Những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, trong đó không chỉ dừng lại xử lý tham nhũng trong khu vực công, mà còn xử lý nghiêm nhiều đối tượng thuộc khu vực ngoài nhà nước.
Điển hình như: vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; trùm đại án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và một số tỉnh thành; đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB; các vụ án liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil; hay mới đây nhất là vụ án hình sự xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Vĩnh Phúc…
Nhận diện một số chiêu thức, thủ đoạn của tội phạm tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước
Nghiên cứu các vụ án trên, chúng tôi nhận thấy nổi lên một số chiêu thức, thủ đoạn tinh vi của tội phạm tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước:
Thứ nhất, Lợi dụng chức vụ quyền hạn, chi phối hoạt động doanh nghiệp để tham ô, chiếm đoạt, chiếm dụng tài sản của doanh nghiệp, tài sản của Nhà nước.
Những thủ đoạn phạm tội này có thể thấy rõ qua nhiều vụ án như vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB; các vụ án liên quan đến quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà…
Theo đó, trong vụ án Tham ô tài sản, vi phạm hoạt động ngân hàng, đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan - là vụ án điển hình về tham nhũng xảy ra trong khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dù không trực tiếp giữ chức vụ trong ban lãnh đạo, nhưng với việc sở hữu hơn 90% cổ phần, bà Lan nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng SCB, bao gồm việc tuyển dụng cả nhân sự cấp cao… Qua đó, bà Lan dùng Ngân hàng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 công ty con.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỉ đồng, đồng thời gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh hơn 129.000 tỉ đồng. Hành vi này phạm vào tội tham ô tài sản.
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB là điển hình của tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước (Ảnh: bị cáo Trương Mỹ Lan khai trước tòa)
Hay như các vụ án liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, trong đó vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil đã âm vốn chủ sở hữu trên 462 tỷ đồng; nợ Nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường trên 1.246 tỷ đồng; nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu trên 212 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù công ty nợ trên 1.920 tỷ đồng nhưng Công ty Xuyên Việt Oil lại đang cho bà Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch HĐQT vay 2.978 tỷ đồng…
Đầu tháng 9/2023, Bộ Công an công bố quyết định khởi tố bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil và Phó giám đốc Nguyễn Thị Như Phương về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Tương tự, vụ án xảy ra tại Công ty Hải Hà, kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Trần Tuyết Mai, Chủ tịch HĐTV, kiêm TGĐ Công ty Hải Hà đã chỉ đạo nhân viên thực hiện các hành vi sai phạm lập, sử dụng 2 hệ thống sổ kế toán, khai man, để ngoài sổ kế toán, không kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường đối với trên 3,8 triệu lít xăng A95 đã bán ra trong năm 2020, gây thiệt hại (tạm tính) cho ngân sách Nhà nước số tiền trên 15 tỷ đồng.
Đáng chú ý, công ty này còn vi phạm không nộp số tiền trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) vào tài khoản tiền gửi theo quy định, sử dụng tiền Quỹ BOG trái quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước số tiền trên 317 tỷ đồng.
Thứ hai, thông đồng, cấu kết với doanh nghiệp khác đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu minh bạch để trục lợi gây thiệt hại cho bên thứ ba (có thể là khu vực công hoặc khu vực ngoài nhà nước) .
Đây là những thủ đoạn thường thấy trong các vụ án liên quan hoạt động đấu thầu, đấu giá, tài chính ngân hàng…
Theo đó, các doanh nghiệp trong các vụ án này thường cấu kết, thông đồng với các doanh nghiệp thẩm định giá lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để xác định mức giá cao hoặc thấp nhằm nâng khống hoặc dìm giá tài sản tùy bằng những chứng thư thẩm định theo yêu cầu, lợi ích của các cá nhân, doanh nghiệp liên quan.
Điển hình như trong vụ án Việt Á, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo nhân viên móc ngoặc với các bên nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%; Trong vụ AIC, các doanh nghiệp thẩm định sử dụng báo giá của AIC để ban hành các chứng thư thẩm định giá các gói thầu theo yêu cầu của AIC.
