Khu "đất vàng" rộng hơn 30.000m2 đất tại số 152 Trần Phú có vị trí đắc địa với 3 mặt tiền
TP.HCM gấp rút thu hồi hơn 30.000m2 “đất vàng” tại số 152 Trần Phú
Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định thu hồi hơn 30.000m2 đất tại số 152 Trần Phú, phường 4, quận 5, từ Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) vì chuyển nhượng trái phép. Liên quan đến sai phạm tại khu đất hơn 30.000m2 tại số 152 Trần Phú, UBND TP.HCM, trước đó hồi tháng 10/2022, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo số 1871/TB-TTCP kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
Theo kết luận thanh tra, trong hoạt động đầu tư xây dựng, Vinataba đã để xảy ra một số sai phạm trong việc thực hiện góp vốn dự án tại 152 Trần Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, doanh nghiệp này không thực hiện đánh giá lại tài sản là không đúng quy định về quản lý tài sản doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, Vinataba còn làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng hơn 30.927m2 đất tại số 152 Trần Phú không xin phép Thủ tướng Chính phủ và đồng thời không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, có nguy cơ thất thoát tiền của Nhà nước, của doanh nghiệp.
Với những sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì cùng Bộ Tài chính, UBND TP.HCM, Vinataba và các Bộ, ngành liên quan thu hồi cơ sở nhà đất 30.927,7m2 tại 152 Trần Phú và xử lý các phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất này.
Theo Quyết định của UBND TP.HCM, khu đất 30.972,7m2 thuộc thửa số 38, tờ bản đồ số 10 (theo tài liệu đo năm 2003), tọa lạc tại số 152 Trần Phú, phường 4, quận 5. Khu đất được UBND TP.HCM cho phép Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (nay là Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam - Công ty TNHH MTV) chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, căn hộ cao cấp tại Quyết định số 4089/QĐ-UBND ngày 25/9/2008; được điều chỉnh diện tích đất tại Quyết định số 4985/QĐ-UBND ngày 18/11/2008.
Ngày 19/1/2009, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ khu đất trên và đã đăng ký biến động ngày 26/8/2015 trên trang 4 Giấy chứng nhận góp vốn cho Công ty TNHH Vina Alliance.
Quyết định nêu rõ, lý do thu hồi đất là vi phạm pháp luật khi chuyển nhượng 30.927 m2 nêu trên không xin phép Thủ tướng Chính phủ theo kết luận thanh tra số 966/KL-TTCP ngày 20/9/2022 của Thanh tra Chính phủ, được Thanh tra Chính phủ thông báo công khai tại thông báo số 1871/TB-TTCP ngày 20/10/2022 về chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Vinataba. Căn cứ thu hồi theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 về đất không được chuyển nhượng, tặng cho.
UBND TPHCM yêu cầu UBND phường 4 (quận 5, TPHCM) có trách nhiệm giao quyết định thu hồi cho Công ty TNHH Vina Alliance. Nếu Công ty TNHH Vina Alliance không nhận quyết định này hoặc vắng mặt thì lập biên bản, niêm yết quyết định này tại trụ sở UBND phường 4.
Công ty TNHH Vina Alliance, Vinataba phải chấp hành bàn giao khu đất thu hồi nêu trên cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM tiếp nhận, quản lý theo quy định. Đồng thời, bàn giao bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T00112/1a cho Sở Tài nguyên Môi trường quản lý.
Sau khi thu hồi, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM phải chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính theo quy định. Phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất phương án sử dụng đất, trình UBND TPHCM xem xét.
Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM được giao rà soát, đề xuất xử lý đối với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cấp cho Công ty TNHH Vina Alliance và giấy đăng ký doanh nghiệp đã cấp cho Vinataba có liên quan đến địa chỉ trụ sở hoạt động và địa điểm đầu tư dự án.
Giải pháp nào ngăn chặn việc chuyển nhượng trái phép đất đai công sản?
