Loạt giải pháp chính sách tiền tệ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng

(Pháp lý) - Sáng 14/3, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, lãnh đạo một số doanh nghiệp bất động sản đã giãi bày những khó khăn về việc tiếp cận nguồn vốn cũng như đề xuất cụ thể để tháo gỡ.

1-1710396408.png

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

 Doanh nghiệp mong tiếp cận vốn tín dụng chi phí thấp hơn

Theo ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, chính sách hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua rất sát sao, cụ thể, qua đó mang lại những hiệu quả cụ thể cho doanh nghiệp. Nhờ quy định mới về visa và các chính sách thông thoáng khác cho ngành du lịch, riêng Khu du lịch núi Bà Đen (Tây Ninh) của Sun Group đạt 5 triệu khách trong năm vừa rồi. Năm nay dự kiến 7 triệu khách và đến thời điểm này đã đạt được 2 triệu khách đi cáp treo.

Về việc điều hành chính sách tiền tệ, Chủ tịch Sun Group cũng cảm nhận có những tác động cụ thể và tích cực, như việc doanh nghiệp được vay với lãi suất giảm nhiều so với năm ngoái; Ngân hàng Nhà nước chủ động giao hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm giúp các ngân hàng và doanh nghiệp có kế hoạch hợp tác sớm…

Lãnh đạo Sun Group tin rằng những chỉ đạo sát sao, nhất quán của Chính phủ sẽ tiếp tục giúp nền kinh tế phục hồi bền vững và ổn định. Tuy nhiên để đẩy nhanh tăng trưởng, đại diện doanh nghiệp cũng có một số đề xuất.

2-1710396627.png

Ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group. Ảnh: VGP

Trước hết, ông Đặng Minh Trường đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Thứ hai là đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp lớn và uy tín tham gia các dự án trọng điểm quốc gia.

Thứ ba là với các chính sách hiện hành cũng như trong tương lai hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế, Chính phủ có sự hướng dẫn, giải thích đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng để các chính sách này đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất.

“Cuối cùng, Sun Group mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. Hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại Nhà nước chênh khá lớn (từ 4-5%). Doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện phục hồi,” Chủ tịch Sun Group nêu ý kiến.

3-1710396714.png

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi cùng các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Mong các ngân hàng có những chính sách mới, có những gói tín dụng mới

Ông Quảng Văn Viết Cương - Phó giám đốc Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex, mã chứng khoán BCM) nêu một khó khăn mà nhiều doanh nghiệp bất động sản vướng mắc và Becamex cũng gặp khó, đó là các bước thủ tục về pháp lý triển khai dự án thường kéo dài, ảnh hưởng đến dòng tiền và kế hoạch trả nợ của doanh nghiệp.

Theo ông Cương, tín dụng không khó, nhưng khi doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng thì pháp lý chưa đầy đủ nên không thể vay. Do đó để ngân hàng đến gần với doanh nghiệp thì cần tập trung giải quyết “khúc” này.

Trong xu thế mới, Becamex tập trung phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân và người dân tại Bình Dương. Công ty dự định vừa xây dựng và vừa mở rộng từ 10.000-20.000 căn hộ trong năm nay. Về khu công nghiệp, để thu hút đầu tư, doanh nghiệp cũng triển khai các điều kiện mới về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, khí thải các bon…

Vì vậy, lãnh đạo BCM đề xuất các ngân hàng có những chính sách mới, có những gói tín dụng mới để triển khai, đặc biệt là phát triển năng lượng tái tạo hiện nay chưa có ưu đãi tín dụng đặc biệt.

Trong khi đó, Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng: Việc điều hành chính sách tiền tệ giữ rất vai trò rất quan trọng, chính sách tiền tệ hợp lý và tối ưu sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy các chỉ tiêu, bao gồm cả sản xuất kinh doanh và đầu tư, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn từ thị trường tín dụng như Petro Việt Nam.

Thời gian tới, Ông Lê Mạnh Hùng mong muốn NHNN sẽ tiếp tục có chính sách tiền tệ, tín dụng ổn định như thời gian qua để hỗ trợ, phát triển đầu tư với mục tiêu tăng trưởng từ 3-6,5 %/năm như Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo…

Loạt giải pháp chính sách tiền tệ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng

Báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, ông Đào Minh Tú khẳng định, mức giảm trong tín dụng hiện nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng lĩnh vực bất động sản, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, tăng 2,56% so với cuối năm 2023.

Lý giải về tình trạng trên, Phó thống đốc cho biết, theo yếu tố thời vụ, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết nguyên đán dẫn tới 02 tháng đầu năm khó tăng trưởng nhanh quy mô tín dụng.

Cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp: Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; thiếu đơn hàng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu; tín dụng bất động sản chiếm khoảng 21% tín dụng chung, tín dụng bất động sản tăng/giảm cao thường khiến tín dụng toàn hệ thống tăng/giảm. 

4-1710396714.png

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn; nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, các giải pháp tăng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa,... chưa phát huy được nhiều hiệu quả.

Khó khăn trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng như: đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) còn nhiều vướng mắc; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp; đối với các gói cho vay tiêu dùng, thu nhập của người lao động sụt giảm trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc làm tăng cao nên không có nguồn để trả nợ dẫn đến cầu tín dụng tiêu dùng giảm; công nhân, người lao động chưa nắm bắt rõ thông tin trong khi các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở chưa thật sự chú trọng truyền thông, phổ biến gói vay.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Một số khoản nợ cũ lãi suất cao chậm được điều chỉnh giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn.

Một số ngân hàng quy trình thủ tục cho vay vẫn chậm được cải tiến, nhất là thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng.

Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản đang trầm lắng. Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.

Huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu, vốn FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường thị trường trái phiếu, BĐS chưa được giải quyết căn cơ, triệt để... nên khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỷ lệ Tín dụng/GDP tăng cao (cuối năm 2023 khoảng 133%, tăng so với mức khoảng 125% cuối năm 2022), tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Phó Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước, tập trung thực hiện các nhóm giải pháp

Thứ nhất, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 đến hết năm 2024; hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và thực tiễn thị trường; sửa đổi đồng bộ các Thông tư quy định về hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng để đồng bộ với các quy định tại Luật các tổ chức tín dụng năm 2024.

Hai là, trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất sẽ tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; có các giải pháp khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí; chỉ đạo tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay bình quân.

Ba là, chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo hướng an toàn, hiệu quả, đúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời, hướng vào những lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tài sản đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, hạn chế tín dụng đen.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, giám sát; trong đó tập trung giám sát chất lượng tín dụng, cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; cấp tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan, nhóm khách hàng lớn, cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, cổ đông; đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…

Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất, kiến nghị với các bộ ngành, địa phương liên quan triển khai các giải pháp cần thiết để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp trong thời gian tới. Đề nghị, các doanh nghiệp tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính, phối hợp với ngân hàng thành mối quan hệ cộng sinh… để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay.

La Sơn (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-de-xuat-kien-nghi-cua-doanh-nghiep-tai-hoi-nghi-trien-khai-nhiem-vu-dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-nam-2024-a257954.html