Mục tiêu chung của Đề án nhằm phát huy vai trò của luật gia và Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), cung cấp kịp thời, có chất lượng cho người dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về quyền được thông tin và cung cấp dịch vụ pháp lý của Nhân dân; tăng cường xã hội hóa công tác PBGDPL trên cơ sở phát huy vai trò của luật gia và Hội Luật gia các cấp, vận động, thu hút các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp góp phần tăng cường hiệu quả thực thi công vụ và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của Nhân dân, thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 1 (Từ năm 2024 đến năm 2026) là hàng năm, phấn đấu 100% các cấp Hội Luật gia, 100% luật gia hoạt động chuyên trách, 40 - 50% luật gia đã nghỉ hưu, luật gia đang hành nghề khác và 5 - 10% luật gia đang công tác (công chức, viên chức) tham gia vào công tác PBGDPL, đưa pháp luật vào cuộc sống, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật.
Phấn đấu 100% tổ chức Hội Luật gia cấp xã tham gia xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Xây dựng mới hoặc chuẩn hóa các mô hình, cách làm chuyên nghiệp, hiệu quả đang vận hành để thu hút các luật gia và nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL. Thực hiện hoạt động chỉ đạo điểm tại 10 địa phương đại diện các vùng, miền trên cả nước.
Giai đoạn 2 (Từ năm 2027 đến năm 2030), hàng năm, phấn đấu 100% các cấp Hội Luật gia, 100% luật gia hoạt động chuyên trách, 60 - 80% luật gia đã nghỉ hưu, luật gia đang hành nghề khác và 10 - 15% luật gia đang công tác (công chức, viên chức) tham gia vào công tác PBGDPL, đưa pháp luật vào cuộc sống, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật.
Chuẩn hóa các mô hình, cách làm chuyên nghiệp, hiệu quả của Hội Luật gia các cấp về PBGDPL, phấn đấu mỗi tỉnh có tối thiểu 30 - 40 đơn vị (cấp huyện, xã) vận hành mô hình PBGDPL hiệu quả. Nhân rộng hoạt động chỉ đạo điểm lên 20 địa phương đại diện các vùng, miền trên cả nước; tổng kết, rút kinh nghiệm việc chỉ đạo điểm.
Đối tượng của Đề án gồm: Các cấp Hội Luật gia, hội viên Hội Luật gia Việt Nam; vận động, thu hút các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp cùng tham gia. Người dân, trong đó tập trung ưu tiên cho các nhóm đặc thù, yếu thế trong xã hội.
Đề án được thực hiện trong phạm vi cả nước. Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2024 đến năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Đề án cũng nêu rõ những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm:
1. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò và phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác PBGDPL. Tăng cường chỉ đạo, giao nhiệm vụ PBGDPL cho các cấp Hội.
2. Phát huy vai trò thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL của Hội Luật gia các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL tại các cấp Hội Luật gia. Xây dựng chương trình làm việc cụ thể, có nội dung, mục tiêu rõ ràng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các đơn vị, cấp Hội.
3. Kiện toàn tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL của Hội Luật gia các cấp.
4. Nâng cao năng lực cho Hội Luật gia các cấp để tham gia thực hiện PBGDPL.
5. Xây dựng các mô hình, cách làm chuyên nghiệp, hiệu quả để thu hút các luật gia và nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL. Rà soát, đánh giá lại mô hình Trung tâm Pháp luật cộng đồng tại xã, phường, thị trấn của Hội Luật gia; tiếp tục nhân rộng các mô hình đang phát huy hiệu quả, trên cơ sở đó tổ chức tổng kết, chuẩn hóa mô hình và nhân rộng ra cả nước.
6. Trên cơ sở định hướng công tác PBGDPL hàng năm và theo từng giai đoạn của các cơ quan nhà nước, Hội Luật gia các cấp tổ chức PBGDPL cho cán bộ, hội viên và Nhân dân. Hàng năm, các cấp Hội và hội viên tham gia PBGDPL, đưa pháp luật vào cuộc sống, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật; các tổ chức Hội Luật gia cấp xã tham gia xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
7. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia cùng Hội Luật gia các cấp thực hiện PBGDPL.
8. Chuyển đổi số trong PBGDPL thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho từng khâu của công tác PBGDPL.
9. Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, cách thức thực hiện PBGDPL. Phát huy hiệu quả các kênh thông tin pháp luật của Hội Luật gia các cấp như: tạp chí, bản tin pháp luật, Trung tâm tư vấn pháp luật.v.v... nhằm góp phần hỗ trợ việc tiếp cận pháp luật của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế.
10. Phối hợp tham gia thực hiện có hiệu quả các Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027"; Đề án "Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL"; Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân"; Đề án "Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kh vực biên giới, hải đảo giai đoạn 2024 - 2030" và các Đề án khác liên quan sau khi được Thủ tướng phê duyệt.
11. Triển khai, nhân rộng các hoạt động chỉ đạo điểm.
12. Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
Kinh phí thực hiện Đề án do NSNN bảo đảm, được bố trí trong dự toán NSNN hàng năm của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương có liên quan theo phân cấp ngân sách hiện hành; ngoài ra được huy động từ các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Link nội dung: https://phaply.net.vn/phat-huy-vai-tro-cua-hoi-luat-gia-trong-cong-tac-pho-bien-giao-duc-phap-luat-a257861.html