Hay như trong vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, nhóm đối tượng liên quan tại các công ty thẩm định giá, thẩm định viên, cá nhân môi giới dù không thực hiện thẩm định nhưng đã phát hành các Chứng thư Thẩm định giá tài sản theo yêu cầu để thông đồng, hợp thức thủ tục vay vốn, nâng khống giá trị. Kết quả điều tra xác định, hơn một nửa mã tài sản đảm bảo cho 1.284 khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn VTP không đủ pháp lý nhưng vẫn được các công ty thẩm định giá tiếp tay nâng khống giá trị...
Không chỉ cấu kết với doanh nghiệp thẩm định giá, các doanh nghiệp còn cấu kết với các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác như kiểm toán độc lập… đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu minh bạch về tình hình tài chính của doanh nghiệp; tăng khống vốn điều lệ, đánh bóng "thổi phồng" giá trị doanh nghiệp… để lừa đảo các nhà đầu tư - đây là những thủ đoạn thường thấy trong các vụ án liên quan hoạt động chứng khoán, trái phiếu như Vụ Vạn Thịnh Phát, FLC, Tân Hoàng Minh…
Thứ ba, móc ngoặc, cấu kết giữa doanh nghiệp với quan chức có thẩm quyền, nâng đỡ, bảo kê cho doanh nghiệp “thân hữu, sân sau" để trúng thầu, giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản...
Những thủ đoạn này thường thấy trong các vụ án liên quan đến hoạt động đấu thầu dự án, đấu giá tài sản.
Theo đó, trong hoạt động đấu thầu, đấu giá để dễ dàng trúng đấu thầu, trúng đấu giá các đối tượng thường móc nối các cán bộ đơn vị mời thầu, chủ đầu tư và nhiều doanh nghiệp khác nhau, cài cắm các điều khoản có lợi cho doanh nghiệp hoặc nhằm mục đích thao túng hoạt động đấu giá, đấu thầu….
Một số bị cáo trong đại án AIC ( từ trái sang, từ trên xuống: Các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ, Bồ Ngọc Thu, Hoàng Thị Thúy Nga)
Điển hình như, trong chùm các vụ án sai phạm của Công ty AIC dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, các nhân viên dưới quyền của AIC đều trúng thầu bằng các chiêu trò thông thầu, móc ngoặc, điều chỉnh số liệu, cung cấp các thông tin không trung thực về năng lực tài chính nhằm gian lận trong đấu thầu.
Đáng chú ý, cựu Chủ tịch AIC còn chỉ đạo thuộc cấp sử dụng các công ty trong hệ sinh thái của AIC làm "quân xanh" cho Công ty AIC trúng thầu tại các cơ sở y tế nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước như: Đồng Nai, Quảng Ninh, Bắc Ninh… gây thiệt hại ngân sách hàng trăm tỉ đồng.
Tương tự, trong vụ Việt Á, kết quả điều tra cho thấy, quá trình Công ty Việt Á sản xuất và tiêu thụ kit test Covid-19, với mục đích để Công ty Việt Á được thuận lợi trong việc tiêu thụ kit test thu lời bất chính, Phan Quốc Việt trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên liên hệ làm việc và thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, cán bộ các công ty trung gian theo hình thức bán cho các đơn vị, cơ sở y tế qua công ty trung gian; hoặc liên hệ các lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế để Công ty Việt Á giao kit test và các thiết bị, vật tư y tế khác cho các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng trước.
Sau đó các đối tượng cấu kết, thông đồng để hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng để đơn vị, cơ sở y tế thanh quyết toán, chuyển tiền cho Công ty Việt Á và công ty trung gian theo đơn giá do Công ty Việt Á, công ty trung gian đưa ra…
Thứ tư, đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Đây là những thủ đoạn hiển hiện trong hầu hết các vụ án tham nhũng tiêu cực xảy ra trong khu vực ngoài nhà nước có sự cấu kết thông đồng với các một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước bị phát hiện và xử lý trong thời gian qua.
