Pháp luật hình sự chưa có quy định hướng dẫn về xác định khoản thiệt hại cho nhà đầu tư phát sinh từ các hành vi tội phạm về chứng khoán (ảnh minh hoạ)
Khó xác định thiệt hại của nhà đầu tư
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.
Theo kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết có đơn của 685 nhà đầu tư (NĐT) tố cáo hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” của ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm, đồng thời đề nghị bồi thường thiệt hại đối với 6 mã chứng khoán nhóm FLC.
Về số đơn thư này, trong kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã phân loại giải quyết theo quy định. Theo đó, riêng đối với các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros, Cơ quan điều tra cho biết đã phân loại, ghi lời khai, xác định bị hại kết luận trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
685 nhà đầu tư có đơn tố cáo ông Trịnh Văn Quyết và đề nghị bồi thường thiệt hại với 6 mã chứng khoán nhóm FLC (ảnh minh hoạ)
Đáng chú ý, đối với các nhà đầu tư mua cổ phiếu AMD, ART, HAI, GAB, FLC, Cơ quan điều tra cho rằng không có căn cứ để xem xét giải quyết do không đủ căn cứ xác định thiệt hại của các nhà đầu tư do hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán" của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây ra, theo kết luận giám định ngày 23/10/2023 của Bộ Tài chính.
Điều đáng nói là, đây không phải là vụ án thao túng thị trường chứng khoán duy nhất mà cơ quan chức năng không thể xác định được thiệt hại thực tế của nhà đầu tư do hành vi thao túng chứng khoán mà các đối tượng phạm gây ra.
Trước đó, trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Louis Holdings và Công ty chứng khoán Trí Việt, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Đỗ Thành Nhân 5 năm 6 tháng tù về tội thao túng thị trường chứng khoán.
Trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng cũng không xác định được người bị hại – nhà đầu tư chứng khoán đầu cổ phiếu bị thao túng, cũng như thiệt hại thực tế của các nhà đầu tư. Chính vì thế, ngoài án phạt tù dành cho các bị cáo, trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự này được tuyên như sau: “Hội đồng xét xử nhận thấy, khoản tiền hơn 154 tỷ đồng các bị cáo thu lợi bất hợp pháp cần thu hồi để sung công quỹ”.
Nhóm bị cáo Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings, tại phiên tòa xét xử vụ thao túng 2 mã cổ phiếu BII và TGG
Theo quy định pháp luật, tất cả thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm pháp luật gây ra đều phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS): “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau: có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác; có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Tuy nhiên, nhìn vào 2 vụ án trên, việc không đủ căn cứ xác định thiệt hại của các nhà đầu tư do hành vi “thao túng thị trường chứng khoán" của Trịnh Văn Quyết , Đỗ Thành Nhân và đồng phạm gây ra, khiến dư luận băn khoăn về công tác bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong một số hoạt động đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán ? Và đặt câu hỏi, vậy nguyên nhân do đâu ?
Nhiều nguyên nhân
Trao đổi với Phóng viên TCPL, Luật sư Lê Cao - Giám đốc Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) cho biết, trong tố tụng các tội danh khác hay quan hệ pháp lý thông thường việc xác định một bên bị hại có phần đơn giản hơn do các mối quan hệ trực tiếp xảy ra, từ đó việc truy hệ thống quan hệ pháp lý, xác định hành vi, xác định mối quan hệ nhân quả, xác định bị can, bị hại cũng có cơ sở dễ hơn. Tuy nhiên, đối với tội thao túng thị trường chứng khoán, hành vi thao túng xâm phạm đến trật tự quản lý của nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, đối tượng tác động của tội phạm này là thị trường chứng khoán nói chung, từ đó thị trường bị thao túng thì các mã cổ phiếu, chứng khoán bị phù phép, dẫn đến nhà đầu tư bị thiệt hại về tài sản khi đầu tư vào các mã chứng khoán đó. Hơn nữa, các hoạt động mua bán chứng khoán lại diễn ra trên thị trường chứng khoán đặc thù, nhiều thao tác hành vi thông qua nghiệp vụ chứng khoán, kênh, phương thức trung gian, công cụ điện tử, nhiều mối quan hệ pháp lý được xác lập dựa trên phương thức điện tử và dựa trên hệ thống mạng lưới internet, do vậy việc xác định các vấn đề pháp lý liên quan phức tạp hơn.
Luật sư Lê Cao - Giám đốc Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng)
Theo quy định tại Điều 62, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
Trong tố tụng các vụ án thao túng thị trường chứng khoán, cơ quan điều tra sẽ điều tra hoạt động thao túng chứng khoán, các lệnh giao dịch, lịch sử giao dịch chứng khoán, yêu cầu các cơ quan quản lý, các bên môi giới, sàn chứng khoán cung cấp để tìm ra những đầu mối chứng cứ để chứng minh tội phạm. Đây cũng là cơ sở để xác định thiệt hại và người bị thiệt hại để đảm bảo vụ án được giải quyết triệt để, cũng là cơ sở để bảo vệ quyền lợi của những nhà đầu tư bị thiệt hại.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong các vụ thao túng chứng khoán có nhà đầu tư thu được lợi nhuận, có nhà đầu tư thua lỗ nhưng việc xác định ai là nạn nhân, là bị hại của vụ án hình sự, mức độ thiệt hại thực tế của các nhà đầu tư thường rất khó.
