Đối với các ngân hàng thương mại, vốn điều lệ là một trong những yếu tố quan trọng. Bởi lẽ vốn điều lệ bảo đảm cho sự an toàn trong hoạt động của ngân hàng, đồng thời là cơ sở để mở rộng việc kinh doanh của ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, hoạt động cấp tín dụng bị siết chặt, việc tăng vốn điều lệ là cấp thiết nhằm duy trì “sức khỏe” của ngân hàng thương mại.
Ảnh minh hoạ
Sự cấp thiết trong việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại
Để kiểm soát an toàn trong hoạt động, các ngân hàng thương mại phải bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn (CAR - Capital Adequacy Ratio). Luật Các tổ chức tín dung 2010 quy định ngân hàng thương mại phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ[1]. Tỷ lệ này được hướng dẫn bởi quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, trong đó vốn điều lệ là một trong các thành phần của tử số trong công thức tính, do đó, có thể nói việc tăng vốn điều lệ giúp ngân hàng tăng tỷ lệ an toàn vốn góp của ngân hàng. Ngoài ra, việc tăng vốn điều lệ cho phép ngân hàng có thể triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh của mình, đồng thời tăng sức chống chịu của ngân hàng khi xảy ra các rủi ro tài chính hoặc biến động kinh tế mang tính vĩ mô.
Trên thực tế, nhằm ứng phó với các thách thức trong giai đoạn mới cũng như nâng cao năng lực của các ngân hàng thương mại, trong các Quyết định số 412/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030 và Quyết định 689/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, Nhà nước đặt mục tiêu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu các ngân hàng thương mại giai đoạn 2021-2025 đạt 11-12%; đến năm 2030 duy trì tối thiểu 12%.
Các hệ số CAR trung bình áp dụng theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN hiện nay của nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước được ghi nhận ở mức 9,25%; nhóm ngân hàng không có vốn Nhà nước ở mức 11,50%[2]. Mặc dù trung bình của hệ số này đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tại Luật Các tổ chức tín dụng, nhưng so với các Đề án Quốc gia, tỷ lệ này mới đạt mức tối thiểu. Và khi so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, CAR của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn tương đối khiêm tốn. Thêm vào đó, tình hình suy thoái kinh tế ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của các doanh nghiệp, cá nhân làm tăng nợ xấu khiến các ngân hàng thương mại trong nước có xu hướng nâng cao vốn điều lệ nhằm tạo bộ đệm dày dặn để ứng phó với những khó khăn trên.
Từ những lý do trên, có thể thấy rằng, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại là nhu cầu cấp thiết. Điều này có thể thấy qua việc hoạt động tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại diễn ra rất sôi động trong năm 2023. Các ngân hàng thương mại có thể thực hiện hoạt động tăng vốn điều lệ thông qua các hình thức như: chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành ESOP, hay tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, chào bán thêm cổ phiếu,… Riêng đối với nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước, các chủ trương tăng vốn điều lệ cũng được thông qua[3]. Mặc dù vậy, hệ số CAR của các ngân hàng thương mại vẫn còn thấp, và xu hướng “chạy đua” tăng vốn điều lệ vẫn sẽ diễn ra trong các năm tới.
Một số rủi ro khi các ngân hàng “ chạy đua” tăng vốn
Ngoài tính cấp thiết cũng như mặt tích cực của việc tăng vốn điều lệ, việc ngân hàng ồ ạt “chạy đua” cho hoạt động này cũng sẽ dẫn tới một số rủi ro nhất định.
