. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện quỹ, hơn hết, quan điểm, nhận xét, đánh giá từ nhà đầu tư là nguồn phản biện xã hội góp phần cải thiện chính sách, cải tiến mô hình. Đồng thời, tăng cường mức độ thông hiểu pháp luật trở thành công cụ giúp cho nhà đầu tư tiếp cận đầy đủ, toàn vẹn cơ chế nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình.
Nhìn lại chặng đường hình thành qua nhiều thách thức, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tích luỹ, thu nhận nhiều thành tựu, trở thành động lực phát triển nền kinh tế. Vấn đề bảo vệ nhà đầu tư luôn được đặt vị trí là trọng tâm hướng đến. Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư áp dụng thành công tại nhiều quốc gia, góp phần ổn định tâm lý, tăng niềm tin đồng thời giảm thiểu hệ quả rủi ro từ các công ty chứng khoán. Việt Nam trong tiến trình đó cũng không ngoại lệ, tích cực theo dõi để có điều chỉnh kịp thời, xây dựng mô hình tương thích phù hợp dựa trên đặc điểm thị trường chứng khoán trong nước.
-----------------------------
Danh mục tài liệu tham khảo
[1] Điều 43, Đạo luật Trao đổi và Công cụ tài chính Nhật Bản.
[2] JIPF (2024), Compensation record, https://jipf.or.jp/en/about/index.html, truy cập 15/03/2024.
[3] Điều 2, Các biện pháp đối với việc quản lý Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc.
[4] Điều 14, Các biện pháp đối với việc quản lý Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc.
[5] SIPF (2020), Annual Report 2019, 27/07/2020, Tr.23& Tr29.
[6] Laura He (2024), Chinese stocks have lost $6 trillion in 3 years. Here’s what you need to know, https://edition.cnn.com/2024/01/23/investing/china-stock-market-losses-explained/index.html#:~:text=More%20than%20220%20million%20individuals,trending%20on%20Weibo%20on%20Tuesday, truy cập 15/03/2024
[7] Khoản 4, Điều 1, Quy định về Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán Thái Lan.
[8] Điều 11, Quy định về Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán Thái Lan.
[9] Khoản 3, Điều 5, Luật Chứng khoán 2019.
Bùi Sĩ Thành