Điển hình như trong vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB cho thấy để che giấu hành vi phạm tội khi bị thanh tra kiểm tra, chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo nhóm thân tín nắm giữ chức vụ chủ chốt tại SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tổ trưởng tổ giám sát tăng cường tại Ngân hàng SCB… Các cán bộ có thẩm quyền sau khi nhận tiền đã bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ về tình trạng bết bát của SCB để nhà băng này không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Theo đó, khi bị thanh tra, bà Trương Mỹ Lan đã cho người đưa hối lộ 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỉ đồng) cho trưởng đoàn thanh tra lúc đó là bà Đỗ Thị Nhàn (nguyên cục trưởng cục II thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát NH - NH Nhà nước) để bưng bít, che giấu sai phạm.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (nguyên cục trưởng cục II thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát NH - NH Nhà nước) bị cơ quan tố tụng truy tố tội "Nhận hối lộ"
Bà Đỗ Thị Nhàn bị cơ quan tố tụng truy tố tội "Nhận hối lộ". Ngoài cựu cục trưởng Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ, các thành viên trong đoàn thanh tra SCB cũng đều nhận tiền, người ít nhất là hơn 100 triệu và người nhận nhiều nhất 8,7 tỷ đồng nhiều người đã bị cơ quan tố tụng truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Hay như trong hàng loạt các vụ án khác như vụ Việt Á, AIC; Xuyên Việt Oil; mới đây nhất liên quan vụ án hình sự xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn), Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long (Công ty Bất động sản Thăng Long) … cơ quan chức năng đều khởi tố điều tra về hành vi “đưa - nhận hối lộ” đối với một số bị can.
Những lỗ hổng chính sách pháp luật
Tham nhũng luôn được coi là một trong những trở ngại lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh trong khu vực ngoài nhà nước vì nó làm tăng chi phí kinh doanh, làm "biến dạng" môi trường cạnh tranh, hạn chế cơ hội đầu tư và gia tăng bất bình đẳng xã hội.
Nhằm góp phần xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước, Luật PCTN năm 2018 dành một chương (Chương VI) quy định về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, trong đó quy định cụ thể về các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước và quy định việc áp dụng pháp luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Điều 80 Luật PCTN cũng quy định các đối tượng được điều chỉnh bởi luật này gồm: công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.
Để cụ thể hóa Luật PCTN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN. Trong đó, có những quy định về thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức xã hội ngoài nhà nước và quy định về trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý…
Ngoài Luật PCTN năm 2018, một số văn bản luật khác cũng đã quy định về PCTN khu vực ngoài nhà nước như: Khoản 2 và 3, Điều 8, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc thực hiện PCTN; Khoản 6, Điều 41, Luật Chứng khoán năm 2019, nêu một số quy định có liên quan đến phòng ngừa tham nhũng ở công ty đại chúng.
Đáng chú ý, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có nhiều quy định nhằm hạn chế tình trạng thao túng, chi phối tổ chức tín dụng như: Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành, quản lý rủi ro tiệm cận với thông lệ tốt về quản trị công ty; tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; đồng thời sửa đổi một số quy định nhằm hạn chế tình trạng thao túng, chi phối tổ chức tín dụng bên cạnh yêu cầu chặt chẽ về quản trị, điều hành…
Như vậy, mặc dù Luật PCTN năm 2018 và một số Luật chuyên ngành đã có nhiều quy định liên quan đến PCTN, TC trong khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, qua nghiên cứu phân tích một số vụ án tham nhũng tiêu cực trong khu vực ngoài nhà nước xảy ra gần đây, chúng tôi nhận thấy hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật vẫn còn tồn tại không ít những hạn chế.
Hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, đấu thầu, đấu giá, Luật quản lý tài sản công,… vẫn còn tồn tại nhiều kẽ hở
Điển hình như lỗ hổng trong các quy định trong luật đấu thầu, đấu giá tài sản, quản lý sử dụng tài sản công... Đặc biệt là những lỗ hổng trong các quy định về thẩm định giá trong Luật giá và cả những những bất cập, hạn chế trong các quy định về cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động đấu thầu, đấu giá; kiểm soát quyền lực của những quan chức có quyền quyết định trong đấu thầu, đấu giá… tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng “lách luật” để trục lợi hay cấu kết, thông đồng với cán bộ, quan chức bảo kê , sân sau, thiết lập liên minh, “quân xanh, quân đỏ”… trong hoạt động đấu thầu, đấu giá. Hầu hết những điều này đều đã được cơ quan chức năng nhận diện và chỉ ra trong quá trình đấu tranh, điều tra các vụ án lớn như Việt Á, AIC…
Hay như, lỗ hổng trong các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là quản lý sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo đó quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Quỹ bình ổn giá được lập tại doanh nghiệp khi Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, việc này dẫn tới nguy cơ các doanh nghiệp chiếm dụng quỹ. Điều này có có thể thấy rõ trong loạt các vụ án liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà…
Đặc biệt, qua vụ án Vạn Thịnh Phát và ngân Hàng SCB cho thấy nhiều lỗ hổng trong quản lý giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, đặc biệt là vấn đề ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, cho vay sân sau.