Một trong những nguyên nhân khác đến từ bất cập của pháp luật. Cụ thể, tội Thao túng chứng khoán được quy định tại Điều 211, Bộ luật Hình sự 2015 là tội cấu thành tội phạm vật chất. Theo đó, các dấu hiệu bắt buộc của tội phạm là hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại do hành vi gây ra. Như vậy, một trong các căn cứ xác định tội phạm là phải xác định hậu quả là là “thu lời bất chính từ 500 triệu đồng trở lên” hoặc “gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên”. Tuy nhiên, việc xác định giá trị thiệt hại của nhà đầu tư cũng rất khó bởi vẫn vướng quy định pháp luật.
Bởi, mặc dù, hiện nay việc xác định giá trị khoản thu nhập bất chính được thực hiện theo Thông tư 117/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính quy định phương pháp tính khoản thu trái pháp luật thì tổng khoản thu trái pháp luật/số lợi bất hợp pháp có được hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại của nhà đầu tư phụ thuộc vào việc trưng cầu giám giám theo quy định Thông tư số 40/2022/TT-BTC của Bộ tài chính về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính và Luật giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Và điều quan trọng là việc xác định giá trị thiệt hại của nhà đầu tư thì pháp luật lại chưa có quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý xác định thiệt hại đối với những nhà đầu tư tham gia mua bán các mã chứng khoán trong các giai đoạn bị thao túng.
Hơn thế nữa, trên thực tế, đối với các khoản “gây thiệt hại cho các nhà đầu tư”, không phải nhà đầu tư nào bị thiệt hại cũng mong muốn đến cơ quan chức năng trình báo vì tâm lý ngại mất thời gian, sợ ảnh hưởng đến uy tín của bản thân, hoặc một số khác do thực hiện nhiều giao dịch mua bán cổ phiếu không thể chính xác và có tâm lý chấp nhận số tiền thiệt hại đó như một khoản “đầu tư rủi ro”. Do vậy, một phần số tiền “gây thiệt hại cho các nhà đầu tư” không được tính đến. Do đó, trong thực tế có nhiều vụ việc dù chứng minh được hành vi khách quan nhưng lại không thể xác định được thiệt hại thực tế của nhà đầu tư.
Mặc dù ở khía cạnh pháp luật về giám định tư pháp, đã có Thông tư số 40/2022/TT-BTC có quy định giám định trong lĩnh vực tài chính là một lĩnh vực riêng đặc thù, nhưng lại chưa có bất kỳ quy định về quy trình riêng nào liên quan đến hoạt động giám định này, nhất là đối với vấn đề thiệt hại do các giao dịch chứng khoán bị thao túng gây ra. Các phương pháp xác định thiệt hại, cơ sở xác định thiệt hại, thời gian, nguyên tắc xác định thiệt hại liên quan đến các giao dịch chứng khoán chưa được quy định rõ, để các cơ quan giám định có thể sử dụng các các quy định đó làm cơ sở cho việc giám định.
Điển hình như trong vụ án FLC, có thể thấy, cơ quan điều tra cũng trưng cầu giám định để xác định số tiền gây thiệt hại cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu đối với 5 mã chứng khoán AMD, HAI, GAB, ART và FLC trong các giai đoạn. Tuy nhiên Kết luận giám định ngày 23/10/2023 của Bộ Tài chính xác định không đủ căn cứ xác định thiệt hại của các nhà đầu tư do hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán". Hay như trong vụ án Louis Holdings không ghi nhận bị hại nào. Do đó, toàn bộ số tiền hơn 154 tỷ đồng thu lợi bất chính của các bị cáo đã được Tòa án tịch thu để sung công quỹ, Luật sư Lê Cao phân tích.
Kiến nghị
Trong các vụ án hình sự, bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội, việc bảo vệ quyền, lợi ích của người bị hại, giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra cũng vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
Thực tế một số vụ án về thao túng thị trường chứng khoán gần đây cho thấy, bảo vệ quyền, lợi ích của người bị hại, giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi thao túng chứng khoán gây ra vẫn còn bất cập. Một số nguyên nhân như chúng tôi đã phân tích ở trên. Trong đó có vấn đề xác định, chứng minh thiệt hại của nhà đầu tư do hành vi thao túng thị trường chứng khoán gây ra. Đặc biệt là về căn cứ xác định thiệt hại, hiện nay chưa có các quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý đối với những nhà đầu tư tham gia mua bán các mã chứng khoán trong các giai đoạn bị thao túng. Chính điều này khiến cho nhiều vụ việc thao túng chứng khoán dù chứng minh được hành vi khách quan nhưng lại không chứng minh được hậu quả của hành vi (thiệt hại của cá nhân, nhà đầu tư khác) dẫn đến việc hành vi vi phạm chỉ dừng lại ở mức độ vi phạm hành chính. Đồng thời, không đủ cơ sở để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của nhà đầu tư, dẫn tới quyền, lợi ích của nhà đầu tư trong một số trường hợp không được đảm bảo.
Từ những nghiên cứu thực tế nêu trên, chúng tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần gấp rút nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, giám định tư pháp, chứng khoán… trong đó cần chú trọng hoàn thiện, bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ các bên liên quan trong trường hợp có hành vi thao túng thị trường chứng khoán; ban hành quy định cụ thể về cơ sở, điều kiện, phương thức xác định thiệt hại trong vụ án hình sự đối với các thiệt hại do thao túng thị trường chứng khoán.
Lê Cao - Đinh Chiến