Thứ nhất, chạy đua tăng vốn có thể sẽ làm tăng rủi ro nợ xấu của ngân hàng. Khi vốn điều lệ được gia tăng, đồng nghĩa với việc quy mô hoạt động của ngân hàng cũng lớn hơn, hay nói cách khác, hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái như hiện nay, rủi ro từ việc gia tăng nợ xấu từ hoạt động kinh doanh sau khi đã mở rộng quy mô là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Không những vậy, để thu hút đầu tư, ngân hàng phải tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE - Return On Common Equity), vì so với tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA – Return On Total Assets) thì ROE được xem là dễ để điều chỉnh hơn. Việc giữ cho ROE tăng (hoặc ít nhất là không giảm) trong khi hệ số an toàn vốn phải tăng là điều không hề đơn giản đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng quy mô nhỏ. Do đó, cuộc chạy đua tăng vốn điều lệ có thể dẫn đến nhiều giao dịch tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu bị che giấu hoặc các chỉ số an toàn bị thay đổi bởi các ngân hàng.
Ảnh minh hoạ
Thứ hai, việc tăng vốn điều lệ cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng có thể tiếp nhận thêm các nhà đầu tư mới hoặc gia tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư hiện hữu. Đây cũng là một bài toán đặt ra cho các ngân hàng hiện nay, khi mà tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng vẫn đang là đề tài nóng hổi. Do đó, dù việc tăng vốn được thực hiện dưới hình thức nào, phát hành cổ phiếu riêng lẻ hay cho cổ đông hiện hữu/ESOP thì câu chuyện về tỷ lệ sở hữu, nguồn gốc dòng vốn cũng là vấn đề mà các ngân hàng cần đặc biệt lưu tâm.
Một số giải pháp để bảo đảm an toàn khi ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ
Mặc dù vẫn còn một số rủi ro tiềm ẩn, tuy nhiên việc tăng vốn điều lệ vẫn là một yêu cầu gần như bắt buộc đối với các ngân hàng để đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của mình. Do đó, để bảo đảm an toàn cho toàn hệ thống khi các ngân hàng tăng vốn điều lệ, ở góc độ của cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước cần tính đến một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần bảo đảm các ngân hàng thương mại thực hiện đúng các quy định về phân loại nợ xấu và trích lập cho các khoản nợ xấu. Để thực hiện được giải pháp này, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, giám sát hoạt động của ngân hàng thương mại phải tăng cường vai trò trong việc kiểm tra, thanh tra tính tuân thủ của các ngân hàng thương mại khi thực hiện các quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ, chính sách dự phòng rủi ro. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại.
Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung các quy định vào Luật Các tổ chức tín dụng để hạn chế tình trạng sở hữu chéo. Để giải quyết tình trạng này, giải pháp được đưa ra là cần tăng cường sự minh bạch trong việc sở hữu cổ phần trong tổ chức tín dụng, hạn chế sự chi phối của người liên quan của tổ chức tín dụng. Các giải pháp trên phải được cụ thể hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản dưới luật, có thể theo hướng mở rộng phạm vi quy định đối tượng là người có liên quan, người nội bộ, hoặc giảm giới hạn cấp tín dụng đối với người liên quan, người nội bộ, quản lý cấp cao của các tổ chức tín dụng.
Thứ ba, cơ quan quản lý cũng cần bổ sung quy định và tiến hành kiểm tra thường xuyên các ngân hàng thương mại để hạn chế tình trạng đứng tên hộ cho phần vốn tại các ngân hàng, quy định của pháp luật cũng cần tính đến các biện pháp để truy xuất nguồn tiền góp vốn, bảo đảm nguồn tiền này không đến từ các nhà đầu tư hiện hữu của ngân hàng.
[1] Điểm b Khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
[2] https://bit.ly/47ohtI0 (truy cập ngày 13/12/2023)
[3] https://vtv.vn/kinh-te/ngan-hang-nha-nuoc-trinh-phuong-an-tang-von-dieu-le-cho-big-4-20231024094914188.htm (truy cập ngày: 14/12/2023)
Luật sư Nguyễn Văn Phúc; Vũ Trung Thành (Công ty Luật TNHH HM&P)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tang-von-dieu-le-ngan-hang-thuong-mai-mot-so-van-de-dat-ra-duoi-goc-nhin-phap-ly-a257786.html