Cụ thể, mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) cũng đã có nhiều quy định nhằm hạn chế tình trạng thao túng, chi phối tổ chức tín dụng như cá quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng của các cổ đông (cá nhân, tổ chức); hay các quy định về cho vay “nội bộ”, người có liên quan và siết hạn mức dư nợ cấp tín dụng… Tuy nhiên thực tế cho thấy vấn đề kiểm soát được cổ phần ngân hàng thực tế của cá nhân/ tổ chức hay ngăn chặn sự chi phối, ảnh hưởng của cổ đông đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng… trong thực tế là vô cùng khó khăn.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, người đăng ký thành lập doanh nghiệp khi nộp hồ sơ, giấy tờ thì chỉ cần hồ sơ hợp lệ (tự cung cấp thông tin về vốn, điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, địa điểm kinh doanh…) là được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không buộc cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra tính hợp pháp giấy tờ. Tuy nhiên, đây lại là lỗ hổng rất lớn để một số đối tượng lợi dụng nhờ người thân trong gia đình, thuê người hoặc sử dụng CMND/CCCD của người không quen biết đứng tên đại diện pháp luật thành lập công ty “ma” để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo huy động vốn, buôn lậu, mua bán hóa đơn GTGT...
Một số chuyên gia cho rằng dù cho Luật Các tổ chức tín dụng có quy định giảm bớt tỷ lệ sở hữu cổ phần, siết quy định cho vay đối với cá nhân tổ chức liên quan… thì các tập đoàn sân sau vẫn dễ dàng “lách” quy định bằng việc nhờ đứng tên sở hữu cổ phần, thậm chí thành lập doanh nghiệp trong hệ sinh thái hàng nghìn doanh nghiệp để thao túng hoạt động ngân hàng như trường hợp của Vạn Thịnh Phát và ngân Hàng SCB vừa qua.
Ngoài ra, trong hoạt động của những doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, công ty đại chúng, ngân hàng thương mại… còn thiếu những quy định quy định công khai, minh bạch nhằm tách biệt rõ ràng quyền, trách nhiệm đội ngũ quản lý và chủ doanh nghiệp; tách bạch tài sản của doanh nghiệp với chủ doanh nghiệp… Điều này dẫn đến luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các hành vi sai phạm, tham nhũng của những người có thẩm quyền quản lý hoặc ngược lại sự can thiệp, thao túng, xâm phạm nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của những chủ sở hữu. Các vụ án Vạn Thịnh Phát – SCB hay vu Xuyên Việt Oil, Hải Hà, là những ví dụ điển hình.
Một số bất cập, hạn chế trong cơ chế xử lý tham nhũng khu vực ngoài nhà nước
Bên cạnh đó, qua theo dõi công tác tố tụng các vụ án nói trên chúng tôi nhận thấy, không chỉ pháp luật đang tồn tại lỗ hổng mà ngay cả cơ chế xử lý tham nhũng cũng đang tồn tại không ít hạn chế, bất cập. Bởi, thực tế nhiều vụ khi đã phát hiện dấu hiệu rõ ràng tham nhũng nhưng cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong xử lý.
Thứ nhất, tồn tại sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ giữa luật Luật PCTN và BLHS dẫn đến khó áp dụng. Cụ thể, BLHS năm 2015 sửa đổi 2017, tại Mục 1, Chương XXIII quy định các tội phạm tham nhũng, gồm: Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tội lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Tội giả mạo trong công tác.
