NSƯT Xuân Mùi chia sẻ về việc hát quan họ nhận “tiền thướng”
Theo Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Xuân Mùi - nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, "nét làm nên đặc sắc của Hội Lim là hát quan họ, nhiều người không hiểu đã đưa ra hình ảnh “ngửa nón xin tiền” làm xấu đi hình ảnh của các liền anh, liền chị".
NSƯT Xuân Mùi cho biết “thướng tiền” là từ của dân gian, nói cách khác đây là từ thưởng nhưng nghe cao sang hơn, vì vậy, người xưa hay dùng từ "thướng" thay cho từ "thưởng".
"Việc “thướng tiền” của người nghe là tùy tâm, "thướng tiền" không phân biệt mệnh giá và giá trị, miễn là thành tâm. Nói cách khác từ “thướng tiền” ở đây được coi là “mỹ tục”, là những hình ảnh đẹp đã có từ xa xưa", NSƯT Xuân Mùi cho biết.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một hình thức hát giao duyên giữa các liền anh liền chị. Đây là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng.
Du khách được thưởng thức nhiều làn điệu quan họ từ các làng quan họ cổ của không gian văn hoá quan họ nguyên bản nhất, từ hát cửa đình, cửa chùa, hát tại gia đình nghệ nhân, hát tại lán tới hát dưới thuyền.
Những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm, cách hát theo lối truyền thống không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người hát Quan họ.
Trước đây, các liền anh, liền chị ở những làng quan họ đến đồi Lim với mục đích giao duyên với nhau là chính, họ không để tâm đến yếu tố khán giả và cũng không quan tâm đến “thưởng tiền” của du khách.
Theo quan niệm của người Quan họ, nghệ nhân là những người có kỹ năng hát “vang, rền, nền, nẩy” điêu luyện, thuộc nhiều bài, nhiều “giọng” Quan họ. Họ chính là những bậc thầy dân gian thực hành việc sáng tạo, lưu giữ và trao truyền vốn di sản quý báu đó cho các thế hệ mai sau nên rất xứng đáng được tôn vinh.
Việc các nghệ nhân hát hay, người nghe thích thú thưởng tiền cho các liền anh, liền chị một chút tiền được những nghệ nhân quan họ hiểu rằng đây là một sự động viên, khích lệ người hát, là điều rất đỗi bình thường.
Hình ảnh người dân vui vẻ “thướng tiền” cho liền anh, liền chị tại hội Lim 2024
Nói tiếp về câu chuyện “ngửa nón xin tiền”, ông Nguyễn Đại Đồng - chủ tịch UBND huyện Tiên Du - chia sẻ: "Nói vậy không chính xác đâu. Người Bắc Ninh và người Tiên Du không đói đến mức ngửa nón xin tiền".
Theo ông Đồng, ở vùng đất quan họ dịp đầu năm mới, nếu thích thú hoặc muốn động viên các liền anh, liền chị sau một tiết mục nào đó, người ta hay "thướng" (tương đương với chữ "thưởng"). Đây là một truyền thống tốt đẹp, không ép buộc, ai thích thì thướng. Người nhận và người thướng đều thấy lòng vui vẻ trong không khí đầu xuân.
Lễ hội Lim năm nay ông Đồng cho biết, năm 2024 được tổ chức trong 2 ngày, ngày 21-22/2/2024 (tức ngày 12 và 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại 03 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là Thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão. Trong đó Trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim) thị trấn Lim.
Theo ông Đồng, ngày 22/1/2024, Ban chỉ đạo lễ Hội Lim xuân Giáp Thìn đã ra kế hoạch số 02/KH-BCĐ về việc quản lý, tổ chức lễ hội Lim xuân Giáp Thìn có lưu ý về các điểm hát quan họ nhận tiền “thướng” của du khách phải đảm bảo văn hóa, phù hợp với giá trị truyền thống. Khuyến khích các điểm hát quan họ dùng nhạc cụ dân tộc. Không hát nhạc mới, hát chèo, hát văn nhảy đồng, các loại nhạc khác không phù hợp.
Để thực hiện tốt công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức lễ hội xuân Giáp Thìn 2024, ông Đồng cho rằng cần có sự chỉ đạo của Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành đoàn thể và các tầng lớp nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc, quảng bá Di sản văn hóa quan họ Bắc Ninh và hình ảnh lễ hội trong mắt du khách thập phương và bạn bè quốc tế, để Hội Lim luôn là “Điểm đến thân thiện, an toàn và hấp dẫn".
Bùi Lộc