Mặc dù pháp luật đã có nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến quản lý sử dụng tài sản công, trong đó đặc biệt là quy định về quản lý, khai thác sử dụng đất đai công sản. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, qua công tác thanh kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều khu đất công bị chuyển nhượng trái phép. Đặc biệt, cơ chức năng đã phanh phui nhiều vụ án tham nhũng lớn liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công gây thất thoát tài sản nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Điển hình như: Vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); Vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai; lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải quân liên quan đến đất số 7 - 9 Tôn Đức Thắng (Q.1, TP Hồ Chí Minh); Vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri); vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai, liên quan đến việc giao "đất vàng" ở Nha Trang cho doanh nghiệp tại Trường Chính trị Khánh Hòa để làm dự án BT…
Hay như vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh (có diện tích rộng gần 5.000 m2). Khu đất “vàng” này đã được Ban chỉ đạo sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh giao Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh lập thủ tục bán đấu giá và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Trong quá trình triển khai thực hiện, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), Công ty CP đầu tư Lavenue và Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm đã được giao triển khai Dự án khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Điều đáng nói là cả hai đơn vị này đều là “pháp nhân vừa thành lập” hoặc “đơn vị chưa hề tham gia bất cứ dự án nào” và việc giao khu đất “vàng” hoàn toàn không thông qua tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, không thẩm định giá tài sản, không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Sai phạm nghiêm trọng của ông Nguyễn Thành Tài và các đồng phạm đã gây thiệt hại tài sản của Nhà nước với số tiền lên tới 2.554 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong vụ án “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Sabeco liên quan đến dự án Sài Gòn Mê Linh Tower trên khu đất “vàng” ở địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TP Hồ Chí Minh), được sự tiếp sức của ông Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), Sabeco đã xây dựng thành công kịch bản: Góp vốn thành lập Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl để làm chủ đầu tư dự án và hưởng ưu đãi thuê đất tới 50 năm trả tiền một lần để thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Đến giữa năm 2016, khi có chủ trương thoái vốn của Nhà nước, Sabeco đã lập tức thoái vốn bán toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ cho các cổ đông sáng lập khác… Và sau 1 năm, kể từ khi bỏ ra 92 tỷ đồng tiền mặt và quyền sử dụng đất khu đất “vàng” có giá trị ghi sổ tới 1.237 tỷ đồng để đảm bảo tỷ lệ góp vốn (26%) vào Sabeco Pearl, Sabeco đã thu về được số tiền 195 tỷ đồng.
Nghiên cứu những vụ trên, chúng tôi nhận thấy rất nhiều thủ đoạn cấu kết tinh vi giữa doanh nghiệp và những quan chức có thẩm quyền trong hoạt động quản lý sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đấu thầu, đấu giá, mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… nhằm biến tài sản công thành tư, làm thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.
Đáng chú ý, những bất cập về thiếu minh bạch, thiếu quy định giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện thẩm định, định giá không sát giá thị trường… là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách nhà nước khi chuyển quyền sử dụng đất từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân thông qua cổ phần hóa, đấu thầu, đấu giá,… Những lỗ hổng này có thể thấy rõ qua vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Sabeco khi đơn vị này đã hợp thức hóa bởi bảng giá trị thẩm định của doanh nghiệp thẩm định giá Cushman&Wakefield – một trong số 03 đơn vị được thuê có chức năng thẩm định giá, đã đưa ra giá trị thẩm định cao nhất để chuyển khu đất “vàng” có giá trị hơn 1.300 tỷ (tính cả tiền góp vốn và giá trị định giá đất) về tay tư nhân mà chỉ thu về số tiền thu 195 tỷ đồng…
Từ thực tiễn công tác tố tụng những vụ án tham nhũng lớn liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công thời gian qua, cơ quan bảo vệ pháp luật đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật liên quan, trong đó có Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi),… đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ Năm vừa qua và tới đây là nhiều đạo luật liên quan khác… Các luật sửa đổi bổ sung mới sẽ tạo lập hành lang pháp lý chặt chẽ, hiệu quả hơn trong hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công.
Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng để ngăn chặn những tiêu cực trong quản lý sử dụng đất công trong thời gian tới, không chỉ hoàn thiện chính sách pháp luật đã đủ mà cần phải có những biện pháp song song khác. Bởi dù pháp luật có kín kẽ đến mấy thì cũng rất khó để ngăn chặn hết được những đối tượng liều lĩnh, cố tình vi phạm pháp luật để thu lợi bất chính. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm phải ban hành cơ chế kiểm soát quyền lực của quan chức, đặc biệt kiểm soát cho được quyền lực của những quan chức có quyền quyết định những vấn đề liên quan đến chính sách quản lý đất đai công sản. Thường xuyên giám sát kiểm tra, luân chuyển cán bộ nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ tiêu cực trong hoạt động quản lý sử dụng đất đai.
Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động giám sát của xã hội, của các tổ chức xã hội đối với hoạt động quản lý sử dụng tài sản công, trong đó có việc quản lý, khai thác sử dụng đất đai công sản, đặc biệt, cần có quy chế cụ thể rõ ràng quản lý, khai thác sử dụng nhà, đất công để chấm dứt tình trạng quan chức cấu kết với doanh nghiệp “sân sau”, doanh nghiệp “thân hữu” tư lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước, nhân dân.
Cuối cùng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; pháp luật hình sự… theo hướng tăng nặng các chế tài pháp lý, chế tài hình sự, bảo đảm tính nghiêm khắc và đủ sức răn đe hơn nữa đối với các hành vi vi phạm.
Trần Hơn
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ngan-chan-viec-chuyen-nhung-trai-phep-dat-dai-cong-san-can-nhieu-giai-phap-dong-bo-a257839.html