Tuy nhiên, theo quy định tại Luật PCTN 2018, các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước chỉ bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Như vậy, theo quy định tại Luật PCTN hành vi “đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi” là một trong những hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, BLHS lại không quy định tội “đưa hối lội”, “môi giới hối lộ” thuộc nhóm các tội tham nhũng tại Mục 1, Chương XXIII mà lại quy định thuộc nhóm các tội phạm chức vụ tại Mục 2, Chương XXIII
Thứ hai, theo quy định của BLHS hiện hành, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội tham nhũng chỉ đặt ra đối với cá nhân. Trong khi đó, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, vì muốn giành được các lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đấu thầu, đấu giá…, các pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức… gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, làm méo mó cạnh tranh, cản trở sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.
Trong nhiều trường hợp, các cá nhân thực hiện hành vi phạm tội chỉ là người làm thuê, là người triển khai thực hiện quyết định, chính sách của cả tập thể (Hội đồng quản trị, Ban giám đốc…) nhân danh pháp nhân và vì lợi ích của pháp nhân. Tuy nhiên pháp luật hình sự chỉ quy định cá nhân đại diện cho pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự, còn pháp nhân được hưởng lợi từ hành vi đó mà không phải chịu trách nhiệm hình sự là bất hợp lý, không thuyết phục, thiếu công bằng.
Thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ giữa một số qui định trong luật Luật PCTN và BLHS dẫn đến khó áp dụng
Thứ ba, trong thời gian qua sự phát triển và đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng nhiều vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đặc biệt, thực hiện chủ chương xã hội hoá các dịch vụ công, ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân, cá nhân tham gia vào việc thực hiện, cung ứng các dịch vụ công như: Công chứng, thẩm định giá, kiểm toán, giám định,... vì lợi ích không ít trường hợp cá nhân, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước nhận tiền, tài sản để làm những việc sai trái theo yêu cầu của người đưa tiền, tài sản.
Mặc dù, tại khoản 6, Điều 354 BLHS có quy định về tội “nhận hối lộ” trong khu vực ngoài nhà nước: “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể rõ ràng về điều này dẫn đến khi áp dụng trên thực tiễn.
Bên cạnh đó, ở khu vực ngoài Nhà nước, công tác điều tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện PCTN, TC đặc biệt là tội phạm nhận hối lộ rất khó khăn và không đủ nguồn nhân lực để thực hiện. Và thực tế cũng đã chỉ ra rằng, nhiều trường hợp rõ ràng có dấu hiệu của hành vi nhận hối lộ nhưng rất hiếm khi vụ án được đưa ra điều tra và xét xử.
Điển hình như trong các vụ án Việt Á ,Vạn Thịnh Phát và SCB hay vụ AIC… kết quả điều tra đều cho thấy các đối tượng tại các công ty thẩm định giá đều thừa nhận được hưởng lợi tiền hoa hồng lên tời hàng trăm triệu đồng từ việc thẩm định, môi giới thẩm định giá tài sản cho các doanh nghiệp này tuy nhiên hầu hết các đối tượng này chỉ bị xử lý với vai trò là đồng phạm về các tội danh: vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng… mà hiếm khi bị các đối tượng có chức vụ quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức tư nhân bị xử lý về tội nhận hối lộ.
Thứ tư, Luật PCTN quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Tuy nhiên, các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước chỉ bao gồm 4 hành vi: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Theo chúng tôi phạm vi như vậy là còn khá hẹp bởi thực tế, qua một số vụ án liên quan đến các đối tượng làm giả hồ sơ thầu, hồ sơ vay vốn, hồ sơ kiểm toán độc lập, thẩm định giá… bị Cơ quan CSĐT khởi tố cho thấy, hành vi của các đối tượng là làm giả và bán hồ sơ thầu, hồ sơ vay vốn, hồ sơ kiểm toán độc lập, thẩm định giá giả có dấu hiệu của tội “Giả mạo trong công tác”, đối diện với hình phạt lên đến 20 năm tù. Tuy nhiên, theo Luật PCTN, chủ thể thực hiện hành vi này không được đưa vào xử lý mà buộc phải xử lý về tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức với mức hình phạt chỉ 7 năm tù…
Kiến nghị
Có thể khẳng định, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đang ngày càng quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nhiều vụ án tiêu cực tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến các doanh nghiệp trong khối tư nhân được phát hiện xử lý kịp thời theo đúng tinh thần Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN,TC không chỉ dừng lại trong khu vực nhà nước mà đã từng bước được mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước.
Song từ thực tế theo dõi công tác tố tụng và nghiên cứu các vụ án tham nhũng tiêu cực thời gian qua, chúng tôi nhận thấy chính sách pháp luật PCTN,TC, cơ chế xử lý tội phạm tham nhũng khu vực ngoài nhà nước vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Do đó, để công tác PCTN,TC nói chung và PCTN, TC khu vực ngoài nhà nước tiếp tục hiệu quả hơn nữa, chúng tôi cho rằng các cơ cơ quan chức năng cần cấp thiết phải có những giải pháp vừa cấp bách trước mắt vừa căn cơ lâu dài nhằm xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức ngoài nhà nước – nói không với tham nhũng.
Theo đó, về giải pháp cấp bách , trước mắt chúng tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các doanh nghiệp đặc biệt là thanh tra, kiểm tra trách nhiệm doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về PCTN, TC… kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật nói chung, pháp luật PCTN, TC nói riêng.
Về giải pháp căn cơ lâu dài, cuộc đấu tranh PCTN, TC trong khu vực ngoài nhà nước sẽ đạt hiệu quả và toàn diện nếu chúng ta có vũ khí sắc bén hơn - đó là quy định pháp luật toàn diện, từ khâu phòng ngừa cho đến ngăn chặn, trong đó cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nhằm khắc phục những hạn chế, sơ hở, bất cập trong các văn bản pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để bịt kín những lỗ hổng làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, đấu thầu, đấu giá, Luật quản lý tài sản công, Luật Các tổ chức tín dụng… qua đó, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, lành mạnh, cạnh tranh bằng chính năng lực của doanh nghiệp, ngăn chặn sự cấu kết, móc nối giữa doanh nghiệp với những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước.
Thứ hai, rà soát, sửa đổi bổ sung BLHS, Luật PCTN và các luật kinh tế, đầu tư khác có liên quan … nhằm khắc phục những bất cập, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong các quy định liên quan đến PCTN, TC trong khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời các cơ quan chức năng cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các quy định pháp luật PCTN, TC trong khu vực ngoài nhà nước. Đặc biệt, là hướng dẫn chi tiết xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật PCTN, TC; xử lý tội phạm tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước… để áp dụng thống nhất trên tất cả các lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp.
Thứ ba, nghiên cứu sửa đổi BLHS theo hướng bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tham nhũng. Để làm cơ sở pháp lý để xử lý pháp nhân trong khu vực ngoài nhà nước thực hiện hành vi tham nhũng.
Thứ tư, nghiên cứu sửa đổi Luật PCTN, BLHS theo hướng mở rộng phạm vi xử lý các hành vi tham nhũng do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện. Trong đó có các hành vi như: lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ được giao vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ được giao; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; ;lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công, tài sản của doanh nghiệp vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ được giao vì vụ lợi… Từ đó có đủ cơ sở pháp lý để xử lý pháp nhân, cá nhân trong khu vực ngoài nhà nước thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mang bản chất tham nhũng nhằm tránh hiện tượng bỏ lọt tội phạm có liên quan đến tham nhũng.
…………………….
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Doanh nghiệp năm 2020 (số 59/2020/QH14).
2. Luật Chứng khoán năm 2019 (số 54/2020/QH14).
3. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (số 32/2024/QH15).
4. Bộ luật hình sự 2015 (số 100/2015/QH13); Bộ luật hình sự sửa đổi 2017 (số 12/2017/QH14)
5. Luật PCTN năm 2018 (số 36/2020/QH14); Nghị định (số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN.
6. Thông báo Kết luận số 12-TB/TW ngày 06/4/2022, của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
7. Th.S Đàm Văn Lợi (Ban Nội chính Trung ương) - Đảng lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước – Tạp chí Xây dựng Đảng (https://www.xaydungdang.org.vn/)
Đinh Văn Chiến